Những vị vua học vấn uyên thâm nhất lịch sử Việt Nam

Bên cạnh những vị vua có tài quân sự kiệt xuất, lịch sử Việt Nam không thiếu những vị vua học vấn uyên thâm, để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị…

Lý Nhân Tông

Lý Nhân Tông (1066 – 1127), tên húy là Lý Càn Đức, là vị vua thứ tư của triều Lý. Ông nổi tiếng là một minh quân trong lịch sử Việt Nam, là người đặt nền móng xây nền giáo dục đại học Việt Nam.

Năm 1075, vua mở khoa thi tam trường, còn gọi là Minh kinh bác học để chọn người có tài văn học vào làm quan. Khoa thi ấy là khoa thi đầu tiên ở Đại Việt và chọn 10 người, thủ khoa là Lê Văn Thịnh.

Năm 1076, vua cho lập Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên ở Đại Việt, chọn những nhà khoa bảng tài giỏi vào dạy. Đến năm 1086, ông mở khoa thi chọn người có tài văn học vào Hàn lâm viện. Khoa ấy có Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ.

Lý Nhân Tông cũng là một vị vua khổ luyện, phấn đấu đạt đến độ “học thức cao minh, hiểu sâu đạo lý”. Chính vì vậy, đánh giá tổng quát về ông, các sử gia từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đến Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn v.v… đều xem ông là “vị vua giỏi”, “vị anh quân” của vương triều Lý.

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhận xét về vua Lý Nhân Tông như sau: “Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý”.

Các tác phẩm của vua Lý Nhân Tông để lại hiện chỉ còn ba bài thơ, một vài bức thư gửi triều đình nhà Tống, bốn bài hịch và chiếu. Tất cả đều viết bằng chữ Hán.

Trần Nhân Tông

Trần Nhân Tông (1258 – 1308), tên húy Trần Khâm, là vị vua thứ ba của nhà Trần. Không chỉ được ngợi ca là một trong những hoàng đế anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, vua Trần Nhân Tông còn được nhìn nhận như một nhà văn hóa lớn và là vị tổ sư sáng lập ra Trúc Lâm, thiền phái đầu tiên đặc sắc Việt Nam.

Theo sử sách, lúc sinh thời vua Trần Nhân Tông là người rất thông minh hiếu học. Ông đọc hết các sách vở, thông suốt nội điển (kinh) và ngoại điển (sách đời). Vốn yêu chuộng Phật pháp, những khi nhàn rỗi, ông thường mời các Thiền khách tới bàn giải về đạo pháp.

Năm 1293, ông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Sáu năm sau, vua xuất gia và dành trọn quãng đời còn lại cho con đường giác ngộ chân lý…

Tương truyền, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã viết nhiều tác phẩm có giá trị to lớn như Thiền lâm thiết chủy ngữ lục (Ngữ lục về trùng độc thiết chủy trong rừng Thiền), Tăng già toái sự (Chuyện vụn vặt của sư tăng), Thạch thất mỵ ngữ (Lời nói mê trong nhà đá), Đại hương hải ấn thi tập (Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm), Trần Nhân Tông thi tập (Tập thơ Trần Nhân Tông), Trung Hưng thực lục (2 quyển): chép việc bình quân Nguyên xâm lược… Tiếc rằng các phẩm này đều đã thất lạc, chỉ còn lại 25 bài thơ chép trong Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục.

Tên tuổi của vị vua anh minh Trần Nhân Tông đã được đặt tên cho một viện nghiên cứu đặt tại thành phố Boston, Mỹ, nơi nghiên cứu các giá trị từ di sản của vua Trần Nhân Tông đối với thế giới. Một giải thưởng mang tên Giải thưởng Trần Nhân Tông về hoà giải cũng được ra đời, là giải thưởng quốc tế đầu tiên mang tên Việt Nam, hàm chứa các giá trị Việt Nam được phổ quát tới toàn nhân loại.

Có thể nói, cùng với thời gian, tư tưởng của vua Trần Nhân Tông đã vươn ra toàn cầu như sự kết tinh những giá trị cao cả nhất của nhân loại: Trí tuệ, lòng nhân ái và sự hòa giải.

Hồ Quý Ly

Hồ Quý Ly (1336–1407) là vị vua khai sinh ra nhà Hồ trong lịch sử Việt Nam. Ông được đánh giá là một vị vua có nhiều năng lực về chính trị, kinh tế, văn hóa và là một trong những vị vua có học vấn cao của Việt Nam.

Khi còn là một quan đại thần của nhà Trần, Hồ Quý Ly đã biên tập thiên “Vô dật” để dạy cho con cái nhà quan và soạn ra 14 thiên Minh đạo dâng lên vua Trần Nghệ Tông. Trong thời kỳ trị vì của mình, ông trở thành vị vua Việt Nam đầu tiên quyết định dùng chữ Nôm để chấn hưng nền văn hóa dân tộc, cho dịch các kinh, thư, thi.

