Quan hệ Việt – Mỹ: Những góc nhìn từ bên ngoài

Sau hơn ¼ thế kỷ kể từ khi bình thường hóa, quan hệ Việt – Mỹ không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Trước những đổi thay đó, giới nghiên cứu nước ngoài đánh giá, Mỹ tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam nhằm xây dựng Việt Nam thành lực lượng chủ yếu để thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” cũng như trở thành chốt chặn tiền tiêu chống lại sự bành trướng của thế lực nước lớn trong khu vực. Bài viết cung cấp một số nhận định đáng chú ý của các học giả nước ngoài về quan hệ Việt – Mỹ hiện nay.

Quan hệ Việt – Mỹ: Những góc nhìn từ bên ngoài

Tác giả: PGS.TS Đinh Ngọc Hoa & TS Vũ Đức Cường, Học viện Chính trị CAND

1. Thăng trầm quan hệ Việt – Mỹ, tính chu kỳ của “lịch sử 2 thập niên”!

Quan hệ Việt – Mỹ là một trong những mẫu điển hình của sự thăng trầm từ “đối đầu thù địch” đến “đối tác toàn diện” mang tính chu kỳ của 2 thập niên lịch sử. Từ năm 1955-1975, Mỹ đã kéo quân, đưa vũ khí vào Miền Nam gây ra cuộc chiến tranh thảm khốc ở Việt Nam. Hàng triệu người Việt Nam cùng với khoảng hơn 58.000 lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến tranh phi nghĩa do chính Mỹ gây ra. Hệ lụy của cuộc chiến và hậu quả của nó để lại sau hơn 45 năm vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể khắc phục.

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam, năm 1975 Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng, thống nhất Tổ quốc. Trong 2 thập niên tiếp theo (1975-1995), quan hệ Việt – Mỹ cực kỳ căng thẳng. Dường như ôm hận trong cuộc chiến tranh thất bại duy nhất được tiến hành ngoài lãnh thổ, người Mỹ tìm mọi cách để lật đổ chế độ ở Việt Nam với phương châm “Cộng sản đã dùng bom, đạn để đuổi người Mỹ ra khỏi Sài Gòn, người Mỹ sẽ dùng đôla để đuổi Cộng sản ra khỏi Hà Nội”. Chính quyền Mỹ qua nhiều thế hệ lãnh đạo đã sử dụng biện pháp bao vây, cấm vận về kinh tế, chính trị với mục tiêu làm cho Việt Nam kiệt quệ về kinh tế, suy kiệt về chính trị. Không những thế, họ còn hậu thuẫn cho các tổ chức phản động cả ở trong và ngoài nước tìm cách gây bạo loạn, lật đổ chính quyền…

Năm 1995, quan hệ 2 nước được bình thường hóa, với phương châm “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”, quan hệ Việt – Mỹ đã không ngừng phát triển. Hơn 20 năm kể từ khi bình thường hóa, Việt – Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013) và hướng tới nâng cấp quan hệ trong một tương lai không xa. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ (7.2015), cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã nhận xét: “… quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển lên đến đỉnh cao của sự tin cậy lẫn nhau…”. Đó là bước tiến vượt bậc mà “ngay cả người trong cuộc cũng khó mà có thể hình dung được” như lời đánh giá của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Hai thập niên tiếp theo (2015-2035) được dự đoán sẽ là thời kỳ nở rộ về những thành tựu trong quan hệ Việt – Mỹ trên mọi lĩnh vực. Trước những bước tiến trong quan hệ Việt – Mỹ, giới học giả nước ngoài có những nhận định, đánh giá đáng chú ý.

2. Quan hệ Việt – Mỹ và những đánh giá đáng chú ý từ học giả nước ngoài

Quan hệ Việt – Mỹ đã có sự phát triển ngoạn mục từ ngoại giao đến kinh tế, chính trị và quốc phòng, an ninh

Sự thay đổi quan trọng nhất của B.Obama về ngoại giao từ khi trở thành Tổng thống vào năm 2009, là điều chỉnh trọng tâm chiến lược của Mỹ. Chính quyền B.Obama thực hiện chiến lược với nhiều cách diễn đạt khác nhau “chuyển hướng” sang châu Á, “trọng tâm chiến lược chuyển dịch sang phía Đông”… Năm 2012, Mỹ có sự điều chỉnh về sách lược, thay thế những ngôn từ trên bằng cụm từ “tái cân bằng”, nhằm nhấn mạnh, Mỹ chưa từng rời xa châu Á. Không những thế, Mỹ còn lôi kéo các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…, đồng thời mở rộng quan hệ đối tác mới với những nước như Việt Nam trong không gian chiến lược “tái cân bằng”.

