Những đòn phản gián của Liên Xô khiến Đức Quốc xã khốn đốn

Tình báo phát xít Đức từng rất nổi tiếng với đội ngũ điệp viên tinh nhuệ và áp đảo phe đồng minh trong suốt thời gian đầu của Thế chiến II. Tuy nhiên, lực lượng này đã gặp đối thủ xứng tầm ở mặt trận phía Đông, khi đối đầu với tình báo và phản gián Liên Xô.

Mật danh Funkspiel

Tính tới năm 1944, giai đoạn cuối của Chiến tranh Vệ quốc, lực lượng tình báo phát xít Đức cơ bản bị tê liệt trước hoạt động phản gián của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) và Cơ quan phản gián Hồng quân (SMERSH). Thậm chí, phát xít Đức còn bị tình báo Liên Xô phản đòn với các thông tin tình báo giả và phải chịu thất bại nặng nề trước các đòn tấn công như vũ bão của Hồng quân.

Với quy mô của các hoạt động phản gián đối phó lại lực lượng tình báo phát xít Đức, các sĩ quan tình báo Liên Xô đã đặt mật danh đặc biệt Funkspiel cho hoạt động này. Theo đánh giá của nhà sử học về hoạt động tình báo Liên Xô, Vladimir Makarov, sự thành công của các hoạt động phản gián của Liên Xô đã giúp cứu sống hàng triệu người dân Xô Viết và đóng góp lớn vào chiến thắng của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Ông Vladimir Makarov đánh giá, dù không có nhiều kinh nghiệm đối phó với lực lượng tình báo phát xít Đức dày dạn kinh nghiệm trong các hoạt động thu thập thông tin tình báo thông qua sóng vô tuyến, nhưng kể từ tháng 6/1941, NKVD và SMERSH đã nhanh chóng khiến tình báo phát xít Đức hụt hơi trong cuộc chơi phản gián và thông tin tình báo giả trên mặt trận phía Đông. Thành công của tình báo Liên Xô trở nên rõ ràng hơn vào năm 1942, khi phát xít Đức tung nhiều toán tình báo với thiết bị liên lạc vô tuyến vào sâu trong hậu tuyến Liên Xô. Đây chính là điều kiện để phản gián Xô Viết khiến tình báo Đức ngập chìm trong thông tin tình báo giả và bị đánh bại.

Ngày 25/4/1942, lãnh đạo NKVD, Lavrenty Beria đã đệ trình lên Tổng tư lệnh Xô viết tối cao Joseph Stalin báo cáo về các đơn vị điệp viên phát xít Đức bị bắt giữ. NKVD đánh giá các thiết bị liên lạc vô tuyến điện của điệp viên phát xít có thể được sử dụng để tung thông tin giả về hoạt động quân sự của Hồng quân ngoài mặt trận. Joseph Stalin đã phê duyệt kế hoạch phản gián của NKVD. Kể từ thời điểm đó, lực lượng quân sự phát xít Đức ở mặt trận phía Đông bắt đầu nhận được những báo cáo kỳ lạ từ lực lượng tình báo cài cắm phía sau hậu tuyến Liên Xô.

Theo nhà sử học Vladimir Makarov, phản gián Liên Xô tập trung đánh vào mắt xích tổng hợp tin tức của tình báo Đức. Những nhân viên ưu tú nhất của NKVD, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổng hợp các thông tin có logic và chuyển chúng lại cho phe phát xít. Hơn thế nữa, nhiều điệp viên Đức đã đồng ý hợp tác với Liên Xô. Sau khi được kiểm tra, những điệp viên hai mang này đóng góp tích cực vào công tác phản gián của NKVD. Các điệp vụ phản gián thành công đều được khen thưởng xứng đáng để tạo động lực cho các hoạt động tiếp theo.

Cuộc chơi Maskirovka

Chiến thuật Maskirovka (tạm dịch: Ngụy trang) được tình báo Liên Xô sử dụng rộng rãi với ý nghĩa áp dụng các biện pháp tình báo tung tin giả về các hoạt động quân sự để đánh lừa đối phương. Đây chính là chiến thuật được Hồng quân sử dụng thành công đối với phe phát xít trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Thuật ngữ này sau đó còn được sử dụng trong Chiến tranh Lạnh và thậm chí là cả đối với tình báo Nga hiện nay.

Trong Thế chiến II, chiến thuật Maskirovka được Hồng quân áp dụng theo cách: Phản gián sẽ tung thông tin giả và lực lượng tại mặt trận sẽ có những động thái gần tương tự như thông tin trên để đánh lừa quân phát xít. Chính hoạt động phản gián liên hoàn trên đã khiến phát xít Đức không thể phân biệt được thông tin nhận được là tin giả và điệp viên nào đã bị bắt hoặc bị mua chuộc.

Một ví dụ cụ thể là việc NKVD và SMERSH biết rõ có nhiều nhóm điệp báo phát xít cài cắm ở Moscow. Nhiều thông tin giả về các đoàn tàu quân sự được tung về phe phát xít. Trong thời gian đó, nhiều kho tàng và các chuyến tàu giả được tổ chức cơ động như thông tin phản gián khiến các toán điệp viên phát xít bị lừa. Trong chiến dịch phòng thủ Moscow, chiến thuật Maskirovka đã thành công tới mức, tình báo Liên Xô có thể điều khiển không quân phát xít tấn công vào các vị trí giả và bị thiệt hại nặng do lực lượng phòng thủ Hồng quân. Cùng với đó, nhiều thông tin không quan trọng cũng được cung cấp để phát xít Đức tưởng như hệ thống điệp báo đang hoạt động rất hiệu quả và năng lực phản gián Liên Xô rất yếu kém.

Chiến dịch Berezino

Điểm nhấn thành công của tình báo Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là Chiến dịch điệp báo Berezino. Vào tháng 8/1944, tình báo Liên Xô bằng nhiều biện pháp khác nhau đã tung tin về sự tồn tại của các lực lượng quân sự thân phát xít quy mô lớn tại các khu rừng ở Belarus. Thông tin tình báo giả này được điệp viên tình báo hai mang kỳ cựu là Trung tá Heinrich Scherhorn chuyển về Đức.

Thông tin chi tiết và các bức ảnh đã khiến phát xít Đức tin tưởng về sự tồn tại của đội quân ma với hơn 2.000 tay súng ở hậu tuyến Liên Xô. Phát xít Đức đã lập cầu hàng không tiếp tế cho đội quân không tồn tại này. Hàng hóa tiếp tế và lính dù phát xít liên tiếp đổ xuống tiếp tế cho đội quân ma của Trung tá Heinrich Scherhorn.

Tháng 3/1945, Heinrich Scherhorn được trao thưởng huân chương cao quý Thập tự sắt với những thành tích đạt được. NKVD và SMERSH thành công tới mức tới khi phát xít Đức đánh bại, điệp viên hai mang vẫn không bị phát hiện. Tình báo Đức còn gửi thông tin cuối cùng về sự sụp đổ của đế chế phát xít tới Heinrich Scherhorn vào ngày 5/5. Ba ngày sau đó, đại diện phát xít Đức đã đầu hàng đồng minh.

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tags: , , , ,