⠀
Những nghi án cung đình không lời giải trong lịch sử Việt Nam
Nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của Vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tông hay Kiến Phúc…? Cho đến nay, tất cả vẫn là những nghi án cung đình chưa có lời giải chính xác…
Đỗ Thích hay Lê Hoàn – Dương Vân Nga sát hại Vua Đinh Tiên Hoàng?
Liên quan tới cái chết của vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng, theo sử sách, nhà vua bị viên quan hầu cận Đỗ Thích sát hại để đoạt ngôi, nhưng các nhà nghiên cứu hiện đại lại cho rằng, Lê Hoàn và Dương Vân Nga mới chính là thủ phạm.
Tuy không đề cập Đỗ Thích giết hại nhà vua như thế nào, nhưng sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa đông, tháng 10, Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích giết vua ở sân cung đình… Nhân vua ăn yến ban đêm, say nằm ở trong sân, Thích bèn giết, lại giết cả Nam Việt Vương Liễn”.
Sách Dã sử và giai thoại ở Hoa Lư cho hay, vì biết Đinh Tiên Hoàng sinh thời thích ăn lòng lợn nên khi cho rằng thời cơ cướp ngôi đã đến, Đỗ Thích dâng lên vua một đĩa lòng lợn rất ngon có tẩm thuốc độc cực mạnh, vua ăn xong trúng độc mà mất. Từ đó đến nay, tại Hoa Lư, vào ngày giỗ Đinh Tiên Hoàng, khi mổ trâu, bò, dê, lợn làm lễ cúng, tất cả lòng đều bỏ đi, không dùng làm cỗ. Đó là tục kị nhắc đến món lòng tẩm thuốc độc đã làm hại vua.
Nguyên nhân dẫn đến hành động Đỗ Thích giết vua Đinh? Theo chính sử, viên quan này mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã giết chết cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu đã đặt giả thiết Đỗ Thích chỉ là người vô tình có mặt ở hiện trường sau khi cha con vua Đinh bị hại (vì là quan nội thị) và lúc bấy giờ, ông không thể thanh minh mình vô tội, nên vội vã chạy trốn và bị bắt chém sau 3 ngày, trở thành nạn nhân trong mưu đồ sát hại vua của Lê Hoàn và Dương Vân Nga hoàng hậu.
Theo lý giải, việc Lê Hoàn làm Phó vương khi Đinh Toàn lên ngôi, cấm cố họ Đinh cùng với việc các trung thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh chống Lê Hoàn có thể là những biểu hiện cho thấy mưu đồ thoán đoạt của Lê Hoàn. Giả thiết đặt ra là hành động của Lê Hoàn có sự trợ giúp của Dương Vân Nga. Trong bối cảnh cung đình của nhà Đinh lúc ấy có 3 hoàng tử, trưởng là Liễn, thứ là Toàn, út là Hạng Lang. Liễn là con trưởng, có nhiều công lao. Hạng Lang lại được vua yêu nên đã lập làm thái tử dù mới lên 4 tuổi, khó có thể bộc lộ những phẩm chất cao siêu hơn Đinh Liễn. Tiên Hoàng lại có những 5 hoàng hậu; có thể đã xảy ra cuộc đua ganh giữa 5 hoàng hậu về tương lai của ngôi thái tử. Trong cuộc đua ganh này, Dương hậu đã chọn Lê Hoàn làm chỗ dựa. Sau sự kiện Đinh Liễn giết Hạng Lang, Đinh Tiên Hoàng không xử phạt Đinh Liễn mà vẫn dự định để Liễn nối nghiệp. Có thể điều này làm phật ý Dương hậu khi bà cho rằng, trước đã đặt Hạng Lang trên Liễn thì nay Liễn cũng phải ở dưới Toàn. Do vậy, Dương hậu đã cùng Lê Hoàn hành động.
