Phương Tây hiểu sai như thế nào về kinh tế Trung Quốc?

Khi đánh giá nền kinh tế Trung Quốc, câu hỏi không phải là liệu người ta nên có thái độ tích cực hay tiêu cực. Thay vào đó, nó là về một khuôn khổ dẫn tới một cách hiểu tốt hơn về thực tế Trung Quốc.

Bài viết của tác giả Yukon Huang, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, nguyên giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Rất ít nước thu hút được nhiều sự chú ý như Trung Quốc. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Sự trỗi dậy kinh tế đáng kinh ngạc của nước này đang làm chấn động cán cân địa chính trị thế giới ngay cả khi nó đặt ra dấu hỏi về tính toàn cầu của chủ nghĩa tư bản do thị trường dẫn dắt và các chuẩn mực dân chủ. Đến lượt mình, Trung Quốc đã trở thành một chiếc “cột thu lôi” của tất cả mọi nỗi lo âu. Chẳng hạn, Nhà Trắng đã đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra thâm hụt thương mại lớn cho Mỹ, ngay dù không có mối quan hệ nhân quả trực tiếp nào giữa số thâm hụt đó và thặng dư của Trung Quốc. Trên thực tế, có một vài điều về Trung Quốc mà các nhà phân tích Mỹ hiểu sai.

Không khó để hiểu lý do tại sao. Đối với công chúng, khó có thể đưa ra kết luận hợp lý về một đất nước quá lớn và đa dạng về khu vực trong phân phối tài nguyên thiên nhiên và hoạt động thương mại. Và cảm xúc gần như luôn bị những khác biệt về tư tưởng, giá trị và văn hóa che mờ.

Trong khi đó, đối với giới học giả, các quan điểm trái ngược nhau bắt nguồn từ việc thiếu một khuôn khổ thống nhất để phân tích nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều thập kỷ trước, vào thời hoàng kim của Liên Xô, các trường đại học dạy những môn về kinh tế kế hoạch hóa tập trung hoặc “quá độ” như một ngành học thuật. Với việc Liên Xô sụp đổ, cơ sở phân tích này đã phai nhạt dần. Ngày nay, Trung Quốc được nghiên cứu với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển, dù nó không phải như vậy. Những mối liên kết chặt chẽ giữa các hệ thống tài chính, tài khóa, thương mại và hệ thống phúc lợi xã hội khiến nó khác biệt hoàn toàn.

Do thiếu một khuôn khổ phù hợp để phân tích Trung Quốc, những dự đoán về tương lai của nước này khác nhau rất nhiều. Trong số nhiều cách hiểu thông thường có cách hiểu là mức nợ cao của Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính (tuy nhiên tỷ lệ nợ so với GDP của Trung Quốc đặt nước này vào hàng trung bình trong các nền kinh tế lớn); tham nhũng có những hậu quả tiêu cực đối với tăng trưởng của Trung Quốc (dù tham nhũng sâu sắc hơn đã thúc đẩy thay vì cản trở tăng trưởng); các công ty Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc vì giá nhân công ở đó quá thấp (dù giá nhân công của Trung Quốc đã tăng 5 lần kể từ giữa những năm 1990); và các công ty Mỹ đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc, vốn là nguồn làm cạn kiệt công ăn việc làm ở Mỹ (tuy nhiên chưa đến 2% đầu tư nước ngoài của Mỹ trong thập kỷ qua thực sự đổ vào Trung Quốc).

Nếu phân tích này không đúng, thì có khả năng là những phản ứng chính sách của phương Tây cũng không chính xác.

Tại sao nợ của Trung Quốc lại khác?

Trong nhiều năm qua, các cuộc thăm dò hàng năm của Pew và Gallup cho thấy rằng phần lớn người Mỹ coi Trung Quốc là cường quốc kinh tế toàn cầu hàng đầu. Phần lớn người châu Âu có chung quan điểm này. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới nhận định chính xác Mỹ là cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới. Nhận thức là điều quan trọng; các chính trị gia chịu ảnh hưởng lớn bởi khu vực họ đại diện và cảm xúc của khu vực cử tri của họ.

Tại sao lại có sự phân tách giữa quan điểm của các nước phát triển và đang phát triển? Câu trả lời xuất phát từ mối bận tâm của Mỹ và châu Âu cho rằng thâm hụt thương mại khổng lồ của họ với Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém về kinh tế. Nói chung, phần còn lại của thế giới tạo ra thặng dư thương mại với Trung Quốc, và nhiều nước nhận ra rằng sức mạnh kinh đến từ sức mạnh của các thể chế kinh tế một nước và chiều sâu nhân lực của nước đó nhiều hơn là chỉ từ thương mại.

