⠀
Sinh thái học đô thị: Ngành khoa học vì sự bền vững của đô thị
Sinh thái học đô thị (STHĐT) sau gần 90 năm phát triển đã trở thành một lĩnh vực khoa học liên ngành, tích hợp sinh thái – địa lý – quy hoạch và khoa học xã hội. Chất lượng cuộc sống con người là trọng tâm chính của các dự án phát triển bền vững đô thị. Do đó, nội dung chính của STHĐT tập trung nghiên cứu chủ yếu vào các khía cạnh: Đa dạng sinh học, quá trình sinh thái và các dịch vụ hệ sinh thái trong mối liên hệ với cảnh quan đô thị.
Tác giả: Nguyễn Văn Long – Đại học Nông Lâm TP.HCM; Châu Minh Khải – Đại học Cần Thơ; Nguyễn Hoàng Linh – NCS tại Đại học Đông Nam, Trung Quốc.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc số 11-2017.
Trong hơn một thập niên đầu tiên của thiên niên kỉ mới, con người đã chứng kiến những sự kiện đột biến trên toàn thế giới, về những gì mà tác giả người Mỹ gốc Lebanon Nassim Nicholas Taleb đã đề cập, được gọi là hiện tượng “Thiên Nga Đen”, tức những sự kiện hiếm hoi và khó dự báo, tác động khắc nghiệt và ảnh hưởng sâu sắc trên toàn thế giới. Trận động đất và sóng thần tại Ấn Độ Dương (2004), bão Katrina (2005), động đất tại Tứ Xuyên (2008), thảm họa miền Đông Nhật Bản (2011), cơn bão Sandy (2012), hiện tượng lũ lụt tại miền trung Việt Nam (2016) và cơn bão Harvey (2017) ở vùng Đông Nam Texas… chỉ là một trong số những hiện tượng của “Thiên Nga Đen”. Khi thế giới ngày càng bị đô thị hóa nhanh chóng và sự kết nối giữa các thành phố trở nên phức tạp, hiện tượng “Thiên Nga Đen” xuất hiện thường xuyên khiến điều kiện xã hội và sinh thái trong đô thị vốn đã phức tạp lại trở nên tồi tệ hơn, trở thành mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại – an toàn – sức khỏe và phúc lợi của loài người.
Đối mặt với những thách thức này, thế giới vẫn đang tìm kiếm và mong muốn có được những hành động – giải pháp nhằm đem lại những kết quả và hiệu ứng mong đợi cho chiến lược phát triển bền vững đô thị. Gần đây, nhiều khung lý thuyết và ứng dụng thực tế được đề xuất đã chứng minh về khả năng đem lại kết quả tích cực. Ví dụ, các khung lý thuyết: Khoa học bền vững (Kates, 2001), khoa học thích ứng (Vogel, Moser, Kasperson & Dabelko, 2007), vật lý địa cầu (Rockstrom, 2009), sinh thái học đô thị (STHĐT) (Mostafavi & Doherty, 2010) và chu kỳ mở của thiết kế sinh thái (Pickett & Cadenasso, 2008). Tương lai của nhân loại nằm ở chính các thành phố. Các thành phố bền vững có thể là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho một quốc gia phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy STHĐT có thể và cần phải đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi theo chiều hướng bền vững.
Tiến trình phát triển các quan điểm và cách tiếp cận về STHĐT. Đường nét đứt có độ đậm nhạt khác nhau thể hiện mối quan hệ và độ ảnh hưởng của các phương pháp tiếp cận. Nguồn: Trình bày theo sơ đồ tiến trình phát triển các quan điểm và cách tiếp cận về STHĐT của Wu (2014).
Bài viết cung cấp một cái nhìn tổng quan về STHĐT từ góc độ cảnh quan, trong đó khu vực đô thị được coi là hệ thống không đồng nhất về không gian giữa con người và môi trường – tức là cảnh quan đô thị. Mặt khác, các khu vực đô thị không những không đồng nhất về không gian mà hệ thống thích nghi còn rất phức tạp. Do đó, quỹ đạo phát triển của các thành phố, dù khó có thể được dự đoán hoặc kiểm soát chặt chẽ, nhưng cần được uốn nắn thông qua các hoạt động quy hoạch – thiết kế dựa trên kiến thức sinh thái và các nguyên tắc bền vững. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để những ý tưởng, chiến lược và phương pháp trong tiếp cận về STHĐT có thể trở thành hành động thực tế và đạt hiệu quả lâu dài? Đó là những vấn đề chúng ta sẽ tiếp cận nhằm phát hiện và xây dựng nên những hiểu biết mới về STHĐT trong thực hành quy hoạch cảnh quan và đô thị.