Chung quan điểm, nhà giáo Hoàng Đạo Thúy và một số nhà nghiên cứu gần đây cho rằng, Đỗ Thích không phải là thủ phạm giết vua. Thích chỉ là một viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh. So với Thích, trong triều có các bạn của vua Đinh như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ… đều nắm trọng quyền, đủ cả văn lẫn võ. Vì vậy, ông không thể mơ tưởng việc sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để ngồi yên trên ngai vàng.
Ai là thủ phạm trong vụ án Lệ Chi Viên?
Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận định: Lê Thái Tông (1423 – 1442) thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình; bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di địch. Trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ; xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là bậc vua tài giỏi biết nối giữ cơ đồ, song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy tai họa.
Vậy, nguyên nhân thực sự dẫn tới cái chết là Vua Lê Thái Tông là thế nào? Theo sử sách, ngày 27//7/1442 (năm Nhâm Tuất), Vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón Vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4/8 cùng năm, Vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Cùng đi với Vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi, khi ấy đã vào tuổi 40, rất được nhà vua yêu quý vì sắc đẹp, văn hay. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng hà. Các quan bí mật đưa xác vua về, ngày 6/8 mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang.
“Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”, nhưng trên thực tế, lại chẳng hề có người nào chứng kiến lúc vua hấp hối, băng hà; và đồng nghĩa, cũng chẳng có ai dám khẳng định nhìn tận mắt Nguyễn Thị Lộ giết vua. Vi thế sau này, trong cuốn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên, các nhà sử học và một số nhà khoa học đã chỉ rõ, chủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, mẹ vua Lê Nhân Tông.
Về động cơ, thứ nhất là do bà rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ – hai người đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ Lê Thánh Tông, thoát khỏi âm mưu sát hại của bà ta. Thứ hai là do thời đó, nhiều người trong triều dị nghị rằng, bà Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ (Lê Nhân Tông) không phải là con Vua Thái Tông, nên nhân lúc nhà vua về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha và nói tốt cho Tư Thành (Lê Thánh Tông), nên bà Nguyễn Thị Anh đã sai người sát hại Vua Thái Tông, rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.
Sử sách chép, vài ngày sau khi hành hình gia đình Nguyễn Trãi, triều đình thực ra chính là Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính thay con. Để “nhổ cỏ tận gốc”, bà Nguyễn Thị Anh còn ra lệnh giết hai hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng – là những người khuyên Nguyễn Trãi sớm tố cáo “bộ mặt thật” của Nguyễn Thị Anh với Vua Thái Tông.
Nghi án Nguyễn Văn Tường đầu độc Vua Kiến Phúc?
Sau khi Vua Hiệp Hòa bị phế, vào ngày 3/11/1883, Ưng Đăng, 14 tuổi, chính thức lên ngôi, lấy niên hiệu Kiến Phúc. Tuy nhiên, chỉ 8 tháng sau đó thì ông đột ngột băng hà, khiến người đương thời rất hoài nghi, đặt nhiều nghi vấn.
Sử sách chép rằng, thuở trước khi Ứng Đăng làm con nuôi của vua Tự Đức, ông được giao cho bà Học phi Nguyễn Thị Hương nuôi dưỡng, nên lúc lên ngôi thì bà hoàng này càng trở nên có thế lực, ảnh hưởng lớn trong triều. Bà được quan đại thần Nguyễn Văn Tường tỏ ra thân thiện nhằm chiếm cảm tình.
Một dịp, vua Kiến Phúc bị bệnh đậu mùa. Sách Kể chuyện các vua Nguyễn viết: “Kiến Phúc bị bệnh đậu mùa, bà Học phi lúc nào cũng ở bên cạnh đức vua còn bé bỏng của mình từ mờ sáng đến nửa đêm. Thế là quan phụ chính Nguyễn Văn Tường đêm nào cũng vào chầu hoàng đế và hoàng mẫu có khi đến nửa đêm mới về. Kiến Phúc đã nhiều lần chú ý thái độ lả lơi của Nguyễn Văn Tường mỗi khi trao cho bà Học phi điếu thuốc đã châm lửa của mình. Một đêm, Kiến Phúc giả vờ ngủ say, nghe được câu chuyện thì thầm to nhỏ giữa hai người, nhưng cuối cùng không nén được, bỗng kêu lên: “Lành bệnh rồi, ta sẽ chặt đầu cả ba họ nhà mi”.