Đối với những người thiên về tư tưởng nhiều hơn, thì sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc đe dọa nguyên lý tự do chính trị của phương Tây. Những lo ngại này thường nổi lên như là một cuộc tranh luận về vai trò của nhà nước so với thị trường, hay ưu tiên phù hợp với các quyền tự do cá nhân so với hành động tập thể. Lập trường tương đối của Mỹ và Trung Quốc đã trở nên bị bóp méo, mặc dù họ có thể có nhiều điểm chung về các vấn đề cần giải quyết hơn là nhiều người tưởng.

Ở phương Tây, cuộc tranh luận về thị trường so với nhà nước trở nên cấp thiết sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, khi các nền kinh tế lớn của phương Tây loạng choạng còn Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh đều đặn. Những người chỉ trích mô hình Trung Quốc đổ lỗi cho nước này vì gây ra những tai họa cho phương Tây. Họ cảnh báo sự tăng trưởng không cân bằng của nước này (đo bằng tỷ lệ tiêu dùng cá nhân cực thấp của nước này so với quy mô của nền kinh tế và mức đầu tư cao ra nước ngoài), điều khiến Mỹ và châu Âu khó phục hồi hơn. Trong dài hạn, sự mất cân bằng thậm chí sẽ làm hại chính Trung Quốc. Do đó, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và giờ là Donald Trump, Washington đã hối thúc Bắc Kinh thúc đẩy tiêu dùng nếu Trung Quốc muốn đạt được địa vị nước thu nhập cao – nhằm thoát khỏi cái gọi là bẫy thu nhập trung bình.

Mặc dù “cân bằng” nghe có vẻ tốt và “không cân bằng” nghe có vẻ tồi, những nhận thức đó là sai lầm. Tăng trưởng không cân bằng là hậu quả tất yếu nhưng không dự đoán được của một quá trình phát triển dài hạn phần lớn thành công. Sự sụt giảm tỷ lệ tiêu dùng tính trên GDP và sự gia tăng tương ứng trong đầu tư thực ra bắt nguồn từ dòng di chuyển người lao động di cư từ các hoạt động dùng nhiều nhân công ở nông thôn sang những công việc trong ngành công nghiệp sử dụng vốn nhiều hơn ở các thành phố. Trong quá trình đó, tỷ lệ tiêu dùng trên GDP tự động sụt giảm ngay dù tiêu dùng trên đầu người hoặc hộ gia đình tăng. Ở các nước thừa lao động như Trung Quốc, nông dân tiêu thụ phần lớn những gì họ sản xuất ra; do đó, tỷ lệ tiêu thụ tương đối so với sản lượng nông nghiệp là cao. Khi nông dân chuyển sang công việc trong ngành công nghiệp ở đô thị, như lắp ráp máy tính, người đó được trả lương cao gấp vài lần những gì kiếm được trước đó trong ngành nông nghiệp; vì thế tiêu dùng cá nhân của người đó tăng đáng kể. Nhưng chi phí lao động (và vì thế là tiêu dùng cá nhân) với tư cách là phần đóng góp vào giá trị của một sản phẩm công nghiệp lại tương đối nhỏ so với chi phí cho linh kiện và nhà máy. Do đó, sự chuyển giao từ từ lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp dẫn đến sự sụt giảm trong tỷ lệ tiêu dùng tính trên GDP nhưng gia tăng tiêu dùng tính theo từng người lao động. Tăng trưởng không cân bằng vì vậy đã dẫn đến tiêu chuẩn sống hộ gia đình tăng và Trung Quốc trở thành cường quốc chế tạo và thương mại – giống như những gì Nhật Bản và Hàn Quốc, và một thế kỷ trước đó, Mỹ, đã trả qua.

Ngoài cái gọi là tăng trưởng không cân bằng, các thị trường tài chính thế giới cũng đã bị gắn với tỷ lệ nợ trên GDP ngày càng tăng cao và bong bóng bất động sản của Trung Quốc. Các chuyên gia như nhà cựu kinh tế trưởng Quỹ tiền tệ quốc tế Kenneth Rogoff và các cơ quan như Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) và Moody’s đã cảnh báo rằng tất cả các nền kinh tế vốn đã gia tăng nợ đáng kể đều trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính và không có lý do gì Trung Quốc lại khác.

