Nhìn lại các dạng ca khúc trữ tình của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Nếu tính chất âm nhạc chủ yếu của các bài hành khúc là khỏe khoắn, hào hùng, thì ca khúc trữ tình là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với nhiều cung bậc khác nhau.

Nhìn lại các dạng ca khúc trữ tình của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Trong ca khúc trữ tình giai đoạn 1945 – 1975, cái tôi đã được đề cập, tuy nhiên nó không phải là cái tôi đơn lẻ, mà phải được hòa trong cái ta. Mặc dù cách giới thuyết như vậy chưa được ổn, nhưng có thể tạm chấp nhận để có cơ sở tách bạch các loại thể trong dòng ca khúc cách mạng với nhau.

Ca khúc trữ tình ra đời sau so với các loại thể khác. Trước năm 1945, có nguyên nhân riêng của nó, do hoàn cảnh lịch sử. Mặt khác, cũng phải thấy rằng các nhạc sĩ lúc đó chưa đủ khả năng, kể cả bút pháp lẫn cách nhìn nhận để sáng tác ra bài hát loại trữ tình. Từ năm 1945 đến 1975, theo thời gian, ca khúc trữ tình đã tìm được chìa khóa rồi hòa vào cùng dòng chảy của các loại thể khác. Tất nhiên, trên dặm đường ấy, ca khúc trữ tình cũng có những bước đi mang tính mềm dẻo với những biến thái riêng. Và, cũng tuỳ theo từng giai đoạn mà ca khúc trữ tình lại có những dạng mới phát sinh, làm cho diện mạo của nó đầy đặn, nhiều chiều, đa sắc màu hơn. Dẫu vậy, khi nhìn vào diện mạo ấy, chúng tôi thấy loại ca khúc trữ tình có thể chia thành mấy dạng sau: trần thuật, chính luận, dân gian, tình ca và trữ tình nghệ thuật.

Dạng trữ tình trần thuật

Chúng tôi đồng thuận với nhóm tác giả cuốn Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, khi họ nhận diện ca khúc trần thuật: “Đó là sự giãi bày, sự kể lại những sự việc, những câu chuyện, những con người trong cuộc sống hiện hữu thông qua nhân vật “tôi”, “em”, “chúng ta”, hoặc một người khác trong cuộc” (1). Ngay dạng này, nó cũng thể hiện sự đa dạng, phong phú bằng nhiều nhánh khác nhau:

Nhánh đề tài về quê hương đất nước, thường thì các tác giả hay trần thuật theo motif quen thuộc: làng quê yên bình – giặc đến cướp bóc, đốt phá – nhân dân vùng lên kháng chiến – thắng lợi, nhân dân lại vui vẻ như xưa.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một loạt bài thuộc môtip này đã xuất hiện và để lại những dấu ấn mang tính thời gian cho âm nhạc cách mạng: Làng tôi, Ngày mùa (Văn Cao), Làng tôi (Hồ Bắc), Ba Vì năm xưa, Sẽ về thủ đô (Huy Du), Đường lên Tây Bắc, Mùa gặt (Văn An), Nhớ về quê em (Tân Huyền), Quê hương anh bộ đội (Xuân Oanh), Lên ngàn (Hoàng Việt), Quê em của Nguyễn Đức Toàn… là một những ví dụ nằm trong cách tư duy ấy.

Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dạng ca khúc trần thuật vẫn nối được dòng với thời kỳ trước, vẫn là những câu chuyện được thuật lại có đầu, có cuối, nhưng chất dân gian được in đậm hơn và bút pháp sáng tác trở nên già dặn hơn. Một nhận định để giúp chúng ta phân biệt được nó với các nhánh khác: “Cái khác với giai đoạn trước là sự sử dụng âm nhạc truyền thống rất phổ biến, có tính đại trà. Nhưng về nguyên tắc nó phân biệt với kiểu trần thuật dân gian ở chỗ nó chỉ mô phỏng cục bộ, chủ yếu là vận dụng chất liệu, còn các mặt cấu tứ, cú pháp, cấu trúc chung, cách xử lý ca từ… có thể không vận dụng hoặc có vai trò không đáng kể”(2).