Lịch sử và quan điểm về sinh thái học đô thị
1. Khởi đầu của sinh thái học đô thị
STHĐT ban đầu được phát triển với vai trò là một phần của sinh thái học nhân văn (STHNV) vào những năm 1920 bởi một nhóm nhỏ các nhà xã hội học tại Đại học Chicago (khoa xã hội học và STHNV của trường Chicago). Các nhà nghiên cứu chủ chốt bao gồm: Robert E. Park (1864-1944), Ernest W. Burgess (1886-1966), Roderick D. McKenzie (1885-1940), và Amos H. Hawley (1910-2009). Park, Burgess & McKenzie (1925) đã định nghĩa: “STHĐT là việc nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường đô thị”, môi trường đô thị ở đây chủ yếu là lĩnh vực thuộc STHNV của thành phố. STHNV được coi là “Một trong những lĩnh vực lâu đời nhất của chuyên ngành xã hội học” và STHĐT đôi khi được sử dụng lẫn với STHNV. Khi xem xét sự tiến bộ trong STHĐT, Wilson (1984) cho biết: “Sinh thái học đô thị không phải là một lĩnh vực riêng biệt trong xã hội học mà là một trụ cột kiến thức về môi trường đô thị xuất phát từ việc áp dụng bộ khung STHNV làm tham chiếu”. Sự xuất hiện và phát triển của STHĐT đã diễn ra trong khoảng thời gian khi những ý tưởng sinh thái và xã hội học chịu ảnh hưởng lẫn nhau, thường thông qua sự tương tác chặt chẽ giữa các học giả nổi tiếng trong cả hai lĩnh vực này.
Trong thời kỳ đầu của STHĐT, các nhà khoa học đã áp dụng các khái niệm về logic sinh thái như: Cạnh tranh (competition), xâm chiếm (invasion), ưu thế (dominance) và diễn thế (succession) vào nghiên cứu về tổ chức xã hội và không gian địa lý tại các thành phố. Trào lưu áp dụng lý thuyết và khái niệm sinh thái vào nghiên cứu xã hội không chỉ dừng lại trong phạm vi Hoa Kỳ, mà còn phát triển ở châu Âu, châu Á và châu Phi. Theo Berry & Kasarda (1977), phương pháp tiếp cận STHĐT là “Một trong những trường phái đáng tin cậy và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong nền xã hội học Mỹ” trong suốt những năm 1930 tới 1940, nhưng đến những năm 1950 thì gần như mất tích. Nhiều học giả đã nỗ lực làm sống lại phương pháp tiếp cận này bằng cách mở rộng nội hàm và các khái niệm của nó. Một trong những nỗ lực đó là cuốn sách kinh điển của Hawley (1950) với tiêu đề “Human ecology: A theory of community structure” đã cung cấp một lý thuyết thống nhất về STHNV.
Tiếp nối và phát huy truyền thống của trường Đại học Chicago, Berry & Kasarda (1977) đã đưa cách tiếp cận STHĐT đương đại vào nghiên cứu đô thị. Trong đó, nội dung liên quan tới một số lĩnh vực khoa học xã hội khác như: Xã hội học đô thị, địa lý học đô thị, sinh thái học xã hội, STHNV, thành phố và quy hoạch vùng. Cách tiếp cận này bao trùm một hệ thống phân cấp không gian – xã hội ở nhiều cấp độ, từ khu phố – thành phố – vùng đô thị. Ngược lại với STHNV truyền thống chủ yếu dựa vào “cạnh tranh là cơ sở của tổ chức xã hội” và loại trừ “các yếu tố văn hóa và những động lực trong việc giải thích các mô hình sử dụng đất”, “STHĐT đương đại” nhấn mạnh “sự phụ thuộc lẫn nhau” theo nghĩa “cộng sinh và hội sinh” của các nhân tố trong tổ chức đô thị. Ngày nay, phương pháp tiếp cận xã hội học trong STHĐT vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Cụ thể hơn, hệ thống chính trị và thể chế ảnh hưởng thế nào đến các mô hình không gian – thời gian của quá trình đô thị hóa đang ngày càng trở thành một vấn đề nghiên cứu trung tâm trong lĩnh vực khoa học xã hội.