Hợp tác kinh tế Mỹ-Việt không ngừng phát triển. Thống kê cho thấy, từ khi Hiệp định thương mại Việt – Mỹ có hiệu lực (2000) đến nay, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã duy trì tăng trưởng với tốc độ cao. Từ 450 triệu USD năm 1995 lên 68,6 tỷ USD năm 2019 và đạt mốc lịch sử 90,8 tỷ USD năm 2020. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư Mỹ. Tính đến tháng 5/2019, Mỹ có tổng cộng 900 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký hơn 9 tỷ USD.

Hợp tác quốc phòng, an ninh: Hợp tác quốc phòng, an ninh được đánh giá là một trong những lĩnh vực nhạy cảm. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, Mỹ và Việt Nam coi trọng việc xây dựng cơ chế hóa hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Năm 2008, hai nước xây dựng cơ chế đối thoại an ninh, quốc phòng, chính trị. Năm 2010, hai bên khởi động cơ chế đối thoại cấp thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đó là hội nghị Đối thoại chính sách quốc phòng. Cũng vào năm 2010, Mỹ tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), tăng thêm cơ chế hợp tác quân sự Việt – Mỹ…

Quân đội hai nước liên tục có sự tương tác với nhau. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tư lệnh Hải quân, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ bờ biển, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Tư lệnh Không quân Mỹ… lần lượt đến thăm Việt Nam. Đặc biệt, ngày 23/5/2018, sau khi Trung Quốc “quân sự hóa” các đảo/đá chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở Biển Đông, Mỹ đã rút lại lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) và mời Việt Nam lần đầu tham gia cuộc tập trận. Đó được coi là tiến triển lớn trong quan hệ quân sự Việt – Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam.

Bên cạnh đó, Mỹ còn mời Việt Nam tham gia đối thoại an ninh 4 bên, gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Giới bình luận nước ngoài nhận định, Mỹ mời Việt Nam tham dự vào thời điểm này cho các nước Đông Nam Á khác thấy rằng, Mỹ và các nước tham gia đối thoại mong muốn coi những quốc gia này là “đối tác bình đẳng”, qua đó để thu hút các nước khác gia tham gia. Đồng thời, khi Mỹ coi Việt Nam là đối tác an ninh ngang bằng với các nước đối tác đối thoại, giúp Việt Nam nâng cao vai trò trong các vấn đề an ninh khu vực.

Tăng cường hợp tác Việt – Mỹ trong không gian chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Kể từ khi Tổng thống Mỹ D.Trump đề cập đến khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” tại Đà Nẵng (11.2017), các học giả nước ngoài đã tập trung phân tích, đánh giá vị trí Việt Nam trong chiến lược của Mỹ trên nhiều khía cạnh.

Hai nước có tiếng nói chung về chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”: Nhiều năm qua, ở khu vực đã xuất hiện hàng loạt sáng kiến và chiến lược hợp tác lâu dài trên phạm vi khu vực và thế giới, bao gồm Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 nước đối tác, chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Mỹ, Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Thế giới đang chứng kiến sự hình thành không gian an ninh và phát triển mới-không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, khiến thế kỷ của châu Á trở thành thế kỷ Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam là đối tác tốt để Mỹ thực hiện chiến lược: Dưới thời B.Obama, mặc dù Mỹ chưa thực hiện toàn diện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, nhưng việc thúc đẩy đàm phán TPP, tăng cường xây dựng hệ thống đồng minh khu vực đã cho thấy rõ xu thế chuyển dịch chiến lược sang phía Đông. Tuy nhiên, chính quyền kế nhiệm đã không đầu tư nhiều vào Đông Nam Á nên có sự thiếu nhất quán trong chính sách. Giới tinh hoa Mỹ cho rằng, uy tín và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này bị suy giảm. Vì vậy, cần gây dựng lại lòng tin ở Đông Nam Á, thực hiện toàn diện chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, mà ở đó quan hệ Việt – Mỹ sẽ là trụ cột, nhất là xây dựng khuôn khổ an ninh ở Đông Nam Á.

