Outsider art – sức hút của dòng nghệ thuật phi chính thống

Với một xuất phát điểm đặc biệt dấu nối không tưởng giữa tâm lý học và nghệ thuật, Outsider art là một hình thức biểu hiện nghệ thuật mạnh mẽ nhất, ra khỏi những đường lối vạch định của các sử gia nghệ thuật. Câu hỏi : Đâu là nghệ thuật đích thực cũng từ đây mà trở thành đề tài tranh cãi suốt thế kỷ trước. Vậy Outsider art là gì ?

Outsider Art là gì ?

Outsider Art là thuật ngữ dùng để chỉ sáng tác nghệ thuật được tạo ra bởi những người bên ngoài dòng chính thống.

Thuật ngữ “Outsider Art” được Roger Cardinal, nhà phê bình nghệ thuật người Anh đưa ra năm 1972 như một từ tiếng Anh tương đương với thuật ngữ “Art Brut” trong tiếng Pháp do Jean Dubuffet (1901 – 1985, họa sỹ và nhà điêu khắc người Pháp) đặt ra, dùng để chỉ những tác phẩm nghệ thuật không tuân theo khuôn mẫu, qui tắc mỹ thuật hay các trường phái nghệ thuật.

Trong tiếng Anh, “Outsider” có nghĩa là người ngoài cuộc, người không thể cho nhập bọn, người không cùng nghề hay không có chuyên môn. Outsider Art bao gồm tác phẩm của người tự học, kể cả sáng tác của người nghiện rượu, người điên hay mắc bệnh tâm thần.

Phần lớn nghệ sỹ Outsider là những người chưa từng có mối liên hệ nào với học viện, dòng nghệ thuật chính thống hay các tổ chức nghệ thuật. Tuy nhiên, trong số những nghệ sỹ được xếp vào Outsider Art cũng có người từng theo học ở Học viện nghệ thuật, nhưng sau đó bị phát bệnh tâm thần và họ sáng tác nghệ thuật trong nhà thương điên. Trong nhiều trường hợp, nghệ thuật của họ chỉ được chú ý hay phát hiện sau khi chết.

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

The Fairy Feller’s Master- Stroke, tác phẩm nổi tiếng nhất của Richard Dadd (1817 – 1886), họa sỹ người Anh mắc chứng hoang tưởng. Đây là câu chuyện cổ tích bằng tranh của Dadd lấy cảm hứng từ bài hát cùng tên của ban nhạc Queen (Anh).

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Đặc điểm nhận dạng của một tác phẩm outsider art là những ý tưởng lạ có phần kỳ quái, đi ngược mọi quan niệm thông thường, những hình ảnh của một thế giới ảo tưởng, và nổi bật trên hết là trạng thái tinh thần mãnh liệt được bộc lộ qua tác phẩm.

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Lịch sử của Outsider art

Outsider art được khơi nguồn từ những sưu tầm các tác phẩm của bệnh nhân tại các bệnh viện tâm thần ở châu Âu vào thế kỷ XIX nhằm phục vụ cho nghiên cứu và phân tích y khoa. Phải đến đầu thế kỷ XX khi các nghệ sỹ tiên phong phương Tây quay lưng lại với giá trị mỹ học truyền thống của nghệ thuật hàn lâm cổ điển, tìm kiếm những phương thức biểu hiện mới những bộ sưu tập này mới được chú ý dưới góc độ nghệ thuật.

Tiên phong trong việc nghiên cứu những bộ sưu tập sáng tác của bệnh nhân dưới góc độ nghệ thuật là bác sỹ tâm lý người Thụy Sỹ Walter Morgenthaler, với những phân tích về Adolf Wölfli – một bệnh nhân tâm thần được xem là nghệ sỹ đầu tiên của Outsider Art.

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Tác phẩm của Adolf Wölfli cuốn hút đến từng chi tiết

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Từ những năm 1940 Jean Dubuffet (1901 – 1985, họa sỹ, điêu khắc gia người Pháp) đã nỗ lực sưu tầm các tác phẩm của những người tự học, bệnh nhân tâm thần, kẻ nghiện rượu, tù nhân và chỉ ra giá trị thẩm mỹ nội tại của chúng, và cho ra đời thuật ngữ Art Brut.

