Quan hệ Mỹ – Trung Quốc hiện nay và tác động đến Việt Nam

Quan hệ Mỹ – Trung Quốc thể hiện đầy đủ và điển hình mối quan hệ giữa các nước lớn trong giai đoạn hiện nay. Đó là, quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, nhưng không để xảy ra chiến tranh hay xung đột lớn, mà sẵn sàng thỏa hiệp với nhau để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của quốc gia, dân tộc. Sau hơn một năm cầm quyền, chính sách của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc đã dần định hình. Đánh giá đúng mối quan hệ giữa hai cường quốc này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, củng cố và tăng cường tốt nhất các lợi ích cho mình ở khu vực và thế giới.

Quan hệ Mỹ – Trung Quốc hiện nay và tác động đến Việt Nam

Tác giả: Bùi Đức Khánh, Văn phòng thường trực, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2018.

1. Quan hệ Mỹ – Trung Quốc hiện nay

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump có cái nhìn đối với thế giới khác hẳn với những người tiền nhiệm. Ông đã thực thi triệt để kiểu “ngoại giao đánh đổi, có đi có lại” để đáp ứng mục đích “nước Mỹ trên hết” và giành được tối đa lợi thế với những “thỏa thuận tốt nhất có thể”. Đặc biệt, ông Donald Trump cho thế giới “cảm giác” về một nước Mỹ đang theo đuổi một chính sách “không chắc chắn”, thậm chí còn “quay ngoắt 180°” với những cam kết khi vận động tranh cử năm 2016 và đôi khi cả với những tuyên bố vừa đưa ra ngày hôm trước. Trung Quốc không phải ngoại lệ.

Về quan hệ kinh tế, thương mại

Quan hệ kinh tế thương mại lâu nay luôn là “hòn đá tảng” giữa hai nước. Cho dù còn bất đồng trong vấn đề tỷ giá, sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường, nhưng tính chất “tùy thuộc lẫn nhau” trong quan hệ kinh tế giữa hai bên không thay đổi.

Quan hệ thương mại Mỹ – Trung thời gian qua chằng chịt đến độ những mối tương quan khác đều trở thành thứ yếu. Quyền lợi của Mỹ trên đất Trung Quốc cũng chính là quyền lợi thương mại mà các công ty Mỹ đang được hưởng. Sản xuất nhanh với giá thành rẻ cho thị trường tiêu thụ của dân Mỹ và toàn cầu. Kim ngạch thương mại hai chiều từ chưa đầy 2,5 tỷ USD năm 1979 lên gần 600 tỷ USD, tăng hơn 200 lần (năm 2017); lũy kế đầu tư giữa hai bên đạt hơn 276 tỷ USD. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Giao lưu hợp tác Trung – Mỹ trong các lĩnh vực quân sự, mạng internet, chấp pháp, nhân văn, các địa phương… không ngừng đạt được những tiến triển mới(2).

Thực tế cho thấy, khi còn là ứng cử viên Tổng thống, ông Donald Trump đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đã thao túng thị trường tiền tệ và đề nghị áp đặt mức thuế lớn đối với hàng hóa Trung Quốc. Cựu ngoại trưởng Tillerson đã từng đe dọa sẽ phong tỏa vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của Trung Quốc, nơi có khả năng xảy ra chiến tranh. Nhưng, sau khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Donald Trump tại Florida, quan hệ hai bên có những bước tiến quan trọng. Tổng thống Donald Trump bất ngờ thay đổi thái độ, khen ngợi ông Tập Cận Bình là “người cực kì tuyệt vời” trong khi Chủ tịch Trung Quốc khẳng định hai nước “có quan hệ hữu hảo”. Để đổi lại cam kết của ông Tập Cận Bình giúp kiểm soát Triều Tiên, ông Donald Trump chấp nhận lời giải thích của nhà lãnh đạo Trung Quốc vì sao hành động lại khó khăn hơn nhiều so với ông nghĩ. Ông Donald Trump đã bỏ không nói về trả đũa thương mại hay xem Nhân dân tệ là một trong những đồng tiền lưu thông trên thế giới và về “cách ứng xử khó khăn” đối với các tranh chấp lãnh thổ trên “Biển Nam Trung Hoa” (Biển Đông).