Coi trọng hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Mỹ: Trên thực tế, Mỹ luôn không hài lòng với tình trạng “xuất khẩu an ninh, nhập siêu thương mại” ở châu Á, mà muốn mở rộng thị trường, tìm nhiều lối ra hơn cho hàng hóa của Mỹ ở đây. Trợ lý Đại diện thương mại Mỹ phụ trách vấn đề châu Á của Chính quyền D.Trump, Jeffrey Gerrish, từng yêu cầu các nước ASEAN nới lỏng tiêu chuẩn tiếp cận thị trường. Bản thân cựu Tổng thống D.Trump cũng nhiều lần đề cập vấn đề nhập siêu của Mỹ. Trước thực trạng đó, Việt Nam đã có những bước đi đáng ghi nhận nhằm cải thiện cán cân xuất-nhập khẩu giữa 2 nước thông qua những hợp đồng lớn mà 2 bên đạt được[1]. Theo đó, Việt Nam đã trở thành thị trường châu Á mới nổi nhập khẩu nhiều nông sản Mỹ.

Cảnh giác với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông: Kể từ khi Duterte trở thành Tổng thống Philippines đến nay, chính sách đối ngoại của nước này có sự thay đổi theo hướng xích lại gần Trung Quốc và giữ khoảng cách ngày càng xa với Mỹ hơn. Trước tình hình có thể mất đi vai trò “tiên phong” ở khu vực, Mỹ đã tích cực can dự vào Biển Đông. Theo các nhà bình luận nước ngoài, hành động của Mỹ xuất phát từ những lý do chính sau:

Thứ nhất, Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước có tranh chấp lớn nhất ở Biển Đông và hai nước từng bùng nổ hải chiến ở đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (14/3/1988). Năm 2014, Việt Nam kiên quyết đấu tranh khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 phía nam đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Gần đây nhất (3/7/2019), tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 đã xâm nhập trái phép vào vùng biển gần Bãi Tư Chính của Việt Nam gây nên cuộc đụng độ giữa Cảnh sát biển Việt Nam với Hải cảnh Trung Quốc.

Thứ hai, Việt Nam coi trọng lợi ích thực tế ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc phản đối tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với nguồn dầu khí ở khu vực tranh chấp, ngăn chặn Việt Nam khai thác dự án mới ở Biển Đông.

Thứ ba, Việt Nam luôn kiên quyết phản đối Trung Quốc “quân sự hóa” trên các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam và hàng loạt hành động củng cố chủ quyền phi pháp tại Biển Đông. Việt Nam đang cùng các nước bảo vệ “quyền tự do hàng hải” ở khu vực. Điều này có điểm chung với chính sách của Mỹ và các nước khác trên thế giới.

Thứ tư, tâm lý người Việt Nam không “yêu thích” cách giải quyết của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam không thể đầu tư sức mạnh quân sự để đối đầu với Trung Quốc, do đó hợp tác với Mỹ trở thành lựa chọn thực tế để tạo sự cân bằng nước lớn.

3. Tương lai quan hệ Việt – Mỹ

Mặc dù còn đó những trở ngại nhất định, các học giả quốc tế cho rằng, thời gian tới tương lai quan hệ Việt – Mỹ sẽ đi theo những chiều hướng chính sau:

Mỹ-Việt sẽ tăng cường quan hệ quân sự: Mỹ có thể bố trí cho tàu sân bay cập cảng Việt Nam hàng năm và thường xuyên mời Việt Nam tham gia cuộc tập trận RIMPAC. Mỹ cũng sẽ hỗ trợ cho lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển phát triển và tăng hỗ trợ tài chính cho Việt Nam. Đồng thời, Mỹ cũng thúc đẩy Việt Nam công khai bày tỏ ủng hộ hoạt động FONOP và hối thúc Việt Nam tham gia hoạt động này. Khi Việt Nam tham gia, sẽ cuốn hút các quốc gia khác trong khu vực lần lượt hưởng ứng. Mỹ sẽ dựa vào đó để xây dựng thế trận chiến lược khu vực với Việt Nam làm trọng tâm.

Mỹ sẽ hỗ trợ các công ty năng lượng nước ngoài tham gia dự án khai thác ở Biển Đông của Việt Nam: Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai thác dầu khí ở Biển Đông. Những năm gần đây, Mỹ cho rằng việc Trung Quốc không ngừng gây sức ép đã ảnh hưởng đến sự hợp tác khai thác giữa Việt Nam và phương Tây. Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Repson của Tây Ban Nha đã buộc phải dừng thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí tại lô dầu khí 136-03 tại Bãi Tư Chính của Việt Nam – vùng biển này nằm trong “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương vạch ra.

