Nghịch lý của thế hệ 35 tuổi đã bị coi là già ở Trung Quốc

Ở ngưỡng tuổi 30, hàng triệu nhân viên công nghệ thông tin ở Trung Quốc đối mặt làn sóng đào thải. Họ buộc chấp nhận chế độ làm việc áp lực với ít phúc lợi hơn.

Nghịch lý của thế hệ 35 tuổi đã bị coi là già ở Trung Quốc

Sau 41 giờ được cấp cứu tích cực, Wu Mou, kỹ sư công nghệ 28 tuổi của tập đoàn ByteDance, đã không thể qua khỏi. Anh qua đời, để lại người vợ đang mang thai 2 tháng cùng khoản nợ thế chấp còn phải trả trong 30 năm tiếp theo.

The Paper đưa tin Wu Mou ra đi vì làm việc quá sức. Câu chuyện đau lòng của Wu không phải trường hợp đầu tiên xảy ra khiến dư luận tại đất nước tỷ dân xôn xao về chế độ làm việc quá khắc nghiệt trong các tập đoàn công nghệ lớn.

Trước đó một tháng, nhân viên 25 tuổi của nền tảng video Bilibili cũng đột tử do làm việc quá sức trong thời gian dài. Ngày 8/2, công ty này cho biết có kế hoạch thuê thêm 1.000 người trong năm nay, mở rộng nhóm kiểm duyệt nội dung nhằm “giảm áp lực công việc”.

Dù vậy, đây là ngành công nghiệp đòi hỏi cạnh tranh cao, không ai muốn bấm nút “tạm dừng để nhìn lại”. Văn hóa làm việc 996 (làm việc từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày/tuần) đã trở thành nếp sống bình thường trong ngành công nghệ.

Trước làn sóng cạnh tranh khắc nghiệt, nhiều nhân viên phải nỗ lực để không bị đào thải khỏi cuộc đua. Những nhân sự bước vào ngưỡng tuổi 30 không tránh khỏi lo lắng vì nếu bị sa thải, họ rất khó tìm được vị trí mới do trong ngành này, nhân sự tuổi 35 đã bị coi là quá già.

Thời kỳ đen tối

Wu Hao vừa bước sang tuổi 30 và phải đi tìm việc trở lại sau nửa năm khởi nghiệp thất bại. Giữa cái rét đầu xuân, anh cố vươn tay ra khỏi chăn, cầm lấy điện thoại để check thông tin từ một nền tảng tuyển dụng việc làm.

“Vẫn không có tin tức gì”, anh thất vọng nói. Ở tuổi 30, anh đã cạn tiền tiết kiệm sau lần khởi nghiệp không thành. Cuộc sống không cho anh tiếp tục đánh cược với tương lai của mình.

“Trước tiên, tôi cần cúi xuống để nhìn nhận và giải quyết các vấn đề trước mắt, ví dụ như khoản nợ thế chấp 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Tôi một lần nữa gia nhập lực lượng nhân viên làm thuê như trước đây mình đã từng”.

Wu Hao từng là giám đốc kinh doanh của một công ty thương mại điện tử hàng đầu. Trong tình thế bình thường, anh sẽ không thiếu việc để làm. Tuy nhiên, ở thời điểm tốc độ tăng trưởng của các công ty đang chững lại và nhu cầu tuyển dụng giảm xuống, anh gặp nhiều khó khăn khi tìm việc.

Trước và sau Tết Nguyên đán, Wu Hao đã gửi đi 100 đơn xin việc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Trước đây, anh thường yêu cầu công việc phải gần nhà, nhưng bây giờ anh “chỉ cần có việc là tốt”.

Những gã khổng lồ công nghệ ở Trung Quốc đã có bước tiến vượt bậc trong thời gian ngắn, nhưng đang bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Từ năm 2021 tới nay, giá trị thị trường của 10 công ty công nghệ hàng đầu đã giảm gần 900 tỷ USD và xu hướng giảm không có xu hướng dừng lại.

Đã 3 năm trôi qua kể từ khi có siêu ứng dụng với hơn 100 triệu người dùng và tiền của các quỹ đầu tư mạo hiểm đang bắt đầu đổ vào dòng chảy của các lĩnh vực tiêu dùng mới. Giới trẻ Trung Quốc giờ đây có xu hướng tìm việc trong các công ty khu vực nhà nước để có sự ổn định lâu dài.

