Nhận diện Ponzi phiên bản 4.0: Lừa đảo tài chính thời công nghệ số

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, ngoài các mô hình truyền thống, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đa cấp, Ponzi lừa đảo 4.0 như: ủy thác bao cháy tài khoản cho các sàn FX (vàng – ngoại hối) và BO (quyền chọn nhị phân) – điều mà các sàn quốc tế lớn có giấy phép và trực thuộc các định chế tài chính hay ngân hàng không bao giờ làm.

Nhận diện Ponzi phiên bản 4.0: Lừa đảo tài chính thời công nghệ số

Tác giả: Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam.

Bộ Công An liên tục đưa ra cảnh báo nhiều loại hình lừa đảo nở rộng trong đợt dịch COVID-19 với nhiều thủ đoạn mới mà nổi bật là các mô hình lừa đảo tài chính, lừa đảo kiểu Ponzi. Lừa đảo tài chính vốn là loại lừa đảo đẳng cấp cao nhất trong các loại lừa đảo vì độ phức tạp cũng như hiểu biết luật để lách luật, thậm chí am hiểu tâm lý học giúp đánh giá con mồi chính xác để một khi đã ra chiêu thì gần như không ai từ chối được. Đến nỗi nhiều người bị lừa vẫn không biết mình bị lừa và còn khen ngược lại đối tượng nữa. Nhiều vụ đối tượng đã bỏ trốn biệt tăm, thậm chí thay tên đổi họ để lại đẻ ra dự án khác để đi lừa tiếp. Các hình thức này nở rộ khắp nơi đặc biệt ở các vùng nông thôn nơi người dân ít hiểu biết về các thủ đoạn lừa đảo tài chính phức tạp. Hệ lụy để lại của nó quá lớn cho nhiều gia đình, xã hội và thậm chí cả nhiều nạn nhân tìm cách trả thù bằng các hành vi vi phạm luật pháp.

Lừa đảo tài chính và Ponzi điển hình

Bernard Madoff chủ mưu của vụ lừa đảo dễ sợ hàng đầu thế giới (chỉ đứng sau vụ Libor 2012) với số tiền thất thoát ở thời điểm đó khoảng 65 tỷ USD (2008) tương đương cả trăm tỷ USD thời điểm hiện tại. Rất nhiều người đã bị phá sản, phải tự sát, bị đẩy vào đường cùng vì tin tưởng đưa tiền cho Bernard Madoff.

Không chỉ các cá nhân mà nhiều định chế tài chính khắp thế giới như các ngân hàng tại Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Italia, Hà Lan, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã tuyên bố họ mất hàng tỷ đô la Mỹ trong vụ lừa đảo kinh dị này. Và đây cũng là vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử bị quy cho một nhân vật duy nhất.

Madoff trong một thời gian dài được nhìn nhận như một doanh nhân xuất chúng, từng là Chủ tịch của Nasdaq, cũng như Chủ tịch của nhiều tổ chức uy tín như Hiệp hội các Nhà đầu tư của Mỹ và một nhà từ thiện. Việc FBI bắt giữ Madoff và đóng cửa công ty của ông ta đã tác động không nhỏ đến thương mại toàn cầu và nhiều tổ chức từ thiện. Các tổ chức từ thiện liên quan là Robert I. Lappin, quỹ Picower, và quỹ JEHT, cũng bị buộc phải đóng cửa như một hệ quả từ vụ lừa đảo này. Câu nói nổi tiếng nhất của 1 bộ phim về nhân vật này là: “Basically, just a big Ponzi Scheme – Về cơ bản, đây là một mô hình Ponzi khổng lồ”.

Ponzi là gì mà dễ sợ vậy?

Mô hình Ponzi được đặt theo tên Charles Ponzi hay Carlo Ponzi (theo phát âm tiếng Ý), người đã nổi tiếng với việc áp dụng mô hình này trong năm 1920 với khoảng 15 triệu USD lừa được (số tiền khổng lồ thời điểm đó), thậm chí được xem là phần nào tác động gây ra Đại suy thoái 1929-1933. Ý tưởng này thật ra từng xuất hiện trong các tiểu thuyết Martin Chuzzlewit năm 1844, Little Dorrit năm 1857 và Charles Dickens, nhưng Ponzi đã hiện thực được nó giúp nó trở nên nổi tiếng toàn cầu. Kế hoạch ban đầu của Ponzi là dùng coupon thanh toán quốc tế để trả tiền tem, nhưng sau đó ông ta dùng tiền của những người đến sau trả cho chính mình và những người đến trước.

