Những chiếc máy điều hòa đang góp phần làm Trái đất nóng lên ra sao?

Trên thế giới hiện có khoảng 1,9 tỷ chiếc điều hòa nhiệt độ, và nếu tính đến cả các thiết bị làm lạnh sử dụng HFC và HCFC, con số còn lớn hơn thế rất nhiều.

Cho dù bạn là một người nông dân ở Châu Phi đang chở sữa ra chợ địa phương, chủ của một cửa hàng nhỏ ở London hay một bệnh nhân ung thư đang nằm hóa trị ở Nhật Bản, cuộc sống tất cả chúng ta đều đang phải dựa vào những thiết bị điện lạnh, không chỉ giúp giữ cho bản thân chúng ta cảm thấy dễ chịu mà cả những thứ chúng ta dùng được mát mẻ.

Nếu không có tủ lạnh, thức ăn của chúng ta sẽ nhanh chóng bị hỏng, sữa sẽ nhanh chóng bị chua và ngộ độc thực phẩm sẽ tăng vọt. Trong những tháng tới, ngành điện lạnh sẽ còn đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng vắc-xin COVID-19 toàn cầu.

Khi tất cả các liều thuốc đều yêu cầu phải được giữ ở nhiệt độ âm 20-70 độ C, chúng ta còn đang phải lo thế giới không có đủ tủ lạnh. Nhiều loại vắc-xin và chế phẩm sinh học cứu sống mạng người khác – như insulin và thuốc kháng sinh – cũng cần được bảo quản trong “dây chuyền lạnh”. Để chúng ở ngoài, các hoạt tính hóa học sẽ biến mất khi thuốc bị biến tính và trở nên vô dụng.

Trong trường học, các văn phòng, cửa hàng và các gia đình ở khắp mọi nơi trên thế giới, điều hòa làm mát và tủ lạnh đã trở thành một tiện nghi không thể thiếu. Nhưng sự thật là trong khi chúng đem đến cho chúng ta sự thoải mái, ngành công nghiệp điện lạnh cũng là một nguyên nhân gây khiến môi trường bị ô nhiễm.

Điều hoà, tủ đông và các thiết bị làm lạnh khác đang chiếm khoảng 10% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Đó là một con số gấp khoảng 3 lần lượng khí thải của cả hàng không và hàng hải cộng lại. Và khi nhiệt độ trên khắp thế giới tiếp tục tăng lên do biến đổi khí hậu, nhu cầu làm mát cũng sẽ tăng lên kéo theo những hệ lụy không thể tránh khỏi về mặt môi trường.

Nhưng chính xác thì về mặt bản chất, điều gì đang khiến ngành điện lạnh gây ảnh hưởng xấu đến khí hậu?

Các hóa chất làm lạnh CFC, HFC và HCFC

Để có thể đảo ngược được nhiệt độ tự nhiên, tủ lạnh và máy điều hòa không khí chắc chắn cần tiêu thụ rất nhiều năng lượng, đặc biệt là khi chúng hoạt động liên tục trong điều kiện khí hậu nóng bức. Bên cạnh đó, các chất hoá học làm mát được nhà sản xuất bơm vào thiết bị điện lạnh cũng là một vấn đề.

Loại chất làm lạnh phổ biến nhất được sử dụng trước đây là chlorofluorocarbons mà mọi người thường biết đến rộng rãi hơn với tên viết tắt CFC. Nhưng sau khi CFC được phát hiện làm suy giảm tầng ôzôn, đã có một nỗ lực trên toàn thế giới nhằm loại bỏ chúng dần dần.

Nghị định thư Montreal năm 1987 – một thỏa thuận môi trường mang tính bước ngoặt được hơn 200 quốc gia ký kết – yêu cầu toàn thế giới ngừng sản xuất những hóa chất có hại cho môi trường này.

Nỗ lực loại bỏ CFC khiến nhiều nhà sản xuất điện lạnh chọn sử dụng 2 nhóm hóa chất thay thế mới – hydrofluorocarbons (HFC) và hydrochlorofluorocarbons (HCFC). Thế nhưng đó không phải một sự lựa chọn hoàn hảo.

Tuy HFC và HCFC không làm thủng tầng ôzôn, nhưng bản thân chúng lại là những khí thải nhà kính cực mạnh. Khả năng làm ấm bầu khí quyển của các hoá chất này lớn gấp hàng nghìn lần so với CO2, một trong số đó mạnh hơn tới 11.700 lần.

