⠀
Người Trung Quốc và Việt Nam đang đẩy loài tê tê đến nguy cơ tuyệt chủng
Nhiều người phương Tây chưa từng nghe nói tới con tê tê, thế nhưng loài vật ‘ăn kiến’ này đang đem lại một ngành công nghiệp trị giá cả tỷ đô la và cái ngành công nghiệp đó đang đẩy tê tê tới chỗ tuyệt chủng.
BBC Future gặp gỡ một nhóm các nhà sinh thái học và các nhà hoạt động đang nỗ lực tìm cách cứu tê tê khỏi tình trạng bị xóa sổ.
Trong hàng triệu năm, khả năng sinh tồn tự nhiên của tê tê đã đem lại cho nó một khả năng tự vệ không thể tuyệt vời hơn được nữa.
Là loài động vật có vú duy nhất có lớp vảy cứng như kim loại xếp lớp, tê tê trông giống như một con chồn hôi mặc áo giáp. Khi gặp hiểm nguy, nó chỉ cần cuộn tròn lại như một quả bóng, khiến cho kẻ săn mồi không thể tấn công được. Lớp ‘áo giáp’ cứng đến nỗi có thể đối phó được với cả hàm răng của sư tử, hổ, báo.
Không có mấy khoa học gia từng được tận mắt chứng kiến cách tự vệ này của tê tê. Có tám loại tê tê khác nhau sinh sống ở châu Á và châu Phi, đều là những loài sống về đêm, nổi tiếng là nhút nhát, hay trốn vào bụi rậm và các hốc cây vào ban ngày.
Ngay cả các nhà bảo tồn tự nhiên chuyên tâm theo dõi hoạt động ban đêm của tê tê cũng khó bắt gặp một con tê tê. “Tôi nghĩ là tôi chưa bao giờ gặp được ai đó từng nhìn thấy một con tê tê hoang dã,” Timothy Bonebrake, một nhà sinh vật học tại Đại học Hong Kong (HKU) nói.
Sự nhút nhát có lẽ đã khiến con tê tê tránh được chuyện phải đối diện với các nhà bảo tồn thiên nhiên, nhưng lại không ích gì trước những kẻ săn bắt trộm.
Bằng cách dựa vào các dấu vết đặc trưng mà tê tê để lại – móng trước cuộn vào phía trong khi bước đi – những tay thợ săn xác định được nơi cư trú của tê tê, và rồi họ dùng chó săn để đánh hơi, phát hiện ra con mồi trong các bụi rậm, hoặc đặt bẫy chờ khi ban đêm chúng ra ngoài tìm thức ăn.
Bonebrake nhớ là ông đã từng nhìn thấy những tay săn trộm bên lề đường ở Cameroon, tóm đuôi những con tê tê giơ ra rao bán.
Hàng thập niên trước, những con thú này có lẽ đã xong đời trong khu chợ địa phương. Ngày nay, đa số chúng được xuất đi xa tới hàng ngàn dặm. Hầu hết người tiêu thụ đến từ Trung Quốc đại lục và Việt Nam, nơi những vảy keratin của chúng được dùng làm một loại thuốc quý, còn thịt thì thường được chế biến phục vụ những bữa ăn đặc sản.
Quý nhất là khi con tê tê sống được đưa ra bàn ăn, rồi đầu bếp cắt tiết tại chỗ ngay trước mặt thực khách để chứng minh là thịt được đưa đi chế biến là hoàn toàn tươi sống.
Do lượng tê tê Á châu đang giảm sút mạnh, ngày càng có nhiều tê tê được bắt đem về từ châu Phi để đáp ứng nhu cầu.
Hội Bảo tồn Tự nhiên Quốc tế ước tính tổng số có khoảng một triệu con tê tê đã được buôn bán qua biên giới trong thập kỷ qua, khiến loài này trở thành loài động vật có vú bị buôn lâu nhiều nhất thế giới.
Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, tê tê sẽ tuyệt chủng. Số lượng tê tê trong đời sống tự nhiên đã giảm một nửa kể từ đầu thiên niên kỷ cho đến nay, và một loạt các vụ buôn lậu tê tê số lượng lớn bị bắt giữ trong năm ngoái cho thấy nhu cầu tiêu thụ đối với mặt hàng này chỉ tăng mà không giảm.
“Rất khó nói, nhưng có vẻ như hoạt động kinh doanh tê tê đã tăng mạnh,” Alexandra Andersson, nghiên cứu sinh tiến sỹ tại HKU chuyên ngành sinh thái, nói.
“Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm số lượng tê tê, nhưng điều này có tác động ra sao đối với hệ sinh thái? Chúng tôi không biết,” Bonebrake nói. “Nhưng có lẽ là tê tê có vai trò thực sự quan trọng.”
Một con tê tê được cho là ăn hết 70 triệu con kiến và mối mỗi năm. “Điều đó vô cùng quan trọng nếu tính tới sự cân bằng sinh thái.” Nếu không có sự kiểm soát tự nhiên này, thì những nơi không có tê tê sẽ sớm bị những con côn trùng kia thống trị.
Tuy nhiên, nếu đem so sánh với những mối đe dọa mà các loài khác như voi, tê giác hay hổ phải đối diện, thì nguy cơ của tê tê lại không được công chúng quan tâm mấy, nhất là ở phương Tây. “Chỉ mới tận năm ngoái hoặc một vài năm trước nữa người ta mới bắt đầu nhận ra rằng loài tê tê đang gặp rắc rối,” Bonebrake nói.
Và như Hoàng tử William của Anh nói, thì “tê tê đang đối diện với những nguy cơ tuyệt chủng trước khi hầu hết mọi người nghe nói về chúng.”
Thế nhưng tại sao loài động vật kín đáo này lại trở thành tâm điểm của ngành công nghiệp trị giá tỷ đô? Và những gì có thể làm để cứu được chúng?
Để tìm câu trả lời, tôi tới thăm Bonebrake và Andersson tại ‘phòng thí nghiệm ứng dụng bảo tồn’ thuộc HKU, là một nhóm những người có quan điểm độc đáo về toàn bộ các loại hoạt động buôn bán động vật bất hợp pháp.
Tôi nhanh chóng phát hiện ra là có vài nơi tốt hơn để nghiên cứu về nạn tội phạm đối với đời sống tự nhiên: vì những lý do khác nhau liên quan đến vị trí địa lý, văn hóa, chính trị và kinh tế mà Hong Kong là một cổng thương mại cho hoạt động buôn bán nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng khác nhau. Mối đe dọa ngày càng tăng đối với tê tê khiến nơi này càng trở nên địa chỉ đáng chú ý thêm.
Tôi gặp Andersson lần đầu tiên tại Quận Sheung Wan, cách trường đại học chừng 30 phút đi bộ. Trên đường đi, cô dẫn tôi đi ngang qua hết cửa hiệu này đến cửa hiệu khác, nơi bày bán vây cá mập và các loại hải sản khô khác.
Giống như tê tê, súp vây cá mập thường được coi là điểm nhấn của bữa tiệc sang trọng. Vị của nó có thể hấp dẫn thực khách, nhưng sự tốn kém, đắt đỏ của việc săn bắn, giết cá mập mới là điều khiến món này trở thành dấu hiệu chứng tỏ đẳng cấp và quyền lực của người ăn.
Tuy có một số vây cá mập tại Hong Kong là sản phẩm hợp pháp, nhưng vây lấy từ một số loại như cá mập đầu búa thì bị cấm. Đáng buồn là rất khó để xác định được vây được lấy từ cá mập nào.
Các mặt hàng khác thì đặc biệt được đánh giá cao về công dụng chữa bệnh. Bên cạnh vây cá mập, chúng tôi thấy có những bong bóng cá sấy khô treo trên trần các cửa tiệm. Thứ này được dùng để trị chứng đau đớn, làm giảm bớt sự khó chịu của phụ nữ mang thai, và thậm chí còn được cho là có khả năng kích dục.
