Nguy cơ cán bộ bị mua chuộc khi học tập, công tác tại Trung Quốc

Lãnh đạo một tập đoàn dược phẩm ở Anh đã bị tung clip sex quay lén trong thời gian ở Trung Quốc. Điều này gợi lên sự lo ngại: nếu không cẩn thận, nhiều người trong nước sang học tập, công tác tại Trung Quốc có thể bị khống chế vì dính vụ việc tương tự.

Nguy cơ cán bộ bị mua chuộc khi học tập, công tác tại Trung Quốc

Phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an.

– Chúng ta phải làm gì để ngăn ngừa và sớm phát hiện những đối tượng bị nước ngoài mua chuộc, giăng bẫy?

– Để phòng ngừa, đối phó với việc này, trước hết phải xuất phát từ cấp cao, cấp vạch định chính sách. Theo đó, các nhà lãnh đạo phải có nhận thức đầy đủ, sự nguy hiểm của chuyện này để có cơ sở đưa ra một quyết sách rõ ràng.

Với Việt Nam, Trung Quốc có hai điều bất biến: là láng giềng và sự bành trướng. Chính sách của Trung Quốc ngày nay đậm chất Quản Trọng, dùng kinh tế để mua chuộc. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng việc này và phải chuẩn bị đối phó với các tình huống vì nó liên quan đến suy vong, thịnh nguy đất nước. Ta không xem Trung Quốc là kẻ thù nhưng phải cảnh giác và phải có sự Sô-vanh của Trung Quốc. Từ đó phải có các biện pháp phòng ngừa từ xa; có mạng lưới theo dõi, phát hiện. Về nguyên tắc, trong vấn đề này không có khu vực cấm, Trung ương Đảng phải giao cho cơ quan chuyên trách làm chuyện này vì lợi ích của dân tộc.

– Còn với người Việt Nam trực tiếp sang học tập, tập huấn ở nước ngoài nói chung, Trung Quốc nói riêng thì sao, thưa ông? Họ cần lưu ý gì?

– Trong hoạt động mua chuộc, giăng bẫy người Trung Quốc làm rất giỏi, rất mềm mại chứ không thô lỗ gì, có người vào trong lưới của họ mà không biết. Sách lược của họ rất đơn giản và mềm mỏng.

Thực tế, có người chỉ đi nước bạn một lần đã bị mua chuộc, cài cắm. Cách nhìn người của Trung Quốc rất xa. Đối tượng lọt vào tầm ngắm của họ có lúc chỉ là bí thư đoàn huyện hoặc một cơ sở kinh doanh nhưng nhanh nhạy, tháo vát. Cách làm của họ là sẽ hỗ trợ những người này tạo một hình ảnh rất đẹp, thuyết phục mọi người để leo lên những cấp cao hơn. Phải nói đây là một công nghệ và Trung Quốc rất giỏi trong lĩnh vực này.

Ví dụ, khi Trung Quốc ngắm được đối tượng, họ sẽ tìm hiểu sở thích của người này và cho người tiếp cận. Đến lúc đủ tin cậy, nếu phát hiện ra nhân cách con người này dễ lung lạc thì mua chuộc. Nếu cách này không được thì dùng biện pháp giăng bẫy, khống chế.

– Vậy làm thế nào để phát hiện đối phương đang chuẩn bị bẫy để giăng mình?

– Là con người, nhất là người đàn ông có ba thứ khó cưỡng là tiền, quyền lực và gái đẹp. Riêng với đàn ông máu mê quyền lực hơn, đắc địa của đàn ông là gái đẹp. Có thể cưỡng nhiều thứ nhưng gái đẹp khó mà cưỡng được, số người có bản lĩnh, cưỡng được sự cám dỗ này rất ít.

Hơn nữa, chuyện này nhiều lúc đến tình cờ, người trăng hoa thì dễ sa bẫy, ngay cả người nghiêm chỉnh, xưa nay không sa bẫy vì con gái nhưng họ sẽ tạo ra hoàn cảnh cụ thể để gài bẫy.

Ví dụ, trong một buổi đi pic-nic, họ sẽ bố trí một cô con gái nhẹ nhàng, vui vẻ tiếp cận để làm quen. Lúc đầu chỉ là nói chuyện nhưng vượt quá giới hạn lúc nào không biết.

– Có ý kiến cho rằng, so với trước đây, công tác bảo vệ cán bộ khi sang nước ngoài tập huấn bây giờ lỏng lẻo hơn nhiều?