2. Những thay đổi về quan điểm sinh thái học đô thị
Các khái niệm và quan điểm khác nhau về STHĐT đã được phân loại thành “sinh thái trong thành phố” (ecology in cities – tập trung chủ yếu vào các sinh vật không phải con người trong môi trường đô thị) và “sinh thái của thành phố” (ecology of cities – coi toàn thành phố là một hệ sinh thái riêng biệt). Trong quan điểm về phát triển bền vững đô thị, Wu (2014) đã đưa ra một loại STHĐT khác, đó là “bền vững đô thị” – được định nghĩa là một quá trình thích nghi nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi và duy trì một chu kỳ đúng đắn giữa các dịch vụ hệ sinh thái và cuộc sống của con người. Quá trình này thông qua các hành động phối hợp giữa sinh thái – kinh tế – xã hội để thích ứng với những thay đổi trong và ngoài cảnh quan đô thị. Cả ba quan điểm trên có phương pháp tiếp cận STHĐT riêng biệt nhưng đều có mối liên quan với nhau (Hình 1). Những thay đổi trong quan điểm về STHĐT được trình bày theo trật tự như sau:
- Trước tiên, các phương pháp tiếp cận dựa trên STHNV (hay xã hội học đô thị) dựa trên tìm hiểu hành vi của con người và những tổ chức xã hội tại các thành phố dựa trên lý thuyết và khái niệm vay mượn từ sinh thái học.
- Thứ hai, phương pháp sinh thái học – sinh học tập trung nghiên cứu sự phân phối và sự phong phú của động thực vật trong và xung quanh thành phố.
- Thứ ba, phương pháp tiếp cận hệ thống đô thị hoặc phương pháp tiếp cận STHNV, cả hai đều coi thành phố là một hệ sinh thái, bao gồm cả các thành phần tự nhiên và kinh tế xã hội.
- Thứ tư, phương pháp tiếp cận cảnh quan đô thị coi khu vực đô thị là các hệ thống động lực học đám sinh cảnh đa quy mô không đồng nhất về không gian. Dựa trên các lý thuyết và phương pháp trong sinh thái học cảnh quan, phương pháp này tập trung vào mối quan hệ giữa các mô hình đô thị hóa và các quá trình sinh thái.
- Thứ năm, là cách tiếp cận bền vững đô thị mới nổi gần đây, coi các thành phố là hệ thống lồng ghép giữa con người với môi trường, hay hệ thống xã hội – sinh thái, nhấn mạnh ngày càng nhiều vào mối quan hệ giữa các dịch vụ hệ sinh thái và chất lượng cuộc sống của con người trong khu vực đô thị.
Các nghiên cứu về sinh thái học khi bàn về các vấn đề rộng lớn trong lĩnh vực cảnh quan thực chất cuối cùng đều phải giải quyết các câu hỏi về tính bền vững. Tuy nhiên, vẫn chưa có một định nghĩa chung nào về bền vững đô thị. Maclaren (1996) lưu ý rằng các thuật ngữ “bền vững đô thị” (urban sustainability) và “phát triển đô thị bền vững” (sustainable urban development) có liên quan chặt chẽ và thường được sử dụng thay thế cho nhau. Maclaren cũng nói thêm rằng bền vững đô thị đề cập đến “một tình trạng mong muốn hoặc tập hợp các điều kiện vẫn tồn tại theo thời gian”, còn phát triển đô thị bền vững ngụ ý “một quá trình có thể đạt được bền vững”. Một số các nhà khoa học cũng như một số các nhà quy hoạch đều tin rằng khái niệm bền vững nhấn mạnh việc duy trì nguyên trạng hoặc trạng thái ổn định tĩnh, nhưng đây là một quan niệm sai lầm. Dựa theo một số báo cáo thì: “Phát triển bền vững là một quá trình thay đổi. Trong đó, việc khai thác tài nguyên, định hướng các khoản đầu tư – phát triển công nghệ – thay đổi thể chế đều phải hài hòa và tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu – khát vọng của con người ở cả hiện tại và tương lai” (WCED, 1987). Bền vững đô thị có thể hiểu là tập hợp các điều kiện động để đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai trong một khu vực đô thị, nhưng về cơ bản, bền vững đô thị là một quá trình thích ứng liên tục để đạt được và duy trì các điều kiện đó. Ngày nay, bền vững đô thị và khả năng phục hồi của đô thị ngày càng được thảo luận nhiều hơn với vai trò bổ sung cho nhau trong nghiên cứu về phát triển bền vững đô thị.