Một lần nữa, có những loại bong bóng cá được xếp vào nhóm hợp pháp, và có những loại thuộc các loài cá đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng thì bị cấm. Thế nhưng mức giá hấp dẫn khiến nhiều nhà buôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Loại bong bóng cá được đặc biệt săn đón là bong bóng một loài cá Mexico, cá totoaba, mặt hàng béo bở ngang với cocaine.
Sự tuyệt chủng của tê tê có lẽ cũng phát sinh từ những niềm tin (không có cơ sở khoa học) tương tự.
Lớp vảy của nó đơn giản chỉ được cấu tạo từ chất keratin, tương tự như thành phần ở móng tay hay tóc của chúng ta, tức là không có mấy giá trị dinh dưỡng. Thế nhưng các thầy lang Trung Quốc thì tin rằng chúng có tác dụng chữa khỏi một số bệnh. Công dụng được cho là do cách hoạt động của chúng trong đời sống hoang dã.
“Công dụng đầu tiên mà vảy tê tê được dùng để chữa trị là chữa vết kiến đốt, bởi vì chúng là loài ăn kiến,” Cheng Wenda, một nghiên cứu sinh tiến sỹ ở phòng thí nghiệm của Bonebrake nói. “Và bởi tê tê đào hang nên người ta tin là chúng có thể giúp khai thông được một số bộ phận trong cơ thể bạn.”
Có lẽ cũng bởi vậy mà một số thầy lang nói rằng vảy tê tê có thể giúp tăng khả năng sinh con và thậm chí có thể chữa khỏi bệnh ung thư.
Những niềm tin này được ăn sâu vào trong nền văn hóa, và nhiều người Hong Kong tiếp tục tin theo những đơn thuốc cổ. “Chúng tôi thấy rằng 85% những người tham gia khảo sát tin rằng vảy tê tê có công dụng chữa bệnh, thậm chí không có cơ sở nào chứng minh điều đó,” Andersson nói về kết quả một cuộc khảo sát mới đây.
Cũng giống như vây cá mập, có một số nhầm lẫn giữa việc loại tê tê nào thì được nhập khẩu, loại nào không. Cho tới tận gần đây, việc buôn bán một số lượng nhất định tê tê châu Phi vẫn được coi là hợp pháp, nhưng lực lượng chấp pháp cũng như người tiêu dùng rất khó xác định xem con tê tê nào có nguồn gốc từ đâu.
Những thay đổi trong quy định của Công ước Cấm buôn bán Các loài bị đe dọa tuyệt chủng hồi cuối năm 2016 đã làm thay đổi điều này, với việc tất cả các loại tê tê nay đều được bảo vệ như nhau.
“Đó là một thắng lợi vô cùng to lớn – nay mọi thứ trắng đen rõ ràng,” Andersson nói.
Tuy vậy, cô tin là một số cửa tiệm mà chúng tôi đi qua vẫn bán vảy tê tê, nhưng chúng tôi phải rất khéo thì mới khiến họ tin mà cởi mở, công khai thừa nhận chuyện đó.
Trong mọi trường hợp, hầu hết các con vật bị buôn bán bất hợp pháp tới Hong Kong đều được đưa sang Trung Hoa lục địa. Là một “cảng tự do”, di sản từ thời là thuộc địa của Anh, nơi này có quy định về hải quan khá thoáng, và vị trí địa lý khiến việc trung chuyển hàng hóa từ đây sang Quảng Đông, nơi nhu cầu tiêu thụ đặc biệt cao, rất thuận tiện.
Vùng này là nơi nổi tiếng về các món đặc sản thú rừng hoang dã, tuy việc sử dụng nguyên liệu từ những loài động vật gây tranh cãi thường được giấu kín.
Andersson nhớ lại, có một lần cô khi vào tiệm ăn ở Quảng Châu đã hỏi có thể gọi món tê tê được không. “Nhân viên phục vụ lúc đầu nói là có, nhưng khi quay lại, họ coi như không hề nhớ gì tới yêu cầu đó.”
