‘Squid Game’ đời thực: Cuộc chiến sinh tử của người nghèo Hàn Quốc

Nhiều người nhìn thấy chính mình trong câu chuyện của các nhân vật. “Sự khác biệt duy nhất là sẽ không có tiền thưởng ngay cả khi tôi giành chiến thắng”, một khán giả cho biết.

‘Squid Game’ đời thực: Cuộc chiến sinh tử của người nghèo Hàn Quốc

Trong loạt phim ăn khách của Netflix, “Squid Game”, nhân vật chính, Seong Gi-hun, tham gia cuộc chiến sinh tử sau khi mắc nợ 400 triệu won, thất bại trong kinh doanh và mất việc tại một công ty sản xuất xe hơi.

Dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 và những thay đổi trong nền kinh tế, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ tại Hàn Quốc đang thấy mình không khác gì Seong, theo The Korea Times.

Nợ nần chồng chất

“Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, việc sa thải hàng loạt đã khiến những người từng là công nhân làm công ăn lương bắt đầu tự kinh doanh”, Ha Joon-kyung, giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học Hanyang ở Ansan, tỉnh Gyeonggi, cho biết.

Ông Ha nói rằng văn hóa làm việc theo thứ bậc của Hàn Quốc cũng thúc đẩy mọi người chuyển sang kinh doanh độc lập.

“Do hệ thống cấp bậc rất cứng nhắc trong các công ty, người lao động thường phải hứng chịu những lời dè bỉu vô cớ từ ông chủ của họ. Họ nghĩ rằng ‘Có lẽ tôi nên là ông chủ của chính mình'”, ông Ha giải thích lý do Hàn Quốc có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ.

“Gapjil” là một thuật ngữ tiếng Hàn dùng để chỉ hành vi độc đoán của một người nắm quyền đối với cấp dưới yếu thế hơn.

Nhưng dưới tác động của COVID-19, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ “thấm đòn” đầu tiên. Những người chủ rất nhanh rơi vào cảnh nợ nần chồng chất trước khi phá sản.

Những người tự đứng ra kinh doanh đang nắm giữ số nợ 858.400 tỷ won, tăng 3,7% so với năm ngoái. 10,9% trong số này được xếp vào nhóm “dễ bị tổn thương”, tức không có khả năng trả nợ đầy đủ.

Nợ nần chồng chất và không có khả năng trả là lý do khiến nhiều người thấy mình trong chính những nhân vật của “Squid Game”.

Họ nói rằng các trò chơi đẫm máu trong phim thật đáng sợ nhưng chúng vẫn chưa tệ hại bằng cuộc sống của những người vật vờ trong cảnh nợ nần chồng chất, bị đẩy xuống đáy xã hội.

Không có tiền thưởng ngay cả khi chiến thắng

Theo The Guardian, đạo diễn Squid Game Hwang Dong-hyuk đã tạo ra những nhân vật đầy tuyệt vọng. Những người hầu như không có cơ hội thoát ra khỏi hệ thống được thiết kế để nghiền nát tinh thần và tước bỏ mọi phẩm giá của họ.

“Ở ngoài kia cũng tồi tệ như ở đây”, các thí sinh đã nói khi được quyền lựa chọn đi tiếp hay dừng lại. Đó như một bản cáo trạng nhằm vào xã hội hiện đại.

Sự lạm dụng, bất công và tàn ác mà những người chơi “Squid Game” sẵn sàng chịu đựng (và gây ra cho người khác) càng trở thành thước đo cho mức độ lạm dụng, bất công và tàn nhẫn của thế giới thực.

Bối cảnh của “Squid Game” là sự bất bình đẳng xã hội, chênh lệch giàu nghèo rất thực tế của Hàn Quốc ngày nay.

Đề tài không mới vì từng được phản ánh qua hàng loạt tác phẩm truyền hình lẫn điện ảnh của xứ kim chi như Parasite (2019), Burning (2018), Veteran (2015), Insiders (2015), Sky Castle (2018), The Penthouse (2020-2021)…

Tuy nhiên, theo Jeong Deok-hyeon, một nhà phê bình văn hóa đại chúng, “Squid Game” có cách khai thác mới mẻ, tàn bạo hơn.

Các nhân vật trong bộ phim sống hay chết không phải vì lựa chọn của họ đúng hay sai. Họ bị điều khiển bởi những thế lực bên ngoài trò chơi và cả sự may rủi.

“Tương tự, xã hội chúng ta đang sống cũng như vậy. Các quy tắc rất đơn giản, và có kẻ thắng người thua. Nhưng vấn đề không phải là ai thắng ai thua mà là kẻ thắng sẽ giành lấy tất cả còn người thua cuộc thì chẳng còn gì”, Jeong nói.

Trên một diễn đàn của nền tảng tìm kiếm hàng đầu Hàn Quốc, Naver, nhiều khán giả cho biết họ không thể rời mắt khỏi bộ phim.

“Nó mô tả chi tiết cảm giác của một người khi đang ở bên bờ vực”, một người viết.

Một người khác nói rằng anh ta cảm thấy mình cũng đang tham gia trò chơi sinh tử.

“Sự khác biệt duy nhất là sẽ không có tiền thưởng ngay cả khi tôi giành chiến thắng”, người này bình luận.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,