Sau hàng loạt các phát ngôn khiến Trung Quốc phiền lòng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến quan hệ hai bên trở nên nguội lạnh nhanh chóng sau thời gian ngắn nồng ấm. Trong tuần cuối tháng 6-2017, Mỹ đã chốt hợp đồng bán 1,4 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan và áp đặt lệnh cấm vận lên ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc vì đã hỗ trợ các hoạt động tài chính không minh bạch của Triều Tiên(3). Việc Mỹ ra lệnh trừng phạt một ngân hàng nhỏ của Trung Quốc, dù bị đánh giá là hành động chậm chạp và mang tính “hù dọa”, nhưng cũng được xem là chỉ dấu báo hiệu cho những thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Triều Tiên và quan hệ Trung – Mỹ trong thời gian tới. Đầu tháng 6-2018, Mỹ đã áp thuế 25% đối với khoảng 1.300 hàng hóa của Trung Quốc bao gồm các sản phẩm công nghệ, y tế, giáo dục và giao thông. Hàng hóa này chiếm khoảng 50 tỷ USD giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc hằng năm của Mỹ và tiếp tục đe dọa đánh thuế thêm 200 tỷ USD lên các hàng hóa khác của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ nếu Trung Quốc không có những động thái làm giảm tình trạng thâm hụt thương mại. Ngược lại, Trung Quốc áp thuế lên tới 25% đối với 106 sản phẩm của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có đậu tương, xe hơi, ngô, chất hóa học. Những động thái này của Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Như vậy, sau một thời gian ngắn ngủi “trăng mật”, quan hệ giữa hai cường quốc có sự cạnh tranh gay gắt ở cả khu vực và thế giới, đang dần quay lại dòng chảy vốn có. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng lớn khó có thể xảy ra, chừng nào Trung Quốc và Mỹ vẫn phụ thuộc nhau về kinh tế.

Về quan hệ chính trị, an ninh

Trong lĩnh vực chính trị, tuy còn khác biệt trên nhiều vấn đề, thậm chí xung đột lợi ích, nhưng quan hệ Mỹ – Trung có nhiều lợi ích lớn đan xen, tùy thuộc lẫn nhau. Mỹ – Trung hợp tác là việc tốt cho cả hai nước và thế giới. Ngược lại, Mỹ – Trung xung đột sẽ là tai họa cho cả hai nước và thế giới.

Kể từ sau bầu cử Mỹ, Trung Quốc và Mỹ đã có một chu kỳ chính trị không thuận lợi. Vấn đề đặt ra cho lãnh đạo hai nước là bằng cách nào để giảm đi sự nghi ngờ lẫn nhau. Trung Quốc cho rằng Mỹ đang can thiệp quá nhiều vào họ xung quanh các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông và Tây Tạng. Còn trong giai đoạn vận động tranh cử, ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại hai chiều, quân sự hóa Biển Đông,… Ông cũng đưa ra chủ trương thực hiện một chính sách kiên quyết, cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Do vậy, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc (7-4-2017) kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và cuộc gặp tại Trung Quốc (9-11-2017) giữa hai nhà lãnh đạo được đánh giá là sự kiện ngoại giao quan trọng, tiến tới định hình mối quan hệ giữa hai nước. Kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp này là hai nước đã nhất trí “mở rộng các lĩnh vực hợp tác, giải quyết những bất đồng dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau”. Đây được coi là khởi đầu tốt để hai nước tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, xây dựng mối quan hệ “nồng ấm” hơn. Tuy nhiên, giữa Mỹ và Trung Quốc còn tồn tại nhiều vấn đề “gai góc” mà việc giải quyết không thể “một sớm, một chiều”.