Với đầu óc sắc sảo, Hồ Quý Ly đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng trong thời gian cầm quyền. Tuy vậy, việc không được lòng dân đã khiến ông thất bại trong việc huy động quần chúng chống lại cuộc xâm lăng của nhà Minh, dẫn đến việc đất nước một lần nữa bị phương Bắc đô hộ..

Trong các tác phẩm Hồ Quý Ly để lại cho hậu thế, có nhiều bài thơ sáng tác dùng vào việc cai trị và đối ngoại.

Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông (1442 – 1497), tên thật Lê Tư Thành, là vị Hoàng đế thứ năm của nhà Hậu Lê. Ông nổi tiếng là vị minh quân, đồng thời là một nhà văn hoá lỗi lạc của dân tộc.

Trong thời gian cai trị, vua Lê Thánh Tông khuyến khích các quan lại và tự mình tích cực sử dụng chữ Nôm như một sự tự tôn và tự cường. Bản thân ông là một nhà thơ, vừa là nhà phê bình văn học, với nhiều tác phẩm có giá trị để lại cho đời.

Giáo dục và đào tạo nhân tài được vua Lê Thánh Tông đẩy mạnh. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, nhà Thái học, Quốc Tử Giám là những cơ quan văn hóa, giáo dục lớn, ông còn cho xây kho bí thư chứa sách, đặc biệt đã sáng lập Hội Tao Đàn bao gồm những nhà văn hóa có tiếng đương thời mà Lê Thánh Tông là Tao Đàn chủ soái.

Dưới thời Lê Thánh Tông, nền khoa cử được chú trọng đặc biệt. Ông khởi xướng việc lập bia Tiến sĩ để ghi danh, tôn vinh những người tài và đức của dân tộc Đại Việt ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, qua đó khuyến khích mọi tầng lớp cư dân đua nhau học hành để tên tuổi được ghi nhớ, gia môn được vinh dự và để làng quê được vinh hiển. Các thế hệ, các triều đình sau này tiếp tục bổ sung các tấm bia vinh danh mới.

Đặc biệt, vua Lê Thánh Tông rất tích cực trong cải tổ giáo dục, với những chính sách mới về thi cử và tránh gian lận trong thi cử. Nhiều lần ông đích thân chấm bài làm và khảo lại các bài thi có nghi ngờ.

Những di sản tri thức trong 38 năm trị vì của vua Lê Thánh Tông vẫn còn có ý nghĩa to lớn cho tới tận ngày nay.

Vua Tự Đức

Tự Đức (1829 – 1883), tên húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là vị vua thứ tư của nhà Nguyễn. Trong số 13 vua Nguyễn, ông là người uyên thâm nhất về nền học vấn Đông phương, nhất là Nho học. Vua giỏi cả về sử học, triết học, văn hóa nghệ thuật và nhất là thơ văn.

Theo sử nhà Nguyễn, đêm nào Tự Đức cũng xem sách đến khuya. Ông làm nhiều thơ bằng chữ Hán, trong đó có bộ Ngự Chế Việt sử tổng vịnh, vịnh hàng trăm nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn làm cả sách bằng chữ Nôm để dạy cho dân dễ hiểu, điển hình như Luận Ngữ diễn caThập điềuTự học diễn ca

Có rất nhiều giai thoại về Tự Đức, nhất là những chuyện vua giao thiệp với nhà văn, học giả đương thời. Trong sự nghiệp của mình, vua đã để lại 600 bài văn và 4.000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm.

Lịch sử cũng là một ngành học mà Tự Đức ưa thích. Ông đã đặt Tập Hiền Viên và Khai Kinh Diên để ông ngự ra cùng với các quan bàn sách vở, thơ phú hoặc nói chuyện chính trị. Ông còn chỉ đạo cho Quốc sử quán soạn bộ sử lớn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, từ đời thượng cổ cho tới hết thời nhà Hậu Lê, trong đó ông tự phê nhiều lời bình luận.

Vua Tự Đức cũng rất yêu thích nghệ thuật sân khấu. Ông đã tập trung nhiều người soạn kịch bản tuồng về kinh thành Huế và lệnh cho soạn những vở tuồng lớn Vạn bửu trình tườngQuần phương hiến thụy.

Nổi tiếng là ông vua hay chữ, Tự Đức rất đề cao Nho học. Ông quan tâm về việc khoa bảng, sửa sang việc thi cử và đặt ra Nhã Sĩ Khoa và Cát Sĩ Khoa để chọn lấy người có tài văn học ra làm quan. Tuy vậy, việc sùng Nho học đã khiến Tự Đức chối bỏ những kiến nghị canh tân đất nước theo hướng phương Tây, một nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu và bị ngoại bang xâm lược của đất nước sau này.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,