Người Mỹ đã làm tuyệt chủng loài chim bồ câu viễn khách như thế nào?

Từ xa, tiếng cánh đập của chúng nghe rầm rập như cơn mưa dông đang kéo tới. Rồi nhìn lên, đã không thấy bầu trời đâu cả, mà chỉ có những cánh chim chập chờn, đen nghịt trước mắt…

Gần 100 năm rồi, trên nền trời nước Mỹ đã hoàn toàn vắng bóng một loài chim, nhưng qua những tài liệu để lại, khách yêu mến chim vẫn mường tượng ra được cảnh hợp đoàn vô cùng vĩ đại, với hàng hà sa số những cánh chim che kín cả bầu trời rộng lớn.

Vâng, đấy là loại chim “bồ câu viễn khách” (Passenger Pigeon), một loại bồ câu đặc biệt của riêng nước Mỹ, có tinh thần xã hội rất cao và tình đoàn kết keo sơn thật chặt chẽ. Không thế, mà người ta đã thấy một bầy chim này có khi tập hợp đến gần 2 tỷ con.

Ta thường nói “đông như kiến” và nếu động ổ, chúng sẽ ồ ạt kéo ra lăng xăng, chen chúc, đen nghịt cả một khoảng đất, trông phát rùng mình. Nhưng, nếu so sánh với số lượng một bầy bồ câu viễn khách thì số đông của kiến còn kém xa. Một ổ kiến có từ mấy trăm ngàn đến một triệu con, nhưng một bầy bồ câu có tới trên tỷ con, tức cả ngàn lần hơn. Các nhà bác học đã phải công nhận trong tất cả các loài động vật trên trái đất, bồ câu viễn khách có cuộc sống tập đoàn đông đảo nhất.

Một đàn chim đến 2 tỷ con

Quả vậy, tuy người ta không biết rõ loại bồ câu này có sự hiện diện trên đất Mỹ từ bao nhiêu ngàn năm về trước, nhưng từ khi người da trắng đặt chân lên miền đất mới này đã thấy chúng bay bạt ngàn từng bầy đông đặc tại miền rừng núi từ dãy núi Rockies cho suốt dọc miền duyên hải phía Đông Hoa kỳ. Trước thời nước Mỹ được thành lập, nhà vạn vật học Kalm đã ghi vào tập tài liệu của ộng vào ngày 1-3-1740 rằng, tại Pennsylvania ông đã thấy một bầy bồ câu bay qua vùng ông ở. Từ xa, tiếng cánh đập của chúng nghe rầm rập như cơn mưa dông đang kéo tới. Rồi nhìn lên, đã không thấy bầu trời đâu cả, mà chỉ có những cánh chim chập chờn, đen nghịt trước mắt. Chúng không bay theo hàng, thẳng lối như ngỗng trời, mà bay san sát bên nhau, cánh liền cánh, đến nổi ông ta có cảm tưởng như đang bị úp chụp trong một cái thúng, chung quanh toàn là chim. Lúc ấy, ông đang đứng tại một nơi khoáng rộng, nên thấy bầy chim không bay theo một dãi dài, mà tụ hợp lại thành một tấm chăn chữ nhật khổng lồ, bập bồng căng rộng, có chiều dài từ 3 đến 4 dậm và chiều ngang một dậm.

Vào năm 1808, một nhà điểu học khác nổi danh thời bấy giờ, là Alexander Wilson, đã được ngắm một bầy bồ câu bay qua miền Kentucky, nên có tả lại cảnh tượng đó. Ông cho hay, hôm đó chợt nghe có tiếng ầm ì vang vang, tưởng trời có sấm sắp mưa, nên ông vội chay ra sân, để ngó lên trời. Ông vô cùng ngạc nhiên vì thấy đó là một bầy bồ câu viễn khách đang bay qua. Cả bầu trời đông nghẹt chim là chim. Chúng bay sát bên nhau che kín cả mặt trời không cho ánh nắng lọt xuống mặt đất được nữa và cứ như vậy kéo dài cả nhiều tiếng đồng hồ. Ông đã tính số lượng chim bằng cách, dùng đồng hồ đo thời gian chim bay qua, nhân với chiều rộng của bầy chim, rồi nhân với số chim một dọc bay qua trong một phút. Do đó ông đã ước lượng có tới 2 tỷ con chim trong một bầy và nếu tính cho sát thì bầy chim có khoảng 2.230272.000 con. Thật là một con số khổng lồ. Như vậy mà đã hết đâu, trên bầu trời Hoa kỳ không biết còn bao nhiêu bầy như thế nữa.