Tuy nhiên trên thực tế Trung Quốc lại khác – không phải vì nước này miễn nhiễm với sức ép tài chính, mà vì cấu trúc hệ thống kinh tế của nước này. Các nhà quan sát lạc quan hơn chỉ ra rằng phần lớn nợ của Trung Quốc là nợ công thay vì nợ tư, bắt nguồn từ trong nước thay vì bên ngoài, và cân đối thanh toán hộ gia đình cơ bản là tốt. Nhưng cả những người lạc quan lẫn bi quan đều không thừa nhận rằng một thập kỉ trước, Trung Quốc không có một thị trường bất động sản tư nhân đáng kể. Một khi thị trường đó được lập ra, tín dụng đổ vào việc tạo ra giá trị thị trường cho đất đai – vốn trước đây bị ẩn đi trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Giá bất động sản tăng 5 lần trong thập kỷ qua là hậu quả của nó.

Câu hỏi giờ là liệu giá tài sản hiện tại có bền vững hay không. Nếu câu trả lời là không, có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ. Về mặt này, lượng nhà ở đã giảm trong những năm gần đây và khả năng chi trả của người dân đã tăng lên. Nhiều nhà phân tích đã so sánh giá nhà ở của Trung Quốc với các thành phố lớn khác để xem liệu nó có quá cao không. Nhưng những so sánh như thế thường là với các thành phố giàu có hơn nhiều như Hong Kong, Singapore và Tokyo. Hầu như không ai nhận ra rằng so với Ấn Độ, giá cả ở các đại đô thị của Trung Quốc thực tế thấp hơn nhiều.

Tình hình tài chính của Trung Quốc đáng được chú ý nghiêm túc, nhưng nó không đang trong khủng hoảng như cách một số nhà quan sát gợi ý. Mặc dù cho tới nay, hệ thống ngân hàng phần lớn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc quá lỏng lẻo trong hoạt động cho vay, nhưng sức ép to lớn đòi mở rộng tín dụng xuất phát từ các chính quyền địa phương, vốn không có thẩm quyền tăng thu nhập cần thiết để cấp vốn cho dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Họ tồn tại chỉ bởi họ có thể vay mượn từ các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước để cấp vốn cho các khoản chi tiêu này. Do đó, vấn đề nợ của Trung Quốc không hoàn toàn là một dấu hiệu cho thấy rắc rối ngân hàng đặc thù mà thay vào đó là hậu quả của một hệ thống tài khóa yếu kém.

Bù đắp thương mại

Đối với nhiều nhà quan sát về Trung Quốc, những căng thẳng xã hội xấu đi là nguy cơ thật sự cho nước này. Trong vài thập kỷ qua, bất bình đẳng thu nhập đã tăng nhanh hơn ở Trung Quốc so với ở bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác, suy thoái môi trường đã trở thành một nguồn cơn cho các cuộc phản kháng xã hội, và tình trạng tham nhũng ngày càng tồi tệ được coi là cản trở tăng trưởng và gây bất ổn cho hệ thống.

Những nỗ lực viện trợ cho các khu vực nội địa nghèo hơn và sửa đổi các chương trình xã hội đang bắt đầu tiết chế những chênh lệch về thu nhập. Chính phủ cũng đang bắt đầu giải quyết những mối lo ngại về môi trường vì sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu tỏ ra quan ngại hơn khiến cho việc làm vậy trở thành một nhu cầu chính trị. Nhưng việc giải quyết tham nhũng đã phơi bày một sự xung đột tiềm tàng giữa các mục tiêu chính trị và kinh tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận thấy việc xử lý tham nhũng mang tính then chốt để duy trì tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi các nhà kinh tế, dù là người Trung Quốc hay phương Tây, thì coi xử lý tham nhũng là cốt yếu để duy trì tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng những mục tiêu này không tương thích với nhau.

Tham nhũng được cho là cản trở tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển vì nó kìm hãm đầu tư, cả đầu tư công lẫn tư. Nhưng Trung Quốc lại khác vì nhà nước kiểm soát tất cả các nguồn tài nguyên lớn như đất đai, tài chính, và quyền vận hành các hoạt động thương mại. Vì việc tư nhân hóa các nguồn tài nguyên đó là không thực tiễn về mặt chính trị, nên tham nhũng cho phép chuyển giao quyền sử dụng các tài sản này sang tư nhân thông qua hợp đồng chính thức hoặc không chính thức với quan chức Đảng và địa phương. Thỏa thuận như vậy khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mở rộng công nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng, với cả hai bên chia sẻ lợi ích. Đó là lý do chính giải thích tại sao Trung Quốc phát triển kinh tế rất tốt ngay dù nước này thiếu những thể chế mạnh và pháp quyền.

