⠀
Nói thẳng: Nguyễn Nhật Cảm – ông quá tham lam, vô cảm
Ông Nguyễn Nhật Cảm là PGS.TS.BS, đứng đầu một trung tâm chống dịch bệnh quan trọng của Thủ đô. Thế nhưng, lợi dụng lúc đất nước đang gặp khó khăn, ông cùng nhiều thuộc cấp vứt bỏ lương tâm, đục khoét ngân sách.
Cơ quan CSĐT Bộ Công An chiều 22/4/2020 đã quyết định khởi tố bị can, bắt giữ và khám xét đối với PGS.TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cùng 6 thuộc cấp và đồng phạm vì đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Chưa biết kết quả xét xử sắp tới sẽ như thế nào nhưng ngay bây giờ có thể khẳng định, ông Nguyễn Nhật Cảm cùng đồng phạm là những kẻ tham lam và vô cảm khi đất nước đang gồng mình trước đại dịch COVID-19.
Ngay từ những ngày đầu chống dịch, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ đã sớm xác định “chống dịch như chống giặc” với sự đồng lòng, chung sức của mọi tầng lớp nhân dân, quyết đẩy lùi đại dịch COVID-19 đầy hiểm nguy vốn đã lan rộng toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, khắp nơi trên đất nước ta phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Nhiều cá nhân, tập thể đi đầu với những phát kiến hay như “ATM gạo”, “ATM thực phẩm miễn phí”, những đợt phát quà với tinh thần “nếu khó khăn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người khác”… Sự san sẻ, tình người, lòng yêu thương từ đó cũng lan tỏa khắp nơi. Cùng với quyết tâm và hiệu quả chống dịch của Việt Nam, thì tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân đã giúp nước ta trở nên kiên cường hơn, gây ấn tượng sâu sắc trong mắt bạn bè quốc tế.
Xúc động nhất là hình ảnh của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những cụ già ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, dù chỉ với một ít tiền tiết kiệm, một đôi bông tai làm của hồi môn, nhưng đó gần như là toàn bộ tài sản mà các cụ dành dụm được đã mang đến góp sức cùng Nhà nước quyết tâm chống dịch. Đó là chưa kể nhiều bà con nông dân khác với “của ít lòng nhiều”, mang từng mớ rau, củ quả, trứng gia cầm…đến hỗ trợ các khu cách ly, để chia sẻ khó khăn, cầu mong cho đất nước vượt qua cơn đại dịch.
Đặc biệt, nhân lực ngành Y tế luôn được xác định là “những chiến sĩ tuyến đầu” giữ vai trò cực kỳ quan trọng khi đối phó với đại dịch COVID-19. Hàng ngàn Bác sĩ, nhân viên Y tế luôn ngày đêm đối mặt với muôn vàn thử thách, nguy cơ nhiễm bệnh cao khi trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Họ không quản ngại mà sẵn sàng hy sinh cuộc sống gia đình để túc trực bên giường bệnh, điều trị, chữa khỏi cho các bệnh nhân không may nhiễm bệnh và chăm sóc cho hàng chục ngàn người thuộc diện cách ly.
Từ thực tế đó, với chức trách của mình, ông Nguyễn Nhật Cảm là một thầy thuốc, lại có học hàm, học vị cao, hơn ai hết phải ý thức được bản thân phải làm gì để góp công sức cho đất nước!
Ông hẳn phải biết rằng, Nhân dân mong đợi điều gì, ngành Y đang cần gì, Nhà Nước giao phó trách nhiệm quan trọng như thế nào cho ông và các đồng sự?
Vì vậy, việc mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19 là trọng trách lớn lao nhằm bảo vệ tính mạng – sức khỏe Nhân dân, hướng đến việc “kiểm soát bệnh tật” đúng như tên gọi của nơi ông đang công tác, mà chính ông là người đứng đầu. Tiếc rằng, ông Cảm và các đồng phạm đã bị đồng tiền che mắt, bán rẻ lương tâm. Vì quá tham lam, ông và thuộc cấp, cùng những người có liên quan đã vô cảm trước sức khỏe, tính mạng của nhân dân, để rồi bất chấp tất cả, nâng khống một cách vô tội vạ giá cả vật tư, thiết bị y tế nhằm mục đích vun vén cá nhân, đục khoét của công.
Rồi đây chưa biết bản án cuối cùng sẽ như thế nào, nhưng quả thật quá xấu hổ cho ông Cảm và đồng phạm – những người bụng đầy chữ nghĩa, lại được gọi là có học thức, địa vị nhưng đã đánh mất lương tri trong lúc đất nước và Nhân dân phải đối mặt với bao nguy khốn của đại dịch.
Cách đây 70 năm, vào ngày 5/9/1950, trong bối cảnh nước ta và Chính quyền cách mạng non trẻ phải đối diện với bao khó khăn, thiếu thốn, dành tâm sức, vật lực cho công cuộc kháng chiến chống thực dân thì Đại tá Trần Dụ Châu- Cục trưởng Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng) đã phạm tội nghiêm trọng “biển thủ công quỹ, xa hoa, lãng phí”. Y bị Toà án binh tuyên án tử hình. Khi nhận được đơn xin giảm án của y, Bác Hồ khi đó là Chủ tịch nước đã thẳng thừng bác bỏ và nhấn mạnh rằng: “Một cái u nhọt dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan nguy hiểm”.
Bản án hơn nửa thế kỷ trước cho ta nhiều bài học sâu sắc trong việc giám sát, giáo dục cán bộ. Với vi phạm nghiệm trọng trong bối cảnh đất nước đang rơi vào đại dịch thì cái giá của sự tham lam và vô cảm mà ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm phải trả chắc chắn sẽ không nhỏ.
Theo HUỲNH SANG / NGƯỜI LAO ĐỘNG
Tags: Dịch bệnh COVID-19, Tham nhũng - Tiêu cực, Y tế