⠀
Những cuốn sách hay về bảo vệ môi trường mà bạn nên đọc
Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết tiêu cực đang là vấn đề nhức nhối của thế kỷ 21. Những cuốn sách dưới đây sẽ cho độc giả góc nhìn khách quan, thực tế về chúng.
1. How to Save Our Planet – Mark Maslin: Tác phẩm này được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất. Bằng giọng văn đơn giản, dễ tiếp cận, Maslin trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt. Sau đó, tác giả đưa ra lời kêu gọi hành động rõ ràng. Ông cho rằng chúng ta có mọi thứ cần thiết để bảo tồn hành tinh, vì vậy phải hành động ngay lập tức. Ảnh: Green Queen.
2. How to Avoid a Climate Disaster – Bill Gates: Vị tỷ phú công nghệ là một trong những người đi đầu về việc đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Ông thường xuyên giới thiệu các cuốn sách về chủ đề này. Đặc biệt, How to Avoid a Climate Disaster là tác phẩm được chính Bill Gates viết. Trong sách, tỷ phú công nghệ đưa ra góc nhìn của mình đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cả hướng đi rõ ràng, thiết thực để giải quyết chúng trong tương lai. Ảnh: Jeffrey Debris.
3. Our Planet – nhóm tác giả Alastair Fothergill, Keith Scholey: Cuốn sách được làm ra với mục đích mang đến cho bạn đọc những hình ảnh chân thật, thông tin cần thiết nhất về hàng nghìn sinh vật đang tồn tại trên hành tinh xanh. Tác phẩm này đi kèm với lời tựa của David Attenborough, nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh. Our Planet sẽ giúp độc giả khám phá cách hoạt động của con người đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của các loài vật khác trên Trái Đất. Ảnh: Twitter.
4. No One is Too Small to Make a Difference – Greta Thunberg: Greta Thunberg không còn là một cái tên quá xa lạ đối với những người quan tâm đến môi trường thế giới. Nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển đã trở thành biểu tượng toàn cầu của phong trào bảo vệ môi trường vào cuối năm 2018 với nhiều phát ngôn và hoạt động mạnh mẽ. Cô bé đã truyền cảm hứng cho nhiều học sinh, sinh viên trên thế giới để giúp họ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường, khí hậu. Cuốn sách No One is Too Small to Make a Difference cũng là một trong những nỗ lực lan tỏa tinh thần đó. Ảnh: Home Smith.
5. Silent Spring – Rachel Carson: Mùa xuân vắng lặng của Rachel Carson ra đời từ năm 1962 nhưng nó vẫn có giá trị to lớn trong thế giới hiện đại ngày nay. Sách phơi bày sự thật về việc hệ động, thực vật bị tàn phá nặng nề, bởi việc sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu. Bất chấp sự lên án của các tập đoàn hóa chất, cuốn sách tiếp tục thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ của mình tới việc thay đổi thái độ, giáo dục công chúng và chuyển đổi chính sách. Tác phẩm đã truyền cảm hứng cho vô số nhà bảo vệ môi trường và cuối cùng dẫn đến lệnh cấm sử dụng thuốc trừ sâu có hại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: NHSoM.
6. Atmosphere of Hope: Solutions to the Climate Crisis – Tim Flannery: Giáo sư Tim Flannery là nhà cổ sinh vật học, nhà bảo tồn và nhà văn hàng về biến đổi khí hậu. Trong tác phẩm của mình, ông nhắc nhở độc giả rằng chúng ta vẫn có khả năng tạo ra sự thay đổi to lớn từ chính những hoạt động nhỏ bé hàng ngày. Atmosphere of Hope đã cân bằng được mục đích phác thảo tương lai khắc nghiệt với việc thắp lên hy vọng cần thiết cho tương lai. Flannery nêu chi tiết điều gì có thể xảy ra nếu nhiệt độ tăng cao hơn mục tiêu 2°C của Liên Hợp Quốc. Cùng lúc đó, ông cũng đưa ra lời khuyên về cách chúng ta nên hành động để bảo vệ Trái Đất của chính mình, bao gồm việc giảm thiểu nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: Lost in Books.
7. We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast – Jonathan Safran Foer: Trong tác phẩm của mình, Foer tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon. Không những thế, Foer còn nêu ra chi tiết những gì chúng ta có thể làm để tạo ra sự thay đổi. Và điều đó có thể bắt đầu từ chuỗi thức ăn. Ảnh: Tree Hugger.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Văn hóa đọc, Bảo vệ môi trường