Nhận diện ‘Căn bệnh Hà Lan’ của những nền kinh tế thiếu bền vững

Vào những năm 1960, Hà Lan thu về một nguồn của cải khổng lồ sau khi khám phá ra những mỏ khí ga tự nhiên ở vùng Biển Bắc. Sự phát triển bề ngoài có vẻ tích cực này không ngờ lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng lên những bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước. 

‘Căn bệnh Hà Lan’ của những nền kinh tế thiếu bền vững

Miguel de Cervantes Saavedra, tác giả nổi tiếng người Tây Ban Nha thế kỷ 16 – người viết Don Quixote xứ Mancha từng nói “Của cải giàu có không chỉ được nhận ra qua sự sở hữu hay hành động tiêu xài phung phí, mà còn thể hiện ở việc sử dụng nó một cách khôn ngoan”. Điều này được nói ra vào thời điểm Tây Ban Nha đang tận hưởng cách thức tiếp cận mới với nguồn của cải từ tài nguyên thiên nhiên bao gồm cả vàng từ Châu Mỹ. Liệu Cervantes có thể tự nhận ra, trên chính đất nước mình, những triệu chứng của cái mà sau này được gọi là “Căn bệnh Hà Lan” (Dutch disease) – một cụm từ được dùng rộng rãi, ám chỉ những hậu quả tai hại của việc gia tăng vượt trội nguồn thu nhập quốc gia?

Tài nguyên thiên nhiên và của cải xã hội

Vào những năm 1960, Hà Lan thu về một nguồn của cải khổng lồ sau khi khám phá ra những mỏ khí ga tự nhiên ở vùng Biển Bắc. Sự phát triển bề ngoài có vẻ tích cực này không ngờ lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng lên những bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước. Khi đồng tiền Hà Lan mạnh hơn, các ngành xuất khẩu không liên quan đến hoá dầu trở nên kém cạnh tranh. Hiện tượng này được biết đến với tên gọi “Căn bệnh Hà Lan”.

Mặc dù căn bệnh thường gắn liền với việc tìm ra một nguồn tài nguyên thiên nhiên nào đó, song nó cũng có thể xảy ra do bất kỳ sự phát triển nào có liên quan tới dòng chảy ngoại tệ lớn như nguồn thu từ giá cả nguồn tài nguyên thiên nhiên tăng cao bất thường hay từ nguồn viện trợ, đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các nhà kinh tế học đã từng phân tích mô hình căn bệnh này để xác minh những giai đoạn, bao gồm tác động của các nguồn của cải từ châu Mỹ đổ về Tây Ban Nha vào thế kỷ 16 và việc phát hiện vàng ở châu Úc vào những năm 1850.

Chẩn bệnh

Tại sao việc gia tăng của cải nhanh chóng lại có những hậu quả bất lợi nghịch lý như vậy? Câu trả lời được tìm thấy trong tác phẩm cổ điển 1982 của W.M. Corden và J. Peter Neary. Các tác giả này chia nền kinh tế đang trải qua thời kì bùng nổ xuất khấu thành ba phần: trong đó bộ phận hàng hóa dù đang được xuất khẩu ồ ạt hay đang bị chững lại là hai bộ phận hàng hóa có giá trị giao thương phục vụ xuất khẩu, còn lại là bộ phận hàng hoá không có giá trị trao đổi lớn – nguồn này chủ yếu cung cấp cho nhu cầu trong nước như ngành bán lẻ, dịch vụ và xây dựng. Các nhà kinh tế học này đã chỉ ra rằng khi một đất nước mắc phải căn bệnh Hà Lan, ngành xuất khẩu truyền thống sẽ bị hai bộ phận kia lấn lướt.

Điều này xảy ra như thế nào? Hãy lấy một đất nước phát hiện ra dầu mỏ làm ví dụ. Sự tăng vọt trong lượng dầu xuất khẩu ban đầu sẽ làm tăng nguồn thu nhập cho đất nước đó. Nếu tất cả nguồn tiền được chi dùng hết cho nhập khẩu thì không có tác động trực tiếp tới nguồn cung tiền quốc gia hay nhu cầu hàng hoá sản xuất trong nước. Nhưng giả sử nguồn ngoại tệ được chuyển sang đồng tiền địa phương và được chi tiêu vào những hàng hoá chỉ phục vụ tiêu dùng nội địa thì điều xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào việc ngân hàng trung ương cố định hay thả nổi tỉ giá đồng tiền của nước đó so với một đồng tiền mạnh trên thế giới.

Nếu tỉ giá hối đoái được cố định, giao dịch chuyển từ ngoại tệ sang nội tệ sẽ tăng nguồn tiền của quốc gia và áp lực từ nhu cầu trong nước sẽ đấy giá cả lên cao. Thực tế này dẫn đến việc nâng cao giá trị thực của tỉ giá hối đoái – tức là một đơn vị ngoại tệ mua được ít hàng hoá dịch vụ trong nước hơn trước đây.

Nếu tỉ giá hối đoái được thả nổi, nguồn cung ngoại tệ tăng sẽ đẩy giá trị đồng tiền trong nước lên, và tỉ giá thực tế cũng được nâng cao mặc dù trong trường hợp này tăng là do tỉ giá danh nghĩa hơn là do giá cả trong nước. Trong cả hai trường hợp, việc giá trị của tỉ giá hối đoái được nâng cao hơn so với thực tế làm sức cạnh tranh của các ngành xuất khẩu yếu đi và khiến ngành xuất khẩu truyền thống bị đình trệ. Toàn bộ quá trình này được gọi là “hiệu ứng tiêu dùng”.