Mặc dù HFC và HCFC còn được sử dụng cho một số mục đích khác, nhưng cho đến nay nguồn phát thải lớn nhất của chúng vẫn là từ các hệ thống làm lạnh và điều hòa không khí.

Clare Perry, nhà vận động cấp cao tại Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra và vận động chống lạm dụng môi trường cho biết: “Ngành công nghiệp nói chung đã có tác động rất lớn đến sự nóng lên toàn cầu. Cho đến nay, CFC, HFC và HCFC kết hợp với nhau đã chiếm gần 11% tổng lượng khí thải nhà kính“.

Vào năm 2016, các quan chức từ hơn 150 quốc gia đã ký Bản sửa đổi Kigali, đồng ý giảm tiêu thụ HFC xuống 80% vào năm 2047. Nếu đạt được, điều này có thể làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu và giảm nhiệt độ vào năm 2100 xuống 0,4 độ C – một con số tưởng chừng nhỏ nhưng lại khá lớn trong nỗ lực của chúng ta nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Doug Parr, trưởng nhóm khoa học khí hậu tại Greenpeace, cho biết HFC là khí mạnh có thể tồn tại trong khí quyển tới 29 năm, vì vậy cần phải loại bỏ chúng càng sớm càng tốt. “Một khi chúng được sản xuất, chúng sẽ gây ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Bạn đang xây dựng một ngân hàng hóa chất có vấn đề“, Parr nói.

Thế giới đang có 3,6 tỷ thiết bị điện lạnh trong đó có 1,9 tỷ chiếc điều hòa

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trên khắp thế giới, nhu cầu về điều hòa không khí ngày càng tăng khi nhiệt độ tăng và người dân trở nên giàu có hơn. Các đợt nắng nóng gần đây ở Châu Âu cũng thúc đẩy doanh số bán điều hòa không khí ở những khu vực mà trước đây chúng không hề phổ biến.

Trên thế giới hiện có khoảng 1,9 tỷ chiếc điều hòa nhiệt độ, và nếu tính đến cả các thiết bị làm lạnh sử dụng HFC và HCFC, con số còn lớn hơn thế rất nhiều.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và IEA, tổng số lượng thiết bị làm mát hiện có trên toàn cầu là 3,6 tỷ. Dự tính, con số sẽ tăng nhanh đến 9,5 tỷ vào năm 2050. Và nếu tính đến cả nhu cầu làm mát cho người nghèo, những người không đủ khả năng chi trả, chúng ta sẽ cần tới 14 tỷ thiết bị vào giữa thế kỷ.

Brian Dean, người đứng đầu bộ phận hiệu quả năng lượng và làm mát tại sáng kiến Năng lượng bền vững do Liên hợp quốc hậu thuẫn cho biết: “Khi các quốc gia ở phía nam bán cầu bắt đầu gia tăng sự giàu có, khả năng mua máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh của họ đang tăng lên đáng kể“.

Nhưng mong muốn của làm mát mẻ không gian sống của chúng ta lại có thể khiến thế giới nóng hơn rất nhiều. Đó có vẻ như một nghịch lý Catch-22, khi khí hậu nóng lên, con người sẽ cần thật nhiều điều hòa để làm mát. Trớ trêu thay, nhiều điều hòa làm mát lại đang khiến thế giới càng trở nên nóng hơn.

Báo cáo của UNEP cảnh báo nếu không có những thay đổi căn bản đối với ngành công nghiệp làm mát, lượng khí thải HFC dự kiến sẽ góp phần làm nóng lên tương đương 20% sản lượng CO2 vào năm 2050.

Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Còn một vấn đề lớn xảy ra với chất làm lạnh đó là số phận của chúng sau khi những thiết bị điện lạnh hết hạn sử dụng.

Sẽ ra sao khi các thiết bị làm lạnh hết niên hạn sử dụng?

Theo Project Drawdown, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích các giải pháp khí hậu, khoảng 90% lượng khí thải làm lạnh phát ra hoặc bị rò rỉ vào thời kỳ cuối trong vòng đời thiết bị. Điều này có nghĩa là việc thải bỏ chúng đúng cách là vấn đề cần thiết phải được tính đến và bàn bạc.