Mô hình Ponzi thực chất khá đơn giản về mặt ý tưởng nhưng phức tạp trong hành động đặc biệt khi nó được đẩy lên đẳng cấp cao. Đầu tiên nó là trò vay tiền (hoặc huy động) của người đến sau để trả người đến trước. Kẻ đi huy động cam kết trả lợi tức rất cao cho nạn nhân và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đó để thu hút người khác gửi tiền vào một dự án nào đó (có thể là BĐS, tiền số, doanh nghiệp, phái sinh, khởi nghiệp…). Những người này bị hấp dẫn bởi lợi tức cao thậm chí còn giới thiệu thêm những người mới khác.

Trò Ponzi về nguyên tắc không thể kéo dài mãi mãi vì người gửi tiền không phải là không có giới hạn, khi giới hạn này mất đi, đổ bể sẽ xảy ra và thông tin về kẻ chơi trò Ponzi sẽ dần bị lộ tẩy. Hậu quả của trò này là kẻ chủ mưu sẽ đào thoát, để lại thiệt hại khổng lồ như vụ Bernard Madoff.

Nhìn chung những vụ lừa đảo từ mô hình Ponzi có đặc điểm chung là chủ xị của các mô hình này thường lôi kéo các nhà đầu tư mới bằng cách cung cấp lợi nhuận cao hơn so với các khoản đầu tư khác, với lợi nhuận cao và kéo dài một cách bất thường. Dù ý tưởng không phải là ghê gớm và dạng lừa đảo này tồn tại nhiều năm nhưng con người do lòng tham sẽ khó có thể nhận ra hình thức này như nhận xét của Madoff “Only those you just can truly betray you – chỉ có bạn mới có thể phản bội bạn”.

Một số sự kiện Ponzi nổi tiếng:

– Charles Ponzi
– Enron
– WorldCom
– Bernard Madoff
– Một số hình thức đa cấp ngày nay
– Ủy thác bao cháy tài khoản cho các sàn FX (vàng-ngoại hối) và BO (quyền chọn nhị phân) điều mà các sàn quốc tế lớn có giấy phép và trực thuộc các định chế tài chính hay Ngân hàng không bao giờ làm vậy.
– Một số vụ ICO trên thị trường tiền mã hóa (tương tự IPO trên TTCK) ngày nay bị phát hiện hay huy động vốn trên thị trường này để đầu tư vào Bitcoin hay các Altcoin khác. FBI và Interpol cũng đưa ra cảnh báo rằng số lượng lừa đảo và tội phạm trên thị trường này cũng đứng hàng đầu thế giới.

Một số hình thức lừa đảo tài chính hiện tại và mô hình Ponzi phiên bản 4.0

Việc nhận diện các hình thức lừa đảo tài chính, Ponzi không hề khó, dù chúng được biến tướng cỡ nào, dùng loại công nghệ gì để vận hành.

