⠀
Nhật học Trung Quốc hay Trung Quốc học Nhật?
Nhật học Trung Quốc hay Trung Quốc học Nhật? – đây là một vấn đề báo chí Trung Quốc bàn thảo nhiều, nhất là gần đây khi kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật, không ít người nước này nhìn nhận người Nhật với con mắt khác trước.
Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Cái đáng phục, đáng sợ nhất ở người Nhật là họ chịu khó học hỏi bất kỳ ai giỏi hơn họ, dù là kẻ địch đi nữa, và chỉ học cái hay cái tốt – đây là một sự thật lịch sử không phải bàn cãi gì. Người Nhật thường phàn nàn nước họ xưa nay không có triết gia hoặc nhà tư tưởng, không đưa ra được một chủ nghĩa hoặc lý thuyết nào mới. Vì vậy ngày xưa họ “lăn xả” học nền văn minh Trung Hoa, học Khổng Mạnh, thậm chí bê nguyên xi cả kho chữ Hán về dùng để ghi âm tiếng Nhật. Giữa thế kỷ 19, sau khi tiếp xúc với phương Tây, họ lập tức từ bỏ ông thầy cũ ấy mà chuyển sang “lăn xả” học mấy ông thầy mới, là Hà Lan, Mỹ… và nhờ thế đi trước Trung Quốc khá lâu. Sau thảm bại trong Thế chiến II, họ “Dĩ địch vi sư” (coi kẻ địch là thầy học), chân thành học nước Mỹ, kẻ đã tiêu diệt phát xít Nhật, và kết quả lại đi trước Trung Quốc khá xa.
Trung Quốc thời xưa vốn cho mình là trung tâm tinh hoa của thế giới (Trung Hoa) nên không ít người nước này cho rằng mình chẳng cần học ai. Mãi cho tới khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, họ mới hiểu ra sự thua kém của mình, nhất là về chữ viết. Họ sang phương Tây, sang Nhật học. Nhà văn Phùng Tuyết Phong kể chuyện: Có hai người Trung Quốc hiểu dân tộc mình, là Tưởng Giới Thạch và Lỗ Tấn, thì hai vị này đều học ở Nhật về — chứng tỏ Nhật là ông thầy giỏi (còn Mao Trạch Đông chưa hề ra nước ngoài nào nên “chỉ có nửa người hiểu Trung Quốc”).
Các nhà trí thức Trung Quốc thừa nhận Nhật có nhiều cái đáng để họ học, nhưng không ít người dân thường ở Trung Quốc lại nghĩ khác – bởi lẽ họ ít cảm tình với người Nhật, chưa quên tội ác do phát xít Nhật gây ra với đồng bào họ thời Nhật xâm lược Trung Quốc.
Nhà báo Trung Quốc Vương Cẩm Tư viết: Mùa thu năm 2010 tại Tokyo có cuộc Hội thảo Bắc Kinh – Tokyo. Khi phát biểu tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và là người phát ngôn của Lưỡng Hội Trung Quốc (Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương chính trị) Lý Triệu Tinh khiêm tốn nói đại ý: Cho dù xét về bất cứ mặt nào thì Trung Quốc thực sự vẫn là một nước đang phát triển, còn cách Nhật Bản một khoảng cách lớn, còn phải học tập kinh nghiệm tiên tiến của Nhật Bản, Trung Quốc không giấu giếm nói rằng có học tập Nhật Bản thì Trung Quốc mới có hy vọng lớn.
Hội thảo này khai mạc vào dịp GDP Trung Quốc vượt Nhật, vì thế bài nói của Lý Triệu Tinh có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Ông tỉnh táo nhận thức được việc mức độ đô thị hoá của Trung Quốc còn thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới; tuổi thọ trung bình của Trung Quốc thua kém Nhật; tỷ lệ học sinh lên đại học ở Trung Quốc bằng 24,2%, kém xa mức 80% ở Nhật; GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/ 11 mức của Nhật (năm 2010).
“Cả Trung Quốc hãy còn khoảng 150 triệu người chưa đạt tiêu chuẩn chi phí sinh hoạt mỗi ngày đạt mức 1 đô-la Mỹ; số người này vượt xa tổng số dân Nhật,” ông Lý nói và nhấn mạnh Trung Quốc phải học Nhật.
