⠀
Nội dung cơ bản nhất của Nho giáo qua lịch sử của nó
Nói Nho giáo là nói những cái gì trước hết và trên hết? Nội dung cơ bản của Nho giáo là gì? Những cái gì là chung nhất của Nho giáo trải qua các thời kỳ biến chuyển của nó?
Nguồn: Trần Văn Giàu, “Nho giáo ở Việt Nam – Phần II: Nội dung cơ bản nhất của Nho giáo qua lịch sử của nó”, in trong Triết học và tư tưởng, Nxb TP.HCM, 1998.
Lịch sử Nho giáo dài hơn hai nghìn năm. Trong thời gian đó, ở phương Bắc, xã hội phong kiến chuyển biến, lịch sử chính trị phát triển, phong tục tập quán thay đổi. Các thế hệ nhà Nho thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau chẳng những phải kế thừa các bậc tiền bối của họ mà luôn luôn phải va chạm với thực tế của cuộc sống, phải cọ sát với nhiều học thuyết khác, nhiều tôn giáo khác cho nên họ bị bắt buộc phải đem nhiều điều mới bổ sung mãi vào nội dung của cái Nho giáo được Khổng Tử và các môn đệ hệ thống hóa từ thời Xuân Thu. Có nhà nghiên cứu ta nhận định rằng một đặc sắc lớn của Nho giáo là tính chất không hoàn chỉnh của nó, không nhất quán, tính chất mềm dẻo dễ thỏa hiệp của nó, khiến nó vừa có thể chung sống với các thuyết khác, vừa tiếp thu từng bộ phận của các thuyết đó xem như của mình. Hóa ra Nho giáo càng phát triển thì càng phức tạp. Hơn nữa, cùng một gốc Khổng, ngay các môn đồ trực tiếp của Khổng Tử mà còn chia nhau thành những chi phái phân biệt, huống chi là lâu đời về sau. Và hình như đó là một điều phổ biến không tránh được của bất kỳ một chủ nghĩa, một hệ thống tư tưởng nào, đông tây cổ kim đều như vậy, do xã hội có nhiều giai cấp, do nhu cầu của cuộc sống phong phú, do tính sáng tạo của con người kế thừa, và do có những chỗ mâu thuẫn, hoặc tối nghĩa, hoặc ý nghĩa thiếu xác định của bản thân cái học thuyết từ lúc mới sáng lập. Các chi phái Nho giáo chẳng những phân biệt nhau mà còn chống đối với nhau nữa. Tuy vậy, cần nhấn mạnh rằng ở Trung Quốc, từ Hán đến Thanh, hệ tư tưởng thống trị chủ yếu vẫn là Nho giáo. Thế nghĩa là qua mọi cuộc biến đổi, có những điều chung nhất thuộc về bản chất của Nho giáo, mà người Nho, cánh Nho nào cũng phải công nhận, nếu không công nhận thì không phải là Nho nữa.
Khổng Tử là vị thầy được mọi người, mọi đời công nhận là vị tôn sư của đạo Nho. Song đạo Nho có trước Khổng Tử. Đến Khổng Tử thì Nho giáo trở thành ít nhiều có hệ thống, mang ít nhiều tính t1ich cực và nhân bản hơn là trước kia tuy Khổng nói “thuật nhi bất tác”. Công của Khổng ở đó, cũng như ở chỗ đào tạo được nhiều học trò giỏi có uy tín lớn, có sức truyền đạo, được thiên hạ tôn là bậc hiền trong lúc Khổng Tử được tôn là thánh. Nho giáo được mệnh danh là đạo của thánh hiền.