Tuy nhiên khi nền kinh tế Trung Quốc trở nên định hướng hơn vào dịch vụ cũng như phức tạp hơn và công chúng bất mãn sâu sắc hơn với tình trạng bất bình đẳng do hành vi trục lợi kinh tế, việc duy trì tăng trưởng có thể đòi hỏi Đảng không giữ vai trò thống trị trong kiểm soát quyền tiếp cận tài nguyên và cơ hội kinh tế nữa.

Ngoài đầu tư trong nước và quốc tế, thương mại quốc tế là một mối quan ngại nữa. Nhiều người Mỹ có chung cảm xúc với Trump và các cố vấn chủ chốt của ông là thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ có liên kết chặt chẽ với thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên thực tế là không có mối quan hệ nhân quả trực tiếp nào nữa giữa hai điều này.

Là cựu chủ tịch của Hội đồng cố vấn kinh tế, giáo sư trường Harvard Martin Feldstein viết: “Mọi sinh viên kinh tế đều biết hoặc nên biết rằng cán cân tài khoản vãng lai của mỗi nước được định đoạt trong biên giới của chính nước đó chứ không phải bởi các đối tác thương mại của nó”. Theo nguyên tắc kế toán cơ bản, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ là kết quả của sự thiếu hụt tiết kiệm quốc gia so với chi tiêu do thâm hụt ngân sách chính phủ quá mức và các hộ gia đình tiêu dùng quá khả năng của họ. Việc các quốc gia là nguồn gốc của thặng dư thương mại bù trừ chỉ là ngẫu nhiên.

Làm thế nào để giải thích điều này bằng trực giác cho những người không thông hiểu kinh tế? Hãy nhìn vào các xu hướng lịch sử để có câu trả lời. Thâm hụt thương mại của Mỹ đã trở nên đáng kể vào khoảng cuối những năm 1990 và chỉ bắt đầu bình ổn khoảng năm 2007. Nhưng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ là không đáng kể cho tới năm 2004-2005. Trung Quốc có thể chịu trách nhiệm như thế nào cho thâm hụt thương mại của Mỹ khi thâm hụt khổng lồ của Mỹ xuất hiện từ lâu trước khi Trung Quốc có thặng dư khổng lồ?

Rắc rối bắt nguồn từ việc Trung Quốc là điểm cuối trong dây chuyền sản xuất linh kiện ở các nước châu Á khác. Trong những năm 1990, thâm hụt thương mại song phương của Mỹ tập trung ở các nền kinh tế Đông Á phát triển hơn. Tỷ lệ nhập khẩu hàng chế tạo vào Mỹ từ châu Á không thay đổi theo thời gian, nhưng phần lớn đã chuyển sang Trung Quốc sau khi nước này trở thành điểm dừng cuối cùng của mạng lưới sản xuất khu vực vào đầu những năm 2000.

Theo cách hiểu thông thường, đầu tư trực tiếp nước ngoài quá nhiều của Mỹ đang đổ vào Trung Quốc, dẫn đến tình trạng mất việc làm và giảm tính cạnh tranh. Tuy nhiên bất chấp việc Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ khoảng 1% hoặc 2% đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ đổ vào Trung Quốc trong thập kỷ qua. Ngược lại, chỉ 3% hoặc 4% đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc hướng sang Mỹ.

Sự tồn tại của các thiên đường thuế có nghĩa là con số thực có thể lớn hơn, nhưng hãy xem EU, vốn có quy mô kinh tế có thể so sánh được với Mỹ. Trong thập kỷ qua, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm của châu Âu đến và đi từ Trung Quốc vào khoảng gấp 2 đến 3 lần của Mỹ, mặc dù họ bắt đầu ở xấp xỉ cùng mức vào một thập kỷ trước. Sự khác biệt là thế mạnh ngành chế tạo của EU phù hợp với nhu cầu của Trung Quốc hơn so với của Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của EU sang Trung Quốc chủ yếu là máy móc và xe hơi cũng như hàng hóa tiêu dùng cao cấp. Các sản phẩm này đòi hỏi phải có các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài để hỗ trợ thâm nhập thị trường và hệ thống dịch vụ.

Để so sánh, các mặt hàng hàng đầu Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong thập kỷ qua bao gồm hạt có dầu và ngũ cốc cũng như rác thải tái chế (kim loại phế liệu và giấy vụn), vốn không dẫn đến đầu tư trực tiếp nước ngoài. Loại thứ ba phần lớn là các sản phẩm không gian của Boeing, nhưng Boeing đã kiềm chế mở hoạt động ở Trung Quốc cho tới gần đây, trong khi đó đối thủ cạnh tranh của hãng này ở châu Âu là Airbus đã có các trung tâm chế tạo ở Trung Quốc từ năm 2008.