Giai đoạn này, nhánh đề tài về quê hương đất nước không chỉ bó hẹp trong một vài địa danh của vùng Tây Bắc, mà mở rộng ra các vùng, miền khác, tính chất âm nhạc tuy dàn trải, nhưng có xu hướng đi vào chiều sâu nội tâm. Có thể điểm qua một số bài như: Quê tôi (Lưu Cầu), Việt Nam quê hương tôi(Đỗ Nhuận), Trên đường ta đi (Bửu Huyền), Từ trên đỉnh núi, Bài ca bên cánh võng (Nguyên Nhung), Địu con đi nhà trẻ (Đào Ngọc Dung), Vàm Cỏ Đông (nhạc Trương Quang Lục, thơ Hoài Vũ), Rặng trâm bầu, Qua bến Đò Quan (Thái Cơ)…

Nhánh đề tài về tình đồng đội, tình quân dân, tình người hậu phương và tiền tuyến cũng được thể hiện với nhiều sắc độ khác nhau.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp là: Tình vệ quốc (Nguyễn Đức Toàn), Anh và tôi (Lưu Cầu), Niềm thương mến (Phan Vân), Áo mùa đông (Đỗ Nhuận), Cô gái Vĩnh Hanh (Quốc Hương), Gửi mẹ phương xa (Hoàng Mai Lộc), Truyện người chiến sĩ (Lưu Hữu Phước).

Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chí trai ra mặt trận, phụ nữ phải đảm đương việc nhà, việc nước, làm thay công việc của chồng nơi hậu phương, cày bừa, đắp đập, đào mương. Điều ấy đã được phản ánh đậm nét qua tác phẩm: Đường cày đảm đang (An Chung). Đó là hình ảnh người phụ nữ tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng trong thời buổi chiến tranh. Cũng theo môtip này có: Tiễn anh lên đường (Nguyễn Văn Tý), Thư ra tiền tuyến (Thái Cơ), Những cô gái quan họ (Phó Đức Phương), Con gái đồng chiêm (Phạm Tuyên), Trai anh hùng, gái đảm đang (Đỗ Nhuận), Người con gái sông La (Doãn Nho)… Không còn chân yếu, tay mềm, yểu điệu, đào tơ như quan niệm ngày xưa, người phụ nữ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại này chẳng kém gì giới mày râu, cũng phơi phới tự tin, và ngay ở những nơi lửa đạn, họ đã có những đóng góp rất đáng khâm phục. Cô gái mở đường (Xuân Giao), Nổi lửa lên em (Nhạc: Huy Du, lời Huy Du – Giang Lam), Lời ru trên nương(nhạc Trần Hoàn, thơ Nguyễn Khoa Điềm), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ), Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương)… là những minh chứng điển hình cho điều vừa nói.

Dạng phong cách dân gian

Lại một giới thuyết để nhận diện những bài hát này: trước hết nó không phải là dạng bài vận dụng chất liệu dân ca và một số thủ pháp dân gian, mà có một đặc trưng bao quát nhất là: “sự mô phỏng, xuyên suốt đa điện, từ âm điệu đặc trưng, thang âm, điệu thức đến cấu trúc, cú pháp và các thủ pháp nghệ thuật khác. Tất nhiên, đặc trưng dân gian có thể đậm nhạt khác nhau ở mỗi tác phẩm, nhưng chúng phải tạo ra một cảm quan nó như dân ca mà không phải dân ca”(3).

Dạng bài hát viết theo kiểu dân gian, từ 1930 đến 1945 hầu như không xuất hiện. Lý do, giai đoạn ấy cần một sự hiệu triệu, cứng cỏi hơn là sự mềm mại, chiều sâu. Đến gần cuối những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ít ra các nhạc sĩ sáng tác đã ý thức được, họ là công dân của một nước có chủ quyền, và họ đang từng ngày, từng giờ tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến vĩ đại này. Một nguyên nhân khác, có thể coi đây như cái giá đỡ về mặt tư tuởng cho các nhạc sĩ, đó là chủ trương đi sâu vào thực tế để khai thác các vốn cổ của dân tộc, nhằm nâng cao giá trị nghệ thuật cho tác phẩm. Trong Báo cáo Xây dựng văn nghệ nhân dân trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 2-1951), Đảng chỉ rõ, muốn nâng cao giá trị nghệ thuật thì phải: “Ra sức phát triển vốn văn nghệ cũ của dân tộc nhất là vốn văn nghệ bình dân… Phát triển vốn văn nghệ cũ có nghĩa là khai thác, hướng dẫn khả năng sáng tác nghệ thuật của quần chúng. Bởi quần chúng là người giữ gìn tất cả gia tài quý báu của nền văn nghệ bình dân xưa. Đó là phương pháp hiệu quả nhất để nền văn nghệ mới của chúng ta duy trì và phát huy được những bản sắc dân tộc tốt đẹp”(4).

