‘Sập gụ, tủ chè’: Thứ quan niệm lỗi thời tiếp tay cho thảm nạn phá rừng

Mỗi người tiêu dùng đồ gỗ nên đặt câu hỏi với chính mình rằng, có nhất thiết phải mua những món đồ hoành tráng làm từ gỗ quý đắt tiền để thể hiện sự “oai” của mình?

Đến các làng nghề chế biến gỗ truyền thống, trong đó có Đồng Kỵ (Bắc Ninh), thấy các loại gỗ thuộc loại quý hiếm như trắc, cẩm lai, hương, mun sọc… được bày bán rất phổ biến. Hiện nhiều gia đình khá giả ở cả thành thị và nông thôn vẫn thích sử dụng những bộ bàn ghế, sập gụ, tủ chè làm từ gỗ có nguồn gốc tự nhiên, đặc biệt những loại gỗ quý hiếm. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cánh rừng nguyên sinh vẫn tiếp tục bị tàn sát.

Thời gian vừa qua, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) và Tổ chức Forest Trends đã tiến ngành khảo sát tình hình sử dụng gỗ nguyên liệu ở 5 làng nghề: Đồng Kỵ, Vạn Điểm, La Xuyên, Hữu Bằng, Liên Hà. Đây đều là những làng nghề sản xuất đồ gỗ truyền thống, được hình thành ít nhất từ 500 năm trở lên.

TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, gỗ quý hiếm nhóm 1A được sử dụng khá phổ biến. Tại làng Đồng Kỵ, nguyên liệu sử dụng: gỗ trắc chiếm 27%, gỗ gụ 12%, gỗ hương 49%, và 12% là các loại gỗ khác. Ở làng nghề Vạn Điểm, 51% gỗ gụ, 38% gỗ hương và 11% gỗ khác. Các loại gỗ: trắc, cẩm lai, mun sọc, giáng hương, gõ đỏ, ngọc nghiến… đều thuộc nhóm 1A theo phân loại của Nhà nước Việt Nam.

Đây là những loài cây có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường và giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trong điều 2 của Nghị định 32 của Chính phủ Việt Nam ban hành năm 2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quy định: “Đối với các loài thực vật thuộc nhóm 1A: nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại…”.

Điều tra cho thấy sự khác biệt về nhận thức, 3 trong số 5 làng nghề là La Xuyên, Đồng Kỵ, Hữu Bằng có từ 96-100% số cơ sở cho biết rằng họ không đáp ứng được các yêu cầu quản lý gỗ của nhà nước. Còn ở Vạn Điểm và Liên Hà, con số này lần lượt là 38,5% và 47,8%.

Với khách hàng, nhiều người mua loại đồ gỗ đắt tiền, chưa hẳn đã vì chúng bền hay đẹp, mà vì niềm tin tâm linh. Chẳng hạn với gỗ sưa, có người dám bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua đồ dùng bằng gỗ này chỉ vì tin rằng nếu để trong nhà thì quanh năm vượng khí, làm ăn phát đạt. Không ít người cho rằng, sở hữu các loại sản phẩm càng quý hiếm, càng khẳng định đẳng cấp của mình. Bởi thế họ không tiếc tiền, sẵn sàng bỏ ra cả hàng chục triệu, hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để sở hữu một số mặt hàng mà giới chơi đồ gỗ làm từ gỗ quý hiếm.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng: “Sẽ chẳng có gì tai hại khi chúng ta sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên, nếu nguồn gỗ này được khai thác một cách hợp pháp và bền vững. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn thói quen tiêu dùng không thân thiện với môi trường, khi họ mua những loại sản phẩm làm từ gỗ quý hiếm. Khi chúng ta mua bộ bàn ghế, giường ngủ, sập gỗ… hoặc thậm chí chỉ là đôi đũa làm từ gỗ quý hiếm, thì tức là chúng ta đã tác động gây suy kiệt những cánh rừng nhiệt đới – nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia.

Mỗi người tiêu dùng đồ gỗ nên đặt câu hỏi với chính mình rằng, có nhất thiết phải mua đồ làm từ gỗ đắt tiền? Xu hướng sử dụng các sản phẩm đồ gỗ từ rừng trồng và các loại ván ép đang gia tăng là giải pháp tốt nhất để cứu các cánh rừng tự nhiên. Bởi vậy, cần phải cải tiến công nghệ, nhằm gia tăng chất lượng cho các loại gỗ rừng trồng, sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nó tạo ra sản phẩm thay thế cho các loại gỗ rừng tự nhiên quý hiếm”.

Theo CHU KHÔI / BÁO NGƯỜI TIÊU DÙNG (2013)

Tags: , , ,