Trong tiếng Pháp “Brut” có nghĩa “sống”, “mộc”, “thô”, “nguyên”. Từ đó Art Brut mang nghĩa “nghệ thuật thô”, “nghệ thuật sống” hay “nghệ thuật nguyên”, chỉ sự sáng tạo theo hình thức trực tiếp, tạo lập hình ảnh từ trí óc lên trang giấy, hay tấm toan và được Dubuffet ví như nguyên liệu chưa qua quá trình chế biến, vẫn giữ được sự tươi nguyên.

Những tác phẩm được Dubuffet xếp vào thể loại Art Brut đều là sự sáng tạo vô thức dựa trên cảm hứng từ thế giới tinh thần, không dựa trên truyền thống hoặc kỹ thuật. Nó không theo phong cách hay xu hướng nghệ thuật nào mà là sự tự phát và thậm chí không được thực hiện với mục đích làm “nghệ thuật.” Art Brut là những sáng tạo thuần khiết, ra đời từ sự cô đơn, từ thúc đẩy của thế giới vô thức, nơi không bị can thiệp bởi những lo lắng về sự ca ngợi, hay những tung hô xã giao thường thấy trong các cuộc thi. Theo Dubuffet, sự thật còn quý giá hơn sản phẩm của những chuyên gia còn dòng nghệ thuật chính thống của các bảo tàng, học viện đã mất đi sức mạnh và nguồn nghệ thuật tinh khiết từ sự thật.

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

“Arab Palm trees” – một tác phẩm outsider art của Jean Dubuffet


nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi_07

Không chỉ dừng lại ở hội họa, Dubuffet còn phát triển khái niệm của mình trong những tác phẩm điêu khắc không tưởng


nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi


nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi09

“Room of my dreams” – công trình đồ sộ đem lại sự tương tác thú vị của Dubuffet

Kể từ sau sự khuấy đảo của Dubuffet, Châu Âu và Bắc Mỹ trở thành nơi tập trung nghiên cứu về Outsider Art. Công việc này không chỉ được thúc đẩy bởi những người nghiên cứu nghệ thuật mà còn cả các giám tuyển và nhà buôn tranh. Outsider Art ngày càng được các nhà sưu tập hiện đại đánh giá cao, thậm chí còn được treo trong bảo tàng chính thống. Năm 2008, Đại học Sydney thành lập trung tâm Self-Taught and Outsider Art Research Collection (STOARC). Cho đên nay đây là trung tâm quốc tế duy nhất phục vụ việc nghiên cứu nghệ thuật bên ngoài dòng chính thống.

Vẻ đẹp của Outsider art

Những nghệ sỹ đầu tiên của Outsider art đều là những người có những trải nghiệm bất thường trong cuộc sống hoặc trạng thái cùng cực về tinh thần như người tâm thần, người khuyết tật, hay tù nhân song có tiềm năng về sáng tạo nghệ thuật. Họ đến với hội họa và điêu khắc vì những thôi thúc mãnh liệt chứ không vì mong muốn được công nhận. Nghệ thuật của họ là sự biểu hiện những ham muốn ẩn và mâu thuẫn bên trong nội tại. Nó không hướng ngoại mà hướng nội. Nó xuất hiện từ trí tưởng tượng và những ẩn ức của bệnh nhân tâm thần hay người điên, phá vỡ những nỗ lực có ý thức và bác bỏ quan niệm bất di bất dịch hay sự chủ định về nghệ thuật. Có thể ví những tác phẩm thuộc thể loại này như một chuyến đi thám hiểm vào thế giới nội tâm.

Tính tự phát, những ý tưởng và cách biểu hiện khác thường đến tự sự nhạy cảm đặc biệt với thế giới xung quanh, những thôi thúc được giao tiếp, cảm xúc và phản ứng đã tạo nên vẻ đẹp và sức cuốn hút không thể cưỡng lại của Outsider art.

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Một minh họa của Henry Darger (1892 – 1973) cho câu chuyện thần thoại về bảy chị em Vivian do chính ông sáng tác. Darger là một trong những nghệ sỹ bên ngoài dòng chính thống quan trọng nhất của thế kỷ XX. Mặc dù là một bệnh nhân tâm thần và chưa một lần bước chân vào bảo tàng những minh họa của Henry Darger lột tả những gì đặc sắc nhất của Outsider art, với mối liên hệ mật thiết với văn hóa đại chúng khi Darger lấy cảm hứng cho câu chuyện từ những sự kiện và hình ảnh của các báo và tạp chí.