Thế là từ đây, các nhạc sĩ đã vững tin hơn để sáng tạo ra nhiều sản phẩm tinh thần mang đậm chất dân ca. Những yếu tố dân ca của vùng châu thổ sông Hồng đã được chú ý khai thác để đưa vào trong các tác phẩm: Đóng nhanh lúa tốt (nhạc Lê Lôi, thơ Huyền Tâm), Lúa mới (Nguyễn Đức Toàn), Lúa vàng (Mạc Hy), Cấy chiêm (nhạc Tô Vũ, thơ Quách Vinh). Từ chất liệu hò sông nước của cư dân đồng bằng Nam Bộ, Hoàng Việt đã chưng cất rồi đưa vào Mùa lúa chín, và sau đó là Lên ngàn

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhìn về số lượng thì rõ ràng dạng ca khúc này không nhiều, nhưng về chất lượng nó đã hé nhú những mầm xanh hy vọng để tỏa bóng mát ở thời kỳ tiếp theo. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở, bởi ngoài những định hướng cụ thể về đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, ngoài những sở trường vốn có của từng nhạc sĩ, thì thời kỳ này, họ còn được trang bị những kiến thức cơ bản về bút pháp và thủ pháp sáng tác. Hơn nữa, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, hai miền chia cắt, đó cũng là yếu tố để thúc đẩy các nhạc sĩ sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị. Thời kỳ ấy, hầu như nhánh viết về đề tài quê hương đất nước chiếm ưu thế tuyệt đối. Đặc biệt nó được nhấn mạnh ở hai mảng: nỗi nhớ miền Nam và niềm tự hào của người dân miền Bắc về cuộc sống mới trong hòa bình, dựng xây.

Nỗi nhớ miền Nam là tiếng lòng của người con xa quê ra miền Bắc tập kết. Một chút nhắn gửi trong Anh về miền Bắc (Đắc Nhẫn), một nỗi nhớ đến nao lòng trong Nhớ đàn xe nước, Nhớ về quê mẹ(Vân Đông). Dẫu có như vậy, nhưng vẫn một lòng son sắt, thủy chung, điều ấy đã được ghi lại trong: Giữ trọn tình quê (Văn Cận), Tình trong lá thiếp (Phan Huỳnh Điểu), và đặc biệt là Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp – Đằng Giao)…

Mảng về sự tự hào của người dân miền Bắc, được gắn chặt với những ca khúc viết về địa phương. Có lý do riêng của nó, đó là sự kiện vịnh Bắc Bộ (5-8-1964). Các nhạc sĩ đã đi thực tế ở những địa phương, nơi được coi là nóng bỏng nhất, và cho ra đời loạt bài hát: Quảng Bình quê ta ơi, Hai chị em (Hoàng Vân), Tiếng hò trên đất Nghệ An (Tân Huyền), Tiếng hát sông Lam (Đinh Quang Hợp),Gái sông La (Lê Hàm)… Tất nhiên, ngoài sự kiện trên, thì trước, hoặc sau đó, các nhạc sĩ đã ý thức được việc khai thác vốn dân ca để đưa vào tác phẩm của họ, đặc biệt nhiều nhạc sĩ tỏ ra có sở trường viết về mảng đề tài này. Chẳng hạn như Nguyễn Văn Tý có Bài ca năm tấn, Em đi làm tín dụng, Tấm áo mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh; Nguyễn Đức Toàn có Nỗi băn khoăn của chi LảKhâu áo gửi người chiến sĩ

Phải nói rằng, những ca khúc viết theo dạng dân gian là sự tiếp nối truyền thống một cách rõ nhất. Ngoài chất liệu thì từ ngôn ngữ, giai điệu đến lời ca, đặc biệt là yếu tố ngữ âm vùng, miền cũng như địa danh của từng địa phương được các tác giả chú trọng khai thác, làm cho mỗi bài hát có những sắc thái riêng. Mỗi bài hát sẽ là tỉnh ca hoặc địa phương ca, nó gắn liền với niềm tự hào, kiêu hãnh của con người ở vùng, miền đó. Điều ấy có thể giúp chúng tôi đủ tự tin mà khẳng định rằng: đó là ca khúc của Việt Nam chứ không phải của nước ngoài. Hay nói cách khác, đó chính là một trong những nét cơ bản để nhận diện đặc trưng của ca khúc cách mạng Việt Nam.