Vấn đề Đài Loan

Khi đắc cử Tổng thống, ông Donald Trump đã nhiều lần viết trên trang cá nhân Twitter về việc sẵn sàng xem xét lại chính sách “một Trung Quốc”. Ngày 3-12-2016, ông nhận điện đàm với bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan. Hành động này mặc nhiên nhìn nhận bà Thái Anh Văn là Tổng thống Trung Hoa Dân quốc, trái với nguyên tắc “một Trung Quốc” vẫn được các Tổng thống Mỹ tôn trọng từ năm 1979. Hành động của ông Donald Trump đã bị Trung Quốc phản ứng gay gắt. Thực chất ý đồ của ông Donald Trump trong chính sách đối với Đài Loan là duy trì hiện trạng do Mỹ định ra, bảo đảm chắc chắn lợi ích của Mỹ ở khu vực, đồng thời duy trì sự tồn tại lâu dài của Đài Loan với tư cách là “quân cờ chiến lược” kiềm chế Trung Quốc. Ngày 20-1-2017, Tổng thống Donald Trump lại có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khẳng định sự ủng hộ lâu dài của Mỹ đối với chính sách “một Trung Quốc” nhằm xoa dịu sự căng thẳng giữa hai nước và tìm sự hỗ trợ của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Khi những kỳ vọng đó của Mỹ không đạt được, Tổng thống Donald Trump điều chỉnh chính sách với Trung Quốc theo hướng cứng rắn hơn. Điều này ngay lập tức đã làm cho quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng trở lại. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump ngày 3-7-2017, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng quan hệ giữa hai nước đang bị ảnh hưởng bởi “những nhân tố tiêu cực” kể từ sau khi hai lãnh đạo có cuộc gặp đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida (Mỹ). Ông nói: “Chúng tôi rất coi trọng việc chính phủ Mỹ tái khẳng định chính sách một Trung Quốc và hy vọng phía Mỹ sẽ giải quyết vấn đề Đài Loan một cách đúng đắn bằng cách tuân thủ nguyên tắc này”(4).

Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

Khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc Trung Quốc kiềm chế CHDCND Triều Tiên. Ông Donald Trump đã đưa ra những phát biểu cứng rắn rằng, nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thì Mỹ sẽ làm. Đầu tháng 3-2017, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ và CHDCND Triều Tiên nhượng bộ để hạ nhiệt căng thẳng. Trung Quốc đề nghị Mỹ, Hàn Quốc chấm dứt tập trận thường niên, đổi lại việc CHDCND Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Mỹ – Hàn bác bỏ.

Sau cuộc gặp gỡ hồi tháng 3-2017 và những cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng nhận được sự hợp tác lớn hơn từ Trung Quốc nhằm tăng ảnh hưởng đối với Triều Tiên. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định, Trung Quốc đã nỗ lực không ngừng nhằm giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Đối với Trung Quốc, một Triều Tiên bất ổn đáng ngại hơn nhiều so với một Triều Tiên có hạt nhân. Mặc dù Trung Quốc có đòn bẩy kinh tế đáng kể đối với Triều Tiên, song có những giới hạn rõ ràng cho việc áp dụng các lệnh trừng phạt với nước này. Trung Quốc không muốn phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng người tị nạn trên biên giới của họ và không muốn chính phủ của Kim Jong-Un sụp đổ bởi điều đó đồng nghĩa với kịch bản là Trung Quốc phải chấp nhận một Triều Tiên thống nhất dưới “cái ô an ninh” của Mỹ. Các nhà hoạch định kế hoạch quân sự tại khu vực và Mỹ biết rằng đơn giản là không có phương án quân sự để kiểm soát hành động của Triều Tiên khi mà Hàn Quốc nằm trong tầm ngắm của số lượng pháo binh khổng lồ của nước này và cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều nằm trong tầm ngắm của kho tên lửa Bình Nhưỡng. Trong khi đó, chính phủ Triều Tiên đã làm được một việc khác thường, khiến Trung Quốc (và phần còn lại của thế giới) phải đau đầu xem xét những đánh giá của tình báo khi hoạch định kế hoạch quân sự sao cho tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất là một cuộc chiến tranh khu vực.

