Nhạc Đồng quê – một dòng chảy văn hóa của nước Mỹ

Không chỉ là một trào lưu nhất thời của “những chàng cao bồi biết hát”, nhạc Đồng quê đã khẳng định tên tuổi của mình theo thời gian, với màu sắc đặc trưng và lượng fan trung thành ở mọi lứa tuổi.

Nhạc Đồng quê – một dòng chảy văn hóa của nước Mỹ

Nhạc Đồng quê (Country music – thường được gọi là nhạc đồng quê Mỹ) là một dòng nhạc được hình thành vào khoảng năm 1920 tại miền Nam nước Mỹ. Trong những ngày tháng đầu tiên, nhạc Đồng quê chỉ được lưu truyền trong cộng đồng tầng lớp lao động nghèo của nước Mỹ. Với những chất liệu được góp nhặt từ dân ca và nhạc Blues, kết hợp với những loại nhạc cụ đặc trưng như đàn banjo, đàn guitar (thùng hoặc điện), guitar dobro, đàn fiddle (một dạng violin được sử dụng riêng cho nhạc Đồng quê), harmonica,… Các sáng tác vào thời bấy giờ vừa mang những yếu tố nhẹ nhàng tình cảm nhưng cũng không thể thiếu những tiết tấu nhanh, chắc khỏe khiến người nghe lắc lư theo từng giai điệu được hình thành.

Ba nghệ sĩ thiên tài được coi là khai sinh ra dòng nhạc Đồng quê chính là Jimmy Rodgers, The Carter Family và Vernon Dalhart.

Trải qua khoảng hai thập kỷ kể từ lúc được khai sinh, thuật ngữ “nhạc Đồng quê” bắt đầu được phổ biến rộng rãi trong công chúng và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Từ đó đến nay, dù trên thị trường liên tục xuất hiện nhiều phong cách âm nhạc mới phù hợp với thị hiếu, trẻ trung sôi động hơn nhưng nhạc Đồng quê vẫn luôn giữ được vị thế của mình trong lòng giới mộ điệu Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Sự phát triển của nhạc Đồng quê được chia làm 6 thời kỳ:

I. Thời kỳ thứ nhất (1920s):

Tượng đài đầu tiên trong thời điểm này là Vernon Dalhart, với bản hit Wreck of the Old 97, ông được xem là người đầu tiên đem nhạc Đồng quê đến với đông đảo khán giả. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông những năm tiếp theo lại không đạt mấy thành công như ban đầu.

Khoảng ba năm sau, vào năm 1927, cái tên Jimmie Rodgers nổi lên như một hiện tượng với số lượng album bán ra đạt trên một triệu bản, nhanh chóng đưa tên tuổi Rodgers lên hàng tượng đài của nhạc Đồng quê.

Cũng cùng năm đó, nhóm The Carter Family cũng không kém cạnh về mức độ nổi tiếng, liên tục cho ra các bản hit bất hủ, tiếp tục thúc đẩy phong trào nhạc Đồng quê lan rộng và phát triển mạnh mẽ trong những năm sau này.

II. Thời kỳ thứ 2 (1930s-1940s):

Khoảng thời gian này được xem như thời kỳ thứ 2 của nhạc Đồng quê, đây cũng chính là giai đoạn hoàng kim của những chàng cao bồi biết hát. Các bản nhạc mang đậm màu sắc ‘cao bồi’ liên tục được phát sóng trên radio – cũng là phương tiện giải trí chính thời bấy giờ. Các bản hit của Gene Autry, Sons of the Pioneers, Roy Rogers… liên tục được phát sóng vào “giờ vàng” trên đài phát thanh quốc gia. Bên cạnh những chàng cao bồi đáng yêu, nữ cao bồi Pasty Montana với bản hit I Want to be A Cowboy’s Sweetheart cũng đã góp phần chứng minh với thế giới rằng không chỉ nam giới mà nữ giới cũng có đủ bản lĩnh để có được sự nghiệp solo vang dội.

Năm 1936, Bill Monroe và nhóm the Blue Grass Boys đã tạo nên một màu sắc âm nhạc khá mới lạ với những tiết điệu linh hoạt, chắc khỏe. Sau này, cái tên Blue Grass của nhóm đã được dùng để đặt cho một dòng nhạc mang đậm màu sắc đồng quê nước Mỹ.