3. Hướng tới một định nghĩa đơn giản về sinh thái học đô thị
Có thể nhận định rằng, ý nghĩa của thuật ngữ STHĐT đã được mở rộng và đa dạng hóa trong vài thập niên qua. Các nhà sinh thái học và một số các nhà khoa học liên quan khác đều đã cố gắng đưa ra định nghĩa STHĐT theo cách riêng của mình. Ví dụ, Rebele (1994) đã mô tả STHĐT là “một tiểu ngành của sinh thái học”, nghĩa là “có liên quan tới phân bố và sự phong phú của các loài động thực vật ở các thị trấn và thành phố”. Tương tự như vậy, Gaston (2010) đã định nghĩa STHĐT là “nghiên cứu khoa học về các quá trình tạo ra sự phân bố và phong phú của các loài sinh vật, nghiên cứu sự tương tác giữa các sinh vật với nhau và giữa sinh vật với môi trường sống trong sơ đồ năng lượng cùng vật chất thông qua các hệ sinh thái… trong hệ thống đô thị”. Từ quan điểm sinh thái cảnh quan, Luck & Wu (2002) đã mô tả STHĐT là việc nghiên cứu sự hiểu biết về “mối quan hệ giữa các mô hình không gian của đô thị hóa và các quá trình sinh thái tương ứng”. Alberti (2008) định nghĩa STHĐT là “việc nghiên cứu cách con người và các hệ sinh thái tiến hoá cùng nhau trong khu vực được đô thị hóa”. McDonnell (2011) cho rằng “STHĐT tích hợp cả nghiên cứu khoa học cơ bản (tức là nền tảng) và ứng dụng (ví dụ như vấn đề định hướng phát triển) của tự nhiên và xã hội vào việc tìm hiểu và làm sáng tỏ nhiều khía cạnh của hệ sinh thái đô thị”. Ngược lại, trong lý thuyết quy hoạch đô thị thì “STHĐT tập trung vào thiết kế môi trường sao cho phù hợp với con người và tác động ít nhất tới môi trường ở các khu vực đô thị”.
Mỗi định nghĩa đều nêu lên một số khía cạnh nhất định của STHĐT, từ các thành phần sinh thái học – sinh học đến vấn đề phát triển bền vững đô thị. Nhìn chung, STHĐT đương đại bao gồm ba thành phần nghiên cứu chính đã được tích hợp đa dạng hơn trong vài thập kỷ qua (Hình 2). Theo đó, STHĐT có thể được định nghĩa “là việc nghiên cứu các mô hình không gian – thời gian, các tác động về môi trường và tính bền vững của đô thị hóa, nhấn mạnh vào đa dạng sinh học, các quá trình sinh thái và các dịch vụ hệ sinh thái”.
Các quá trình kinh tế xã hội và thực hành quy hoạch đô thị có ảnh hưởng sâu sắc tới các mô hình đô thị hóa và do đó góp phần (cùng với nhiều yếu tố khác) tạo thành yếu tố cốt lõi của STHĐT. Định nghĩa rộng hơn này bao gồm các quan điểm về “sinh thái trong thành phố”, “sinh thái của thành phố”, và “bền vững đô thị”. STHĐT tương đương (nhưng vẫn có điểm khác biệt) với “khoa học bền vững đô thị” (trong đó khoa học bền vững đô thị tập trung vào chất lượng cuộc sống con người và phụ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái). Khoa học bền vững đô thị bao hàm STHĐT, nhưng là một lĩnh vực nghiên cứu rộng hơn. Trong đó, các dịch vụ hệ sinh thái với vai trò là cung cấp các lợi ích mà con người có được từ đa dạng sinh học và các chức năng của hệ sinh thái, cung cấp mối liên kết chính giữa STHĐT và bền vững đô thị.