Thúc đẩy xây dựng phương án thay thế “Vành đai và Con đường”: Từ năm 2018 đến nay, việc nghiên cứu và các cuộc tranh luận về chính sách của giới tham mưu Mỹ xung quanh “Vành đai và Con đường” đã nóng lên rõ rệt, các cơ quan hành pháp và lập pháp của Mỹ đã có nhận thức khá đồng thuận về bản chất của “Vành đai và Con đường”. Giới chiến lược Mỹ khuyến cáo, không thể coi nhẹ ảnh hưởng của chiến lược này, bởi nó không những có thể làm thay đổi cán cân địa chính trị ở lục địa Á-Âu, mà còn đặt ra thách thức thực sự đối với Mỹ trong rất nhiều lĩnh vực như tiêu chuẩn công nghệ, an ninh quân sự…, thậm chí có thể làm băng hoại nền tảng bá chủ hoàn cầu do Mỹ thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chính quyền của cựu Tổng thống D.Trump thông qua chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, đồng thời thúc đẩy cải cách cơ chế tài chính quốc tế và các phương thức khác để không ngừng tăng cường đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Ngoài ra, Mỹ có ý định xây dựng dự án khác để thay thế sáng kiến này. Tháng 7/2018, tại Diễn đàn thương mại Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã công bố kế hoạch đầu tư vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tháng 10/2018, D.Trump ký “Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển”, điều chỉnh cơ cấu đầu tư của Chính phủ Mỹ ở nước ngoài, ủy quyền thành lập Công ty phát triển tài chính quốc tế Mỹ, đi kèm là lượng tài chính lên đến 60 tỷ USD.

Thay thế D.Trump, J.Biden lên nắm chính quyền đã hiện thực hóa kế hoạch nhằm cạnh tranh và thay thế sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc bằng sáng kiến B3W (Build Back Better World – xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn). Dù vậy, Mỹ vẫn lo ngại không thể cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai và Con đường” về mặt đầu tư. Mỹ mong muốn lợi dụng mối quan ngại của các nước Đông Nam Á về “bẫy nợ” đối với sáng kiến này và hợp tác với Nhật Bản để giúp những nước này thành lập quỹ cơ sở hạ tầng riêng và gợi ý hỗ trợ về công nghệ, khoản vay ưu đãi… cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.

Nâng cấp quan hệ: Những năm gần đây, Mỹ liên tục tỏ thiện chí với Việt Nam, đánh giá cao thành quả phát triển quan hệ song phương. Năm 2016, Tổng thống B.Obama thăm và dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Đặc biệt, sau khi J.Biden lên làm Tổng thống, nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến thăm Việt Nam và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Theo các nhà bình luận nước ngoài, nếu đây không phải là dấu chấm hết cho thời kỳ “băng giá” thì cũng sẽ là tín hiệu để hai nước nâng cấp quan hệ. Giới phân tích nước ngoài nhận định, nếu nâng cấp quan hệ, điều đó không chỉ có nghĩa là hai nước “đã xóa tan hận thù”, mà còn tạo cơ sở hướng tới xây dựng kế hoạch hành động chung để tăng cường hợp tác an ninh trong những năm tới.

Thời gian qua, giới bình luận nước ngoài đánh giá, địa vị của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ ngày càng nổi bật. Mỹ quan tâm sâu đến tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và an ninh với Việt Nam. Đồng thời, muốn kiểm soát, khắc phục tình trạng thiếu tin tưởng cũng như những bất đồng giữa hai nước. Với đồng thuận cao của Chính phủ và nhân dân 2 nước, cùng nhau khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, quan hệ Việt – Mỹ được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn vượt tầm “Đối tác toàn diện”.

———————–

Chú thích:

[1] Tháng 5/2017, sau khi tiếp Thủ tướng Việt Nam ở Nhà Trắng, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố hai nước đã ký 13 hợp đồng mới trị giá 8 tỷ USD, có thể tăng thêm 230.000 việc làm tại Mỹ. Những thỏa thuận này bao gồm thiết bị điện của Tập đoàn General Motors, động cơ và dịch vụ máy bay trị giá 5,5 tỉ USD.

Theo HVCTCAND.EDU.VN

Tags: ,