Bài nói của nhà ngoại giao kỳ cựu Lý Triệu Tinh được mọi người vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh. Người Trung Quốc vỗ tay vì họ tỉnh táo; người Nhật vỗ tay vì khâm phục ông Lý khiêm tốn và trọng tính thiết thực, ghét tính phù phiếm.
Người xưa có câu: Đá ở núi người ta có thể mài thành ngọc. Khổng Tử nói: Trong ba người đồng hành, có một người là thầy ta. Nhật Bản là người học trò xuất sắc nhất thế giới, dám học tập, giỏi học tập, chăm học tập; chỉ trong vài chục năm tuy bị hạn chế bởi tính xâm lược nhưng họ đã hai lần dẫn đầu hơn 100 quốc gia 3 châu Á, Phi, Mỹ Latinh nhảy lên hàng ngũ cường quốc thế giới.
Nhiều người cho rằng chỉ có chuyện Nhật học Trung Quốc chứ Trung Quốc chẳng cần học Nhật. Thực ra việc học tập và trao đổi giữa hai nước là có đi có lại chứ không phải một chiều. Trong lịch sử cận đại, Trung Quốc học Nhật và thu hoạch được nhiều hơn; Nhật có ảnh hưởng lớn hơn với Trung Quốc trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá.
Thường thấy có người nói Nhật từng xâm lược Trung Quốc, cho nên “học tập Nhật sẽ làm tổn hại đến tư cách quốc gia và nhân cách Trung Quốc”. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, học tập là học tập, không thể vì tồn tại các vấn đề lịch sử mà phủ nhận sự cần thiết học Nhật.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, so với lính Trung Quốc xanh xao gày gò vì thiếu ăn, lính Nhật tuy thấp lùn nhưng ăn uống tốt nên người chắc khoẻ, chân tay có cơ bắp, giỏi đánh vật, nhu đạo. Họ đi giày da, quần ống rộng, hành quân, leo núi đều nhanh nhẹn. Vì thế Mao Trạch Đông nói lính Nhật giỏi leo núi hơn Bát Lộ Quân (quân đoàn thứ 8 của lực lượng kháng Nhật, do Đảng Cộng sản lãnh đạo), Mao yêu cầu Bát Lộ Quân phải học lính Nhật.
Việc học tập kinh nghiệm tốt đã giúp Trung Quốc đi lên. Hơn 60 năm sau chiến tranh, sự phát triển của hai nước Trung Quốc, Nhật Bản trên mức độ nhất định đều bắt nguồn từ sự nhận thức và học tập chiến tranh.
Trong cải cách mở cửa, chính là nhờ học Nhật và nhiều nước khác mà Trung Quốc mới phát triển nhanh chóng. Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đến thăm Nhật đều nhắc tới khoảng cách chênh lệch thua kém Nhật, đều nói tới việc học tập Nhật.
Học tập Nhật không phải là học cái sai, cái thiếu sót của họ mà là lấy dài bù ngắn, học để dùng cho mình. Cho dù Trung Quốc có thừa nhận mình học Nhật hay không, có muốn tiếp tục học Nhật hay không, thì về khách quan, Trung Quốc đều dần dần ngầm chịu ảnh hưởng của Nhật, từ các mặt lớn như khoa học kỹ thuật, kinh tế, thể chế, bảo vệ môi trường, cho tới những mặt nhỏ như mượn dùng các từ ngữ Nhật như táo Fuji, kỹ thuật điện thoại Tiểu Linh Thông, chủ nghĩa xã hội v.v…, Trung Quốc đều được lợi không ít cho cả dân tộc và nhà nước.
Kẻ thực sự mạnh thì cần học ngay cả kẻ địch của mình, nếu không sẽ mãi mãi không tiến lên được. Thẳng thắn học tập Nhật sẽ không tổn hại gì tới sự tôn nghiêm của Trung Quốc, huống chi như thế lại học tập được hệ thống hơn, sâu sắc hơn, hữu hiệu hơn – nhà báo Vương Cẩm Tư kết luận.