Cùng lúc đó, những nguồn tài nguyên (nguồn vốn và nhân công) sẽ chuyển sang sản xuất những hàng hoá phục vụ tiêu dùng trong nước để đáp ứng nhu cầu trong nước đang tăng cao, đồng thời chuyển sang ngành dầu đang phát đạt. Cả hai sự dịch chuyển này sẽ nhấn chìm sản xuất của xuất khẩu truyền thống vốn đang bị chững lại. Hiện tượng này được biết đến với tên gọi “hiệu ứng dịch chuyển nguồn tài nguyên”.

Những ảnh hưởng này đã diễn ra ở các nước xuất khẩu dầu mỏ vào những năm 1970, khi giá dầu và trữ lượng dầu xuất khẩu tăng trong khi các ngành sản xuất và nông nghiệp bị tổn thất.

Tương tự như vậy, giá cà phê tăng cao vào cuối những năm 1970 (do cà phê Brazil mất mùa sau những đợt sương giá) đã gây ra một sự bùng nổ trong ngành cà phê đối với những quốc gia như Colombia, đồng thời những ngành xuất khẩu truyền thống bị ảnh hưởng khi chi phí và các nguồn tài nguyên dành cho các ngành hàng hoá phục vụ trong nước được phân bố lại.

Sự đình trệ trong ngành hàng hóa truyền thống có phải là một vấn đề lớn? Một số nhà kinh tế học khẳng định là “không” nếu nguồn thu tăng một cách đều đặn và lâu dài. Trong trường hợp như vậy, theo họ, căn bệnh Hà Lan chỉ đơn thuần biểu hiện sự thích nghi của nền kinh tế đối với nguồn của cải mới, và việc dùng cụm từ “căn bệnh” là không chính xác. Sự chuyển dịch từ bộ phận sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu sang bộ phận hàng hóa phi xuất khẩu đơn giản là cơ chế tự điều chỉnh, giúp cho nền kinh tế đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước đang tăng lên.

Nhưng một số nhà kinh tế khác phản bác lại khi cho rằng thậm chí khi sự thay đổi là lâu dài thì cũng rất đáng lo ngại. Khi vốn và nguồn nhân lực dịch chuyển từ ngành này sang ngành khác, nền công nghiệp buộc phải cắt giảm và công nhân phải tìm những công việc mới. Sự dịch chuyển này – bất kể diễn ra nhanh thế nào cũng gây thiệt hại cả về mặt kinh tế và chính trị. Các nhà kinh tế học cũng lo ngại rằng sự dịch chuyển về nguồn nhân lực phục vụ bộ phận chế tạo sản xuất – nơi mà các kĩ năng chỉ có được trong quá trình làm việc- sẽ gây nguy hại cho tiềm năng phát triển lâu dài của một đất nước bởi nó cản trở sự phát triển về mặt con người.

Và điểm mấu chốt là bất kể sự thay đổi này có được nhìn nhận như một vấn đề hay không, các nhà hoạch định chính sách phải giúp nền kinh tế đối phó với những bước ngoặt của nó.

Đơn thuốc

Những nhà hoạch định chính sách có thể làm gì? Câu trả lời phụ thuộc vào việc nguồn của cải mới tìm thấy kia được duy trì lâu dài hay chỉ trong một thời gian ngắn.

Ở các quốc gia mà nguồn tài nguyên mới phát hiện bị khai thác nhanh chóng, nguồn dự trữ hạn chế và nguồn lợi thương mại không ổn định, các nhà hoạch định chính sách cần bảo vệ những ngành dễ bị ảnh hưởng bằng cách can thiệp vào tỉ giá hối đoái.

Việc đổi tiền trong nước lấy ngoại tệ – tức là tích trữ ngoại tệ – có xu hướng giữ cho giá trị trao đổi của đồng tiền trong nước thấp hơn là làm ngược lại – giúp cho nền kinh tế tránh được những biến động ngắn hạn, sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi của căn bệnh Hà Lan.

Nhưng vẫn tồn tại những thách thức trong việc đảm bảo rằng xây dựng nguồn dự trữ như vậy không dẫn đến lạm phát và rằng nguồn của cải mới được bổ sung đó được sử dụng một cách không ngoan và được quản lý một cách minh bạch thông qua, chẳng hạn, tài khoản ngân hàng trung ương hay một quỹ đáng tin cậy.

Ở những đất nước mà nguồn của cải được tìm thấy có thể được duy trì lâu dài, các nhà họach định chính sách cần quản lý những thay đổi về mặt cấu trúc mang tính tất yếu để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế.

Họ có lẽ cần tiến hành những biện pháp nhằm thúc đẩy năng xuất của bộ phận sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước (thông qua việc tư nhân hóa và tái cấu trúc) và tập trung đầu tư cho việc đào tạo nhân lực. Họ cũng cần tiếp tục đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc vào một lĩnh vực nào đó đang bùng nổ và giúp chúng ít tổn thương hơn trước những biến động lớn từ bên ngoài như việc hàng hóa rớt giá đột ngột.

Thận trọng trong việc quản lý nguồn của cải mới hay thay đổi đường hướng của nền kinh tế nhằm thích nghi với những hoàn cảnh mới, như sử dụng nguồn của cải một cách khôn ngoan, chắc chắn sẽ giành được sự ủng hộ của Cervantes.

Theo IMF

Tags: , , ,