Sau khi chúng tôi đi qua những cửa tiệm bán vây cá mập, Andersson dẫn tôi vào khu vực khoa nơi cô đang theo đuổi việc nghiên cứu trong trường đại học.Tại đây, các đồng nghiệp của cô giải thích lý do vì sao việc buôn bán động vật bất hợp pháp, gồm cả tê tê, vẫn tiếp diễn.
Căn bản nhất có lẽ là do sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, dẫn tới sự phát triển của chủ nghĩa tiêu dùng, họ nói.
“Cho dù vì mục đích chữa bệnh hay để thể hiện đẳng cấp thì cũng có những lý do khác nhau, tuỳ thuộc vào việc đó là món hàng gì – ngày đang có nhiều người muốn mua, và họ ngày càng có nhiều tiền để có thể mua những thứ đó,” Yvonne Sardovy, người đang làm công tác bảo tồn đời sống sinh vật biển bị đe dọa, nói.
Sự bùng nổ kinh tế này cũng tạo ra xương sống cho một loạt những mối liên kết thương mại quốc tế thông qua các hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng tăng của Trung Quốc.
Bonebrake đã chứng kiến điều này khi ông làm việc tại Cameroon, nơi các nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ tiền vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, để đổi lấy việc được tiếp cận nhiều hơn tới các nguồn tài nguyên tự nhiên, như gỗ.
Những mối liên hệ văn hóa và kinh tế giữa hai quốc gia là điều không thể phớt lờ, ông nói. “Khi tôi ở tại Yaounde của Cameroon, tại một khu vực của thị trấn, có những khách sạn, nhà hàng Trung Quốc, toàn bộ viết bằng tiếng Trung,” ông nói. “Và mỗi khi ta thấy một con đường mới, ta hỏi,’nó từ đâu ra vậy?’ Và nó là do người Trung Quốc xây dựng nên.”
Những điều này khiến các nhà buôn có thể nhét hàng bất hợp vào lẫn trong những lô hàng nhập khẩu hợp pháp.
“Có quá nhiều thứ được di chuyển qua lại giữa những vùng này, cho nên thực ra không có gì là quá ghê gớm nếu quý vị có một ít vảy tê tê ở trong một trong các lô hàng container,” ông nói thêm. “Rất nhiều những vụ thu giữ tê tê bị buôn bán bất hợp pháp là hậu quả của việc các nguồn tài nguyên tự nhiên đang bị khai thác từ châu Phi đưa về Trung Quốc.”
Quy mô của các vụ bắt giữ mới nhất cho thấy những mạng lưới tội phạm có tổ chức to lớn đang đứng đằng sau hoạt động kinh doanh quốc tế này.
“Nếu quý vị vận chuyển 13.000kg vảy tê tê thì đó là lượng công việc đòi hỏi rất nhiều việc phối hợp thực hiện,” Andersson nói. “Tôi tin rằng hẳn phải có những tổ chức to lớn đứng đằng sau.”
Đáng nói là những kẻ tội phạm này lại không chuyên về tiêng loại thú nào. Trong nhiều trường hợp, cũng những tổ chức tội phạm đó tiến hành buôn bán nhiều loại động vật khác nhau.
Đáng buồn là nạn buôn bán động vật hoang dã tại Hong Kong lại không khiến người ta bận tâm nhiều như các loại tội phạm có tổ chức khác. “Có 89 vụ buôn lậu tê tê trong thời gian từ 2010 đến 2015,” Andersson nói, “và chỉ có chín vụ bị đưa ra truy tố. Thường thì hình phạt là vài tháng tù và phạt tiền vài ngàn đô la Hong Kong. Với trị giá của mặt hàng – tới hàng chục triệu đô la – thì mức phạt như thế không khiến tội phạm chùn bước.”
“Giống như là chi phí kinh doanh thôi,” Alex Hofford, một nhà vận động bảo vệ môi trường của quỹ thiện nguyện WildAid, người đã góp phần phanh phui hoạt động buôn bán ngà voi ở Hong Kong, đồng ý rằng mức phạt là “thấp đến mức gây sốc”. “Những kẻ buôn lậu biết rằng nếu có bị bắt thì hình phạt cũng chỉ ở mức vặt vãnh.”