Về đầu tư ra bên ngoài, châu Âu một lần nữa thu hút hơn vì Trung Quốc và châu Âu bổ sung cho nhau trong các cấu trúc công nghiệp tương ứng của họ nhiều hơn so với Trung Quốc và Mỹ. Ngoài ra, EU là một thị trường mà Trung Quốc dễ dàng thâm nhập hơn nhiều vì nó có nhiều lựa chọn đối tác ít có thiên kiến với những mối lo ngại về an ninh. Nếu một nước EU hạn chế quyền tiếp cận thị trường của mình, thì một công ty Trung Quốc vẫn có thể thâm nhập thông qua một nước thành viên khác để tiếp cận thị trường EU lớn hơn. Mặc dù có thể đạt được quan hệ đối tác với từng bang của Mỹ, nhưng chính sách liên bang toàn diện không tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc so với môi trường mở hơn của EU.

Việc tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài theo cả hai hướng sẽ có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Nhưng Chính quyền Trump có thể chống lại bất kì thỏa thuận nào khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư nhiều hơn ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc tiến đến hiệp ước đầu tư song phương vốn đã được đàm phán nhiều năm nên ưu tiên trong nghị trình ngay dù nó không thiết thực về mặt chính trị.

Không có cuộc chơi được mất ngang nhau

Khi đánh giá nền kinh tế Trung Quốc, câu hỏi không phải là liệu người ta nên có thái độ tích cực hay tiêu cực. Thay vào đó, nó là về một khuôn khổ dẫn tới một cách hiểu tốt hơn về thực tế Trung Quốc. Hiện tại, thông thường cuộc tranh luận về Trung Quốc phản ánh cách hiểu sai vai trò của nhà nước khi gây ảnh hưởng lên quá trình ra quyết định kinh tế ở Trung Quốc. Khái niệm của phương Tây về một nền kinh tế là dựa trên sự cạnh tranh giữa các công ty trong thị trường mở và tự do. Điều độc nhất vô nhị ở Trung Quốc là chính quyền địa phương cũng là góp phần trong môi trường kinh tế cạnh tranh. Bắc Kinh đặt ra những tham số lớn và các chính sách được điều chỉnh theo những cách thách thức tư duy truyền thống. Sự cạnh tranh ở Trung Quốc không chỉ là kết quả của sức ép từ thị trường và các công ty mà còn có thể đến từ các cơ quan chính quyền địa phương. Việc không đưa những nhân tố này vào phân tích sẽ dẫn đến cách hiểu sai về những gì đã và đang diễn ra ở Trung Quốc.

Sẽ tốt cho thế giới nếu Trung Quốc ổn định và tiến triển tốt về kinh tế. Sự tiến triển như vậy sẽ được hỗ trợ tốt nhất nếu các vấn đề kinh tế và tài chính của đất nước được đánh giá và xử lý chính xác. Chẳng hạn, việc hiểu sai bản chất vấn đề nợ của nước này vì không công nhận rằng nó là một vấn đề về mặt tài khóa cũng như về mặt ngân hàng cũng góp phần tạo ra nỗ lực sai lệch. Trung Quốc có một trong những chế độ giới hạn nhất về đầu tư nước ngoài vào ngành dịch vụ. Việc tự do hóa quyền tiếp cận sẽ có lợi cho sức mạnh của Mỹ cũng như khuấy động sự cạnh tranh và trao đổi kiến thức cần thiết để Trung Quốc trở nên đổi mới hơn. Vì thế, nên ít tranh luận về các loại thuế quan nhằm trừng phạt hơn và tập trung vào việc đàm phán một hiệp định đầu tư song phương. Hơn nữa, thay vì lo ngại về mô hình tăng trưởng không cân bằng của Trung Quốc, trọng tâm nên là về thuyết phục Trung Quốc trao cho người lao động di cư từ nông thôn ra thành thị của nước này quyền tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội và kinh tế như cư dân thành thị. Sự bình đẳng là lý do chứng minh cho việc làm này, nhưng điều đó cũng sẽ khuấy động tăng trưởng trong tiêu dùng cá nhân và giúp tiết chế thặng dư thương mại của Trung Quốc, do đó làm giảm căng thẳng thương mại toàn cầu. Cuối cùng, ở mức địa chính trị, những khác biệt kinh tế giữa các quốc gia có thể và thực sự dấy lên quan ngại, nhưng rốt cuộc giải pháp của họ không cần phải là một cuộc chơi được mất ngang nhau.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: ,