Trong chuyến thăm Nhật tháng 5/2008, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhắc lại: Việc Trung Quốc học tập Nhật ngày nay vẫn chưa lỗi thời. Ông nói: “Nhân dân Nhật giỏi học hỏi, giỏi sáng tạo, cần lao trí tuệ, luôn luôn phấn đấu đi lên”, “Đây là niềm kiêu hãnh của nhân dân Nhật, cũng đáng để nhân dân Trung Quốc học tập.”
Dịp tết nguyên đán năm 2010, tuyết lớn làm sân bay Bắc Kinh phải hủy bỏ nhiều chuyến bay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Khởi Chính nói: Sân bay Tokyo tuyết lớn hơn cũng không xảy ra tình trạng tương tự, Bắc Kinh nên học Tokyo.
Thái độ ứng xử của dân chúng Nhật trước đại thảm họa động đất – sóng thần – rò rỉ hạt nhân Fukushima (11/3/2011) lại càng khiến người Trung Quốc thấy rõ các ưu điểm cơ bản của người Nhật mà họ nên học. Một tờ báo của người Hoa ở nước ngoài viết: Xét về tố chất cơ bản của quốc dân và ý thức phòng chống tai họa, mức độ chín muồi về tổ chức xã hội, người Trung Quốc hãy còn một khoảng cách nhất định với người Nhật.
Mấy năm gần đây, sau khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 2 thế giới, có người Trung Quốc cho rằng khi đã vượt Nhật thì không cần học tập Nhật nữa. Nhưng sau khi chiến tranh thương mại với Mỹ bùng nổ, kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn chồng chất. Do Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ và giảm đầu tư nên Trung Quốc phải tìm kiếm nhập khẩu công nghệ và đầu tư từ Nhật. Hơn nữa Nhật có nhiều kinh nghiệm đối phó sự trừng phạt kinh tế từ Mỹ. Trên thực tế, nhiều đô thị Trung Quốc đã phát triển tới mức đô thị lớn cấp quốc tế, do đó gặp nhiều khó khăn về xử lý ô nhiễm môi trường, giao thông…là những vấn đề người Nhật đã giải quyết tốt, Trung Quốc nên học Nhật.
Nhận thức của người Trung Quốc về sức sáng tạo khoa học kỹ thuật của Nhật đã thay đổi mạnh sau chuyến thăm Nhật hồi tháng 5/2018 của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Công nghệ sản xuất ô tô chạy hydro mà Thủ tướng Lý đến nhà máy Toyota tìm hiểu đã để lại ấn tượng sâu sắc. Sau chuyến thăm ấy đã có rất nhiều đoàn cán bộ các địa phương của Trung Quốc sang Nhật khảo sát, học tập. Thành phần các đoàn này đều là cán bộ lãnh đạo đảng ủy và chính quyền địa phương, tức tầng lớp cán bộ nắm thực quyền, làm việc nhiều nhất và giàu sức sáng tạo nhất ở Trung Quốc hiện nay. Phần lớn các đoàn này đi Nhật khảo sát và học tập trong thời gian nửa tháng, trong đó dành một tuần mời học giả người Nhật hoặc học giả người Trung Quốc làm việc tại Nhật giảng dạy về kinh nghiệm của người Nhật, và một tuần khảo sát thực địa.
Các đoàn cán bộ lãnh đạo địa phương của Trung Quốc đi Nhật khảo sát, học tập đều thu được kết quả tốt, qua đó làm cho người Trung Quốc hiểu rằng họ còn phải học tập người Nhật rất nhiều. Muốn vậy Trung Quốc cần thắt chặt quan hệ với Nhật. Tháng 6/2019 Chủ tịch Tập Cận Bình đã thăm Nhật trong dịp họp G20 tại Osaka, tháng 4/2020 Chủ tịch Tập sẽ chính thức thăm Nhật lần nữa. Mối quan hệ Trung – Nhật đang ngày một nồng ấm lên tạo điều kiện cho các địa phương Trung Quốc tiếp tục cử nhiều đoàn cán bộ sang Nhật khảo sát, học tập người Nhật.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Nhật Bản, Trung Quốc, Chiến lược phát triển, Quan hệ Trung - Nhật