Dạng trữ tình chính luận

Nó được phân biệt với các dạng khác ở chỗ: tính chất âm nhạc vẫn là ngâm ngợi nhưng giàu kịch tính, điều ấy kéo theo sự đòi hỏi về nghệ thuật trình diễn mang nhiều yếu tố kỹ thuật. Đề tài phải mang yếu tố chính luận với những cảm xúc cá nhân cụ thể. Nội dung tác phẩm thể hiện qua ca từ phải có sự đan xen giữa màu sắc trữ tình và sử thi. Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu trong từng tác phẩm là hơi thở của thời đại. So với các dạng khác, số lượng những bài trữ tình chính luận là không nhiều, nhưng nó cũng góp phần làm nên sự đa dạng của dòng ca khúc cách mạng Việt Nam.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhìn trên bảng tổng sắc của dòng ca khúc cách mạng, chỉ thấy xuất hiện một số bài: Hồn Việt Nam (Bùi Công Kỳ), Uất hận (Nguyễn Xuân Khoát – Bồ Tát), Ngày về (nhạc Lương Ngọc Trác, thơ Chính Hữu). Ngày về là tiếng nói có chiều sâu của tâm hồn, nhưng vô cùng đĩnh đạc (5).

Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dạng chính luận có những bước phát triển hơn so với thời kỳ trước, kể cả về số lượng và chất lượng. Chủ đề cơ bản vẫn là tổ quốc, ngoài ra còn một số tác phẩm có đề cập hình tượng người chiến sĩ, nhưng mang tính khái quát, không đi vào một con người cụ thể.

Chủ đề về tổ quốc có: Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn (Hồng Đăng – Nguyễn Liệu). Đây là ca khúc ra đời sớm nhất về chủ đề này. Tính chính luận của ca khúc là sự dõng dạc, đĩnh đạc không những thể hiện ở tiêu đề, mà còn được thể hiện trong lời ca: “Mười năm chống quân ngoại xâm, từng giọt máu đã ướt ruộng đồng…”(6). Trong khoảng thời gian này, Lời tổ quốc (Tô Hải) cho thấy không khí xây dựng đang diễn ra sôi động, và sự thay da đổi thịt đang từng ngày hiện ra trên miền Bắc, cũng như tương lai về một ngày thống nhất đất nước. Bài ca gửi đất liền (Lương Ngọc Trác) là hình ảnh về tổ quốc trong cơn lửa đạn. Tác giả đưa người thưởng thức cùng cộng cảm trong sự trìu mến, thiết tha khi nghĩ về tổ quốc, và nỗi căm giận trước sự tàn phá của quân thù. Mỗi bước đi thêm yêu tổ quốc (Tân Huyền), là bài hát mang phong cách trữ tình chính luận rất đậm nét. “Có được điều đó chính là do sự kết hợp giữa ngôn ngữ âm nhạc dõng dạc, hào sảng, thiết tha với lời ca mang tính khái quát cao về truyền thống lịch sử”(7).

Chủ đề về hình tượng người chiến sĩ cách mạng có: Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân), Những người bất tử (Lương Ngọc Trác), Bài ca chiến thắng (Trần Kiết Tường), Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc (Thuận Yến), Giờ hành động (Long Hưng – Thanh Hải).

Nhìn chung, những bài trữ tình mang tính chính luận, dù đối tượng phản ánh có khác nhau, nhưng lại có điểm giống nhau đó là : giai điệu âm nhạc chủ yếu sử dụng trên thang 7 âm diatonique với màu sắc điệu tính trưởng, thứ rõ ràng, ngôn ngữ âm nhạc hào sảng, khúc triết. Mặc dù vậy, do tính chất của loại thể có tính ngâm ngợi, mặt khác để phù hợp với dấu giọng của tiếng Việt, nên chúng vẫn mang được những đặc điểm của dân tộc. Bên cạnh đó, là lối cấu trúc không cân phương mà dàn trải theo chiều ngang – cái vốn có trong tư duy của người Việt Nam – càng làm cho ca khúc trữ tình chính luận có những đặc trưng khác biệt so với ca khúc của phương Tây.

