Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên – bức tranh lịch sử lớn của nước Mỹ

Nhiều người nhớ đến Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên như một truyện thiếu nhi hoặc một loạt phim truyền hình gia đình ngọt ngào, đáng yêu và nhân văn. Nhưng sẽ thiếu sót nếu không hiểu được “phông nền” lịch sử đằng sau câu chuyện.

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (Little House on the Prairie) là một bộ tiểu thuyết bán tự truyện, thuộc dạng sách dành cho thiếu nhi, nhưng là tác phẩm văn học có giá trị lịch sử lớn của nước Mỹ.

Tác giả của nó, Laura Ingalls Wilder (Wilder là họ chồng) đã viết bộ sách dựa trên thời thơ ấu của chính mình. Bà lớn lên trong một gia đình đi khai hoang ở nước Mỹ cuối thế kỷ 19, gồm người cha Charles (gọi là “Pa”), người mẹ Caroline (“Ma”), ba cô con gái Mary, Laura và Carrie.

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên do Laura Ingalls Wilder, người Mỹ, (1867-1957) viết khi về già, 65 tuổi. Bộ sách gồm 9 tập (tính cả một tập về người chồng của Laura) xuất bản từ 1932 đến 1943. Loạt phim cùng tên do Mỹ sản xuất lên sóng từ năm 1974 đến 1983.

Bản dịch tiếng Việt của bộ sách vừa được giới thiệu ở Việt Nam, với 3 tập đầu: Giữa đại ngàn, Trên thảo nguyên và Cậu bé nhà nông.

.

“Hoang dã và mộng mơ” trước xã hội tư bản

Bộ sách lấy bối cảnh thế kỷ 19. Nhà Ingalls sống lang thang trên các vùng đồng bằng miền Trung – Tây của nước Mỹ, với suy nghĩ càng đi về phía Tây thì họ càng tự do. Bộ sách mở đầu với cảnh sống đơn độc giữa thiên nhiên hoang dã của gia đình này: tự săn bắn, chế biến và dự trữ đồ ăn, sống tằn tiện đến mức tối đa.

Lúc đó, xã hội tư bản Mỹ bên ngoài đã bắt đầu phân hóa và trở nên phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng của họ. Trong loạt phim truyền hình rất nổi tiếng cùng tên (cũng rất được yêu thích ở Việt Nam), có cảnh Laura và Mary rất háo hức khi lần đầu đến một tiệm tạp hóa ở thị trấn gần đó. Đó là cách mô tả chính xác, bởi gia đình Ingalls gần như bị cô lập giữa thiên nhiên và rất ít khi mua sắm đồ từ bên ngoài.

Nhưng chính sự mơ mộng về cuộc sống bên ngoài của gia đình Ingalls đã dẫn đến nhiều chuyện buồn sau này, những chuyện buồn không thể né tránh một khi tác giả đã muốn tái hiện chân thực lịch sử.

Xung đột sắc tộc trên thảo nguyên

Nhiều người nhớ đến Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên như một truyện thiếu nhi hoặc một loạt phim truyền hình gia đình ngọt ngào, đáng yêu và nhân văn, nhưng sẽ thiếu sót nếu không hiểu được “phông nền” lịch sử đằng sau câu chuyện. Khi kể, Laura Ingalls đã không né tránh chuyện đất đai, mà chuyện đất đai trong lịch sử loài người thì chưa bao giờ hết phức tạp và bi kịch.

Bối cảnh không gian của tập truyện thứ hai Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (sau tập đầu Giữa đại ngàn) chính là bang Kansas, miền đất của người Anh-điêng – thổ dân châu Mỹ. Cha mẹ của Laura quyết định đi về miền Tây, đến Kansas, nơi họ hy vọng sẽ có chính sách cởi mở hơn với người nhập cư (nhà Ingalls là người da trắng). Nhưng điều đó không xảy ra. Cuối cuốn sách, nhà Ingalls bị kết tội nhập cư trái phép và phải đau đớn rời khỏi Kansas, trước khi bị quân đội của chính quyền cưỡng chế.

Trong thời gian gia đình Ingalls sống ở Kansas, tác giả đã mô tả rõ nỗi sợ hãi của người mẹ và chị em Laura mỗi khi gặp gỡ người da đỏ xa lạ, thiếu thân thiện. Thái độ của các nhân vật trong sách đối với thổ dân châu Mỹ vẫn là đề tài gây tranh cãi và chia rẽ độc giả Mỹ, vốn thuộc nhiều chủng tộc khác nhau: thổ dân, người da trắng, người Mỹ gốc Phi…

Bài ca nữ quyền bất hủ

Đây không chỉ là một câu chuyện về thảo nguyên và rừng núi, đây là một câu chuyện về con người giữa thiên nhiên hoang dã. Quá trình con người thuần hóa và thu phục thiên nhiên là điều tất yếu. Và trong gia đình Mỹ tiên phong này chỉ có duy nhất một người đàn ông.

Dấu ấn của những nhân vật nữ in đậm trong bộ sách: nấu ăn, may vá, nuôi dạy con cái, luôn chân luôn tay. Laura, mẹ cô, chị gái cô. Nhất là người mẹ, một người trầm lặng, nhút nhát, luôn lặng lẽ ở phía sau. Người cha mạnh mẽ, dũng cảm và lôi cuốn, một chân dung đàn ông tuyệt vời, nhưng tiên phong không phải là nhiệm vụ của riêng đàn ông.

Sự trân trọng của người cha, Charles, đối với vợ ông và những người nữ khác là một chi tiết quan trọng trong bộ sách. “Nữ quyền” ở đây không cực đoan kiểu như phụ nữ buộc phải làm những công việc tiên phong, trở nên có vai vế trong xã hội, trấn áp đàn ông… Laura Ingalls Wilder đã viết nên một tác phẩm nữ quyền kinh điển, dù tư tưởng đến nay không còn mới nữa, trong đó phụ nữ được trân trọng hết mực vì những gì họ làm, dù thầm lặng.

Riêng về nhân vật chính, cũng là tác giả, Laura, là một biểu tượng khác với người mẹ của cô. Một phụ nữ mạnh mẽ. Khi còn nhỏ, Laura giúp bố công việc đồng áng vì gia đình không có con trai. Ở tuổi 14, cô bắt đầu làm việc kiếm tiền với mục đích đưa chị gái Mary đến trường học dành cho người mù. Công việc đầu tiên của cô là may vá, sau đó Laura học để làm giáo viên từ tuổi 16.

Trong phim, nhân vật Laura do diễn viên Melissa Gilbert đóng trong suốt 10 năm cũng gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Hành trình của gia đình Ingalls với nhiều thăng trầm, hạnh phúc và bi kịch đã được kể lại đẹp đẽ qua cả sách và phim, không chỉ mang đến cho công chúng một câu chuyện hay, mà còn là một cái nhìn sâu sắc về lịch sử.

Theo MI LY / THỂ THAO & VĂN HÓA

Tags: , , , ,