Nút ‘Like’ của Facebook: Quyền năng và sự vô cảm

“Thích” là quyền của mỗi cá nhân nhưng chẳng ai lại muốn nhận được sự “thích” từ một hành động vô cảm.

Nút ‘Like’ của Facebook: Quyền năng và sự vô cảm

Một icon nhỏ bé, mất chưa đến 1 giây để bấm nhưng “mua vui” cho cả thế giới đó chính là nút “Like”. Được thay thế bởi tiền thân là một cụm từ khá dài “Become a Fan”, nút “Like” nhanh chóng được nhiều người yêu thích bởi tính tiện dụng, tương tác hiệu quả và nhanh chóng.

Khác với nút “Share”-chia sẻ, phải trải qua ít nhất 2 thao tác, nút “Like” bên cạnh việc thể hiện quan điểm đồng tình còn bao hàm luôn cả việc “chia sẻ” của người thực hiện nó.

Vì vậy có ý kiến cho rằng, “Like” chính là phím bấm tâm lý bởi những tác động lớn lao không ngờ đến tâm lý của người “được like”. Ai mà chẳng vui khi mỗi bức ảnh, mỗi status, mỗi topic mình lập nên nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bạn bè thân quen (hay cả chưa quen)! Và thế là những cuộc “săn Like” rầm rộ nổ ra tạo nên bức tranh hỗn độn sắc màu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Phản ứng dây chuyền chính là sức mạnh của phím bấm nhỏ xíu này. Gangnam style hay những hiện tượng internet khác chính là sản phẩm của phím “like”, được tạo nên bởi một đám đông vốn mang trong mình thừa thải sự tò mò: cớ gì mà người ta like nhiều thế? sao mình lại không like?!

Nắm bắt được tâm lý trên, cũng như Facebook, những đơn vị làm kinh doanh khác nhanh chóng biến đám đông vô thưởng vô phạt kia thành những người ủng hộ và là kênh quảng bá hiệu quả nhất cho sản phẩm của mình mà không mất một chút chi phí nào (nếu có thì chỉ cho bản thân của Facebook).

Ấy vậy mới thấm thía câu “nhỏ nhưng (đúng là) có võ”.

“Like” nhưng không phải “thích”!

Không bàn đến những mục đích thương mại, nút “Like” đang dần hình thành một tâm lý đáng ngại là dễ dãi và thói quen “like dạo” khác người của các thành viên Facebook. Lý giải cho điều này bên cạnh sự tiện lợi và dễ dàng thao tác thì tâm lý và thái độ của người dùng chính là nguyên nhân.

Facebook là trang-phải-mở-suốt-8-giờ của cánh văn phòng bên cạnh hộp mail công ty cùng một số trang mạng khác. Ngoài việc Update status (những cập nhật mới nhất), việc xem và nhấn “Like” Facebook của bạn bè, đồng nghiệp như là một liệu pháp xả tress hiệu quả. Đó chưa kể còn hàng tá các nhân vật không phân biệt nghề nghiệp tuổi tác khác ngày ngày vẫn miệt mài ấn “Like”.

  • Để ủng hộ người mình yêu mến,
  • Để sẻ chia với bạn bè,
  • Để cảm thông với những người cùng khổ,
  • Để an ủi người yêu,
  • Để anti fanclub một diễn viên hết thời,
  • Để dìm hàng con A mập xấu,
  • Để chửi rủa thằng ca sỹ B nổi như cồn…

Tất cả đều nhấn “Like” như một cách làm dễ dàng nhưng hiệu quả nhất cho nhu cầu của mình. Tuy vậy, có một sự thật là rất ít người để tâm vào những cái mình đã “Like”.

Mình có rất nhiều bạn trên Fb, Feeds (thông tin cập nhật) cứ thế mà dồn dập, đôi khi mình Like trước, rồi…đọc sau vì không có thời gian” M.Ngọc, một thành viên Facebook nói. Hay Vũ Bảo, 25 tuổi thổ lộ: “Nhiều status tôi thấy có hàng nghìn người Like, tôi nghĩ họ đang ủng hộ cho một phong trào nào đó vui vui, nên cũng Like để ủng hộ theo, chỉ đơn giản vậy thôi”

Có thật là đơn giản vậy không khi bạn làm một điều gì đó trong vô thức? Biết đâu dù là không cố ý nhưng bạn đang làm tổn thương hay giết chết một nạn nhân của số đông nào đó?! Chính thói quen ấy đã vô tình biến nút “Like” trở nên trơ lì, vô duyên và vô cảm hơn bao giờ hết.

“Like” còn là cách nhanh và dễ dàng nhất để kết thúc một cuộc trò chuyện

Đã có thời gian nổ ra những cuộc đấu võ mồm nảy lửa về việc có nên dùng nút “Like” cho những tình huống gây tranh cãi hay không như: một bức ảnh nóng nhạy cảm, một hoàn cảnh khó khăn hay một tai nạn thương tâm…nhưng mọi chuyện vẫn chưa đi đến hồi kết bởi khó có thể làm thay đổi suy nghĩ số đông trong một sớm một chiều.

Có lẽ cha đẻ của nút “Like” cũng không thể ngờ “quyền năng” lớn lao đến không ngờ của nó khi làm khuynh đảo cả thế giới theo đúng cả 2 nghĩa. Bên cạnh đó là những rắc rối phát sinh, những hệ lụy đáng tiếc mà nguyên nhân là ở sự vô tâm của người sử dụng. Việc cấm sử dụng nút “Like” tại vùng Schleswig-Holstein của Đức vì “vi phạm quyền tiêng tư cũng như luật bảo vệ dữ liệu của liên minh Châu Âu” là một minh chứng về việc còn quá nhiều tranh cãi xoay quanh phím bấm nhỏ bé này.

Nếu đã từng hơn một lần mở Facebook lên và “Like” vô tội vạ thì bạn nên suy nghĩ lại. Có bất nhẫn quá không nếu như người được chia sẻ nhận ra rằng bạn “Like” bức ảnh hay những điều họ viết chỉ vì thói quen thích nhấn like?

“Thích” là quyền của mỗi cá nhân nhưng chẳng ai lại muốn nhận được sự “thích” từ một hành động vô cảm. Khác với máy móc, con người luôn biết nhận thức và có một cái tâm. Sao người ta cứ mãi “ru” nhau vào mộng mị bằng cách “nhấn Like” mà thiếu mất một cảm xúc?

Theo NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Tags: , ,