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un tại Singapore vào ngày 12-6-2018 và hai bên ký một tuyên bố chung mang tính lịch sử. Ngày 19-6-2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã thực hiện chuyến thăm lần 3 tới Trung Quốc với những cái bắt tay, những lời ngợi khen từ Chủ tịch Tập Cận Bình và thông điệp dành cho Mỹ. Giữa nhiều câu hỏi xoay quanh cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và một cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyến đi của ông Kim càng củng cố nhận định Trung Quốc vẫn là một chủ thể chính – một biến số mà Tổng thống Donald Trump đang cần đến nhưng vẫn nằm ngoài sự kiểm soát. Giới chức Mỹ tuyên bố họ vẫn duy trì cấm vận đối với Triều Tiên kể cả đối thoại tiếp diễn, và vẫn quyết tâm gia tăng sức ép kinh tế nếu chính quyền Kim Jong Un không hợp tác. Nhưng Trung Quốc – đối tác kinh tế lớn nhất của Triều Tiên có một sức mạnh rất lớn trong việc quyết định liệu trừng phạt Triều Tiên có thực sự hiệu quả hay không. Trong khi căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ về thương mại, sự nồng ấm được thể hiện trong chuyến thăm của Kim Jong Un tới Trung Quốc như một lời cảnh báo từ ông Tập Cận Bình, rằng các động thái của ông Donald Trump đối với thương mại có thể làm tổn hại mục tiêu tham vọng nhất – hòa bình với Triều Tiên – trong nghị trình chính sách đối ngoại của Mỹ.

Về tranh chấp trên biển

Biển Đông là một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất trong quan hệ Mỹ – Trung mấy năm gần đây và cũng là một trong những vấn đề “dậy sóng” nhất trong quan hệ hai nước. Mỹ nhiều lần công khai chỉ trích hoạt động xây dựng và tôn tạo trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến tự do, an toàn hàng hải trên Biển Đông, cũng như “đang gây mất an ninh, ổn định” trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cách tiếp cận giải quyết theo kiểu “có đi có lại” của ông Donald Trump đối với vấn đề “Biển Nam Trung Hoa” (Biển Đông) cũng giống như các điểm nóng khác. Tân chính quyền Mỹ đã khởi đầu bằng một thái độ tương đối cứng rắn đối với Trung Quốc nói chung và các hành động của nước này ở Biển Đông nói riêng. Sau đó, ông Donald Trump bỏ không nói về trả đũa thương mại và về “cách ứng xử khó khăn” đối với các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc trong việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân và các chương trình phát triển tên lửa của Bắc Triều Tiên. Nhưng bây giờ, sau hơn một năm nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi lập trường và chính sách mới đối với Trung Quốc cũng như Biển Đông đang bắt đầu hình thành.

Trong bài diễn văn tại Đối Thoại Shangri-La vào đầu tháng 6-2017, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã tìm cách cân bằng giữa việc ca ngợi Trung Quốc vì sự giúp đỡ của họ đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và việc chỉ trích các hoạt động “quân sự hóa không thể tranh cãi các hòn đảo nhân tạo” cũng như “các yêu sách biển đảo quá mức không được luật pháp quốc tế công nhận”. Mỹ “không thể và sẽ không chấp nhận các hành vi cưỡng bức đơn phương để thay đổi hiện trạng” và “Mỹ vẫn sẽ can dự vào khu vực, vì hòa bình và sự thịnh vượng của châu Á với sự tôn trọng dành cho những quốc gia thượng tôn luật pháp quốc tế. Không quốc gia nào là một hòn đảo hay bị cô lập với thế giới, chúng ta sẽ cùng nhau đẩy lùi các thách thức an ninh”(5). Đồng thời nhấn mạnh: “Mỹ cần Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, nhưng điều đó không có nghĩa Mỹ sẽ chấp nhận Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo”(6).

