⠀
Người Serbia đứng về phía Nga vì có chung sự thù hận lịch sử dành cho NATO
Trong khi phần lớn châu Âu đang ủng hộ Ukraina trong cuộc chiến hiện tại, Serbia đang có một quan điểm rất khác. Ở Serbia, chính phủ và công chúng đều thể hiện sự ủng hộ cao đối với Putin và Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo thế giới mà người Serbia ngưỡng mộ nhất. Theo một cuộc thăm dò gần đây, 95% người Serbia coi Nga như một đồng minh thực sự, so với chỉ 11% nhìn nhận EU theo cách đó, bất chấp EU là nhà hỗ trợ tài chính lớn của Serbia.
Và 68% người Serbia cho biết họ tin rằng NATO, chứ không phải ông Putin, đã khơi mào cuộc chiến ở Ukraina, với 82% phản đối các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.
Trong khi phần lớn châu Âu đang ủng hộ Ukraina trong cuộc chiến hiện tại, Serbia đang có một quan điểm rất khác. Ở Serbia, chính phủ và công chúng đều thể hiện sự ủng hộ cao đối với Putin và Nga.
Ví dụ, Serbia đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga hoặc giữ khoảng cách với ông Putin. Thay vào đó, Serbia đã ký một thỏa thuận với Nga để “tham khảo ý kiến” lẫn nhau về các vấn đề chính sách đối ngoại. Tổng thống Putin và tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cũng đã ký một thỏa thuận khí đốt mới và hãng hàng không quốc gia Air Serbia đã tăng gấp đôi các chuyến bay từ Belgrade đến Moscow.
Tất cả điều này đi ngược lại quyết định về chính sách đối ngoại của EU nhằm cắt đứt một số quan hệ với ông Putin do vấn đề Ukraina. Serbia, với tư cách là một quốc gia ứng cử viên của EU, cũng được trông chờ sẽ làm như vậy nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.
Sau khi Putin tấn công Ukraina, ông đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Serbia, nơi nhiều cuộc mít tinh đã được tổ chức để vinh danh ông. Graffiti trên các bức tường ở Belgrade, thủ đô của Serbia, tô rất nhiều chữ “Z”, biểu tượng này đại diện cho sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc tấn công Ukraina của Nga.
Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraina bắt đầu, một bức tranh tường mô tả Putin với cờ của Nga và Serbia và từ “anh em” đã được nhìn thấy ở Belgrade. Tấm biển in hình ông Putin và dòng chữ “chúc mừng sinh nhật Tổng thống Nga từ những người anh em Serb” với chữ Z được in lớn hơn nhiều so với những biển khác đã được dán lên để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ông Putin.
Serbia và Nga có lịch sử quan hệ chặt chẽ lâu dài do có chung di sản Slavic và Chính thống giáo của họ. Ngôn ngữ Serbia cũng được kết nối chặt chẽ với tiếng Nga.
Kể từ khi các lệnh trừng phạt đối với Nga được đưa ra sau cuộc tấn công của Putin vào Ukraina, Serbia đã nổi lên là địa điểm hàng đầu để các doanh nghiệp Nga và các cá nhân có trình độ cao, đặc biệt là trong ngành công nghệ, chuyển đến để né các lệnh trừng phạt.
Liên minh chính trị gần đây nhất giữa Serbia và Nga được thành lập dựa trên sự căm phẫn sâu sắc đối với NATO vì vai trò của họ trong việc thành lập các nước cộng hòa mới là một phần của Liên Xô và Nam Tư, cụ thể là Kosovo và Ukraina. Hai nhà lãnh đạo Putin và Vucic cho rằng Serbia và Nga đã bị xuyên tạc như những kẻ xâm lược trong khi họ chỉ cố gắng bảo vệ những người đồng bào của mình.
Động lực chính thúc đẩy sự gia tăng ủng hộ ông Putin gần đây là việc Serbia hy vọng rằng chiến thắng của Nga ở Ukraina sẽ giúp họ giành lại quyền kiểm soát các phần của Kosovo và các khu vực khác của Balkan. Gần đây, Tổng thống Vucic đã đi xa đến mức gợi ý rằng Serbia có thể can thiệp vào Kosovo để bảo vệ dân tộc thiểu số Serbia của mình.
Kể từ khi ông Vucic lên nắm quyền cách đây 10 năm, Serbia đã duy trì mặt trung lập giữa Nga và EU. Ông đã làm tốt vai trò cân bằng hai bên để duy trì lợi ích của Serbia về các vấn đề như năng lượng, an ninh, tư cách thành viên EU và kéo dài tình trạng không công nhận Kosovo bởi 5 quốc gia thành viên EU (Hy Lạp, Tây Ban Nha, Slovakia, Romania và Síp). Trong khi đó, việc Serbia tuân thủ chính sách đối ngoại của EU đã giảm đáng kể từ 64% vào năm 2020 xuống còn 45% vào năm 2022.
Chiến lược này đã thành công vì lợi ích của Serbia, nước nhận tài trợ chính của EU ở Balkan và được coi là tiền đề để gia nhập EU vào năm 2025.
Nguồn ảnh hưởng chính của ông Putin ở vùng Balkan là Serbia, và trong căng thẳng với NATO gần đây, Tổng thống Vucic đã hoan nghênh việc Nga bố trí quân đội vào Serbia. Theo NATO, cơ sở này hoạt động như một trung tâm hoạt động gián điệp của Nga.
Putin được phương Tây cho là sử dụng vùng Balkan, đặc biệt là Serbia và Bosnia & Herzegovina, như một con bài thương lượng trong các giao dịch của ông với NATO và EU. Ông cũng đã viện dẫn sự can thiệp của NATO vào Nam Tư cũ vào những năm 1990 để hỗ trợ cuộc tấn công của mình vào Ukraina.
Ông Putin cũng đã có hiệu quả trong việc tán thành hoặc ủng hộ các ứng cử viên và đảng phái chính trị có thể nâng cao danh tiếng và làm suy yếu ảnh hưởng của NATO và EU trên toàn vùng Balkan. Theo một báo cáo tình báo Mỹ được giải mật gần đây, đảng Dân chủ bảo thủ của Albania đã nhận được gần 0,5 triệu USD trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2017. Một số nhà lập pháp ở Montenegro, Bắc Macedonia, Bosnia & Herzegovina cũng bị cáo buộc nhận được tài trợ từ Nga.
Phần còn lại của châu Âu chưa hoàn toàn công nhận ảnh hưởng của Nga ở vùng Balkan và vai trò của Serbia trong việc thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị của Putin. Một số thành viên của Nghị viện châu Âu đã gợi ý rằng EU cần đánh giá lại tư cách thành viên của Serbia.
Các quốc gia EU, đặc biệt là Đức và Pháp, vẫn còn chia rẽ về ảnh hưởng đáng kể của ông Putin ở vùng Balkan và chỉ bày tỏ “sự thất vọng” với các quyết định của Vucic.
Không nên bỏ qua ảnh hưởng của ông Putin ở vùng Balkan. Do Serbia đã thể hiện rõ rằng họ muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Nga, nên EU có thể phải làm gì đó để ông Vucic phải chọn phe sau khi đã duy trì một cách khéo léo trong những năm qua.
Nếu EU cảnh báo Serbia rằng mối quan hệ của một quốc gia ứng cử viên EU với Nga không thể là “bình thường” thì Belgrade có thể phải suy nghĩ lại về chính sách hiện giờ của mình.
Theo MỘT THẾ GIỚI
Tags: Nga, Serbia, Kosovo, Xung đột Nga - Ukraina