– Đúng vậy. Thời kỳ trong chiến tranh quá nặng nề và kéo dài đến tận năm 1985, thậm chí có những việc ta làm quá chặt.

Tuy nhiên, khi đổi mới thực tiễn mới quá, nó xé toạc cái cũ khiến cái mới gần như không có hàng rào. Thậm chí, khi công an, lực lượng an ninh làm chặt bị phản ứng gay gắt. Khi đưa ra quy định chăt chẽ, công dân Việt Nam cũng phản đối cho là làm mất tự do mà không nghĩ rằng đây là lợi ích nhà nước. Chính vì thế, muốn làm lại phải bắt đầu từ cấp quản lý.

– Trong lịch sử, đã có trường hợp cán bộ cấp cao nào của Việt Nam mắc bẫy gái đẹp của Trung Quốc chưa thưa ông?

– Vấn đề này là phẩm chất. Quá khứ đã có một số cán bộ khoa học của mình sang nước ngoài, hám của lạ, vào hộp đêm chơi bị họ quay lại. Đây không phải họ giăng mà là do mình. Nếu như con người được rèn luyện, khả năng rơi vào cám dỗ, cạm bẫy ít nhưng không phải không có vì ai cũng có “gót chân a-sin”.

Cám dỗ bao giờ cũng cao hơn trình độ và bản lĩnh. Đừng nghĩ rằng mấy ông giám đốc, tổng giám đốc, cán bộ cấp cao không mắc. Cuộc cạnh tranh, chạy đua giữa cám dỗ, xác thịt bao giờ cũng cao hơn trình độ học vấn, bản lĩnh. Ta đã có trường hợp cán bộ cấp cao ngã ngựa rồi bởi đây là một nhu cầu bản năng, khi phần con trong mỗi người trỗi dậy.

– Vậy theo ông, các cơ quan quản lý có nên xiết chặt quy định cử cán bộ sang nước ngoài học tập, tập huấn?

– Quy định chung hiện nay có rồi rất lỏng lẻo, chung chung, dường như chẳng ai thực hiện và khâu giám sát thực cũng không đến nơi đến chốn. Vấn đề ở đây không phải là quy chế trên giấy mà áp dụng vào thực tiễn như thế nào mới khó. Có ba chủ thể thực hiện quy chế này. Thứ nhất là người ra nước ngoài. Thứ hai là thủ trưởng của người này. Và thứ 3 là cơ quan an ninh. Trách nhiệm của ba chủ thể này ở ta còn lỏng lẻo lắm.

Trước mắt, cấp quản lý nên rà soát lại các văn bản pháp quy liên quan đến người Việt Nam ra nước ngoài học tập, làm ăn và cần có đánh giá tổng kết. Thế nhưng, một thực tế rất buồn, hàng chục tổng kết của ta làm hời hợt, chỉ có thành công thành tựu sau đó mới “tuy nhiên,” và vài câu chung chung “một số cấp, một số ngành chưa quán triệt, thậm chí có nơi còn lỏng lẻo”. Đây là những tổng kết vô thưởng vô phạt và 50 năm sau đưa tổng kết này vẫn đúng.

– Vậy theo ông, việc cán bộ bị mua chuộc, bố trí quay clip sex để khống chế có trở thành một nguy cơ?

– Dưới góc nhìn chiến lược của một người làm an ninh hơn 40 năm tôi cho rằng là một nguy cơ thực sự.

Ở Việt Nam đã có một số vụ điển hình trong đó nhân vật được nước ngoài mua chuộc là người có chức sắc như: vụ trưởng, cục trưởng, đại tá, cấp phòng.

– Vậy, theo Thiếu tướng, chúng ta phải làm gì để chống lại ý đồ mua chuộc, gài bẫy của một số “ông bạn xấu bụng”?

– Việc mua chuộc của các nước trong quan hệ bang giao nói chung và nó là bất biến với Trung Quốc. Cái chúng ta cần làm là triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, bóc gỡ và xử lý công khai để làm gương. Không có gì mạnh mẽ bằng đưa ra xử lý công khai.

Ví dụ, một ông cục trưởng làm tay sai cơ quan chính trị nước khác phải được đưa công khai trên báo chí, thậm chí viết thành sách để mọi công dân biết được. Điều này quan trọng hơn nhiều quy chế, 100 quy chế không bằng một vụ án đưa ra xử công khai.

– Xin cám ơn Thiếu tướng!

Theo TIN MỚI / NGƯỜI ĐƯA TIN (2014)

Tags: , , ,