Sở dĩ người ta đặt tên cho loại chim này là chim “bồ câu viễn khách” vì chúng từ những nơi phương xa bay qua vùng có dân cư trú ngụ mà thôi, không bao giờ đáp xuống. Chúng chỉ kiếm ăn ở những vùng rừng núi hoang vu, hay những bãi đồng hoang xa xôi, vắng bóng người. Chúng cũng là loài chim di cư trốn lạnh, nên cứ về mùa Đông chúng lại bay về miền Nam tìm nắng ấm. Xong tới mùa Xuân chúng lại quay trở về miền Bắc, nơi chúng coi là quê hương, để cùng chung vui ân ái, xây tổ ấm và nuôi con. Tuy trong năm chúng có thể rả bầy để đi kiếm ăn sinh sống, nhưng về mùa Xuân bao giờ chúng cũng tập trung tại một vùng để xây tổ sát bên nhau, họp thành làng, thành nước, một xã hội chim rộng lớn. Theo những tài liệu ghi lại, thì vào năm 1871, một bầy chim đã kéo về vùng rừng cây thuộc miền Trung tiểu bang Wisconsin để xây tổ. Cả một vùng rừng rậm, chiều dài 75 dậm, chiều rộng 15 dậm, mà chim đã làm tổ cùng khắp. Người ta đã thấy, trên một cây lớn có đến cả trăm tổ chim được xây cất. Có nhiều cành, chim tập trung làm tổ nhiều quá, đến nổi cành cây không chịu nổi sức nặng của chim, đã bị gẫy làm rớt tung tóe cả chim non và trứng. Cũng thời gian đó nhà điểu học Alexander Wilson cũng ghi nhận, tại miền rừng gần Shelbyville thuộc Kentucky, một bầy bồ câu cũng kéo tới làm tổ khắp cả một diện tích chiều dài trên 30 dậm và chiều rộng một dậm. Cũng trong năm này, một bầy bồ câu thứ ba, do một chuyên viên tên là Stevens báo cáo, đã kéo về làm tổ tại khu rừng gần tỉnh Petoskey, tiểu bang Michigan. Chúng đã chiếm một diện tích rừng, bề ngang khoảng từ 3 đến 4 dậm và chiều dài 28 dậm.

Số phận hẩm hiu của loài bồ câu viễn khách

Theo tài liệu ghi trên, số bồ câu viễn khách trên toàn nước Mỹ thời ấy thật lớn lao quá sức, nhiều không biết cơ man nào kể xiết. Ấy vậy, nhưng… ngày nay dù hàng ngày bạn có vọng nhìn lên bầu trời, hoặc tìm kiếm khắp nước Mỹ, cũng không bao giờ có thể thấy lại được một con bồ câu viễn khách, dù là một cánh chim đơn lẻ. Điều giản dị, chúng đã bị diệt chủng, bị loài người tàn sát quá tay, phung phí quá sức, nên đã chết hết, một con cũng không còn. Có chăng, chỉ còn một con cứng đơ, vô hồn đứng lặng yên ở Bảo Tàng Viện Cincinnati, thuộc tiểu bang Ohio. Đó là con bồ câu viễn khách cuối cùng, người ta đã nuôi tại sở thú địa phương và sau khi nó chết vào 1-9-1914, đã được ướp xác, nhồi bông và tặng cho Bảo tàng viện. Do đó, mà ngay nay ta còn nhìn thấy hình dáng của loại bồ câu này, từng một thời có số lượng còn đông đảo hơn cả ngàn lần tổ kiến.

Nguyên nhân dẫn đến sự tàn sát

Bồ câu viễn khách trông na ná giống loại cu gáy (Mourning Dove), nhưng lớn con, to đẹp và thân mình thon hơn. Giống này đuôi nhọn, từ đầu tới chót đuôi đo được từ 15 đến 18 inches. Cánh xòe rộng, đo từ hai đầu mút được 25 inches. Lông trên lưng mầu nâu, nhưng lông tơ trước ngực lại hung hung đỏ. Chúng bay khá nhanh, tới 60 dậm một giờ, nhưng vì thích bay tập đoàn, san sát nhau, nên rất dễ bị loài người dùng súng đạn ria bắn hạ. Thịt chúng lại thơm, ngon, nên rất được ưa chuộng. Thời ấy nước Mỹ đang phát triển, người da trắng từ Âu Châu đang kéo sang ồ ạt, nên thịt bồ câu là một thức ăn rẻ tiền và ngon bổ. Rồi nữa, cuộc nội chiến 4 năm bùng ra trong thời gian này, thịt chim đã trở thành thứ lương thực quan trọng. Tiếp đó, ngành hỏa xa, ngành bưu điện giao thông được mở mang cùng khắp, thịt chim đã giúp các công nhân bồi bổ qua thời gian lao động khó nhọc. Do vậy, theo nhu cầu cần thiết nhiều hãng lương thực mọc ra như nấm ở New York. Người ta đã mua vào trong nhiều năm liền, mỗi ngày tới 18.000 con chim. Tuy số tiêu thụ nhiều, nhưng vì chim quá dễ bắt, nên lực lượng người săn chim trở thành đông đảo. Đã có tới 5.000 người sinh sống thực thụ về nghề này, không kể người địa phương cũng tham dự, để hàng ngày cung cấp thịt chim cho bữa ăn gia đình. Vì số cung cầu chênh lệch, nên giá trị thịt chim thành rẻ mạt, chỉ một cent một con chim, hoặc giá hời hơn là 20 cents cho một tá, 12 con.