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Công trình vườn đá rộng tới mười tám mẫu ở thành phố Chandigarh, Ấn Độ của nghệ sỹ tự học Nek Chan với những chi tiết điêu khắc từ đá độc đáo

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Bên cạnh những sáng tạo vượt qua mọi giới hạn nghệ thuật thông thường với đá và xi măng, Nek Chan còn khiến dự án của mình trở thành một trong những chương trình tái chế phế thải lớn nhất thế giới với một lượng lớn động vật và búp bê từ vải và quần áo cũ

Không chỉ với các chất liệu từ phế thải đô thị, Nek Chan còn đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc từ rễ của cây

Sức ảnh hưởng của Outsider art

Các nghệ sỹ tiên phong của chủ nghĩa nghệ thuật hiện đại như Ernst Ludwig Kirchner, Oskar Schlemmer, Alfred Kubin, André Breton, Paul Klee, Max Ernst và Pablo Picasso đều từng tham khảo bộ sưu tập tranh của bệnh viện tâm thần Heidelberg. Các motif từ di sản nghệ thuật nguyên thủy, tính hồn nhiên trong tranh vẽ của trẻ em, cảnh tượng kỳ lạ chỉ gặp trong giấc mơ và thế giới vô thức… những chủ đề chính của nghệ thuật tạo hình đầu thế kỷ XX chịu sự ảnh hưởng nhất định từ những tác phẩm thuở sơ khai của Outsider Art.

Cùng với sự tác động mạnh mẽ của chủ nghĩa hiện đại đến nghệ thuật thế giới, Outsider art không chỉ giới hạn trong những tác phẩm không chuyên của các nghệ sỹ tự học mà đã trở thành nguồn cảm hứng mới về cách biểu đạt cho nhiều nghệ sỹ chuyên nghiệp “Insider”. Nhiều ý kiến bảo thủ lý giải cho hiện tượng này khẳng định rằng, những nghệ sỹ của dòng nghệ thuật chính thống không phải thấy hứng thú với nghệ thuật từ sự điên loạn, hoang tưởng mà chính những trạng thái hoang đường mới là điểm mà họ muốn khai thác.

Một tác phẩm Outsider art với nghệ thuật chần vải quilting và vẽ màu acrylic


nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi_18

Sự kết hợp của len, cói và màu acrylic trong một tác phẩm trưng bày hiện đại mang đậm dấu ấn Outsider art

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Outsider art trong nhiếp ảnh

Cho đến nay, Outsider art được coi là một trong những yếu tố làm nên chủ nghĩa hậu hiện đại bên cạnh những khái niệm mới như: Anti art (Phản nghệ thuật), trào lưu nghệ thuật Pop art, nghệ thuật hậu tối giản Postminimalism art,…..

Sau đây, mời các bạn chiêm ngưỡng một số tác phẩm và ứng dụng của Outsider art hiện đại

Một tác phẩm Outsider art sử dụng kỹ thuật tạo hình collage

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Một số tác phẩm được trưng bày trong triển lãm Outsider art tại New York


nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi


nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Họa tiết trang trí mang đậm dấu ấn của Outsider art

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Outsider art trong kiến trúc và nghệ thuật sắp đặt đầy phá cách

nghe-thuat-ben-ngoai-outsider-art-la-gi

Biệt thự Hằng Nga ở Đà Lạt thường được biết đến với biệt danh “Crazy House” – nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, với ý tưởng Outsider art được thể hiện đậm nét

Bất chấp những ý kiến trái chiều về vị trí của Outsider art trong hệ thống nghệ thuật chính quy, hình thức thể hiện nghệ thuật đầy nội tâm này đã đang góp một phần rất lớn vào dòng chảy của nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại, nơi những ẩn dụ và mực thước hàn lâm nhường chỗ cho một cách biểu hiện “chân thực hơn và nhân bản hơn”, thô sơ và mãnh liệt – vang vọng khẩn thiết trong tâm hồn người nghệ sỹ.

Theo LINHLAN / DESIGNS.VN

Tags: , ,