Quan Tường bẽn lẽn rút lui xuống Thái y viện, lấy thuốc pha chế sẵn cho nhà vua, nhưng y lại chê thuốc xấu, rồi tự tay mình pha chế một thang thuốc khác đưa lên. Sau khi uống xong chén thuốc, vua Kiến Phúc ngủ luôn giấc nghìn thu. Do vậy, nếu đây là sự thật thì lời nói chứa đựng phẫn nộ của nhà vua đã phải trả giá bằng cả mạng sống…
Tuy nhiên, cũng có một giả thuyết cho rằng, vua Kiến Phúc bị Nguyễn Văn Tường cùng Tôn Thất Thuyết đầu độc chết nhằm đưa Hàm Nghi lên ngôi, bởi nhà vua theo Pháp như Dục Đức, Hiệp Hòa.
Như vậy, bên cạnh các ông vua trên, trong lịch sử Việt Nam còn có nghi án xung quanh cái chết của Vua Lê Long Đĩnh, Lê Thánh Tông, Quang Trung…
Cái chết của công thần bậc nhất Nguyễn Vǎn Thành
Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Gia Long đã giết hại vị công thần bậc nhất của triều Nguyễn lúc đó là Nguyễn Vǎn Thành. Vậy, thực hư chuyện này thế nào?
Theo sử sách, kỳ án Nguyễn Văn Thành xuất phát từ một bài thơ hàm tư tưởng phản nghịch của con trai và ông đã phải chịu trách nhiệm liên đới. Sách Kể chuyện các vua Nguyễn viết: Nguyễn Văn Thành có người con trai là Nguyễn Văn Thuyên, thi đỗ cử nhân, thường hay làm thơ để giao du với những kẻ văn sĩ. Bấy giờ nghe Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, Văn Thuyên bèn làm bài thơ sai tên Nguyễn Trương Hiệu cầm đi mời hai vị vào chơi. Bài thơ như sau: Văn dạo Á Châu da tuấn kiệt/ Hư hoài trắc dục cầu ty/ Vô tâm cửu bảo Kinh sơn phác/ Thiện tướng phương tri Ký bắc kỳ/ U cốc hữu hương thiên lý viễn/ Cao cương minh phượng cửu thiên tri/ Thư hồi nhược đắc sơn trung tế/ Tá ngã kinh luân chuyển hoá ky.
Dịch nôm là: Ái Châu nghe nói lắm người hay/ Ao ước cầu hiền đã bấy nay/ Ngọc phát Kinh Sơn tài sẵn đó/ Ngựa Kỳ kí bắc biết lâu thay/ Mùi hương hang tối xa nghìn dặm/ Tiếng phượng gò cao suốt chín mây/ Sơn tể phen này dù gặp gỡ/ Giúp nhau xoay đổi hội cơ này.
Với bài thơ này, Lê Văn Duyệt vốn hiềm khích với Nguyễn Văn Thành, đã nắm lấy cơ hội, vào tâu vua. Rồi Nguyễn Văn Thuyên sau khi bị bắt và tra tấn mấy ngày đêm, lại thú nhận có ý đồ mưu phản. Thế là các triền thần ủng hộ Lê Văn Duyệt thi nhau tố cáo Nguyễn Văn Thành, xin nhà vua nghiêm trị.
Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ ghi: Nguyễn Văn Thành đã bị tước hết ấn, về ở nhà riêng và tiếp tục chờ xử lý. Theo Việt Nam sử lược và Quốc triều chỉnh biên, vì quá uất ức, một hôm khi bãi triều, Nguyễn Văn Thành chạy theo nắm lấy áo Gia Long mà khóc rằng: “Thần theo bệ hạ từ thuở nhỏ đến bây giờ, nay không có tội gì mà bị người ta cấu xé mà lại không cứu?”. Gia Long giật áo ra, bỏ vào cung, từ đó cấm Thành không được vào chầu và sai Lê Văn Duyệt đem Nguyễn Văn Thuyên ra tra hỏi một lần nữa. Nguyễn Văn Thuyên lại thú nhận tội của mình.
Nguyễn Văn Thành bị bắt giam ở trong trại quân Thị Trung để chờ đình thần xét án. Hôm đình thần tra án rồi, Thành ra nói với Thị Trung Thống Chế là Hoàng Công Lý rằng: “Án xong rồi, vua khiến tôi phải chết, nếu không chết thời không phải là tôi trung”. Rồi ông uống thuốc độc chết ở trại quân.
Xung quanh cái chết của công thần bậc nhất Nguyễn Văn Thành có rất nhiều nghi vấn đặt ra. Có ý kiến cho rằng, sau khi giành được quyền thống nhất, một nỗi lo ngại ngày càng lớn trong lòng Vua Gia long. Thế lực của bầy tôi – công thần khai quốc sẽ dần lấn át ngôi vua của dòng họ Nguyễn. Gia Long bèn tìm cách trừ dần họ. Cái khó là “hại” thế nào cho phải đạo. Vua tôi cùng vào sống ra chết, kẻo nữa mang tiếng “chim hết cung bị vứt, thú chết chó săn bị giết”.
Nguyễn Văn Thành là công thần đầu tiên được “chú ý”. Việc ông đang làm Tổng trấn Bắc Hà bị Gia Long triệu hồi về kinh, bề ngoài giao trọng trách lớn nhất, nhưng bên trong để dễ kiềm chế, kiểm soát. Khi nhà vua ngỏ ý muốn lập hoàng tử thứ tư làm Thái tử, Nguyễn Văn Thành lại muốn lập Hoàng tôn Đán, con Đông cung Cảnh đã chết vì cơ nghiệp. Lúc đó, Vua Gia Long đã suy ra rằng: “Hắn muốn dựng vua nhỏ để sau này dễ khống chế. Ta há tối tăm lầm lẫn”… Và cuối cùng thì cơ hội đã đến với nhà vua nhân chuyện phản loạn của con trai Thành. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu không đồng tình với quan điểm trên. Việc Nguyễn Văn Thuyên có ý mưu phản thì Nguyễn Văn Thành – là cha thì phải chịu liên đới. Đó là lẽ thường trong cuộc sống.
An oan Thoại Ngọc Hầu
Lịch sử đánh giá Thoại Ngọc Hầu là một vị tướng tài, công thần hàng đầu của vua Gia Long, ngang với Nguyễn Vǎn Thành và Lê Văn Duyệt. Công lao lớn nhất của ông đó là khai phá miền Hậu Giang, chỉ huy việc đào kinh Vĩnh Tế nối liền Hà Tiên và Châu Đốc – một công trình vĩ đại trong lịch sử phong kiến. Tuy nhiên, cùng với những vinh hiển nhận được từ các vị vua triều Nguyễn, ông còn “nhận” được một án oan kéo dài suốt 90 năm mới được gột rửa.
Lê Văn Duyệt đem lời tố cáo ấy tâu lên triều đình, Vua Minh Mạng ra lệnh tịch thu gia sản và giao cho Bộ Hình nghiêm trị. Sau khi triều đình nghị án, ông bị truy giáng chức tước xuống hàm ngũ phẩm, con ông tên Nguyễn Văn Tâm bị lột ấm hàm; tất cả điền sản để lại đều bị tịch thu, phát mãi.