– Kẻ lừa đảo hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục vài trăm phần trăm không phải 1 năm mà 1 tháng, thậm chí là trong…1 tuần.
– Ủy thác cho sàn, cho dự án, cho “chuyên gia” được các dự án lừa đảo dựng lên: họ nói nếu bạn không có khả năng đầu tư, hãy gửi cho họ và họ có chuyên gia đầu tư bách phát bách đúng, bao lỗ. Đến khi số tiền nhận đủ nhiều và dĩ nhiên sàn tuyên bố…phá sản, ôm tiền bỏ chạy.
– Các hình thức họ dùng trả lãi đôi khi không bằng tiền mặt vì tỷ lệ cao nên họ sẽ phát hành một dạng Chứng khoán của dự án (hoặc công ty) hay một loại token, tiền điện tử cho người tham gia, dù NĐT tham gia bằng tiền thật. Số tiền hoặc CK này sẽ không rút được hoặc chỉ được giao dịch trên sàn nội bộ do chính chủ dự án đặt ra. Nghĩa là tiền lời đó chỉ có trên giấy thôi.
– Họ cũng có thể trả tiền lời bằng tiền thật, trả ngay tức khắc theo cam kết luôn. Tuy nhiên số tiền được trả lại luôn luôn dưới tổng tiền nộp vào trước khi sàn…biến mất. VD như nộp 100 triệu được hứa trả 10%/tháng thì bạn sẽ nhận được đúng khoản lãi này tới tháng thứ 7 mà thôi (và bạn đã mất 7 tháng đi quảng cáo là sàn tốt lắm, đàng hoàng lắm, tôi đã nhận được tiền lãi hàng tháng rồi đây, để chiêu dụ thêm bạn bè, người thân quen của bạn vào hệ thống của họ một các vô thức).
– Tiền lời không rút được, lợi nhuận đó có thể là tiền thật hoặc tiền ảo, CP hay một loại tài sản nào đó mà muốn rút phải đóng thêm tiền, phí chuyển đổi. VD mua CP, tiền số…của dự án nhưng gửi vào ví của sàn mà phải đóng tiền để “thuê ví” và khi rút ra phải trả thêm hàng loạt phí khác. Nghĩa là mình tiền của mình bị chiếm đoạt thậm chí còn phải đóng phí…cho người chiếm đoạt nữa.
– Hình ảnh lung linh: các sàn FX (giao dịch vàng, ngoại hối online) hay BO (quyền chọn nhị phân) có mùi lừa đảo họ sẽ liên tục post các mạng xã hội, các phần mềm chat với nội dung là nhiều người lời với số tiền kinh khủng nhưng đều đã bị chỉnh sửa (kèm với hình ảnh siêu xe, nhà biệt thự hoàng tráng, chụp hình chung với người nổi tiếng)…
– Sửa lệnh hệ thống: khi NĐT tham gia thì lệnh của họ sẽ bị sửa trên hệ thống cho bạn thua để sàn ăn hết. Hoặc họ không cần sửa nhưng đến khi số người nộp tiền đủ nhiều sàn cũng sẽ tự…biến mất. Có sàn còn nói là vỡ nợ hoặc bị Công an bắt rồi để nạn nhân sợ không đi kiện vì luật pháp vốn đã không cho phép.

Cách thức để nhận ra các vụ lừa đảo tài chính và Ponzi 

Bất kể dùng loại công nghệ gì để vận hành mô hình Ponzi (ở bất cứ các phiên bản) hoặc các hình thức lừa đảo khác đều có các đặc điểm tương tự như sau (có thể có 1-2 hoặc tất cả các yếu tố):

– Cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi bạn đóng tiền. Lợi nhuận được hứa hẹn ổn định bất kể điều kiện thị trường.
– Bao lỗ, bao cháy tài khoản, “mất em đền cho anh/chị” tuy nhiên chưa ai nhận được đền bù nếu chuyện này xảy ra.
– Các hình thức đầu tư không được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền. Chi tiết cụ thể của cách thức đầu tư đều được giữ bí mật hoặc được cố ý mô tả rất phức tạp.
– Người tham gia không được phép xem các giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của họ.
– Giấy tờ không có hoặc có giấy nhưng là của nước ngoài cấp (không có hiệu lực tại Việt Nam), thậm chí là một cái giấy chẳng liên quan được cấp bởi tổ chức nước ngoài để…bán thuốc thú y.
– Người tham gia hầu như không thể rút được tiền gốc.
– Những kiểu lừa đảo này vốn không thể tồn tại lâu (thông thường chỉ được vài tháng tới tối đa 1-2 năm) nên họ sẽ luôn cố gắng tìm mọi cách đưa ra những lợi nhuận cao nhất, với những lời lẽ hoa mỹ nhất đánh vào lòng tham để nhiều người nộp tiền vào cho họ nhanh nhất có thể với thời gian sớm nhất để dự án có thể…bùng sớm.
– Cuối cùng những lợi nhuận gấp 3 lần lãi suất NH thường sẽ có mùi lừa đảo.

Theo CAFE BUSINESS

Tags: , ,