Khổng Tử viết sách Xuân Thu, Xuân Thu là một bộ sử biên niên trước hết chép chuyện nước Lỗ từ Ấn Công đến Ai Công, cũng chép việc nhà Chu và một số nước chư hầu. Ngày nay ta đọc sách Xuân Thu thì thấy chán ngán lắm, thấy kể hết chuyện này đến chuyện khác, vua này đến quan khác, không có trật tự gì, ngoài trật tự thời gian và không gian. Song ngày xưa nhà Nho cho rằng giá trị sách Xuân Thu lớn lắm, và giá trị kinh Xuân Thu là ở chỗ “chính danh định phận”, “ngụ bạo biếm biệt thiện ác”. Nói một cách khác, giá trị kinh Xuân Thu ở chỗ tác giả của nó gửi gắm tâm trí, trình bày một cách gián tiếp quan điểm đánh giá nhân vật và sự việc. Cho nên Khổng nói: “Người biết ta chỉ ở Xuân Thu, người trách ta cũng ở Xuân Thu”. Tương truyền những người nổi tiếng trọng nghĩa đều chuyên trị kinh Xuân Thu, như Quan Vân Trường ở Trung Quốc, như Lý Ông Trọng ở nước ta xưa kia. Nam Sơn phu tử (tức Nguyễn Đức Đạt, thầy nho nổi tiếng ở xứ Nghệ thế kỷ 19), đánh giá rằng: “Kinh Xuân Thu là gấm hoa, kiêm cả Thi, Thư, Lễ, Dịch”, cũng nói “kinh Xuân Thu thay thế trời đất”, “đại nghĩa Xuân Thu là đạo trung nghĩa, là nảy mực cho đường cong, đường thẳng, cân nhắc điều khinh, điều trọng” (Nam sơn tùng thoại).
Khổng Tử “thuật nhi bất tác”. Ngài sắp xếp lại, gạn lọc những sách Nho đã sẵn, thành những bộ kinh điển của Nho giáo về sau. Khổng Tử đã biên soạn những sách nào ngoài Xuân Thu?. Ở Trung Quốc người ta còn tranh cãi nhau nhiều vấn đề này. Nho giáo ở Việt-nam cho đến hết thời Nguyễn, theo nếp Tống Nho mà công nhận rằng năm kinh đều là tiêu biểu chính thống cho Khổng giáo. Học Nho trước hết là học năm kinh, kinh là khuôn vàng thước ngọc. Cho nên sách Nam sơn tùng thoại gọi Kinh Dịch là “phỏng theo trới đất”, tựa như mờ tối nhưng lại rõ ràng, gọi Kinh Thi là “ngọc bích”, là “thuận theo trời đất”, nên “tựa như quê mùa nhưng lại trang sức”, gọi Kinh Thư là “bắt chước trời đất”, xem “tựa như kỳ dị mà lưu loát”, gọi Kinh Lễ là “củ” trong lúc Kinh Dịch là “quy” tức là khuôn mẫu để đo tròn đo vuông), xem như “bó buộc nhưng lại thích hợp”, “đúng mực trong trời đất”. Toàn là những lời khen tuyệt đối, sánh các kinh với trời đất, tức là với những chân lý vĩnh cửu, với những gì to lớn nhất, đáng tôn kính nhất.
Sự thật thì sự thêm bớt số sách kinh điển Nho giáo cũng như sự sắp xếp thứ tự, sự xác định chính văn và sự quy định chính nghĩa đều khác nhau tùy thời đại, mãi đến thế kỷ 7 mới ổn định tương đối với công trình của Nhan Sử Cổ và Khổng Dĩnh Đạt. Hán đề cao kinh Xuân Thu, Tống đề cao Kinh Dịch. Xưa người học đi thi thì chuyên trị một kinh, lần lần về sau mới chuyên trị hai kinh, lần lần về sau mới chuyên trị hai kinh, sau nữa mới phải học cả ngũ kinh. Thời Hán, tứ thư (Luận ngữ, Mạnh Tử, Trung dung, Đại học) không có địa vị quan trọng. Từ Đường thì Luận ngữ, Mạnh Tử được đề cao. Đến Tống thì Trung dung, Đại học mới có địa vị như Luận ngữ, Mạnh Tử và từ đó, bên cạnh ngũ kinh còn có tứ thư là sách kinh điển Nho giáo.
