Hệ quả địa chính trị của cuộc cách mạng dầu đá phiến

Dòng chảy năng lượng toàn cầu sẽ tiếp tục được biến đổi – và cùng với nó là biến chuyển về các mối quan hệ kinh tế và địa chính trị.

Chỉ cách đây 5 năm, giá dầu thế giới liên tục leo lên đỉnh cao mới do những nghi ngại về nguồn cung và các xung đột tại các quốc gia sản xuất dầu mỏ. Cuộc khủng hoảng địa chính trị tại Ukraina cũng đã làm cho các nước phát triển phải thay đổi các nguồn cung về dầu.

Vì vậy, hoạt động sản xuất năng lượng toàn cầu đã bắt đầu chuyển hướng khỏi các nước cung cấp truyền thống ở khu vực Á-Âu và Trung Đông, sang các khu vực như vùng biển của Úc, Braxin, Châu Phi và Địa Trung Hải tới các mỏ dầu cát ở Alberta, Canada. Và mới đây, cuộc cách mạng lớn nhất đã diễn ra ở Mỹ, nơi các hãng sản xuất tận dụng hai công nghệ mới trở nên thiết thực để khai thác là kỹ thuật khoan chiều ngang (horizontal drilling) cho phép giếng khoan đi xuyên qua những phiến đá nằm sâu dưới đất, và kỹ thuật dập vỡ bằng thủy lực (hydraulic fracturing, hay fracking) bơm chất lỏng áp lực cao để chiết tách khí và dầu ra khỏi các thành hệ địa chất.

Kết quả là sự gia tăng đáng kể về sản xuất năng lượng. Từ năm 2007 đến năm 2012, sản lượng khí đốt từ đá phiến của Mỹ tăng hơn 50% mỗi năm, và tỉ lệ của nó trong tổng sản lượng khí đốt của Mỹ đã tăng từ 5% lên đến 39%. Các trạm đầu mối trước đây nhằm mục đích đưa khí đốt hóa lỏng (LNG) nhập ngoại đến với người tiêu dùng ở Mỹ nay đang được cải tạo để xuất khẩu LNG của Mỹ ra nước ngoài. Sự bùng nổ này đã đảo ngược được chiều hướng sút giảm từ lâu về sản lượng dầu thô của Mỹ; sản lượng này đã tăng 50% từ năm 2008 đến 2013. Nhờ những diễn biến này, Mỹ hiện nay sắp sửa trở thành một siêu cường quốc năng lượng.

Năm 2013, Mỹ qua mặt Nga để chiếm vị trí nước sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới, và theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Mỹ sẽ qua mặt Saudi Arabia để thành nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới vào năm 2020. Cuộc cách mạng năng lượng của Mỹ không chỉ có những tác động thương mại, mà còn có những hệ quả địa chính trị sâu rộng. Các bản đồ thương mại năng lượng toàn cầu đang được vẽ lại khi lượng nhập khẩu của Mỹ tiếp tục giảm xuống và các nhà xuất khẩu tìm ra các thị trường mới. Ví dụ, phần lớn dầu của Tây Phi hiện nay xuất sang châu Á, thay vì sang Mỹ. Và khi sản lượng của Mỹ tiếp tục tăng lên, điều đó sẽ gây áp lực giảm giá dầu và khí đốt trên toàn cầu, do đó giảm ưu thế địa chính trị mà một số nước cung cấp năng lượng đã có trong nhiều thập niên. Hiện giới đầu tư đã xin chính phủ phê duyệt hơn 20 dự án xuất khẩu LNG ở Mỹ.

Bất luận cuối cùng sẽ có bao nhiêu dự án được thực hiện, lượng xuất khẩu từ các dự án này sẽ làm tăng đáng kể lượng LNG hiện đang có ở những nơi khác. Úc sắp qua mặt Qatar để thành nước cung cấp LNG lớn nhất thế giới; đến năm 2020, lượng xuất khẩu tính chung Mỹ và Canada sẽ gần bằng với công suất LNG hiện tại của Qatar. Dù sự hội nhập của các thị trường khí đốt Bắc Mỹ, châu Âu, và châu Á sẽ cần nhiều năm đầu tư cơ sở hạ tầng và, ngay cả khi đó, kết quả sẽ không hợp nhất bằng thị trường dầu toàn cầu, sản lượng gia tăng sẽ góp phần gây áp lực giảm giá khí đốt ở châu Âu và châu Á trong những thập niên sắp tới .

Hệ quả địa chính trị khả dĩ quan trọng nhất của sự bùng nổ năng lượng ở Bắc Mỹ là sự gia tăng sản lượng dầu Mỹ và Canada có thể gây xáo trộn về giá dầu toàn cầu – giá có thể giảm ít nhất 20%. Hiện nay, giá dầu chủ yếu do Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu (OPEC) quyết định; tổ chức này quản lý sản lượng ở các nước thành viên. Khi có những xáo trộn bất ngờ về sản xuất, các nước OPEC (chủ yếu Saudi Arabia) cố bình ổn giá bằng cách tăng sản lượng, làm giảm công suất dư thừa trên toàn cầu. Khi công suất dư thừa giảm xuống dưới mức 2 triệu thùng mỗi ngày, thị trường hoảng loạn, và giá dầu có xu hướng tăng lên. Khi thị trường thấy công suất dư thừa tăng lên trên mức khoảng 6 triệu thùng mỗi ngày, giá có xu hướng giảm xuống. Trong khoảng 5 năm qua, các nước thành viên OPEC đã cố gắng cân đối giữa nhu cầu cần tăng ngân sách của mình với nhu cầu cần cung cấp đủ lượng dầu để nền kinh tế toàn cầu tiếp tục vận hành trơn tru, và họ đã cố gắng giữ được giá dầu ở mức khoảng từ 90 đến 110 USD mỗi thùng.

Khi có thêm dầu Bắc Mỹ tràn ngập thị trường, khả năng của OPEC trong việc kiểm soát giá sẽ bị thách thức. Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), từ năm 2012 đến 2020, mỗi ngày Mỹ dự kiến sẽ sản xuất thêm hơn ba triệu thùng dầu mới và các nhiên liệu lỏng khác, chủ yếu từ dầu chặt. Những khối lượng mới này, cộng với các nguồn cung mới từ Iraq và những nơi khác, có thể làm tràn ngập nguồn cung, khiến giá giảm xuống – nhất là khi nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu giảm đi do hiệu quả tăng lên hoặc tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Cuộc cách mạng năng lượng Bắc Mỹ đã diễn ra, và có quy mô lớn, và nó sẽ chỉ càng có ý nghĩa quan trọng khi Mỹ sắp trở thành nước xuất siêu năng lượng; điều đó có thể đến vào khoảng năm 2020. Sự biến đổi nhờ đó về nguồn cung năng lượng toàn cầu sẽ có lợi cho các nước tiêu thụ và giảm sức mạnh của những nước sản xuất truyền thống. Những diễn biến này cũng có thể làm suy yếu vai trò truyền thống của OPEC trong việc kiểm soát giá năng lượng toàn cầu, có lẽ trong chừng mực mà giá năng lượng sẽ giảm. Sự xáo trộn như vậy lại lan truyền sang tất cả các nước phụ thuộc vào dầu khí để có nguồn thu ngân sách. Ngay cả nếu giá không giảm đáng kể, dòng chảy năng lượng toàn cầu sẽ tiếp tục được biến đổi – và cùng với nó là biến chuyển về các mối quan hệ kinh tế và địa chính trị.

Theo NCSEIF.GOV.VN

Tags: , ,