Nhận diện thảm họa lãng phí trong bộ máy công quyền Việt Nam

Giai đoạn 2016-2021 có đến 3.085 dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí; tổng số tiền gây thất thoát lãng phí 31.800 tỷ đồng; 74.379 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa.

Nhận diện thảm họa lãng phí trong bộ máy công quyền Việt Nam

Hơn 3.000 dự án công có thất thoát, lãng phí

Tham nhũng, lãng phí đi liền với nhau như một cập bài trùng và được nhận diện là một trong bốn nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ.

Tham nhũng và lãng phí đều là những hành vi làm chậm sự phát triển kinh tế – xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với hoạt động quản lý của nhà nước và trực tiếp tác động tiêu cực đến sự ổn định chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước, đều đáng bị lên án và bị trừng trị.

Trong nhiều trường hợp, tác hại của lãng phí còn ghê gớm, nặng nề hơn tham nhũng dù của công không bị bỏ vào túi tư, như tham nhũng. Lãng phí khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân.

Điều nguy hại là việc xử lý thường bị coi nhẹ, chưa quyết liệt. Ít người liên quan đến lãng phí bị xử lý hình sự. Chỉ khi nào người đó gây ra lãng phí nhưng có yếu tố tham nhũng mới bị xử lý.

Một dự án treo, một công trình do không nghiên cứu kỹ các điều kiện dẫn đến chậm tiến độ, một phương án đưa ra bất khả thi phải thay đổi,… Lãng phí phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, ở các bộ ngành, tỉnh thành, trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” nên ít ai bị xem xét, bị kỷ luật.

Một báo cáo gần đây của Quốc hội cho biết: Giai đoạn 2016- 2021 có đến 3.085 dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí; tổng số tiền gây thất thoát lãng phí trong 5 năm là 31.800 tỷ đồng; 74.378,7ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật.

Đáng lưu ý là dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp chưa đầy đủ cho thấy, năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.

Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao hơn nhiều so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.

Chỉ riêng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mấy dự án giao thông đã vừa chậm tiến độ vừa đội vốn làm dư luận bức xúc.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã chậm lại đội vốn lên gấp 2 lần là một ví dụ đau xót thì tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội cũng không kém cạnh là bao. Dự án này được khởi công từ tháng 9-2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016 sau hơn 13 năm thi công. Nhưng đến nay, dự án mới đạt tiến độ khoảng 75% và đội vốn gần gấp đôi từ 18.000 tỉ đồng lên 34.532 tỉ đồng. Sau 4 lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của dự án dự kiến là năm 2027.

Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo khá phổ biến. Chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc có báo cáo, đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015 ha…

Thanh tra Chính phủ và bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016 – 2021 đã triển khai gần 50.000 cuộc thanh tra, kiểm tra tại hơn 73.200 đơn vị. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế trên 150.100 tỷ đồng với 63.200 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 71.800 tỷ đồng, hơn 31.200ha đất.

Như Quốc hội đã chỉ ra, bức tranh lãng phí trong 1 nhiệm kỳ 5 năm vừa qua là rất lớn, làm thiệt hại to lớn đến nguồn lực của nhà nước và nhân dân, làm chậm bước phát triển của xã hội.

Nhận diện những nguyên nhân

Nguyên nhân của tình trạng trên có yếu tố khách quan nhưng phần nhiền là do chủ quan. Những dự án treo, những dự án không thực hiện được, những dự án chậm tiến độ…đều có gốc là trình độ, năng lực và thủ tục, quy trình.

Chậm tiến độ giải phóng mặt bằng công trình không thực hiện được: Bị phạt. Hợp đồng không chặt chẽ không lường trước được những phát sinh: Bị phạt. Dự toán không chính xác: Đội vốn…

Những nguyên nhân trên đều là chủ quan, không thể biện minh cho đối tác chèn ép, làm sai mà do trình độ non kém, để nhiều sơ hở sai sót trong hợp đồng…chưa nói đến chuyện vì lợi cá nhân biết sai vẫn cứ làm.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đại biểu Quốc hôi: “Thực tế thất thoát lãng phí vốn công, tài sản công hiện nay còn khá tràn lan, đặc biệt gần như phổ biến trong lĩnh vực đất đai. Chất lượng chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn thấp, khảo sát, lập và phê duyệt dự án không hợp lý, xác định dự toán, tổng mức đầu tư còn nhiều sai sót, thiếu chính xác… dẫn đến hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu…”.

Như vậy, lãng phí có nhiều nguyên nhân, hoặc vì lập kế hoạch không tốt, hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận, hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương, hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng tiền của của Nhà nước và nhân dân.

Cuộc chiến chống tham nhũng đang có nhiều kết quả. Tới đây, chống lãng phí cũng nên quyết liệt như chống tham nhũng. Có như vậy nguồn lực của đất nước nhân dân mới được sự dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Điều tiên quyết là phải bố trí đúng năng lực, sở trường và trình độ cán bộ. Không một ai có thể làm tốt ở mọi ngành mọi mọi lĩnh vực. Bố trí không đúng là đẩy cán bộ đến sai phạm. Điều thứ hai là các cơ chế, chính sách liên quan cần tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ dự án công.

Đảng đã có những quy định về trách nhiệm của người đúng đầu. Đó cũng là cơ sở để đánh giá cán bộ hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Bố trí đúng người đúng việc, chọn được cán bộ có đủ tâm, tài, hy vọng tham nhũng, lãng phí ngày càng được ngăn chặn và đẩy lùi.

Theo NGUYỄN ĐĂNG TẤN / VIETNAMNET

Tags: , , ,