Khổng Tử là thầy của Nho giáo. Nhưng cái tư tưởng mà sau này gọi là Nho giáo đã có trước Khổng. Từ Khổng đến thời Thanh, thời gian dài quá hai ngàn năm, trong lúc đó Nho giáo tất nhiên có biến đổi. Vậy thì Nho giáo với Khổng giáo thực tế không phải là một, tuy nhà Nho không phân biệt. Nho giáo có nhiều giai đoạn phát triển. Chúng ta hãy xem trong toàn bộ quá trình ấy, cái gì là chung nhất của Nho giáo, cái gì mà Nho giáo các thời đều đồng ý là cơ bản nhất?.
Thời Chiến Quốc, Nho giáo chưa có địa vị gì đặc biệt lắm, nó phải đấy tranh kịch liệt với chủ nghĩa “kiêm ái” của Mặc Tử, với chủ nghĩa “vị ngã” của họ Dương Chu, với chủ nghĩa “lập pháp” và “tập quyền” của Thương Ưởng, với tư tưởng “vô vi” của Lão, Trang, với chủ nghĩa “tham nhiệm” và thuyết “pháp, thuật, thế” của Hàn Phi v.v… Dương, Mặc, Hàn, Thương v.v… gọi là bách gia. Thời Chiến Quốc rất loạn lạc, nhiều giá trị cổ truyền bị phá sản, song tư tưởng triết học và chính trị thì “trăm hoa đua nở”. Bách gia đều bị nhà Nho khinh thường, phản đối. Thầy Nguyễn Đức Đạt của xứ ta có lẽ đã quá lời khi gọi “sách của bách gia là giả dối”, nhưng ông có một số hình ảnh đẹp khi so sánh bách gia với Khổng, Mạnh, ông viết: “Đọc bách gia thì như tháng hè mà tới bờ ao, rời khỏi bờ ao thì lại nóng, như mù đông mà sưởi bếp, ra xa bếp thì lại lạnh, còn như học đạo thánh hiền thì như lội trong nước trong, không cần tắm gội đã mát, như mùa đông đi dưới mặt trời, không phơi lưng đã thấy ấm”. Nguyễn Đức Đạt chê rằng: “Nghe Hàn Phi thì người quân tử chỉ muốn rử tai cho khỏi bẩn”! Không phải các cụ của chúng ta không có sách vở và thì giờ để đọc bách khoa chi tử, sách thì dễ mua, thì giờ thì ai nhiều bằng nhà Nho, nhưng cái thiếu là ý muốn và cả thái độ khách quan để đọc, mà dù đọc thì cũng khó thấm vì đã sẵn có Nho giáo đóng băng, hóa đá, thành thành kiến sâu sắc trong tâm trí rồi!. Thời Chiến Quốc trăm nhà đua tiếng Nho giáo chưa nắm được ưu thế. Trong điều kiện các nước tranh bá đồ vương, giặc giã liên miên, Mạnh Tử xuất hiện với thuyết “tính thiện” và thuyết “nhân trị”, Tuân Tử với thuyết “tính ác” và thuyết “lễ trị”, cả hai đều là đại biểu kiệt xuất của Nho giáo. Mạnh Tử thì hùng biện. Tuân Tử thì sâu sắc. Đến Tuân Tử, Nho giáo được phát triển lên một bậc, nhưng nhà Nho về sau chê cái học của Tuân Tử là chuyên chế, thấp hẹp, thực dụng. Sách Nam sơn tùng thoại cho rằng “cái học của Tuân Tử ngoài da là Nho, trong xương là Thân Hàn”, và lên án rằng “ngọn lửa (đốt sách) của Lý Tư là bắt mồi từ thuốc cháy của Tuân Khanh”. Chê như vậy ắt phải hiểu thấu Tuân Khanh là người đã phát triển và bổ sung cho Nho giáo. Trái lại Mạnh Tử được hậu Nho giáo tôn sùng, thậm chí gọi đạo Nho là đạo Khổng – Mạnh. Tiếp tục truyền bá chữ “nhân”, Mạnh Tử chú trọng vào chữ “nghĩa”; nhân nghĩa từ nay được đề lên làm phương châm chính của vương đạo; chìa khóa đạo tu thân của người quân tử là “tồn tâm”, khéo giữ con tâm bản nhiên, cũng là “dưỡng khí”, khéo nuôi cái khí hạo nhiên. Mạnh Tử hăng hái bảo vệ Nho giáo, cực lực bài xích Dương, Mặc, ông nổi tiếng ở chỗ bảo vệ chính thống hơn là chỗ sáng tạo phát triển. Sách Mạnh Tử được xem gần như sách Luận ngữ. Trình Y Xuyên thời Tống đánh giá rằng “đã biết được hai bộ sách này thì không cần phải học ngũ kinh cũng rõ được đạo Khổng”.
