Nhớ về thời bao cấp: Chuyện về bài hát Happy New Year

Tết thời bao cấp được coi là một giai đoạn hạnh phúc dù có chút xót xa. Giai điệu của Happy New Year dường như là một sự tương đồng hoàn hảo cho cảm giác này.

Nhớ về thời bao cấp: Chuyện về bài hát Happy New Year

Tác giả: Martin Rama, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới.

Tôi đã trải qua nhiều cái Tết đi trong bài hát ấy, tại Hà Nội. Người Việt Nam ở mọi lứa tuổi đều biết bài hát này. Và hầu hết họ đều yêu thích nó. Song ở những nơi khác trên thế giới, ban nhạc ABBA đã trở thành ký ức xa xôi. Người ta chỉ nhớ một cách mơ hồ đó là một nhóm nhạc vui vẻ và hơi “bình dân” với thứ âm nhạc đã từng rất thành công, nhưng không phải là đầy cảm hứng. Và cũng ít ai biết, đằng sau sự phổ biến của bài hát ở Việt Nam là một câu chuyện kể nhiều điều về lịch sử Việt Nam.

Trở lại những năm 1980, giữa thời bao cấp, Việt Nam đóng cửa với thế giới bên ngoài trừ mối liên kết với khối các nước Xã hội chủ nghĩa. Rất hiếm khi thấy người nước ngoài ở Hà Nội. Thi thoảng chỉ có vài người Nga, việc thăm viếng của họ là một phần của công tác ngoại giao, công cán. Đối với nhiều người Hà Nội, họ là “những người Mỹ không có đô la”.

Tuy nhiên, có một quốc gia phương Tây đã duy trì mối quan hệ gần gũi với Việt Nam, đó là Thụy Điển. Bởi những nguyên tắc đạo đức mạnh mẽ cũng như lòng phẫn nộ về sự tàn sát vô lý của cuộc chiến Mỹ gây ra ở Việt Nam, Thụy Điển đã mở đại sứ quán tại Hà Nội một cách bất thường. Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme thời đó là một người chỉ trích dữ dội chính sách đối ngoại của cả Hoa Kỳ và Liên Xô. Ông được biết tới bởi sự kiên quyết không liên kết với các nước này và sự ủng hộ đối với các quốc gia thuộc “thế giới thứ ba”.

Vào năm 1972, hai nước đã có ý tưởng xây dựng một nhà máy giấy để khai thác lợi thế của Thụy Điển – một đất nước có diện tích rừng rất lớn và có nhiều kinh nghiệm trong lâm nghiệp, chế biến giấy. Thỏa thuận đã được ký kết. Nhà máy giấy được đặt tại Bãi Bằng với khoản đầu tư 415 triệu USD, đây là một dự án rất lớn đối với một quốc gia nhỏ như Thụy Điển. Và cuối cùng, chi phí thật sự đã tăng lên gấp bốn lần so với chi phí ước tính ban đầu như trên. Đó là một khoản viện trợ rất hào phóng.

Phải mất nhiều năm để nhà máy giấy đi vào hoạt động. Nhưng cuối cùng, một khu định cư cho các chuyên gia – một “Thụy Điển thu nhỏ” – được xây dựng bằng cabin gỗ và một số spa tắm hơi đã xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam. Vài người trong số những chuyên gia Thụy Điển đến giúp xây dựng nhà máy giấy tóc vàng, cao lênh khênh và tắm hơi đã có kết cục bằng một đám cưới với một cô gái Việt Nam.

Cùng với nhà máy giấy, tắm hơi, những người Thụy Điển tóc vàng còn đến cùng với âm nhạc của ABBA. Chính quyền Việt Nam lúc bấy giờ còn chút nghi ngại với những ảnh hưởng của phương Tây. Có một nỗi lo sợ rằng các sản phẩm văn hoá nước ngoài có thể sẽ ảnh hưởng đến các lý tưởng xã hội chủ nghĩa và các giá trị trong dân chúng. Nhưng Thụy Điển là một đồng minh đáng tin cậy và đã được kiểm chứng trong thời điểm khắc nghiệt nhất. Những bài hát của ABBA được chính thức chào đón tại Việt Nam như thể chào đón một phần văn hoá của người bạn thân.