Hướng tới một mô hình phát triển đô thị bền vững
Các nghiên cứu sinh thái đô thị hiện tại đã đề xuất một mô hình phát triển lấy bền vững làm trung tâm. Mô hình này tích hợp các quan điểm nghiên cứu trước đó và xác định bền vững là mục tiêu cuối cùng của các nghiên cứu về thành phố, một mục tiêu không thể đạt được nếu chỉ dựa vào lý thuyết truyền thống hoặc cách tiếp cận đơn lẻ. Mô hình phát triển bền vững đô thị chỉ mới bắt đầu được hình thành, nền tảng lý thuyết và nguyên tắc hoạt động của mô hình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, một số điểm nổi bật của mô hình phát triển đô thị bền vững mới nổi này ngày càng trở nên rõ ràng trong vài năm trở lại đây.
Thứ nhất, các nghiên cứu STHĐT gần đây ngày càng đi theo quan điểm cảnh quan. Tất nhiên, các nhà quy hoạch đô thị cũng như các nhà địa lý học luôn coi thành phố là một cảnh quan có nhiều đám sinh cảnh, các hành lang và ma trận. Nhưng đối với hầu hết các nhà sinh thái học khác, nghiên cứu thành phố theo không gian hoặc lựa chọn cảnh quan đô thị làm địa điểm nghiên cứu còn tương đối mới. Quan điểm cảnh quan đô thị có một số lợi ích, một trong số đó là cung cấp một nền tảng chung, tức dùng nền tảng cảnh quan cho các nhà sinh thái học, nhà địa lý, các nhà khoa học xã hội, nhà quy hoạch và các kỹ sư cùng nhau “tạo hình cho đất, để thiên nhiên và con người đều phát triển thịnh vượng lâu dài” (Forman, 2008).
Thứ hai, lĩnh vực STHĐT ngày càng trở nên xuyên ngành về mục tiêu (theo định hướng bền vững), phương pháp (cả khoa học tự nhiên và xã hội), thành phần tham gia (các nhà khoa học, những người trong ngành, các nhà ra quyết định và các bên liên quan khác). Đây dường như là một hệ quả tất yếu khi ngành học này chuyển đổi mục tiêu sang bền vững đô thị về cả lý thuyết lẫn thực hành. Quan điểm cảnh quan chắc chắn đã tạo điều kiện cho sinh thái học đô thị phát triển xuyên ngành như hiện nay.
Thứ ba, các dịch vụ hệ sinh thái và mối quan hệ của chúng với chất lượng cuộc sống con người đã trở thành trọng tâm chính của các nghiên cứu sinh thái đô thị hiện nay. Bởi các dịch vụ hệ sinh thái và mối quan hệ của chúng với xã hội là những thành phần thiết yếu cho phát triển bền vững. Nếu không đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người thì dịch vụ hệ sinh thái sẽ không còn là dịch vụ nữa; và nếu không liên quan tới dịch vụ hệ sinh thái thì đa dạng sinh học và các quá trình hệ sinh thái ở các thành phố có lẽ sẽ không bao giờ nhận được sự chú ý từ các nhà sinh thái học cũng như giới khoa học.
Thứ tư, trong suốt thập kỷ qua, ngày càng xuất hiện nhiều khuôn khổ phục vụ nghiên cứu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đô thị. Ví dụ, khuôn khổ hệ sinh thái nhân văn (Pickett & Cadenasso, 2006), khuôn khổ thứ bậc động lực đám sinh cảnh (Wu & David, 2002; Zipperer 2000), khuôn khổ khả năng phục hồi đô thị (Cumming, 2013), khuôn khổ kiến trúc cảnh quan bền vững (Turner, 2010), khuôn khổ bền vững cảnh quan (Musacchio, 2009) và khuôn khổ hệ thống xã hội – sinh thái đô thị (Grimm 2013). Do bền vững đô thị là một chủ đề xuyên ngành mới và vô cùng phức tạp, nên sẽ rất khó tiếp cận nếu không có một khuôn khổ chung hướng dẫn. Tuy nhiên, đáng mừng là hầu hết các khuôn khổ dường như đều hội tụ về một vài khái niệm và lý thuyết cơ bản như: Các dịch vụ hệ sinh thái, khả năng phục hồi và phát triển bền vững… Điều này chỉ ra rằng các khuôn khổ hiện tại có thể hợp lại và thậm chí phát triển thành khuôn mẫu toàn diện hơn, gắn kết và hoạt động tốt hơn, đây là vấn đề cấp thiết để ngành STHĐT có thể phát triển vững mạnh hơn nữa.