Có học trò hỏi Nguyễn Đức Đạt: “Ông Khổng đi mòn bánh xe, ông Mạnh nói rát cả cổ, giúp đời được gì?”, thì được thầy đáp: “Đạo mà thâm thúy thì ngay lúc bấy giờ không dễ hiểu thấy được, công mà to thì đời sau mới rõ”.
Nước Tần tóm thu lục quốc, thống nhất Trung nguyên, thì Nho giáo chẳng những lép vế mà lại còn bị đàn áp lắm khi dữ dội. Lúc này, sách Lã thị Xuân Thu ra đời, nêu lên ba phương châm lớn cho việc xây dựng vương quốc thống nhất: một là chính danh, hai là thống nhất bằng võ lực, ba là thống nhất về tư tưởng. Phương châm thứ ba nói lên nhu cầu bức thiết của vương quốc thống nhất phải sử dụng một hệ tư tưởng, một chủ nghĩa nào đó làm quốc giáo, làm công cụ chuyên chính. Sách Lã thị Xuân Thu chưa đề nghị một sự lựa chọn cụ thể nào trong số các học thuyết đang lưu hành, mà nhà Tần ngắn số cũng chưa kịp lựa chọn. Thời ấy chính vì nhà Nho chống lại sự thống nhất theo kiểu pháp gia, tức theo kiểu nhà Tần tóm thu lục quốc, chống lại chính quyền tập trung ngoài sự tập hợp theo kiểu Chu Công tập hợp các chư hầu quanh thiên tử nhà Chu. Vả lại triều đình Tần chưa có cơ sở vững chắc lắm, cho nên Tần thực hiện một chính sách nổi tiếng bạo ngược là “đốt sách vở, chôn học trò” mà người đời sau thường lấy làm tỉ dụ tàn ác quân phiệt. Xét cho cùng lý, Tần chọn đường lối pháp gia để thống nhất là điều tất yếu sau mấy trăm năm Chiến Quốc, nhằm phá tan trạng thái phân quyền, bãi bỏ tông tộc, tổ chức lại sự bóc lột nhân dân trên cơ sở mới, lịch sử đi vào một giai đoạn mới cao hơn trước.
Hán thành lập nhà nước phong kiến tập quyền càng mạnh, tuy rằng Hán Cao tổ nghe theo đề nghị của Trương Lương mà phục hồi chư hầu một cách hình thức. Đến Hán Vũ đế thì hết hẳn phiên vương, sự thống nhất trở nên hoàn toàn. Nho giáo được tôn làm quốc giáo. Nhưng Nho giáo Khổng – Mạnh thì không đủ sắc bén cho quyền thống trị phong kiến, ở trong một gia đình dù to, trong một ấp vừa phải, thì nhân trị và đức trị chắc có tác dụng; nay đem dùng trong một nước lớn thì không được. Cần có sự thích nghi mới thì Nho giáo mới đóng được vai trò quốc giáo, Đổng Trọng Thư không phải là một nhà tư tưởng xuất sắc, nhưng bọn phong kiến về sau tôn sùng ông vì ông có công “chính thống hóa Nho giáo”, biến nó thành công cụ thống trị sắc bén. Khổng, Mạnh, Tuân đại để là Nho giáo mang ít nhiều tính nhân bản, còn Đổng là Nho giáo thần bí hóa nặng nề. Diều mới của Đổng đưa vào Nho giáo là sáp nhập thuyết âm dương và thuyết ngũ hành với đạo Khổng, Mạnh. Trước kia Khổng, Mạnh ít nói đến trời mà nói nhiều về người. Khổng, Mạnh tránh đi sâu vào các vấn đề bản thể của vũ trụ, mà chuyên chú vào các vấn đề đạo đức, chính trị, xã hội. Bây giờ, đứng trước nhu cầu cầm quyền của nhà Hán, Đổng Trọng Thư ra sức thần bí hóa nguồn gốc của vương triều, ông đề cao thuyết “thiên nhân tương cảm” đi đến thuyết “tai dị” huyễn hoặc lạc hậu và nhất là đi đến chỗ hợp nhất phụ quyền với thần quyền, biến nhà vua thành là một gia trưởng, một đế vương và một giáo chủ. Nho giáo của Đổng Trọng Thư đã tìm ra cách giải quyết một nghịch lý là tập hợp lực lượng cho chính quyền chuyên chế thống nhất của một vị thiên tử mà vẫn là dựng trên cơ sở tông tộc, hương thôn, nông nghiệp lạc hậu, nói một cách khác, trên cơ sở của một nền kinh tế phân tán, một xã hội chưa có thị trường dân tộc mà lại xây dựng cho kỳ được một nhà nước tập quyền, bài toán thật khó giải quyết mà thực sự đã được giải quyết đến mức độ nhất định. Ta hiểu tại sao các triều đại sau ở Trung Quốc, các triều đại Lê, Nguyễn ở Việt-nam, đều xem Đổng Trọng Thư là á thánh. Hán Nho một mặt thì thần bí hóa vương triều, mặt khác tuy không nói ra mà trên thực tế là tiếp thu nhiều điều của pháp gia mà nó công kích; nó chủ trương “dương đức, âm pháp”, hay như có người nói: “ngoại nho, nội pháp”; ấy là một chính sách hai mặt; nói nhân trị, đức trị để che đậy luật pháp hà khắc, và đó là điều kiện để nhà vua giương ngọn cờ Nho giáo mà có thể nắm vững một nhà nước lớn.
Cái dòng gọi là chính thống của Nho giáo vửa lập nghiệp vừa thoái hóa như vậy đó. Nhưng kế bên thì vẫn có người kế thừa và phát huy những yếu tố tích cực và nhân bản của tư tưởng Khổng, Mạnh, trong lúc cái học huấn hổ, tai dị, sấm vĩ tràn lan thì Vương Sung công kích mê tín, không thừa nhận trời có ý chí, thậm chí không thừa nhận thiên mệnh, không thừa nhận “thiên nhân tương cảm”, không tin người chết thành quỷ, không thừa nhận xưa hơn nay, không chịu nhắm mắt mỗi mỗi tin theo lời của thánh hiền. Còn đi xa hơn Tuân Tử, Vương Sung tiếp cận với tư tưởng duy vật luận. Tiếc thay, những bậc hay chữ ở Việt-nam hầu như không ai biết đến Vương Sung, trái lại không ai không học Đổng Trọng Thư. Các triều đại bên kia và bên này thường xem Hán là mẫu mực và xem Đổng là “phụ tử đời Hán”.
Sự suy đốn của Nho giáo thời Hán mạt góp phần làm cho Đạo giáo thêm thịnh đạt và cho Phật giáo thêm điều kiện thuận lợi để xâm nhập Trung Quốc.