Như vậy, chính sách Biển Đông của Tổng thống Donald Trump là sự tiếp nối chính sách của Tổng thống Obama nhưng lại nhấn mạnh hơn khía cạnh quân sự. Nếu Trung Quốc không sẵn sàng hoặc không hợp tác đầy đủ trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hoặc trong các vấn đề “đổi chác” khác mà Tổng thống Donald Trump đề xuất, thì vế quân sự của chính sách ngoại giao Mỹ có thể trở thành cách tiếp cận chính, thậm chí là cách duy nhất.

Trong thời gian tới, mặc dù còn nhiều biến động và rất nhiều vấn đề cần tiếp tục đàm phán, điều chỉnh, nhưng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đã đạt đến mức độ phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc. Khuôn khổ vẫn là vừa hợp tác vừa đấu tranh, mặt đấu tranh sẽ trở nên gay gắt hơn vào những thời điểm nhất định. Một số kịch bản có khả năng xảy ra như sau:

Một là, Mỹ sẽ gia tăng sức ép đối với Trung Quốc trong giải quyết các “điểm nóng” tại khu vực. Điều này sẽ dẫn tới tính bất định lớn hơn và đặt các nước trong khu vực vào những tình huống “khó xử” hơn trong quan hệ với hai nước.

Hai là, sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi “giấc mộng Trung Hoa”. Chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng là tìm cách kiểm soát mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ, tránh đối đầu, tiếp tục tận dụng hợp tác với Mỹ trong quá trình củng cố địa vị là cường quốc khu vực và vươn lên thành một cường quốc thế giới, song cũng ngày một quyết đoán hơn, không ngại va chạm với Mỹ trong việc bảo vệ “lợi ích cốt lõi”, nhằm từng bước xác lập vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trong trật tự khu vực đang định hình. Điều này cũng sẽ tạo ra những phức tạp mới và những chu kỳ căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc.

Ba là, các nhân tố Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Austraylia cũng cần được tính đến trong nhìn nhận mối quan hệ Mỹ – Trung, vì các nước này đều là những đồng minh, những đối tác quan trọng liên quan đến cả hai nước và quan hệ chung.

2. Tác động của quan hệ Mỹ – Trung đến Việt Nam

Quan hệ Mỹ – Trung có tác động sâu sắc, toàn diện đến Việt Nam nhất là trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Mục tiêu hàng đầu trong đối ngoại của Việt Nam là duy trì môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định. Do đó, mỗi thăng trầm trong quan hệ Mỹ – Trung đều có ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh khu vực. Trong khi đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều có những trang lịch sử rất đặc biệt với Việt Nam, hiện nay đều là những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Về kinh tế, trước những diễn biến tình hình 6 tháng đầu năm 2018, nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, quan hệ Mỹ – Trung dưới thời Donald Trump sẽ có xu hướng căng thẳng hơn và cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia có tiềm lực kinh tế đứng đầu thế giới có thể xảy ra với mức độ khó lường.

Sau khi Mỹ áp thuế đặc biệt với hàng hóa của Trung Quốc vào tháng 6-2018 và Trung Quốc cũng đáp trả, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố sẽ đánh thuế 20% hàng hóa qua biên giới với Mỹ. Nếu điều đó trở thành hiện thực thì sẽ tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta vào thị trường Mỹ, hiện chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra giá trị xuất siêu đủ bù đắp nhập siêu từ Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2017 đạt 41,6 tỷ USD.