Thứ năm, do quy hoạch và thiết kế đã trở thành một thành phần ngày càng quan trọng trong mô hình đô thị bền vững, nên phương pháp quy hoạch và thiết kế thích nghi với môi trường là một cách tiếp cận thực nghiệm theo chiều dọc đang trên đà phát triển hiện nay. Đây là một hướng đi được đánh giá là hay và đầy hứa hẹn, vì lý do đơn giản: Chúng ta sẽ không đạt được phát triển đô thị bền vững nếu thiết kế không dựa trên các yếu tố: Môi trường, xã hội và kinh tế. Đô thị hóa đến nay vẫn là một “thí nghiệm thay đổi cảnh quan ở quy mô lớn không được quy hoạch” (Niemela, 2011). Vấn đề này cần được kiểm soát và bài học quan trọng về cách xây dựng các thành phố bền vững có thể rút ra từ kinh nghiệm của các thí nghiệm thiết kế và quy hoạch trong quá khứ này.
Khái niệm ba thành phần trong STHĐT đương đại, thể hiện sự tương tác giữa các mô hình không gian – thời gian, tác động môi trường – kinh tế – xã hội và tính bền vững của đô thị hóa trong nghiên cứu về các thành phố, khiến cho STHĐT trở thành một ngành khoa học thực sự liên ngành và xuyên ngành, tích hợp nghiên cứu với thực tiễn. Nguồn: Quan điểm STHĐT của Wu (2014).
Kết luận
STHĐT khởi đầu với vai trò là một phần của STHNV hay xã hội học vào những năm 1920, các nhà sinh thái học – sinh học đã bắt đầu phát triển STHĐT theo những cách riêng của họ sau giai đoạn cuối những năm 1940. Cho đến vài thập niên gần đây, các quan điểm khác nhau về STHĐT đã bắt đầu được hợp nhất và tích hợp. STHĐT đã trưởng thành và hiện nay được coi là vấn đề chủ đạo trong hệ sinh thái. Không có thành phố nào là bền vững nếu không có các dịch vụ hệ sinh thái, cảnh quan. Hoặc nói cách khác, khu vực đô thị có thể tăng khả năng bền vững nếu thiết kế, quy hoạch và quản lý hợp lý. Để đạt được mục tiêu này thì việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu tác động của các yếu tố bên ngoài, phát huy tối đa khả năng tái sinh bên trong, cân bằng giữa các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau là rất quan trọng. Robert E. Park cho rằng: “Thành phố và môi trường đô thị thể hiện sự thống nhất của con người để cho thế giới mà con người đang sống tốt đẹp hơn cả mong đợi. Nhưng nếu thành phố là một thế giới nhân tạo thì thế giới đó không đáng sống” (Park, 1929).
Ngày nay, chúng ta có thể coi thành phố là một phòng thí nghiệm trung tâm cho các tương tác của con người với môi trường và coi đô thị hóa là một thử nghiệm toàn cầu về phát triển bền vững. Chúng ta không biết thí nghiệm này sẽ mang lại kết quả ra sao, nhưng chúng ta biết ý nghĩa của kết quả đó: Nó sẽ quyết định số phận của loài người. Do đó, STHĐT phải lấy bền vững làm cốt lõi khoa học và là mục tiêu cuối cùng. Thực tế này đang diễn ra, nhưng cuộc hành trình chỉ vừa mới bắt đầu.
Thao TẠP CHÍ KIẾN TRÚC
Tags: Phát triển bền vững, Đô thị, Sinh thái học