Đặc điểm chính của sự sinh hoạt văn hóa tư tưởng thời Tùy, Đường mà chẳng những Nho giáo mà Đạo giáo và Phật giáo đều lưu hành, đều được nhà nước ủng hộ. Không có cái nào là quốc giáo, là độc tôn; tuy vậy, nói chung Nho giáo thường chiếm ưu thế và Nho thường liên kết với Đạo để mà đương đầu với Phật bị xem như là một tôn giáo ngoại lai, là “di giáo”, trong lúc đó thì cả Nho lẫn Đạo đều không khỏi ít nhiều bị ảnh hưởng bởi triết lý Phật giáo. Thời Tùy, sự thống nhất nội bộ của giai cấp địa chủ được biểu hiện trên mặt ý thức bằng khuynh hướng “điều hòa tam giáo”. Vương Thông – một học giả tự xưng là nối chí Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử – giải thích rằng học thuyết của cả ba giáo đều có chỗ đáng theo, còn những cái xấu sinh ra đều không phải từ nguyên lý của các giáo ấy. Bởi vậy, Nam Sơn Nguyễn Đức Đạt bình luận có ý chê: “Văn Trung Tử (tức Vương Thông) bàn đạo mà để Khổng Tử ngang hàng với Lão, Trang, Thích, như thế thì cũng như Tuân Tử xếp Khổng Tử, Mạnh Tử, Mặc Tử cùng hàng, sao gọi là biết đạo được?”. Tư tưởng của Vương Thông có tác dụng mở đầu cho ba trăm năm học thuật đời Đường, các công thần của Đường Thái Tông phần đông là học trò Vương Thông. Thuyết “Tam giáo đồng nguyên”, “tam giáo hợp nhất” của Liễu Tôn Nguyên ảnh hưởng khá lớn ở Việt-nam ta. Thời Đường, Nho giáo cũng có phe muốn giữ bản sắc của mình, tiêu biểu là Hàn Dũ. Hàn Dũ tự cho là đóng vai “Phục hưng Nho học, kế thừa Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Chu Công, Khổng, Mạnh”. Ông nói một cách bi đát: “Cái hại của Phật, Lão còn lớn hơn cái hại của Dương, Mặc, mà cái tài của Hàn Dũ này lại không bằng tài của Mạnh Tử. Mạnh Tử đã không cứu được đạo Nho trước khi nó sắp mất, còn Hàn Dũ này lại muốn cho đạo Nho toàn vẹn sau khi nó đã tiêu tán mất đi rồi!”.
Sang Tống, Nho giáo trở lại làm quốc giáo và mang tính độc tôn hơn lúc nào hết, nhưng Nho giáo của Tống không phải là Nho giáo của Đường, Hán, cũng không hẳn là Nho giáo của Khổng, Mạnh, mà là một Nho giáo đã tiếp thu khá sâu sắc nhiều yếu tố tư tưởng của Đạo giáo và Phật giáo nhất là trên mặt thế giới quan và tâm học. Sau ba thế kỷ chung sống tương đối hòa bình, ba giáo không thể nào không trộn lẫn nhau được. Ở trên đã nói rằng bản thân Nho giáo rất phiến diện, nó chỉ biết đến xã hội, đạo đức, mà cuộc sống thì đa diện, cho nên khi bàn tới bản thể và vũ trụ thì Nho gia mượn Pháp gia, khi làm thơ thì Nho gia mượn Lão, Trng, khi nói đến cái chết thì Nho gia mượn của Phật. Các nhà Nho trứ danh đầu thời Tống hầu hết là những người từng trải qua nghiên cứu Đạo và Phật và làm giàu cho Nho giáo bằng sự vay mượn có nghiền ngẫm. Lý học và cả tâm học thời Tống một phần là xuất phát từ đó. Đỉnh cao mà Tống Nho đạt được một phần có thể được cắt nghĩa bởi lẽ đó, chưa kể rằng theo một ít nhà nghiên cứu (như La Chấn Vũ) có thể cắt nghĩa sự thịnh đạt đó bằng hoạt động của những tập đoàn thương gia nhảy vào cuộc sống văn hóa của thời đại. Một học giả Pháp, Marcel Granet, trong sách Tư tưởng Trung Quốc có nhận xét độc đáo rằng sự sùng hưng của triết học dưới thời Tống là gốc ở chỗ Tống Nho hút lại cái nhựa của thời cổ đại lúc tư tưởng