Có lẽ cảm thấy khép tội Thoại Ngọc Hầu như thế hơi nặng nên Minh Mạng sai đình thần bàn xét lại án Thoại Ngọc Hầu. Tháng 5/1832, nhà vua xuống dụ chỉ truy giáng ông xuống hàm Chánh ngũ phẩm và đoạt lại chức tập ấm của con, duy các sắc tặng phong cha mẹ Nguyễn Văn Thoại được miễn thu hồi. Tang vật Nguyễn Văn Thoại đã sách nhiễu dân thì phải truy ra rồi lấy gia sản ấy mà truy cấp cho dân Chân Lạp.
Sau này, khi Vua Minh Mạng sai Lang trung Bộ Công là Lê Hựu đem sắc thư sang tuyên dụ Vua Chân Lạp, cho biết việc quan Bảo hộ Nguyễn Văn Thoại quấy nhiễu dân đã bị triều đình trị tội, Vua Chân Lạp nên kính cẩn giữ lễ, đừng bận lòng vì một quan chức hư hỏng. Nhưng Vua Chân Lạp dâng biểu nói rõ năm trước có việc đi lấy gỗ táu đem nộp thì dân đã lĩnh tiền và gạo của Nhà nước do Thoại Ngọc Hầu cấp rồi, vậy không cần phải cấp thêm nữa. Nhờ thế, Vua Minh Mạng mới biết rõ Thoại Ngọc Hầu không hề nhũng nhiễu dân.
Việc chưa yên thì người nghĩa tế (con rể) của Thoại Ngọc Hầu tên Võ Vĩnh Lộc, cưới con gái nuôi của ông tên (thị) Nghĩa, sau theo Lê Văn Khôi chống lại triều đình. Khi cuộc nổi dậy bị phá tan, vợ chồng Lộc đều bị bắt, bị giết. Nhà vua chỉ dụ cho bộ Hình điều tra mối quan hệ giữa Vĩnh Lộc và Thoại Ngọc Hầu. Bộ Hình yêu cầu quan tỉnh Gia Định tra hỏi sự việc thì rõ Thoại Ngọc Hầu không liên quan đến sự việc này.
Án của Thoại Ngọc Hầu càng trở nên tồi tệ hơn, khi vào tháng 3/1838, Nguyễn Văn Quang (là cháu họ của Nguyễn Văn Thoại, đồng thời là cháu nội của Khâm sai Thuộc nội Chưởng cơ Nguyễn Văn Bình) đã cùng Lê Văn Sơn (cháu họ của Lê Văn Duyệt) đang là tù phạm bị giam ở ngục tỉnh Gia Định, bàn mưu vượt ngục chiếm giữ thành phản lại triều đình.
Vua Minh Mạng phán rằng, Nguyễn Văn Quang là con cháu công thần ở Vọng Các (Bangkok), trước can án, triều đình chưa nỡ giết, còn để giam cấm, thế mà dám mưu đồ vượt ngục, lấy việc trước của Lê Văn Khôi làm khuôn mẫu, ý muốn chiếm thành làm phản, làm khổ nhân dân. Lê Văn Sơn là cháu Lê Văn Duyệt, phạm tội bị giam, muốn suy tôn lên để mưu khởi sự, cùng triều đình gây biến, mối họa không trừ thì mầm họa lại mọc. Vì vậy, Nguyễn Văn Quang, Lê Văn Sơn cùng 4 người khác bị kết án xử tử lăng trì. Ông của Nguyễn Văn Quang là Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Thoại cũng liên luỵ, bị triều đình lấy lại các văn bằng đã cấp. Với lần nghị án mới, Nguyễn Văn Thoại bị tước luôn hàm Chánh ngũ phẩm…
Mãi đến ngày 25/7/1924, vua Khải Định mới xét và chính thức truy phong ông Thoại là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. Như vậy, nỗi oan mà anh linh Thoại Ngọc Hầu và con cháu ông gánh chịu kéo dài tổng cộng 90 năm.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE
Tags: Giai thoại lịch sử, Tổng quan sử Việt, Vua chúa Việt Nam