Sao bạn còn chưa tống hết đống sách ‘đắc nhân tâm’ ra khỏi nhà?

Phải chăng trước khi “được lòng người”, đầu tiên chúng ta nên trả lời câu hỏi: Ta là ai và tại sao ta lại cần phải “kiểm soát” được cảm xúc, suy nghĩ, hành động… của ai đó?

Sao bạn còn chưa tống hết đống sách ‘đắc nhân tâm’ ra khỏi giá sách?

“Đắc nhân tâm”

Tôi không hiểu các bạn thế nào, chứ giờ tôi phát sợ những cuốn sách dạy “Đắc nhân tâm”, vì nó quá đúng, quá chuẩn, nhưng cũng… quá không thể thực hiện được.

Hồi tôi còn nhỏ, mới đọc cuốn này, thấy “trời ơi, sao mà hay thế”. Mang sang hỏi bố (một siêu mọt sách), ông chỉ cười và bảo : “Loại sách này chỉ dành cho “độc giả bình dân” thôi, không dành cho người trí thức có hoài bão”. Mặt ngơ ra, không hiểu sao ông lại nói vậy.

Giờ lớn lên mới hiểu, với dân số 7 tỉ người, nếu ai cũng “được lòng người khác” với cách hành xử đúng như những cuốn sách này dạy, thì thế giới này sẽ không thể phát triển được, bởi lẽ nền tảng của sự phát triển chính là dựa trên sự nhận ra tiềm năng cá nhân của con người thông qua phản biện, đối kháng, thử thách. Thực tế là các vĩ nhân, nhất là trong khoa học, nghệ thuật, triết học … hầu hết đều có chút điên khùng, kỳ quặc, khác biệt, khó tính, khó chịu, với cách hành xử hầu như là vượt ra/bỏ qua khỏi mọi ranh giới ước lệ của đời sống xã hội.

Chưa kể rằng, loại sách này giống y như một chương trong một cuốn, có nhan đề: “Mật ngọt trong giao tiếp” – thường được viết một cách ngọt ngào và lôi cuốn, đầy sức thuyết phục với vô số câu chuyện thành công hoặc câu chuyện cảm động lòng người.

“Đắc nhân tâm” là cuốn sách đỉnh cao của dòng sách này, luôn nằm trong top bán chạy nhất toàn thế giới. Đây là cuốn sách phải nói là được viết cực khéo bởi một chuyên gia tâm lý, một nhà ngoại giao, chính trị có sừng có mỏ. Chắc chắn nếu bạn học theo nó, hành xử đúng như nó chỉ dẫn, thì bạn sẽ đạt được rất nhiều thành công trong giao tiếp, trong cuộc sống hay công việc làm ăn.

Tất cả những chỉ dẫn trong sách đều cực kỳ hiệu quả trong đời sống thường nhật, ví dụ như cách chuyển hóa người khác mà không gây chống đối hay oán giận, khơi gợi cho họ làm điều mình muốn họ làm, cách tôn vinh người khác…

Toàn bộ các cuốn sách loại này đều dạy con người “hướng tới tha nhân”, tìm hiểu tâm lý đối phương và từ đó hành xử làm sao lựa theo được tâm lý đối phương để đạt được thành công trong mối quan hệ.

Sách này, hợp nhất với phụ nữ truyền thống – nếu muốn giữ quan hệ bền vững với chồng và cả nhà chồng.

Bạn ở đâu?

Thế nhưng, rốt cuộc nếu bạn cứ mải mê theo đuổi và tập luyện những kỹ năng được dạy trong loại sách này – nghĩa là mê mải “được lòng tha nhân”, thì rốt cuộc Bạn ở đâu?

Con người chúng ta sinh ra đã khác biệt, lớn lên được giáo dục trong những môi trường hoàn toàn khác biệt, nên chúng ta sẽ có nhiều quan điểm, thói quen, định kiến, tri kiến độc lập. Việc quá chăm chăm tập trung vào “tha nhân” – đồng nghĩa với việc “tha hóa”, đánh mất bản thân.

Ví dụ đơn giản về một lời khuyên phổ biến: Thành thật quan tâm tới người khác. Bản thân chữ “thành thật” đã là một cái bẫy tâm lý, vì hiển nhiên là con người bản chất là ích kỷ. Bảo họ thành thật quan tâm tới chính họ còn cực khó, huống chi là quan tâm tới người khác. Chiêu này thực tế là chiêu luyện cho mình một thói quen luôn giả tạo cảm xúc, giả tạo yêu thương, giả tạo lịch thiệp và tử tế (mà vẫn nghĩ là mình tốt).

Chính trong chương này, Dale cũng viết đại loại rằng : “Con người ai cũng chỉ quan tâm tới bản thân mình – chính vì thế mà khi bạn quan tâm tới người khác, bạn sẽ thành công”. Thành công, lại là một cái bẫy khác. Thành công là một định nghĩa hoàn toàn có tính cá nhân, không thể bị áp đặt bởi một số hình mẫu phổ quát.

Quay trở lại với câu hỏi bên trên, vậy thì Bạn ở đâu? trong cuộc hành trình 24h mỗi ngày bận rộn để tìm cách “đắc nhân tâm”?

“Đắc nhân tâm” là một cuốn sách rất hay, nhưng bạn có bao giờ tự hỏi : Tại sao bạn lại phải “thay đổi” mình (cá tính, thời gian, sự độc lập tư duy, bản ngã …) để được lòng người khác ? Có đáng hay không (trong từng trường hợp cụ thể) ?

Phải chăng trước khi “được lòng người”, đầu tiên chúng ta nên trả lời câu hỏi: Ta là ai và tại sao ta lại cần phải “kiểm soát” được cảm xúc, suy nghĩ, hành động… của ai đó?

Theo LÊ PHƯƠNG HOA / ENTERNEWS

Tags: , , ,