Dạng trữ tình tình ca

Nói thật chính xác, đây là một nhánh nhỏ của dạng ca khúc trữ tình, nhưng có một điều đặc biệt, những bài hát thuộc dạng này, nội dung đề cập tới tình yêu đôi lứa. Cho dù nó có một tiền đề khá vững chắc là dòng ca khúc lãng mạn trữ tình trước đó; thứ nữa, trong dân ca cổ truyền đã đề cập nhiều đến lĩnh vực tình yêu; trực tiếp hơn, những bài hát trữ tình đã mở đường cho một xu hướng thể hiện tình cảm. Nhưng điều ấy, vẫn chưa hội đủ điều kiện để những bài hát thuộc dạng này ra đời và phát triển với đúng nghĩa của nó. Có những nguyên nhân riêng thuộc về các nhạc sĩ, có những nguyên nhân chung thuộc về lịch sử, bởi thế, chỉ sau 1954, mặc dù đất nước vẫn còn chia cắt, nhưng miền Bắc tạm có hòa bình, kéo theo những đòi hỏi mới về nhu cầu thưởng thức, lúc đó dạng bài hát tình ca mới bắt đầu ra đời.

Tất nhiên, sự ra đời của nó không thể rầm rộ và tự nhiên như dạng hành khúc được. Vì, như đã đề cập ở trên, lúc này cái ta phải được tôn trọng và đặt lên hàng đầu. Không có cái tôi của tôi, mặc dù cái tôi đó là lành mạnh. Vậy nên, ngay từ ngày đầu, tình ca đã có những bước đi khá thận trọng. Điều này, phần nào nói lên được khả năng ứng biến mềm dẻo nằm trong truyền thống văn hóa của dân tộc, mà các nhạc sĩ Việt Nam đã lĩnh hội được. Nhìn chung, để sáng tác tình ca, các nhạc sĩ đã đi theo ba hướng sau đây:

Hướng thứ nhất: hòa cái tôi bé nhỏ vào trong cái ta hùng tráng. Hoàng Việt đã chọn cách này, và ông là người đã đặt viên gạch đầu tiên cho tình ca cách mạng Việt Nam. Không chê và cũng không thể phê phán vào đâu được, dẫu đây là tình cảm riêng tư của vợ chồng ông, nhưng lại chẳng riêng tư chút nào. Đất nước trong thời lửa đạn, nên đó là tình trạng chung của nhiều người. Tài năng của Hoàng Việt là biết đẩy cái bình thường trở thành cái cao cả, cao thượng: “Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa. Đã biến tình đôi ta thành những cánh sao toả sáng. Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa. Bến nước Cửu Long còn đó em ơi! Biển lúa nương dâu còn mãi muôn đời. Là còn duyên tình ta với bao tiếng ca không thể xóa nhòa”(8).

Sau tám năm, lại xuất hiện một bài hát cũng theo cách đi này, nhưng không phải là sự cách trở giữa anh Bắc, em Nam, mà là cuộc chia tay để rồi anh Nam em Bắc. Tiễn anh lên đường (Nguyễn Văn Tý), bức tranh về tình yêu của đôi trai gái miền Bắc vừa dìu dặt, vừa trung trinh, nhưng cao hơn, mối tình lại được đặt trong nhiệm vụ chung của lúc đó là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Căm thù giặc Mỹ sục sôi, anh ra nơi tiền tuyến em vào dân quân. Đôi chúng ta đã chung một lời nguyền. Thề quyết đánh tan giặc Mỹ. Nam Bắc nối liền ta sẽ gần nhau”(9)

Hướng thứ hai: có thể nói, đây là một hướng đi mang tính mềm dẻo và hợp lý, tránh được mọi sự phiền toái cho tác giả. Hướng đi ấy là dựa vào môtip tình yêu trong dân gian truyền thống, đặc biệt là việc khai thác đề tài dân dã miền núi phía Bắc. Mở đầu cho hướng đi này, phải nói đến Tiếng sáo gọi người yêu của Nguyễn Đình Tấn, sau đó là Sao cô em chưa về của Lê Lan, rồi Trước ngày hội bắncủa Trịnh Quý. Đặc biệt, Bùi Đức Hạnh đã phỏng thơ của Cầm Giang để cho ra đời bản Tình ca Tây Bắc khắc họa lại tình yêu của đôi trai gái Thái, mộng mơ và trong sáng, có thể ví như núi Mường Hum với dòng sông Mã. Khi nhìn nhận về những bài hát trữ tình dạng này, nhóm tác giả của cuốn Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu có nhận xét: “Trong tất cả những tác phẩm liên quan đến loạt bài hát tình ca “núi rừng” đã nảy nở hai yếu tố quan trọng cho hướng phát triển chung của dòng tình ca mới giai đoạn 1954 – 1975. Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh đề xuất một mô hình, một kinh nghiệm về việc vận dụng ngôn ngữ của nhạc mới vào tình ca. Trước ngày hội bắn của Trịnh Quý đề xuất một mô hình, một kinh nghiệm về việc đưa nội dung đề tài mới vào tình ca”(10).