Một thể loại khác cũng trong thời kỳ này là Honky Tonk. Honky Tonk ban đầu chỉ được lưu truyền trong những nhóm lao động nghèo ở Texas và Oklahoma. Sau đó, nó nhanh chóng phát triển và trở thành một nhánh quan trọng của nhạc Đồng quê hiện đại.

III. Thời kỳ thứ 3 (1950s – 1960s):

Những năm đầu tiên của thập kỷ 1950 đánh dấu sự bùng nổ của Western Swing, Country Boogie và Honky Tonk. Không lâu sau đó, đứa con lai của nhạc Blues và nhạc Đồng quê – Rockabilly ra đời, kéo theo nhiều tên tuổi lẫy lừng như Elvis Presley với Heartbreak Hotel, Johnny Cash với I Walk the Line, Carl Perkins với Blue Suede Shoes đánh dấu thời cực thịnh của Rockabilly trong những năm kế tiếp.

IV. Thời kỳ thứ 4 (1970s – 1980s):

Thời điểm này, màu sắc ban đầu của nhạc Đồng quê ít nhiều cũng đã bị ảnh hưởng bởi các thể loại nhạc khác. Đơn cử, chúng ta có John Denver với Take Me Home Country Road hoặc Rocky Mountain High. Những bản thu này tuy sử dụng những chất liệu chính của nhạc Đồng quê nhưng cũng đã phảng phất đâu đó sự pha trộn chút phong vị của Pop.

Một sự kết hợp khác không thể không kể đến là nhạc Đồng quê và Rock. “Đứa con lai” này được tạo ra do hãng đĩa Nashville khi ấy muốn tìm kiếm những màu sắc ‘mạnh mẽ và hăng hái’ hơn cho những bản thu sau này của họ. Kết quả của quá trình này, chúng ta có Eagles, Bob Dylan, Neil Young,… vốn là những cái tên vẫn còn rất được ưa chuộng trong thời đại của chúng ta hiện nay.

V. Thời kỳ thứ 5 (1990s):

Thời kỳ thứ 5 bắt đầu vào những năm1990. Tại thời điểm này, công chúng cũng đã quen với sự xuất hiện của đài FM – một phương tiện quan trọng kết nối nghệ sỹ nhạc Đồng quê và công chúng. Cũng từ đây, tên tuổi của Garth Brooks được biết đến, nhanh chóng đưa anh vào top những nghệ sỹ thành công nhất thời bấy giờ. Danh hiệu chứng nhận đĩa bạch kim cũng đã được RIAA (hiệp hội thu âm Mỹ) trao cho anh với số lượng 113 triệu đĩa được bán ra là một con số cực kỳ ấn tượng tại thời điểm đó.

VI. Thời kỳ thứ 6 (2000s đến nay):

Sau rất nhiều thành công từ những thập kỷ trước, nhạc Đồng quê dần lùi bước, nhường chỗ cho những thể loại âm nhạc khác phù hợp với thị hiếu hơn. Những chàng cao bồi vẫn chiếm được cảm tình của rất nhiều người hâm mộ dù không được mạnh mẽ như trước. Nét mộc mạc hoang dã của Đồng quê cổ điển cũng dần được pha trộn bởi nhiều màu sắc khác nhau điển hình như Taylor Swift với Love Story hoặc Tears Drop on My Guitar. Thời kỳ này cũng chứng kiến nhiều sự lấn sân sang Đồng quê của các nghệ sỹ gạo cội khác. Chúng ta có thể kể đến Richard Marx với một số ca khúc mang màu sắc Đồng quê trong album Days in Avalon hoặc Bon Jovi với bản hit Who Say You Can’t Go Home.

*

Cuối cùng, nhạc Đồng quê không chỉ là một trào lưu nhất thời của “những chàng cao bồi biết hát”. Nhạc Đồng quê đã khẳng định tên tuổi của mình theo thời gian, đó là một chỗ đứng riêng vững vàng, màu sắc đặc trưng và lượng fan trung thành ở mọi lứa tuổi. Mặc cho mọi sự pha trộn theo thời gian với các thể loại khác, tiếng guitar bập bùng, âm thanh réo rắt của cây banjo kết hợp với fiddle và harmonica vẫn luôn là đại diện tinh thần hết sức vững chắc cho văn hóa “miền Tây Hoa Kỳ” – một thể loại âm nhạc tuy xuất phát từ nước Mỹ nhưng không chỉ riêng nước Mỹ mà còn là một nền văn hóa được cả thế giới người mộ.

Theo ADAM MUZIC

Tags: , ,