Người ta lùng bắt chim, cứ mỗi mẻ lưới chăng lên là có thể bắt được cả 100 con. Nhất là đến mùa chúng làm tổ, sinh con, chỉ tìm được đến khu rừng bầy chim tụ tập là tha hồ bắt, bắt mệt nghỉ cũng không hết chim. Trong khu rừng đó, cây nào cũng có tổ chim, có cây chi chít cả 100 tổ. Thế là người ta hoặc leo trèo lên, hoặc lấy xào dài chọc cho tổ rớt xuống để bắt chim non, hoặc có khi họ đốn luôn cả cây, để bắt tất cả một lần cho tiện. Của trời vô tội vạ, nên những người săn chim tha hồ đập phá, bắt chim còn quá non, đập vỡ trứng, không một hành động tàn nhẫn nào họ bỏ qua, miễn là thu bắt được thật nhiều để kiếm lợi. Những người bắt chim đã xếp từng thùng, từng thùng một, cứ 24 tá chim cho vào một thùng và chở đi bắn cùng khắp. Theo một tài liệu, thì trong năm 1879, riêng tiểu bang Michigan không thôi, đã tiêu thụ tới 3 triệu con chim bồ câu . Ngoài ra, một tài liệu khác còn ghi nhận, trong 3 năm liên tiếp sau đó, từ miền Tây Michigan còn chở tới thành phố New York 990.000 tá chim, tức trên một triệu con. Thêm vào đó, người ta còn chở đi nhiều nơi bán cả thẩy 80.000 bồ câu còn sống để chơi thể thao, tung chim lên, hầu giơ súng bắn hạ chúng.

Bóng dáng bồ câu biến mất trên bầu trời nước Mỹ

Vì sự quá tàn nhẫn của loài người, số lượng bồ câu đông đến thế mà cũng bị giảm đi một cách nhanh chóng. Cho đến năm 1900, bóng dáng loài chim thân thuộc đó đã biến mất hẵn trên bầu trời Mỹ quốc. Chỉ còn đúng một con, mà người ta nuôi đã lâu tại sở thú Cincinnati là còn sống sót. Con chim này là một con chim trống, được đặt tên là “Martha”. Thấy nó đơn côi lẻ bóng, người ta muốn tìm cho nó một con chim mái cho có bạn và mong chúng sẽ đẻ trứng ấp con, để có giòng giống tiếp nối. Nhưng đã quá muộn, không sao tìm đâu ra được một con bồ câu nữa. Hối hận và tiếc nuối, Sở thú Cincinnati phải đặt ra một phần thưởng thật lớn, cho ai tìm kiếm được một con bồ câu còn sống. Nhưng tất cả sự cố gắng đó đều vô ích, vì không một ai kiếm ra được. Cho đến nửa đêm ngày Mùng 1 Tháng 9 năm 1914, Martha – con chim cuối cùng của giống bồ câu Viễn Khách lăn ra chết. Thế là hết, vĩnh viễn giống chim rừng đó đã bị diệt chủng, để lại bao nhớ thương nuối tiếc cho loài người, nhất là những nhà điểu học và những người thương yêu chim.

Để bảo vệ những thú vật bị đe dọa tuyệt chủng

Rút kinh nghiệm quá đau buồn về những thú vật từng nhởn nhơ vui đùa, bay, nhẩy, làm Quả đất thêm sinh động vui tươi và nhất là trợ giúp rất nhiều cho nguồn thực phẩm của loài người, hiện nay, cả Liên Hiệp Quốc, lẫn nhiều Quốc gia trên Thế giới, đã đưa ra nhiều đạo luật hầu hạn chế sự săn bắn, giết hại các động vật đang có cơ nguy bị diệt chủng. Sở dĩ người ta phải đặt nặng vấn đề này, vì hiện tại với súng ống tối tân, nhanh, mạnh và chính xác, con người có thể giết hết các loại thú một cách dễ dàng, dù chúng có mạnh mẽ, hung dữ ra sao. Do đó, biện pháp ngăn cấm là một đều cần thiết, nếu không, chỉ một thời gian ngắn thôi, trên trái đất này hoàn toàn trơ trụi, chỉ còn có mỗi loài người lui cui sinh sống, thì buồn biết là bao nhiêu.

S.T

Tags: , , ,