⠀
Những vụ bạo động sắc tộc rúng động nước Mỹ nửa thế kỷ qua
Cứ mỗi khi có một sự việc đáng tiếc nào đó xảy ra đối với người da màu thì làn sóng biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc lại dấy lên mạnh mẽ ở Mỹ.
Song song với việc phải căng mình đối phó với dịch COVID-19 vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nước Mỹ còn đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng mới với các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc lan rộng từ sau cái chết của một công dân Mỹ gốc Phi George Floyd.
Đây luôn là một vấn đề gây nhức nhối trong lòng xã hội Mỹ và cứ mỗi khi có một sự việc đáng tiếc nào đó xảy ra đối với người da màu thì làn sóng biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc lại dấy lên mạnh mẽ ở Mỹ.
Cùng điểm lại những vụ sát hại, những cuộc đụng độ phản đối phân biệt sắc tộc gây rúng động nước Mỹ từ những năm 1960 đến nay.
Năm 1965
Từ 11 đến 17/8, các vụ đụng độ sắc tộc tại khu phố Watts, thành phố Los Angeles diễn ra nhằm phản đối vụ việc cảnh sát kiểm tra danh tính hai người đàn ông da màu trong một chiếc ôtô, khiến 34 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng chục triệu USD.
Năm 1967
– Từ 12 đến 17/7, đụng độ sắc tộc diễn ra tại Newark, bang New Jersey sau vụ việc hai sỹ quan cảnh sát da trắng bắt giữ và đánh đập một tài xế taxi da màu vì lỗi vi phạm giao thông nhỏ, đã khiến 26 người chết và 1.500 người bị thương.
– Từ 23 đến 27/7, làn sóng bạo loạn liên quan tới phản đối phân biệt chủng tộc đã diễn ra ở Detroit, bang Michigan khiến 43 người chết và hơn 2.000 người bị thương, rồi lan rộng ra ở bang Illinois, Bắc Carolina, Tennessee và Maryland.
Năm 1968
Từ 4 đến 11/4, sau vụ ám sát mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King (ngày 4-4), một làn sóng bạo lực đã bùng phát ở 125 thành phố trên nước Mỹ khiến ít nhất 46 người chết và 26.000 người bị thương. Sau đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson đã phải điều Sư đoàn dù 82 đến để dập tắt bạo loạn.
Năm 1980
Tháng 12/1979, một người da đen đã bị 4 sỹ quan cảnh sát da trắng đánh đến chết ở Tampa, Florida vì lỗi vượt đèn đỏ. 4 viên sỹ quan này sau đó đã được tha bổng và vụ việc này đã làm bùng phát một làn sóng bạo lực phản đối ở Miami, bang Florida, khiến 18 người chết và hơn 300 người bị thương.
Năm 1992
Từ 30/4 đến 1/5, bạo loạn nổ ra ở Los Angeles để phản đối phân biệt chủng tộc sau sự việc 4 sỹ quan cảnh sát da trắng đánh đập một người da đen tên Rodney King làm 59 người chết và 2.300 người bị. Bạo loạn cũng lan rộng ra ở Atlanta, California, Las Vegas, New York, San Francisco và San Jose.
Năm 2001
Ngày 9/4, bạo loạn bùng phát ở Cincinnati, bang Ohio, sau khi một cảnh sát da trắng sát hại một thanh niên da màu 19 tuổi tên là Timothy Thomas. Vụ bạo loạn này đã làm 70 người bị thương và Thị trưởng thành phố Charlie Luken đã phải ban bố tình trạng giới nghiêm trong vòng 4 ngày.
Năm 2012
Ngày 26/2, George Zimmerman, làm “dân phòng” cho một khu dân cư biệt lập ở Florida, bắn chết một thiếu niên da màu 17 tuổi không hề có vũ trang tên Trayvon Martin. Sau đó Zimmerman đã được cảnh sát thả ra với lý do “anh ta hành động để tự vệ.”
Sự việc này đã gây phẫn nộ trong dư luận Mỹ, đặc biệt là cộng đồng người da màu.
Năm 2014
Vào tháng 7, Eric Garner, một người đàn ông da đen bị tình nghi phạm tội vặt bị cảnh sát New York đốn ngã và khóa cổ trên vỉa hè. Video từ các nhân chứng ghi lại cho thấy người đàn ông này thều thào: “Tôi không thở được” và gục xuống.
Cái chết của Garner đã kích hoạt các cuộc biểu tình ở New York và khắp nước Mỹ.
Từ ngày 9 đến 19/8, các cuộc biểu tình và bạo loạn đã nổ ra ở thị trấn Ferguson, bang Missouri sau sự việc Michael Brown, một sinh viên đại học da màu 18 tuổi, bị cảnh sát bắn chết, nhưng sau đó viên sỹ quan này lại được tha bổng. Sự việc này đã gây phẫn nộ trong lòng nước Mỹ và gây ra bạo loạn.
