Phụ nữ Nhật Bản ngày nay sống như thế nào?

Không biết từ bao giờ, người Việt đã truyền tai nhau câu: “Ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà tây”. Tại sao lại như vậy? Chắc hẳn người phụ nữ Nhật Bản, những người “vợ Nhật” phải thật tuyệt vời đúng không? Họ phải là những người nhu mì, hiền thục, hết lòng tận tụy với gia đình, chồng con…

Thời phong kiến, người phụ nữ Nhật đi lấy chồng chẳng khác gì đi làm con ở cho gia đình nhà chồng. Họ thực sự là những con người cam chịu, bền bỉ mặc dù phải chịu nhiều cực khổ. Có lẽ nhiều người biết đến hình tượng người phụ nữ Nhật thời phong kiến qua bộ phim Oshin. Ngày nay, người Việt hay nói đùa với nhau:

“Nhà có Oshin không?”, có nghĩa là nhà có nuôi người làm không?- “Oshin kìa”, mỗi khi gặp phụ nữ Nhật ở Việt Nam.

“Ði Oshin”, có nghĩa là đi làm lao động ở Nhật.

Khi lấy chồng người Nhật, các cô các chị đều nghĩ tới “Oshin”, vì cũng sợ rơi vào hoàn cảnh bị đối xử tàn tệ như đối với “Oshin”…

Vậy phụ nữ Nhật Bản bây giờ thì sao? Mẫu người phụ nữ Nhật truyền thống với những đức tính được áp đặt bởi tư duy phong kiến ngày xưa gần như không còn nhiều. Phụ nữ Nhật bây giờ không thích nghỉ việc sau khi lấy chồng vì họ không muốn mất việc, họ ngại cả chuyện sinh con vì chuyện đó sẽ đồng nghĩa với việc họ sẽ chấm dứt việc làm và các mối quan hệ xã hội, trở thành một bà nội trợ đúng nghĩa, chỉ quanh quẩn với việc chăm lo gia đình, chồng con.

Họ đã bị “Tây hóa” rất nhiều, có thể vì ảnh hưởng của lối sống hiện đại. Đi ra đường, thi thoảng vẫn thấy những thiếu nữ Nhật tha thướt, dịu dàng trong những bộ kimono đầy màu sắc nhưng không nhiều so với những cô gái Nhật ở độ tuổi 20 – 25 chuộng lối ăn mặc “chẳng giống ai” với model “hai trong một” – vừa mặc quần vừa mặc váy, trang điểm thật cầu kỳ.

Nhiều cô bạn Nhật thừa nhận, bây giờ các cô cũng chẳng biết mặc kimono như thế nào vì loại trang phục truyền thống này quá phức tạp. Thường thì phụ nữ Nhật chỉ mặc kimono vào dịp họ 20 tuổi – để làm lễ trưởng thành và vào các dịp lễ, dịp cưới xin. Phụ nữ Nhật cũng chi khá nhiều tiền cho việc giải phẫu thẩm mỹ, tân trang sắc đẹp. Có người tốn cả đống tiền mua mỹ phẩm bôi cho trắng da, cũng có người lại mua thuốc bôi cho da đen bóng.

Nhưng họ không vội trong việc lập gia đình. Kiểu sống thử bây giờ ở Nhật đang là “mốt” – giống như ở phương Tây. Không chỉ phụ nữ Nhật ngại lấy chồng mà cả đàn ông Nhật cũng ngại lấy vợ. Bởi chi phí cho một đám cưới là điều mà chàng trai nào mới nghĩ đến thôi cũng đã thấy ớn! Một đám cưới thuộc loại bình dân, tằn tiện lắm cũng đi đứt vài chục ngàn đô. Có lẽ vì mải lo kiếm tiền mà dường như đàn ông Nhật không có nhiều thời gian dành cho tình yêu. Họ có vẻ ít ga lăng, ít lãng mạn. Mà không riêng gì đàn ông độc thân.

Nhiều phụ nữ Nhật Bản thuộc giới thượng lưu cũng ngán cảnh chồng cứ đi làm quần quật cả ngày, về đến nhà là lăn ra ngáy, chẳng quan tâm gì đến vợ con nên họ thường xuyên rút tiền từ “ngân sách gia đình” đi tìm thú vui ở vũ trường, quán bar hay những địa chỉ có đấng mày râu chuyên phục vụ chị em, làm cho chị em bớt buồn và bớt cô đơn!

Nhiều phụ nữ Nhật ở độ tuổi 20 – 30 rất ngại lập gia đình. Lý do chính là họ gần như không có thời gian làm quen, tìm hiểu bạn khác phái khi họ bị quay theo lối sống công nghiệp với tốc độ chóng mặt. Hơn nữa, chính lối sống này cũng đã làm thay đổi quan niệm, tư duy, suy nghĩ của phụ nữ Nhật.

Vì vậy, với những phụ nữ không muốn lập gia đình, họ thường nuôi chó, làm bạn với chó cho… bớt cô đơn. Mà nuôi một chú chó cũng ngốn bộn tiền chứ đâu phải ít. Một chú chó trung bình có giá trên 1.000USD. Chỉ riêng tiền ăn, tính sơ sơ cả tháng cũng mất vài trăm USD là chuyện thường tình ở Nhật, chưa kể những khoản làm đẹp khác cho chó!

Khoảng 6 – 7 giờ tối, cứ ra đường là thấy chị em mặc váy ngắn váy dài tha thướt đi dạo cùng với “người bạn” 4 chân của mình, có người còn hai tay dắt hai chú khuyển chạy tung tăng! Họ dắt chó vào siêu thị mua thức ăn, vào shop xem thử có mốt nào mới thì sắm sửa thêm. Những chú chó được buộc nơ hai bên đầu, mặc áo quần đủ màu sắc, cổ đeo dây chuyền, chân đeo vòng trông rất ngộ nghĩnh, lúc nào cũng quấn lấy các cô chủ, không rời nửa bước.

Ngày nay, để “lấy được vợ Nhật” không phải chuyện đơn giản. Nhưng không có nghĩa là “vợ Nhật” đã được đề cao hơn. Trái lại, có lẽ việc sửa lại câu tục ngữ là cần thiết!?

Theo LAODONGXUATKHAUNHATBAN

Tags: , ,