triết học mới nảy nở ở Trung Quốc. Henri Maspéro cho rằng Nho giáo dưới Tống, đặc biệt của Chu Hy là cả một hệ thống triết học hơn là một hệ thống tôn giáo, nó vừa làm cơ sở siêu hình cho tôn giáo chính thống vừa giải thích một cách duy lý cái tôn giáo chính thống ấy. Điều chắc chắn là Nguyên, Minh, Thanh đều lấy Nho giáo thời Tống làm mẫu mực, đều tôn Trình, Chu làm á thánh. Ở Việt-nam cũng vậy. Cho nên đi học Nho thì gọi là đến “cửa Khổng sân Trình”. Về mặt chính trị, Tống không phải là triều đại lớn nhất của Trung Quốc phong kiến, nhưng về nhiều phương diện khác, Tống Nho có thể được xem là trình độ phát triển cao nhất của Nho giáo trong một thời gian dài từ sau Khổng, Mạnh. Thời Tống, cương giới Trung Quốc rút hẹp hơn nhiều so với Hán, Đường trước đó hay so với Nguyên, Minh, Thanh sau này. Tông thất cũng không lâu dài so với các nhà kia. Nhưng vì tình hình giai cấp đấu tranh trong nước Tống, tình hình chống sự xâm lăng của các tộc phương Bắc và Tây bắc, và tình hình văn hóa, tư tưởng kế thừa của Tùy, Đường, cho nên Nho giáo trở lại làm quốc giáo độc tôn tất phải phát triển trên một tầng mới thì mới đóng nổi vai trò làm vũ khí thống trị tinh thần, Bắc sử có ghi rằng: cục diện cát cứ hỗn loạn thời mạt Đường và thời Ngũ đại, Thập quốc, đến Bắc Tống thì quy về một mối. Triệu Khuông Dẫn lên ngôi, lo tăng cường chế độ quân chủ tập trung, giành toàn quyền quân sự, tài chính, tư pháp về cho một mình triều đình nắm giữ hết, quyết không để lập lại trạng thái tiết độ sứ cát cứ địa phương. Chính quyền địa phương được đề lên đến mức cao nhất xưa nay. Tương ứng với đường lối chính trị đó thì trong mọi hoạt động về tư tưởng, các nhà lãnh đạo Tống muốn có một nền thống trị duy nhất, hoàn toàn, họ luôn luôn nêu lên cái kỳ vọng “thống nhất tất cả những cái gì chưa thống nhất trong thiên hạ”.
Trung tâm cơ bản của Tống Nho có ba vấn đề: vũ trụ luận, tính luận và thực tế luận. Khác với Nho giáo các thời trước, Tống Nho có một vũ trụ luận rành rọt, xoay quanh những khái niệm lý, khí. Nho giáo từ Chiến Quốc đã tốn nhiều thẻ tre mực giấy bàn về “tính”, từ đó mà suy ra đường lối phương pháp bồi dưỡng chính mình, giáo hóa nhân dân, cai trị thiên hạ, và cũng từ “tính” mà biết trời. Tư tưởng cổ truyền Trung Quốc là thiên nhân hợp nhất, là thiên địa vạn vật nhất thể. Thực tế luận không ngoài vòng tu thân theo đạo đức Nho giáo. Tuy vậy, có những ý mới, như Chu Đôn Di chủ “tĩnh”, Trình Hạo chủ “kính”, Trình Di chủ “trí”. Chu Hy tổng hợp nhị Trình mà đề ra công thức “cư kính, cùng lý”.
So với cái học huấn hổ của Hán Nho thì cái học tính lý của Tổng Nho có hệ thống hơn, có lý luận hơn. Song các nhà tư tưởng của Tống phần lớn chủ trương bảo thủ chính trị. Các chính khách bảo thủ cũng là những nhà Nho lớn. Chu Đôn Di vẫn khẳng định xưa hơn nay và hô hào phục cổ. Hai ông Trình cũng vậy. Trương Tái chủ trương muốn nắm được lòng người trong thiên hạ thì phải thu về một dòng họ. Tư Mã Quang, thủ lĩnh cựu đảng, dùng thế giới quan để làm căn cứ luận cho chủ trương phản đối cải cách. Y lại dùng kiến thức sử để dọa nhà vua rằng hễ cải cách thì tất sinh ra loạn . Dễ hiểu tại sao Tự Đức khâm phục Tư Mã Quang.
