Nhìn lại các cuộc xâm lấn của Trung Quốc trên một loạt bãi cạn ở Biển Đông

Hành động ngang ngược của Trung Quốc ở bãi Tư Chính chỉ là sự nối dài các thủ đoạn thâm hiểm mà họ đã áp dụng với nhiều bãi cạn không thuộc chủ quyền của mình ở Biển Đông như bãi Vành Khăn, bãi Scarborough, bãi Cỏ Mây, bãi James…

Gần đây, lực lượng tàu quân sự làm nhiệm vụ bảo vệ, Trung Quốc đã tiến hành thăm dò địa chấn bất hợp pháp tại khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân…ở cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Nói về hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông, trên báo Giáo Dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ – nhận định: Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật “cháo nóng húp vòng quanh” đối với các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đôngvới nhiều thủ đoạn khác nhau để tăng cường sự hiện diện trên thực tế trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”.

Những trường hợp được ông Trần Công Trục dùng để dẫn chứng cho chiến thuật của Trung Quốc là bãi Vành Khăn, bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây và bãi James.

Cùng điểm qua những nét chính của các vụ việc này.

Bãi Vành Khăn năm 1995

Nhìn lại các cuộc xâm lấn của Trung Quốc trên một loạt bãi cạn ở Biển Đông

Các công trình của Trung Quốc trên bãi Vành Khăn thời điểm năm 2017.

Đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Bãi cạn này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam.

Trước năm 1995, đá Vành Khăn thuộc quyền kiểm soát của Philippines.  Tháng 2/1995, Trung Quốc điều 7 tàu đến đá Vành Khăn, bắt giữ và trục xuất các ngư dân Philippines tại đây. Sau đó nước này cho xây dựng những cấu kiện hình đa giác dựng trên những cột thép,đĩa vệ tinh và cắm cờ  Trung Quốc.

Khi Philippines lên tiếng phản đối, Trung Quốc đáp lại rằng việc chiếm đóng là “do cấp dưới ra lệnh và thực thi” mà “không thông báo hay xin phép chính phủ Trung Quốc”. Dù vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố các công trình trên thực thể này.

Tháng 11/1998, Trung Quốc gửi bảy con tàu chở theo rất đông thợ xây đến đá Vành Khăn để xây dựng những toà nhà bê tông và đề nghị Philippines sử dụng chung các tòa nhà này. Philippines đã từ chối lơi đề nghị của và lên án mạnh mẽ Trung Quốc trên các diễn đàn ngoại giao.

Đến năm 2015, Trung Quốc bắt đầu xây một đường băng trên đá Vành Khăn, tháng 7/2016 đường băng hoàn tất với chiều dài 2.644 mét. Năm 2018, các tên lửa hành trình chống hạm Trung Quốc đã xuất hiện trên bãi cạn này.

Bãi cạn Scarborough năm 2012

Bãi cạn Scarboroughlà một đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông. Bãi này cách vịnh Subic 123 hải lý (198 km) và đảo Luzon 137 hải lý (220 km) về phía  Tây.

Philippines cho rằng họ đã thực thi chủ quyền của mình với bãi cạn này từ năm 1965 bằng cách xây một ngọn hải đăng bằng sắt tại đây. Philippines cũng cho rằng bãi cạn này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển công nhận. Trung Quốc lại cho rằng đây là một phần lãnh thổ của nước này, ít nhất là từ thế kỷ 18, và họ còn đưa ra các bản đồ cổ làm bằng chứng.

Trước tháng 4/2012, cả Trung Quốc lẫn Philippines đều không duy trì sự hiện diện thường trực ở bãi cạn Scarborough. Đến ngày 8/4/2012, Philippines kiểm tra một số tàu cá của Trung Quốc tại khu vực bãi cạn này và cáo buộc các ngư dân Trung Quốc đã xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền.

Sau khi nhận được thông báo của các tàu, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã tới bãi cạn Scarborough, chặn lối vào đầm phá và ngăn cản nhà chức trách Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Với sự yểm trợ của tàu hải giám, các tàu cá Trung Quốc đã thoát khỏi bãi cạn.

Tới cuối tháng 5/2012, Trung Quốc triển khai thêm 7 tàu hải giám và các tàu của Ủy ban nghề cá. Nhiều tàu chính phủ và tàu cá của Trung Quốc vẫn hoạt động quanh bãi cạn.

Kể từ tháng 6/2012, Trung Quốc đã duy trì kiểm soát tại bãi cạn Scarborough và cho quân đồn trú lâu dài trên bãi này.

Bãi Cỏ Mây năm 2013

Bãi Cỏ Mây là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Rạn vòng này nằm về phía Đông Nam của đá Vành Khăn và cách bãi Sa Bin 35 hải lý (64,8 km) về phía Tây.

Vào năm 1999, Philippines đã cho tàu BRP Sierra Madre, là tàu vận tải đổ bộ thời Thế chiến II, ủi thẳng vào bãi Cỏ Mây nhằm thiết lập sự hiện diện tại khu vực này. Kể từ đó, dù đã rỉ sét nhưng chiếc tàu chiến vẫn là căn cứ đồn trú của một tiểu đội thủy quân lục chiến Philippines.

Đầu tháng 5/2013, một tàu chiến cùng hai tàu hải giám của Trung Quốc đã tuần tra và phong tỏa việc tiếp tế hậu cần cho các binh sĩ thủy quân lục chiến của Philippines ở tàu  tàu BRP Sierra Madre.

Trước sự phản đối của Bộ Ngoại giao Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” ở khu vực bãi Cỏ Mây và khẳng định là các tàu công vụ Trung Quốc “có quyền” tuần tra trong khu vực bãi Cỏ Mây.

Bãi cạn James năm 2013

Bãi cạn James là một rạn san hô trong Biển Đông với chiều sâu khoảng 22 mét so với mặt biển. Bãi cạn này nằm trên thềm lục địa của đảo Borneo, cách Bintulu của Malaysia 80 km về phía tây bắc, cách cực nam của cụm bãi cạn Luconia 96 km và cách đất liền Trung Quốc 1.800 km về phía nam.

Malaysia khẳng định bãi cạn James nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong khi trung Quốc tuyên bố rằng đây là điểm cực Nam của lãnh thổ, dựa trên bản đồ có đường “lưỡi bò” ôm trọn toàn bộ Biển Đông.

Căng thẳng giữa Malaysia và Trung Quốc quanh bãi cạn James bùng phát vào tháng 5/1983, khi một đội tàu hải quân Trung Quốc ghé thăm bãn ngầm này nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia của Trung Quốc. Tháng 9/1983, Malaysia tuyên bố vùng biển quanh bãi cạn James thuộc “vùng kinh tế biển” của mình.

Năm 1994, hải quân Trung Quốc lại tiến vào bãi cạn James và thả bia chủa quyền. Vào ngày 20/4/2010, tàu hải giám số 83 của Trung Quốc tiếp tục thực hiện hành vi tương tự, bất chấp sự phản đối của Malaysia.

Đầu năm 2013, một lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc đã đỗ bộ lên  bãi cạn James từ tàu Jinggangshan, được hỗ trợ bởi một số chiến đấu cơ, tàu hộ tống.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,