Nếu các hóa chất làm lạnh được chiết xuất và bảo quản cẩn thận, chúng có thể được tinh chế để tái sử dụng hoặc biến thành các chất khác không gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo EIA, quản lý và tái sử dụng hợp lý các khí làm lạnh mạnh có thể giảm 100 tỷ gigatons phát thải CO2 toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2050. Nhưng việc xử lý HFC đúng cách không phải là yêu cầu bắt buộc theo Nghị định thư Montreal và nhiều quốc gia không tuân thủ chúng.

HFC phổ biến nhất được tìm thấy trong tủ lạnh là HFC-134a, có khả năng làm ấm toàn cầu gấp 3.400 lần so với CO2. Một chiếc tủ lạnh trung bình có thể chứa từ 0.05kg và 0.25kg chất làm lạnh này, mà nếu nó bị rò rỉ vào môi trường, khí thải tạo ra sẽ tương đương với khí thải của một chiếc ô tô sau hành trình 675km-3.427km.

Tại Mỹ, các thiết bị điện lạnh cũ có thể được xử lý thông qua các chương trình được Cơ quan Bảo vệ Môi trường phê duyệt. Nhiều nhà chức trách địa phương sẽ thu gom và tái chế các thiết bị cũ này, trong khi các nhà sản xuất và bán lẻ thiết bị mới thường đề nghị đổi chúng và trợ giá cho những ai có ý thức bảo vệ môi trường.

Nỗ lực loại bỏ dần HFC ở Mỹ đã được thêm vào dự luật đổi mới năng lượng gần đây đang được Thượng viện thông qua.

Tại Liên minh Châu Âu, luật pháp đã yêu cầu các khí HFC phải được thu hồi vào cuối thời hạn sử dụng để ngăn chúng rò rỉ vào khí quyển. Ví dụ, nếu tủ lạnh của bạn bị hỏng ở Anh, bạn phải đưa nó đến cơ sở xử lý chất thải được cấp phép để kỹ thuật viên loại bỏ khí gas. Không thu lại chất làm lạnh trước khi phá hủy thiết bị điện lạnh được coi là vi phạm pháp luật.

Nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy lượng khí thải toàn cầu của HFC-23, chất có khả năng làm nóng lên toàn cầu cao nhất trong tất cả các chất HFC, đã đạt mức đỉnh điểm mọi thời đại vào năm 2018 bất chấp những nỗ lực quốc tế nhằm giảm việc sử dụng chúng. Điều này cho thấy vẫn còn một lượng lớn khí thải HFC không được thu hồi và tái sử dụng đúng cách.

Vấn đề đó xảy ra ở các nước đang phát triển, nơi chưa có quy định nào về vấn đề này, Dean cho biết. Nếu một người quyết định bán chiếc điều hoà cũ nhà mình cho người thu mua đồng nát, rồi họ đập bẹp nó ngay ở sân sau nhà mình, chẳng có cơ chế nào xử phạt cho lượng khí thải HFC vừa được họ tống vào khí quyển.

Hơn nữa các nước đang phát triển cũng hiếm khi quan tâm đến vấn đề môi trường và xây dựng được các hệ thống thu hồi, tái chế đắt đỏ.

Trong một số trường hợp, HFC cũng đang tìm đường xâm nhập vào các sản phẩm một cách bất hợp pháp, điều này đang đe dọa làm suy yếu các nỗ lực loại bỏ chúng. Theo các quy định mới của Liên minh Châu Âu vào năm 2014, giá HFC đã tăng vọt. Nhưng EIA khẳng định có sự khác biệt trong dữ liệu xuất khẩu và nhập khẩu của các chất HFC rời Trung Quốc đến EU.

Trong nửa cuối năm 2019, 54 tấn HFC nhập lậu đã bị thu giữ, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Perry cho biết việc thực thi không hiệu quả đang dung túng cho nạn buôn bán HFC bất hợp pháp quy mô lớn và một số trong số này có thể kết thúc trong các thiết bị bán cho người tiêu dùng. Mặc dù ngành công nghiệp hóa chất đang thực hiện các bước để ngăn chặn hoạt động buôn bán bất hợp pháp HFC và nhưng rõ ràng chúng ta cần có nhiều giải pháo đồng bộ hơn nữa.

Nếu hoạt động buôn bán bất hợp pháp tiếp tục diễn ra, nó sẽ đe dọa tính toàn vẹn của các mục tiêu về khí hậu“, Perry nói.

Theo PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC / BBC

Tags: ,