Nhóm các nhà nghiên cứu tại HKU nói rằng chính quyền chưa làm đủ mức. Những cá nhân thì rất nhiệt huyết muốn cải thiện tình hình nhưng họ lại không có những công cụ pháp lý hay nguồn quỹ để có thể hành động hiệu quả, theo David Baker, người chuyên nghiên cứu về hệ sinh thái biển và theo dõi nạn buôn bán một số loài sinh vật biển. “Trong lúc số lượng người hoạt động bảo vệ những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng thì khá là ít.”
Họ hy vọng là với việc cung cấp thêm các công cụ khoa học cần thiết, họ sẽ giúp định hình được một hệ thống hiệu quả hơn. Một mục tiêu được hướng tới là việc chứng minh được rằng có sự tồn tại của những mạng lưới tội phạm quy mô đằng sau việc buôn bán bất hợp pháp.
Họ cũng muốn đưa ra áp dụng việc xét nghiệm gene để làm rõ gốc tích các con vật bị buôn bán bất hợp pháp.
Việc điện toán hóa cũng giúp phác thảo được bức tranh chi tiết hơn về hoạt động buôn bán này. Cheng và Bonebrake gần đây đã phân tích dữ liệu có được từ các vụ buôn lậu tê tê bị phát hiện và bắt giữ trong thời gian tám năm qua (với tổng số hơn 65 ngàn con tê tê) để hiểu rõ hơn những mạng lưới buôn bán trên toàn Trung Quốc.
Các phân tích ban đầu của họ, được công bố hồi đầu năm nay, cho thấy có ba cổng thương mại đặc biệt quan trọng đối với mặt hàng này: Quảng Châu, Phòng Thành Cảng (giáp biên với Việt Nam), và Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, ở xa hơn về phía bắc.
Toàn bộ các thành viên nhóm nghiên cứu đồng ý rằng việc nâng cao nhận thức của công chúng đối với những vấn đề này có vai trò vô cùng then chốt, tuy họ tránh chỉ trích mạnh mẽ những niềm tin có từ lâu đời về công dụng chữa bệnh của tê tê.
“Bạn biết đấy, tôi không nói rằng thuốc Bắc là sai, hay xấu, hay vô tác dụng,” Andersson nói. “Sách cổ đã có từ hàng ngàn năm nay và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong nền văn hóa Trung Quốc. Nhưng vảy tê tê đang được tiêu thụ ồ ạt với quy mô lớn như hiện nay đang khiến loài này rơi vào nguy cơ tuyệt chủng. Chúng ta cần có giải pháp thay thế, bởi chúng ta không muốn loài vật này bị xóa sổ.”
Những ý kiến như thế đang ít nhiều tác động tới một số sản phẩm bị buôn bán bất hợp pháp. Sardovy chỉ ra rằng có nhiều cặp đôi trẻ đã từ chối đưa món súp vây cá mập truyền thống vào thực đơn tiệc cưới của mình. “Để làm vậy, họ phải thực sự dám đứng lên phản đối cha mẹ và các thế hệ lớn tuổi hơn, và đó là điều khó làm,” cô nói. “Nay là thời điểm tốt để đưa ra những thông điệp đúng đắn, tôi nghĩ thế.”
Baker đồng ý. “Vào thời điểm này, chúng ta đang có một làn sóng to lớn chủ nghĩa bảo vệ môi trường, không chỉ ở Hong Kong mà còn cả ở Trung Hoa lục địa nữa. Người dân đang ngày càng được giáo dục tốt hơn và có nhận thức rõ ràng hơn về các vấn đề môi trường, về việc những quyết định của họ sẽ tác động tới môi trường đến mức nào.”
Nếu như thế hệ đó hành động nhanh chóng, thì con người vẫn còn kịp thời gian để cứu loài tê tê.
Theo BBC FUTURE
Tags: Vấn nạn xã hội, Bảo vệ động vật, Tê tê