Về căn bản thì Nguyên, Minh, Thanh đều theo dấu Tống Nho. Ở Việt-nam, từ Lê đến Nguyễn, triều đình và sĩ phu không chú ý tới việc theo dõi học hỏi Nho giáo của ba triều đại này. Thời Nguyên, Nho học kém cỏi, chỉ học vẹt lại Trình, Chu, một phần vì người ta quan niệm rằng Nho học đến Trình, Chu là hết mức rồi, phần khác vì sự thống trị của nhà Nguyên là một bước thụt lùi trên nhiều mặt. Minh Nho có một vài học giả đặc sắc như Vương Dương Minh. Vương Dương Minh được người Nhật chú ý, nhưng người Vuệt Nam thì không mấy ai biết Vương Dương Minh, họa hoằn lắm mới nghe nói “trí lương tri” của nhà triết học chủ trương “tri hành hiệp nhất”. Có người mình sau này bảo rằng, Nhật Bản nhờ tư tưởng Vương Dương Minh mà dễ duy tân, Trung Quốc quên mất tư tưởng Vương Dương Minh nên duy tân chậm, Việt-nam không biết đến tư tưởng Vương Dương Minh nên lạc hậu và mất về tay Pháp. Đó là võ đoán, là khen chê thiếu căn cứ. Còn Nho giáo đời Thanh, thì chia thành nhiều phái: Hán học, kinh học, Tống học và tân học, không phái nào có ảnh hưởng lớn đến Việt-nam, mãi đến khi Việt-nam mất vào tay Pháp rồi, thế kỷ thứ 19 sắp chấm dứt, thì Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu thuộc phái tân học, mới được Nho sĩ Việt-nam tìm đọc.
Lịch sử của Nho giáo lâu dài như thế, phong phú và phức tạo như thế. Dường như mỗi thời kỳ, mỗi thời đại đều có Nho giáo của nó. Nho giáo của mỗi thời kỳ, mỗi thời đại, lại chia ra làm nhiều khuynh hướng khác nhau, thậm chí trái nhau. Vậy tất phải có những tư tưởng gì là chung nhất, là cơ bản nhất, mà các học phái, các thời kỳ, các nhà Nho đều răm rắp theo, bằng không thì không có cái tên chung, cái thuyết chung là Nho giáo nữa.
Cái chung nhất đó, cái cơ bản nhất đó là cương thường. Và, cùng với cương thường là những: bát điều mục, cửu trù, thiên mệnh, chính danh, tùy thời, nhân trị, quân tử và tiều nhân v.v… Những cái ấy được tất cả hay số đông các nhà Nho các thời xem là chân lý vĩnh cửu: chân lý vĩnh cửu trời cho, đó cũng gọi là “đạo”, “thiên địa chí thường hình, cổ kim chi thông nghị” và “thiên địa bất biến, đạo diệt bất biến”. Đó là những loại mắt kính mà tất cả hay hầu hết các nhà Nho đều mang vào để nhìn mọi hiện thực, xét mọi sự việc. Đó cũng là kim chỉ nam cho thái độ và hành vi của các nhà Nho tự trọng. Có người cho rằng tư tưởng chủ yếu của Nho giáo là đạo, danh, ý này cũng đúng nếu được hiểu rằng “đạo” là những chân lý vĩnh cửu mà cái lõi là cương thường và nếu hiểu rằng danh (trong khái niệm chính danh) cũng là quân quân thần thần, phụ phụ tử tử, địa vị nào ra địa vị nấy trong cái nghĩa cương thường bất biến làm cơ sở cho trật tự xã hội.
Một hôm Vương Thông viếng miếu Khổng Tử, khi ra có hát rằng: “Lớn vậy thay! Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, anh ra anh, em ra em, chồng ra chồng, vợ ra vợ, là nhờ cái sức của Phu Tử vậy”. Chu Hy viết: “Cái học của Nho giáo là cái học ngũ luân”. Cương thường là nội dung cơ bản nhất của Nho giáo; nhà Nho các thời, các nước đều đồng ý với nhau ở chỗ đó. Một nhà Đông phương học Pháp nổi tiếng, H.Maspéro, trong sách Đạo giáo và các tôn giáo Trung Quốc cho rằng Nho giáo có ba phần căn bản: cương thường, trị đạo và quan hệ thiên nhân.
S.T
Tags: Tư duy - nhận thức, Trung Hoa cổ, Nho giáo