Hướng thứ ba: khai thác nội dung đề tài trong thơ đương đại. Đây cũng là cách làm có độ an toàn và tập trung cao. Tuy vậy, một số bài vẫn không thể quảng bá được sâu rộng trong công chúng, vấn đề là tính chất của thời điểm lịch sử. Dẫu sao, trong loại ca khúc trữ tình vẫn ghi nhận được một số bài tình ca như: Nhớ (nhạc Lê Yên, thơ Thanh Hải), Nhớ (nhạc Hoàng Vân, thơ Nguyễn Đình Thi), Tình em(nhạc Huy Du, thơ Ngọc Sơn), Bài ca người thủy thủ (nhạc Hoàng Vân, thơ Hà Nhật), Chiếc áo xanh(nhạc Lương Ngọc Trác, thơ Tố Hữu).

Dạng ca khúc nghệ thuật

Bất kỳ ca khúc nào cũng có tính nghệ thuật, nhưng không phải ca khúc nào cũng thuộc dạng ca khúc nghệ thuật. Vậy thì, tiêu chí để nhận biết ca khúc nghệ thuật là gì? Nói ngắn gọn, đó là tác phẩm viết cho giọng hát có phần đệm của nhạc khí. Ca từ có tính hình tượng, giai điệu phải khai thác được những yếu tố kỹ thuật cũng như yếu tố kỹ xảo cho giọng hát. Phần đệm phải có tính chất như một tác phẩm khí nhạc, phải tôn được vẻ đẹp của giai điệu, lời ca và không phá vỡ tính thống nhất của hình tượng âm nhạc.

Nếu với tiêu chí như vậy, thì Việt Nam thật khó mà tìm được bài nào thuộc dạng ca khúc nghệ thuật. Nhưng bằng cách nhìn thoáng đạt hơn, có thể tạm chấp nhận những bài sau thuộc dạng này: Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), Bài ca hy vọng (Văn Ký), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ)… Thực ra, ca khúc nghệ thuật là sự rút tỉa, chọn lọc những bài hát có giá trị nghệ thuật cao của nhiều dạng khác mà thành. Bài ca hy vọng kết cấu âm nhạc ngắn gọn, cô động, mạch lạc. Tính chất âm nhạc dặt dìu, nhưng có sức phát triển cao. Ca từ được chọn lọc và mang tính hình tượng… Tất cả những yếu tố ấy, hòa trộn, cộng hợp với nhau một cách hợp lý để tạo nên diện mạo của một ca khúc. Ca khúc ra đời trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử của đất nước đang nhiều cam go. Điều quan trọng hơn, trong nội dung của nó hàm chứa những cung bậc tình cảm vô cùng lớn lao, dẫn dắt người nghe vào miền cảm xúc của chân trời mênh mang, rộng mở…

Nhìn chung, những ca khúc thuộc dạng tình ca, ca khúc nghệ thuật không nhiều, nếu so với các dạng khác thì nó chiếm một tỷ lệ quá ít. Tất nhiên, số lượng nhiều hay ít là do bối cảnh lịch sử quy định. Nhưng, một điều có thể thấy rằng, sự xuất hiện của các dạng ca khúc nghệ thuật đã làm cho diện mạo của ca khúc cách mạng Việt Nam trở nên hài hòa hơn. Có thể ví tình ca và ca khúc nghệ thuật như những đóa hoa lạ, điểm tô cho ca khúc cách mạng thêm phần rực rỡ.

———————————————

Chú thích:

1, 2, 3, 7, 10. Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, Viện Âm nhạc xb, Hà Nội, 2000, tr.216, 379, 373, 400-401, 406-407.
4. Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2000),Một số văn kiện của Đảng, tập I, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.77.
5.Xin xem thêmNgày vềtrong Tuyển tập ca khúc chọn lọc Lương Ngọc Trác, Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Nxb  m nhạc, Hà Nội, tr.4-6.
6, 8. Nhiều tác giả, Tiếng hát Việt Nam (1930-1963), tập 1, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1975, tr.247, 195.
9. Nhiều tác giả,Tiếng hát Việt Nam(1964-1975), tập 2, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1977, tr.44.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: ,