Đầu năm 2020, khi người dân buộc phải ở nhà vì dịch bệnh cũng là những tháng “vinh quang” cuối cùng của ngành công nghiệp Internet. Sau đó, lớp vỏ bọc hào quang giả tạo rơi xuống, cảm xúc tiêu cực bắt đầu bao trùm khắp các công ty công nghệ hàng đầu.

Nỗi sợ bị đào thải

Tâm lý lo sợ của nhân viên bắt đầu bùng nổ vào cuối năm 2021, khi hàng loạt ông lớn công nghệ như ByteDance, Kuaishou, Xiaomi, Didi, Meituan… đều thu hẹp quy mô và sa thải nhân sự hàng loạt.

Cuộc sống của nhiều nhân viên tại các công ty công nghệ hàng đầu bắt đầu bị đảo lộn sau quá trình thanh lọc bộ máy. Ở thời kỳ suy tàn, không ai dám chắc mình sẽ là “kẻ sống sót” và nhất định được giữ lại. Nhiều nhân viên ngơ ngác và hoang mang khi bất ngờ bị sa thải.

Sau khi ByteDance hủy bỏ nhiều khoản phúc lợi, một nhân viên của công ty này cho biết anh phải hủy kế hoạch chuyển sang căn hộ lớn hơn, tiếp tục sống trong phòng trọ chưa đến 10 m2 với giá 1.900 tệ/tháng.

“Để tiết kiệm phí đi lại hàng ngày, tôi chuyển từ xe buýt sang đi xe đạp thuê chung. Tôi sẽ đăng ký tăng ca đến 22h rồi bắt taxi về nhà, công ty sẽ hoàn lại số tiền này cho tôi”, người này nói.

Một nhân viên công nghệ khác của Orange Heart Preferred cũng đã nghỉ việc được 4 tháng và đang tính đến chuyện đổi ngành nghề. Dù chỉ mới ngoài 30 tuổi, anh không đủ tự tin khi tiếp tục trong lĩnh vực này vì với ngành Internet, nhân sự 35 tuổi đã bị coi là già.

Cuối năm ngoái, lần đầu tiên Kuaishou sa thải nhân viên nhiều nhất trong lịch sử 10 năm, tới 30% nhân sự.

Doanh nghiệp này cũng đồng loạt cắt bỏ nhiều khoản phúc lợi như 3 bữa ăn miễn phí mỗi ngày, trợ cấp nhà ở. Thay đổi lớn này đã trực tiếp làm chi phí hàng tháng của nhân viên tăng lên ít nhất 3.000 tệ, phí sinh hoạt hàng năm tăng 40.000 tệ.

Một nhân viên của Kuaishou từng dự định đổi công việc vào cuối năm 2021, thậm chí chuẩn bị cả sơ yếu lý lịch để xin sang làm việc ở nước ngoài. Anh nói rằng quá trình phỏng vấn tuyển dụng đang ngày càng kéo dài.

Sau khi ByteDance hủy bỏ nhiều khoản phúc lợi, một nhân viên của công ty này cho biết anh phải hủy kế hoạch chuyển sang căn hộ lớn hơn, tiếp tục sống trong phòng trọ chưa đến 10 m2 với giá 1.900 tệ/tháng.

“Để tiết kiệm phí đi lại hàng ngày, tôi chuyển từ xe buýt sang đi xe đạp thuê chung. Tôi sẽ đăng ký tăng ca đến 22h rồi bắt taxi về nhà, công ty sẽ hoàn lại số tiền này cho tôi”, người này nói.

Một nhân viên của công ty Didi (có trụ sở tại Bắc Kinh) nói rằng từ cuối năm ngoái đến nay, mối lo lớn nhất của đa số mọi người là “Có nên nhảy việc không?”, “Nếu nghỉ rồi không tìm việc mới thì phải làm sao?”.

Đa số nhân viên của các công ty công nghệ hàng đầu đang đứng trước nỗi lo sẽ bị sa thải bất cứ lúc nào. Thế hệ nhân sự bước vào ngưỡng 30 là những người lo lắng hơn cả, bởi họ có khả năng trở thành nhóm bị đào thải khi không còn đủ sức cạnh tranh trong thị trường này.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,