Năm 2015
Tháng 4/2015, vụ thanh niên da màu Freddie Gray, 25 tuổi, tử vong do chấn thương cột sống nghiêm trọng sau một tuần bị cảnh sát giam giữ ở Baltimore, đã thổi bùng lên một làn sóng biểu tình phản đối cảnh sát ở thành phố Baltimore, bang Maryland, và sau đó lan rộng ra các thành phố lớn nằm ở bờ Đông nước này như thủ đô Washington, New York, Boston…
Ngày 26/6, 9 người Mỹ gốc Phi ở Charleston, bang South Carolina bị một kẻ cực đoan da trắng giết chết.
Năm 2016
Ngày 13/8, các cuộc biểu tình của khoảng 200 người tại thành phố Milwaukee, thuộc bang Wisconsin, miền Bắc nước Mỹ, nhằm phản đối vụ một nam thanh niên 23 tuổi bị cảnh sát bắn chết trước đó cùng ngày, đã biến thành bạo loạn sau khi xảy ra xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng thực thi pháp luật.
Năm 2017
Tháng 8, cuộc tuần hành ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, Mỹ, của hàng ngàn người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan da trắng cùng các nhóm ủng hộ cánh hữu ở Mỹ đã nhanh chóng biến thành bạo lực do vấp phải sự phản đối từ những nhóm ủng hộ quyền lợi cho người da đen và chống phân biệt chủng tộc.
Nguyên nhân là do những tranh cãi xung quanh việc thành phố Charlottesville quyết định phá bỏ tượng đài tướng Robert E. Lee, người đã lãnh đạo Liên minh miền Nam (nhóm thất bại trong cuộc nội chiến Mỹ giai đoạn 1861-1865).
Quyết định này đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của những người ủng hộ chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng.” Các cuộc đụng độ này đã khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Năm 2019
Tháng 7, để phản đối việc cảnh sát bắn chết hai người da màu, cả ngàn người đã tập trung trên đường phố Dallas, bang Texas để biểu tình. Nhiều người đã đưa ra biểu ngữ mang đầy tính thông điệp: “Tôn trọng quyền được sống hay mong chờ sự phản kháng.”
Năm 2020
Ngày 23/2, một nam giới da màu tên là Ahmaud Arbery, 25 tuổi, bị bắn chết ở Brunswick, Georgia, sau khi một cựu cảnh sát và con trai truy đuổi. Cuộc tấn công đã được ghi lại bằng camera và được công bố ngày 5/5.
Sau đó hai cha con cựu cảnh sát trên đã bị bắt giữ và đối mặt với các cáo buộc bao gồm giết người và tấn công nghiêm trọng trong vụ giết người. Gia đình của Ahmaud Arbery đã coi vụ nổ súng trên là tội ác phân biệt chủng tộc với người da đen thời hiện đại.
– Ngày 13/3, một nhân viên EMT Breonna Taylor bị giết hại tại nhà riêng của cô ở Louisville, Kentucky, sau khi lực lượng cảnh sát triển khai lệnh bắt “no-knock” – lệnh bắt do thẩm phán ban hành cho phép lực lượng thực thi pháp luật xâm nhập nhà mà không cần báo trước cho người dân bằng các cách thức như gõ cửa hoặc bấm chuông.
– Ngày 25/5, cuộc chạm trán tại công viên Trung tâm New York giữa một người da màu đang ngắm chim chóc với một phụ nữ da trắng đi dạo nhưng không xích chó của mình lại. Người phụ nữ này sau đó đã gọi báo cảnh sát là “một người Mỹ gốc Phi” đang đe dọa mình trong khi thực tế là người đàn ông da đen đã đề nghị cô xích chó lại. Vụ việc này là một ví dụ cho thấy sự phân biệt chủng tộc giữa người da trắng và da màu ở Mỹ.
– Ngày 25/5, người đàn ông da đen George Floyd, 46 tuổi, ở Minneapolis, tiểu bang Minnesota đã chết sau khi bị sỹ quan cảnh sát da trắng Derek Chauvin còng tay, dùng đầu gối đè lên cổ để ghì anh xuống đất trong quá trình bắt giữ. Trong video ghi lại tình cảnh đó, Floyd liên tục nói: “Tôi không thể thở được.”
Ngay sau vụ việc trên, một làn sóng biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc đã diễn ra rộng khắp ở thành phố Minneapolis và nhiều thành phố khác trên khắp nước Mỹ, khiến cảnh sát Mỹ đã bắt giữ hơn 4.000 người biểu tình.
Không những vậy, làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc còn lan rộng ra các nước khác như Canada, Anh, Đức, New Zeland, Hà Lan và Ireland.
Theo VIETNAM PLUS
Tags: Xung đột xã hội, Mỹ, Lịch sử nước Mỹ, Phân biệt đối xử