Nhưng đối với người Hà Nội thông thường, vẻ bề ngoài bóng láng của nhóm và những giai điệu làm say đắm của họ mang ý nghĩa nhiều hơn là âm nhạc đơn thuần: họ là hiện thân của sự sung túc và tươi vui. Người Việt Nam đã tiếp nhận các bài hát của ABBA ở thời điểm khan hiếm sản phẩm văn hóa tinh thần và có rất ít lễ lạt vui tươi. Người Hà Nội đã phải dành nhiều thời giờ để xếp hàng cùng tem phiếu trong tay chỉ để nhận một phần gạo tiêu chuẩn ít ỏi. Đời sống văn hoá chỉ tối thiểu, những tranh luận hầu như không tồn tại. Nhưng những bài hát của ABBA dường như đã nhắc nhở họ rằng có một thế giới thịnh vượng và lạc quan, tươi vui bên ngoài, một thế giới là hiện thân của những ước nguyện sâu sắc của người Hà Nội đối với đất nước họ và gia đình của họ.

Mặc cho sự thiếu thốn và khó khăn, Tết thời bao cấp được coi là một giai đoạn hạnh phúc dù có chút xót xa. Cảnh đi từ ngôi nhà ấm áp của người họ hàng này sang một ngôi nhà ấm áp khác, tận hưởng những món quà và dùng bữa cùng nhau đã khiến cho vài ngày của sung túc, no đủ ấy giống như một bữa tiệc di động.

Ca khúc với giai điệu vui vẻ của ABBA dường như là một sự tương đồng hoàn hảo cho cảm giác lạc quan, tươi vui dù “ngắn hạn” này.

Nhưng với những người phương Tây như tôi, điều này lại khá trớ trêu, bởi nội dung bài hát “Happy new year” thực ra khá buồn: “Không còn rượu sâm-panh nữa. Và pháo hoa cũng đã tắt. Chỉ còn chúng ta, tôi và bạn. Cảm thấy chống chếnh và buồn bã. Tiệc đã tàn. Và bình minh thật quá ảm đạm…”

Rất ít người ở Việt Nam nói tiếng Thụy Điển vào thời điểm ấy, và phiên bản tiếng Anh của bài hát chỉ được phát hành nhiều năm sau đó. Vì vậy, nỗi buồn trong lời bài hát hầu như đã không được chú ý ở Việt Nam.

Nhưng may thay, cũng còn có những câu buồn bã tươi vui khác về tình huynh đệ và tình yêu: “Chúc cho tất cả chúng ta cùng có một giấc mơ về một thế giới mà ở đó hàng xóm là bằng hữu… Chúc cho chúng ta luôn đầy hi vọng, sẵn lòng cố gắng, nếu không thì chúng ta có thể chỉ nằm xuống và chết đi.”

Ca từ của ABBA trong bài hát dường như xóa đi sự tương phản giữa sự thịnh vượng của nền kinh tế thị trường phương Tây với thời kỳ bao cấp Việt Nam. “Happy new year” chính là niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, ngay cả khi đó là hy vọng khó thực thi. Đó là những gì chúng ta vẫn ước muốn khi chúng ta nâng ly nói “Chúc mừng năm mới!” với nụ cười rạng rỡ, thậm chí ngay cả khi chúng ta đang “chống chếnh và buồn bã”.

Sẽ không sai nếu gọi “Happy new year” là một bài hát đón năm mới “truyền thống” của Việt Nam. Bởi đằng sau ca khúc ấy, bất kể ca từ là gì, có cả những tháng năm và ký ức vui buồn mà người Việt đã cùng nhau đi qua.

Theo VNEXPRESS

Tags: , , ,