Những nhân vật cải cách trong lịch sử Việt Nam: 8 – Minh Mạng

Cải cách hành chính của vua Minh Mạng diễn ra vào nửa đầu thế kỷ XIX, khi xã hội phong kiến Việt Nam đã lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện.

Đó là khủng hoảng của một nền kinh tế phong kiến lạc hậu, kìm hãm sự phát triển kinh tế hàng hóa tiền tệ đã khởi sắc từ cuối Trần được đẩy mạnh thời Lê sơ (tuy còn bị hạn chế bởi chính sách trọng nông ức thương). Quá trình tiếp xúc với thị trường thế giới trong thời Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn phân tranh rồi phát triển tiếp trong thời Tây Sơn ngắn ngủi… bị đình trệ.

Minh Mạng không nhằm giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng ấy mà trước mắt chỉ nhằm giải quyết khủng hoảng thiết chế chính trị đang diễn ra sâu nặng, cấp thiết phải giải quyết mới củng cố được vương triều. Bắt đầu với việc củng cố hệ tư tưởng Khổng giáo – Tống Nho, củng cố hệ tư tưởng bảo thủ, đề cao tuyệt đối cương thường Nho giáo “quân thần, phu phụ, phụ tử”, lấy đó làm cơ sở để đào tạo nhân tài, bỏ ngoài tai mọi đề nghị cải cách đổi mới, mở cửa ra bên ngoài tiếp thu những tinh hoa mới của thời đại. Trên cơ sở đó thực hiện cải cách hành chính một cách quy mô.

I- Phân chia lại địa giới và các cấp hành chính

Đến Gia Long vẫn còn các cấp thành, doanh, trấn, thì nay Minh Mạng bỏ hết, thống nhất lãnh thổ thành 30 tỉnh. Theo đó, phân đặt cấp tỉnh (năm 1831, Minh Mạng chia các doanh, trấn từ Quảng Trị trở ra làm 18 tỉnh. Năm 1832 từ Thừa Thiên trở vào thành 12 tỉnh); phân đặt cấp trực thuộc tỉnh : phủ, huyện, châu ; phân đặt cấp xã dưới phủ, huyện, châu; bảo lưu cấp tổng đã có từ thế kỷ XVII làm cấp trung gian đô đốc xã.

Chính quyền 4 cấp được bắt đầu hoạch định từ đây. Đó là cái sáng tạo thành công trong cải cách hành chính của Minh Mạng mà đến nay chúng ta còn kế thừa.

II- Cải cách bộ máy hành chính

1- Bãi bỏ chức tham tụng (tức tể tướng dễ lộng quyền) thay bằng một nội các do 4 viên quan hàng tam, tứ phẩm cùng quản lý.

2- Đặt ra cơ mật viện có nhiệm vụ dự bàn những việc cơ mưu, trọng yếu giúp đỡ việc quân sự.

3- Kế thừa cơ chế đã có về lục bộ (lại, hộ, lễ, binh, hình, công) đứng đầu là thượng thư (còn gọi là tổng đốc) và lục tự đứng đầu là các tự khanh để giám sát kiềm chế lẫn nhau.

4- Cải cách các cơ quan chuyên trách về văn hóa như :

Quốc tử giám do đốc học và phó đốc học đứng đầu nhằm cải tiến việc giáo dục, tuyển sinh, khoa cử. Hàn lâm viện, đứng đầu là chưởng viên học sĩ và trực học sĩ, chuyên việc từ hàn như soạn thảo các chiếu, sách, chế, cáo, biểu, thư từ ngoại giao, sắc phong, văn bia…

5- Cải cách cơ quan thông vận, như thông chính sử ty chuyên vận chuyển giấy tờ, văn thư, sổ sách giữa triều đình và các địa phương; bưu chính ty chuyên trách chuyển vận công văn toàn quốc.

6- Cải cách cấp tỉnh – đặt tổng đốc đứng đầu tỉnh lớn, tuần phủ đứng đầu tỉnh nhỏ. Tổng đốc có thể kiêm hạt 1 hay 2 tỉnh nhỏ.

7- Cấp phủ, huyện, châu thì đặt tri phủ (tri phủ có thể kiêm hạt 1 hay 2 huyện, châu).

8- Cấp xã là cấp cơ sở có xã trưởng và phó xã trưởng (sau đổi là lý trưởng, phó lý) do dân bầu lên, nhà nước phê duyệt, có các kỳ mục giúp việc. Xã có dưới 50 người đặt một lý trưởng. Xã hơn 50 người có một phó lý. Hơn 150 người có 2 phó lý…

Bộ máy như vậy có thể bảo đảm được nguyên tắc tập trung quyền tối thượng vào tay nhà vua, phân quyền kiềm chế kiểm soát lẫn nhau giữa quan lại các ngành, các cấp vừa bảo đảm được tính tập trung vừa tăng cường được tính thống nhất của mỗi quốc gia với một lãnh thổ rộng lớn từ trước tới nay chưa từng có.

Nhưng cải cách có những mặt hạn chế cơ bản là :

1- Củng cố thêm hệ tư tưởng Tống Nho vốn đã trì trệ, bảo thủ, khước từ mọi đổi mới, hạn chế mọi việc canh tân.

2- Nặng về củng cố vương quyền, nhẹ về cải thiện dân sinh.

3- Quá khâm phục thiên triều, sao chép Mãn Thanh, thiếu nhìn xa thấy rộng ra thế giới để tiếp thu được những tiến bộ, văn minh nhân loại trong thời đại mới.

Hệ quả tiêu cực của cải cách là bộ máy phong kiến quan liêu độc đoán đó càng được củng cố chặt chẽ bao nhiêu thì sự đổi mới tư duy, canh tân đất nước càng khó khăn, chậm trễ bấy nhiêu.

Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến khi bọn phương Tây xâm lược đến đã không đề kháng nổi.

Theo GS. VĂN TẠO / BÁO QUẢNG NAM

Tags: , , ,