Nhạc cổ điển: Ngôi đền thiêng đang bị lãng quên

Khoảng 30-40 năm trước, những buổi biểu diễn trong các nhà hát rộng lớn của Dàn nhạc giao hưởng Berlin, với nhạc trưởng lừng danh Herbert von Karajan, luôn chật kín khán thính giả. Người ta xếp hàng cả đêm để mua được tấm vé vào nghe bộ ba tenor Pavarotti, Domingo và Carecas cùng hòa giọng. Sức hút của nhạc cổ điển khi đó không thua gì các thể loại âm nhạc đại chúng như pop, rock… Giờ đây thì sao?

Thông tin về nhạc cổ điển ngày càng ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, các chương trình biểu diễn lớn ở tầm cỡ thế giới gần như vắng bóng, các dàn nhạc lớn liên tục kêu lỗ và cắt giảm quy mô vì hoạt động kém hiệu quả. Đại đa số người nghe nhạc tuổi dưới 40 giữ thái độ “kính nhi viễn chi” với thể loại âm nhạc “bác học” này. Trong vòng hơn 3 thập kỷ qua, cũng không có một tác phẩm vĩ đại nào khả dĩ sánh được với các kiệt tác của những bậc tiền bối. Vì vậy, nhiều người cho rằng đã đến thời suy tàn của nhạc cổ điển…

Có quá nhiều lý do để người ta từ chối nghe nhạc cổ điển. Hay được viện dẫn nhiều nhất là hai chữ “bác học” – tức thể loại âm nhạc chỉ dành cho những người hiểu biết, có trình độ thẩm âm cao cấp và người làm chuyên môn âm nhạc. Dài, phức tạp cũng là một lý do, không có lời cũng là một lý do và trừu tượng cũng là một lý do khác. Để cảm nhận, người nghe thay vì nhún nhẩy hát theo, lại phải giữ im lặng hoàn toàn, tập trung vào màn trình diễn chỉ hấp dẫn ở âm thanh chứ không nổi bật về hình thức. Và một vấn đề nữa là môi trường, đa số chúng ta đều có tâm lý chạy theo đám đông, huống hồ, những pop, rock, hip-hop, R&B… dễ thẩm thấu, dễ phân biệt hay dở. Tới jazz, blues đã thấy khó rồi, huống chi là cổ điển. Tâm lý ngại khó cũng là một rào cản lớn, rồi đi xem nhạc cổ điển cũng đòi hỏi rất nhiều nhiêu khê, đó là chưa kể hàng năm chả có mấy chương trình biểu diễn, nếu có thì giá vé đắt như trên trời… Thế là, có một bức tường vô hình ngăn cách giữa âm nhạc cổ điển với công chúng mọc lên và ngày càng cao mãi. Tự nhiên, người ta cứ xa dần, xa dần…

Tất cả các lý do trên xét cho cùng cũng chỉ là lý do. Vấn đề nằm ở sự kiên nhẫn và tấm lòng khát khao tìm tòi, hướng tới cái đẹp. Không phải tất cả những người mê cổ điển đều có may mắn tiếp xúc với thể loại âm nhạc này từ lúc còn nhỏ, cũng chẳng phải tất cả đều làm trong ngành âm nhạc hay thuộc tầng lớp trí thức cao sang. Trong mỗi con người hình như có một tiểu vũ trụ. Ở đó có rất nhiều thứ mà chúng ta chưa thể khám phá hết – những khoảng sáng vô tận cũng như hố đen sâu hun hút. Khả năng cảm thụ, nhận thức, say mê triết học, toán học, âm nhạc, hội họa có thể là một số thứ đang còn ngủ yên. Chỉ cần được khơi thông, chúng sẽ trở thành những suối nguồn tuôn chảy.

Trong những giai điệu mà chúng ta nghe hàng ngày, có rất nhiều trích dẫn từ các tác phẩm cổ điển, nhưng có mấy người để ý, có mấy người thắc mắc và có mấy người mầy mò tìm nghe lại cho bằng được? Cả một gia tài âm nhạc khổng lồ đang bị bỏ qua. Đây là thiệt thòi lớn, bởi họ có quyền (và hoàn toàn có khả năng) thụ hưởng những giá trị rất cao về mặt tinh thần, có thể nâng nền tảng văn hóa lên một tầm cao mới. Khoảng 10 năm trước, ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Dương Thụ cùng ê-kip của mình đã thực hiện album Chat với Mozart – trong đó, các trích đoạn từ nhiều tác phẩm lớn của Tchaicovsky, Sain-Saen, Schumann, Vivaldi… được phổ lời Việt, hòa âm phối khí theo kiểu hiện đại, nhằm hướng sự quan tâm của giới trẻ tới nhạc cổ điển nhiều hơn nữa.

Tiếc là album này lại bị chính những người hay nghe nhạc cổ điển khi đó từ chối với lý do “bôi bác, làm hỏng dòng nhạc vĩ đại nhất của nhân loại”. Có lẽ vài người trong số họ không biết rằng trên thế giới đã có nhiều album tương tự Chat với Mozart, ví dụ như Greatest Love Classic của Andy Williams (một tượng đài của làng nhạc Mỹ) hay Romance With Beethoven, Bach And… của Salena Jones với các ca khúc đều là trích đoạn giao hưởng của Beethoven, Bach, Debussy, Dvorak, Rachmaninoff. Đó là chưa kể đến Coolio từng đọc rap rất điệu nghệ trên nền bản Canon in D của Pachebel trong ca khúc C U When U Get There hay nhóm Tran-Siberian Orchestra “rock hóa” nhiều đoạn nhạc quen thuộc của Beethoven trong album kinh điển Beethoven’s Last Night.

Dàn nhạc nổi tiếng Paul Mauriat có bộ ba album kinh điển Classics In The Air – chơi lại các trích đoạn cổ điển nổi tiếng nhất theo một tinh thần mới, dễ nghe hơn, tưng bừng hơn với kiểu phối khí giản dị và thêm vào nhịp trống theo điệu disco rất độc đáo. Các dàn nhạc semi-classic khác như Mantovani, James Last, Raymond Lefevre, thậm chí các dàn nhạc giao hưởng danh giá như Chicago Symphony, London Philharmonic, Prague Philharmonic, London Symphony… cũng xuất bản nhiều album biến tấu nhạc cổ điển được đón nhận nhiệt tình ở châu Âu và đặc biệt là Nhật Bản. Tất cả đều ra đời dựa trên tinh thần phổ cập nhạc cổ điển đến với số đông. Việc giấu mình trong tháp ngà, nhìn xung quanh với cặp mắt trịch thượng rõ ràng không phải là thái độ cần thiết để quảng bá nhạc dòng nhạc này.

Con đường đến với nhạc cổ điển tuy gian truân nhưng không phải không thể vượt qua. Đừng vội, hãy cứ thong thả đặt từng bước chân lên những bậc thang dẫn đến ngôi đền thiêng. Một số nhạc sĩ và các chuyên gia khuyên người nghe bắt đầu bằng những khúc nhạc ngắn như etude, prelude, nocturne… Nét nhạc gọn gàng, chỉ như một nét vẽ phác, gợi dòng cảm xúc thoáng qua. Đôi khi, chỉ là niềm cảm hứng của nhạc sĩ trên nền các vũ khúc dân gian. Song âm nhạc vẫn đủ chiều sâu, mở các chiều suy nghĩ khác. Nó thấm vào mỗi người theo từng lối riêng và rồi đọng lại. Chỉ thế thôi, không cần suy ngẫm nhiều làm gì. Để đi tiếp, người nghe sẽ làm quen với sonata – thể loại nhạc viết cho một (đôi khi là hai) nhạc cụ: piano, flute, clarinet, cello, violin… Rồi đến các tam tấu, tứ tấu viết cho ba, bốn nhạc cụ. Lên bậc cao hơn là các concerto, gồm hai, ba chương, viết cho nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc đệm. Kế đó là symphony – thể loại mang chủ đề lớn, kết cấu thường có ba đến bốn chương. Nếu có thể đi thêm, cái đích cuối cùng sẽ là opera – nhạc kịch. Đây là hội tụ đồ sộ nhất giữa âm nhạc, múa, thanh nhạc và thường rất lộng lẫy, hoành tráng.

Cũng có một cách khác để tiếp cận với nhạc cổ điển. Đó là bắt đầu bằng các bản nhạc, trích đoạn nổi tiếng – rất dễ tìm thấy trong các bộ đĩa tuyển chọn được bán ở khắp nơi. Bạn sẽ thấy rằng nhạc cổ điển không phải quá bác học như mọi người vẫn hình dung. Sau đó hãy làm quen dần các tác phẩm khác với độ phức tạp tăng dần. Song song với việc nghe là việc tích lũy kiến thức về những thứ mình nghe. Nên tìm hiểu để biết mình đang nghe thể loại gì, tác giả là ai, nội dung, chủ đề ra sao, nằm ở giai đoạn nào. Nên nắm vững thế nào là overture, bacarolle, concerto, sonata… Hãy nhớ rằng, kiên nhẫn là điểm mấu chốt. Nghe và tìm hiểu, tìm hiểu và nghe – hai công việc đó bổ trợ cho nhau và nuôi hứng thú, không thể để nó lụi tàn.

Nhiều người từng ví von, nghe nhạc cổ điển giống như người ta bóc vỏ hành vậy. Sau mỗi lớp vỏ lại là một lớp vỏ khác. Nhạc cổ điển, đặc biệt là các bản giao hưởng lớn cần nghe đi nghe lại nhiều lần mới thẩm thấu được hết cái hay, cái đẹp. Lấy ví dụ Dàn nhạc giao hưởng Vienna ngày đầu năm nào cũng có một buổi New Year Concert, chỉ chơi một số tác phẩm nhất định nhưng mỗi lần thay một nhạc trưởng (đều là những cái tên danh giá, đến từ khắp nơi trên thế giới). Mỗi người một phong cách, một cá tính và khán thính giả năm nào cũng nghe những tác phẩm đó nhưng không cảm thấy nhàm chán. Nhiều tác phẩm cổ điển là những câu chuyện có cấu trúc lớn và nghệ thuật ẩn dụ. Nhưng cũng không ít tác phẩm không có nội dung rõ ràng, chỉ đơn thuần nói lên vẻ đẹp của âm nhạc, dùng âm nhạc mô tả vẻ đẹp của cuộc sống. Chỉ cần kiên nhẫn, cánh cửa vào “ngôi đền thiêng” của âm nhạc sẽ mở rộng trước mắt bạn…

Theo NGỌC MINH / NGHE NHÌN VIỆT NAM

Tags: ,