Về chính trị, quan hệ Mỹ – Trung vẫn trong khuôn khổ vừa hợp tác vừa đấu tranh, nhưng mặt cạnh tranh đang gia tăng và khó dự báo. Trong bối cảnh cuộc đối đầu địa chính trị ngày càng sâu sắc giữa Mỹ với Trung Quốc hiện nay đang mang đến cho Việt Nam những rủi ro, mà nghiêm trọng nhất là có thể kéo Việt Nam vào một cuộc chơi quyền lực mới, khó giữ được thế cân bằng trong quan hệ nước lớn nếu không tìm được những đối sách phù hợp. Việt Nam đang đứng trước “một bài toán nan giải”: duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ vững chắc hơn với Mỹ. Là một nước nhỏ và láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam không muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc mà muốn hợp tác với cả hai. Do vậy, nếu can dự vào khu vực thì Việt Nam mong muốn cả Mỹ và Trung Quốc đều có thái độ tích cực, rõ ràng, chủ động cũng như công khai, minh bạch để đừng đẩy các nước trong khu vực vào thế phải lựa chọn bên này hay bên kia.

Về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong thời gian gần đây quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông có nhiều thay đổi liên quan trực tiếp đến vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đặc biệt, có khả năng Mỹ trong bối cảnh phải giải quyết khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên sẽ làm ngơ trước sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nếu điều đó thực sự xảy ra thì sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới chủ quyền biển đảo của Việt Nam(7). Tuy nhiên, cho đến giữa tháng 6-2018, khi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã làm cho quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng trở lại kể cả vấn đề Biển Đông thì khả năng trên khó có thể xảy ra.

Ở một góc độ khác, mặc dù Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp, nhưng tham vọng khó chấp nhận và sự gia tăng quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông tạo cho Mỹ cớ để can dự vào. Điều mà Mỹ muốn bảo đảm thông qua tham gia vào cuộc tranh chấp không phải chỉ là hòa bình hay tự do hàng hải trên Biển Đông, mà tranh chấp như một công cụ để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực và toàn cầu. Sự tham gia của Mỹ dù là gián tiếp cũng có thể buộc Trung Quốc phải hành động thận trọng hơn và ít sẵn sàng sử dụng vũ lực hơn. Ngoài ra, toan tính chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc cũng sẽ làm giảm áp lực trong vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam và tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Tóm lại, hợp tác và cạnh tranh sẽ luôn luôn là hai mặt song song tồn tại trong quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc. Có thể thấy, với chủ trương “Nước Mỹ trước hết” (America First), Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ lấy lý do “an ninh quốc gia” làm “vũ khí” để tiến hành xem xét nghiêm khắc hơn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, với tư duy kinh tế hóa chính trị đã được xem là nền tảng trong quan hệ Mỹ – Trung, thì kể cả an ninh, quốc phòng đều có thể được Tổng thống Donald Trump đặt lên bàn thương lượng vì lợi ích “nước Mỹ là số một”. Mọi xung đột vốn có trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đều có thể được hóa giải dựa vào nguyên tắc nêu trên. Đây chính là sự khác biệt trong quan hệ Mỹ – Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump so với các chính quyền tiền nhiệm. Điều khó dự đoán là ông Donald Trump sẽ làm gì để đặt Trung Quốc “vừa là đối tác vừa là đối thủ”, tức là quan hệ Mỹ – Trung dưới sự dẫn dắt của Mỹ(8).

———————————-

Chú thích:

(1) http://vnexpress.net
(2) Dẫn theo Dương Khiết Trì: “Kiên trì nguyên tắc “Thông cáo Thượng Hải”, thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ phát triển lành mạnh ổn định”, Nhân dân Nhật báo, ngày 28-2-2017.
(3) Dẫn theo: “Kỳ “trăng mật” của ông Trump và ông Tập đã kết thúc” http://www.24h.com.vn
(4) Dẫn theo: “Điềm xấu trong quan hệ Mỹ – Trung”, https://www.tienphong.vn.
(5) Duy Linh: “Bộ trưởng quốc phòng Mỹ: không đổi Biển Đông lấy Triều Tiên”, tuoitre.vn.
(6), (7) “Nỗ lực cân bằng quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc”, http://www.bbc.com
(8) Nguyễn Nhâm: “Dần định hình chính sách trong quan hệ Mỹ – Trung?”, http://dangcongsan.vn

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , , ,