Nghệ thuật chèo trước thách thức ‘đổi mới để tồn tại’

Trong thời đại bùng nổ của Công nghệ thông tin, các chương trình văn hóa, giải trí đang ngập tràn trên Internet, trên sóng phát thanh truyền hình khiến cho nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng đang bị lấn át và có nguy cơ mai một nếu không có định hướng phát triển phù hợp. Tuy vậy, để chèo đến với công chúng, được khán thính giả yêu thích, việc giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo là cả một vấn đề nan giải.

Nghệ thuật chèo trước thách thức ‘đổi mới để tồn tại’

Chèo xuất hiện từ đời nhà Lý (khoảng thế kỷ 11), phát triển rực rỡ ở đời nhà Trần (thế kỷ 13), nghệ thuật sân khấu chèo là một trong những di sản văn hóa lớn trong kho tàng văn hóa truyền thống Việt Nam. Là loại hình nghệ thuật thuần Việt, nghệ thuật hát chèo ra đời từ cuộc sống của những người dân lao động và quay lại phục vụ chính họ, gắn bó với người dân nông thôn ở đồng bằng Bắc bộ. Với hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều yếu tố như: hát, múa, nhạc, kịch… chèo không chỉ xuất hiện trong những dịp lễ, tết hay hội hè, đình đám mà trong cả những sinh hoạt dân dã của nhân dân, vì nó nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc, bởi cái chất trữ tình đằm thắm sâu sắc.

Nghệ thuật chèo được coi là phát triển rực vào rỡ những năm 60, 70 của thế kỷ 20 nhằm phục vụ cách mạng. Đặc biệt là khi Trường Sân khấu dân tộc (nay là trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh) ra đời năm 1959. Không chỉ ở các sân khấu dân gian, sân đình, sân chùa mà ngay ở các sân khấu lớn lúc nào cũng chật kín chỗ ngồi mỗi khi có diễn chèo. Đến những năm cuối của thế kỷ 20 nghệ thuật này lắng dần đi do sự phát triển chung của xã hội với sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại.

Thời nay, các ngành chức năng, các nhà quản lý cùng các văn nghệ sĩ đang tìm cách để nghệ thuật chèo đến gần với công chúng hơn, chẳng hạn như đưa đề tài đương đại vào chèo. Nhưng làm sao để đưa đề tài hiện đại gần gũi hơn với cuộc sống hiện tại mà vẫn giữ được cái cốt cách và những nét đẹp truyền thống độc đáo của chèo là cả vấn đề không hề dễ dàng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã có những vở chèo phản ánh hiện thực cuộc sống mới, con người mới như “Chị Trầm” (1953), “Con trâu hai nhà” (1956), “Đường đi đôi ngã” (1959) của Tác giả, Đạo diển Trần Bảng; “Mối tình Điện Biên” (1959) của Lưu Quang Thuận; “Đường về trận địa” của Tào Mạt, “Sợi tơ vàng” của Việt Dung, “Những cô thợ dệt” của Trần Huyền Trân…. Đến năm 1975, xuất hiện trên sân khấu chèo hàng loạt vở có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao như “Chị Tâm làng cốc” của Tào Mạt, “Trần Quốc Toản ra quân” của Hoài Giao… Những vở chèo về đề tài này đã góp phần làm cho nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và chèo nói riêng phát triển mạnh mẽ thời kỳ này.

Những năm gần đây, nhờ sự tìm tòi sáng tạo của các tác giả, đạo diễn, văn nghệ sĩ đã phản ánh được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, khiến công chúng phải có những suy nghĩ băn khoăn. Như nỗi lo “Chẳng còn đất mà chôn” của bà mẹ nông dân trước hiện thực đất làng bị chiếm dụng trong “Đất làng” (Nhà hát chèo Thái Bình), đến câu chuyện trái ngang dang dỡ của mối tình “tay tư” trong “Thương nhớ trầu cau” (Nhà hát chèo Quân đội), hay nghị lực phi thường của người phụ nữ thời kỳ đổi mới ở “Trăng khuyết” (Nhà hát chèo Nam Định). Một số vở chèo mới, hiện đại như “Mối tình Điện Biên,” “Ánh sao đầu núi,” Đường về trận địa,” “Đường đi đôi ngả,” “Con trâu hai nhà,” “Sợi tơ vàng,” “Người con gái sông Cấm,” “Cô gái làng chèo,” vẫn luôn tỏa sáng trên sàn diễn.

Trước xu thế khán giả quay lưng lại với sân khấu truyền thống, việc hướng chèo khai thác những đề tài hiện đại là bước đi đúng đắn của những người hoạt động trong lĩnh vực chèo. Thế nhưng đề tài này có lấy được lòng công chúng không, và đề tài này đi đến đâu, mặt được và hạn chế gì trong cuộc sống đương đại thì cả vấn đề lớn chưa thể giải quyết. Giống như Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành cho rằng: “Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhu cầu thẩm mỹ của công chúng khác xa trước đây, và công chúng khó tính khi lựa chọn tác phẩm để tiếp nhận…” . Chính vì vậy, để chèo “hiện đại” hấp dẫn công chúng là một việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi người nghệ sỹ phải tìm tòi, sáng tạo để tìm ra sự phá cách mang tính đột phá trong nghệ thuật, qua đó tạo dựng những tác phẩm chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công chúng. NSƯT Quốc Trượng (Phó giám đốc nhà hát chèo Quân đội) chia sẻ: “Để hấp dẫn khán giả, không những cần đề tài mới, mà người nghệ sĩ phải “phả” hơi thở cuộc sống vào hát chèo. Tuy nhiên chỉ nên đặt lời mới, phát triển lời mới trên lòng bản cổ như “Luyện năm cung”, “Hệ thống đường trường”, “Thức cẩm hồi vân”, “Con nhện giăng mùng”… chứ không nên sáng tác làn điệu mới vì như vậy sẽ mất chất dân tộc, không còn là hát chèo truyền thống mà thành kịch nói…”.

Đề tài hiện đại trong chèo không chỉ là quan tâm của những người làm chèo và yêu thích chèo mà là của cả giới sân khấu và cơ quan quản lý Nhà nước. Để đưa chèo thực sự gần gũi và được công chúng yêu thích phải có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội, từ sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước, đến sự nỗ lực của người quản lý, của mỗi nghệ sĩ. Thế nhưng khi cải biên, cải tiến như thế nào khi đưa đề tài hiện đại vào chèo nhưng vẫn giữ được cốt cách và nét đẹp truyền thống độc đáo của nghệ thuật chèo là cả vấn đề không hề đơn giản, đòi hỏi sự cố gắng của các nghệ sĩ sân khấu trong việc tìm tòi khám phá và sáng tạo nhiều mặt.

Một việc làm hết sức quan trọng ý nghĩa là đưa nghệ thuật chèo vào trường học. Chủ trương này thủ đô Hà Nội là đơn vị làm rất tốt và có được những thành công nhất định. Như NSUT Thúy Mùi, giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội cho biết được sự đồng ý của sở GDĐT và các phòng GDĐT các quận, huyện của thành phố, nhà hát đã cử 3 đoàn với hàng trăm văn nghệ sĩ, nhạc công đến với các em học sinh cả tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Ở bậc tiểu học các em được thưởng thức những vở mang tính vui nhộn ý nghĩa và đặc biệt có sự tham gia của NSƯT Minh Vượng như: “Cây tre trăm đốt hay Cây khế”. Còn ở bậc trung học cơ sở các em được xem các trích đoạn hài trong các vở chèo truyền thống, đặc biệt là trích đoạn chèo được đưa vào chương trình ngữ văn lớp 7 như vở: “Xã trưởng mẹ đốp” (Quan Âm Thị Kính) được các em rất hào hứng. Với đối tượng học sinh trung học phổ thông diễn các trích đoạn chèo như: “Thúy Vân giả dại”, “Thị Mầu lên chùa”… Những trích đoạn này mang nhiều thông điệp về các mối quan hệ, đặc biệt là vấn đề tình yêu nam nữ trong chèo ngày xưa để gần với tâm tư suy nghĩ của các em học sinh ở lứa tuổi mới lớn. Ngoài việc được thưởng thức các trích đoạn chèo cổ, các em học sinh trung học phổ thông còn được nghe những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nói chuyện về nghệ thuật chèo, các em được giao lưu và tham gia trò chơi liên quan đến chèo để tạo sự gần gũi giữa khản giả với nghệ sĩ.

Như NSND Quốc Chiêm – Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho hay: “Việc đưa nghệ thuật truyền thống vào các trường học là việc làm rất có ý nghĩa cần được phát huy, từ đó góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật chèo trong cuộc sống hiện đại. Vì vậy, khi được mời tham gia biểu diễn trong chuỗi chương trình này, tôi hào hứng nhận lời ngay”. Ông chia sẻ thêm: “Chương trình có tính sáng tạo, với những kịch bản có chất lượng. Ngoài việc tham gia để truyền dạy cho lớp trẻ, tôi còn mang tới niềm vui cho bản thân. Ngoài giờ làm, tôi còn tranh thủ đến ghép vở tập luyện, biểu diễn cùng các diễn viên”. Vị này cũng nói những vở diễn, diễn viên có chất lượng, và truyền thông tốt dần dần sẽ thu hút được khán giả. Đặc biệt nhiều vở diễn luôn có những “ngôi sao” để thu hút khán giả.

Một hướng đi mới để đưa nghệ thuật chèo đến gần với khán thính giả yêu nghệ thuật này là hình thức bán vé gắn với các tour du lịch được Nhà hát chèo Việt Nam xây dựng tổ chức và thực hiện tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội, không chỉ hướng tới là khán giả trong nước mà còn đem đến cho du khách du lịch nước ngoài. Vì thế, ban tổ chức có xây dựng các tour dành riêng cho du khách nước ngoài, trong đó các tiết mục chèo sẽ có thuyết minh bằng tiếng Anh. Nội dung của chiếu chèo bao gồm 5 chương trình được biểu diễn theo lối chèo truyền thống như: cụ trùm trò dẫn truyện; một đôi hề chèo dẫn trò; một nam, một nữ dẫn trò; một hề áo ngắn, hề áo dài; cuối cùng là dành cho khách nước ngoài với những mảnh trò, tích trò thật ngắn gọn nhưng cũng mang tính chất học thuật của chèo. Chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc chèo nói riêng, nghệ thuật chèo nói chung. Đây cũng là một kênh để công chúng yêu nghệ thuật chèo được tiếp cận gần hơn với sân khấu chèo.

Như NSƯT Thanh Ngoan – Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam bày tỏ: “Tại sao một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như chèo lại không thể phát triển, nhân rộng và đưa vào làm du lịch? Từ trăn trở đó, chúng tôi mong muốn đưa Nhà hát Kim Mã trở thành điểm đến của du lịch, giống như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà hát Múa rối Việt Nam”. Cũng nói về chương trình nghệ thuật này, tiến sĩ Trần Đình Ngôn, người được mệnh danh là “vua chèo đất Bắc” cho biết: “Đây không chỉ là một chương trình có tính chất biểu diễn thông thường, mà nó còn mở ra triển vọng mới với cách nghĩ, cách làm rất mạnh dạn, sáng tạo mà nhiều loại hình nghệ thuật khác phải tiếp thu. Cần phải có những cách làm như vậy mới mong đưa nghệ thuật truyền thống ra khỏi nguy cơ bị lãng quên. Hơn nữa, chương trình này có thể mang lại giá trị du lịch lớn”.

Hiện tại, Nhà hát Chèo Việt Nam đã phát triển hình thức bán vé qua mạng internet, hoặc đăng kí tour theo yêu cầu của khán giả. Đối với các tour đặt trọn gói, du khách được lựa chọn chương trình, tiết mục biểu diễn riêng. Với cách làm mới loại hình nghệ thuật chèo, hi vọng trong tương lai không xa, nghệ thuật chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung sẽ không còn phấp phỏng trước nguy cơ bị lãng quên trước dòng chảy hội nhập, hiện đại hóa ngày càng mạnh mẽ như hiện nay.

Với những nỗ lực, lòng yêu mến của nhà quản lý, những người trực tiếp hoặc gián tiếp làm nên nghệ thuật chèo mong muốn và hy vọng sẽ đem lòng yêu mến chèo đến gần với công chúng. Trải qua biết bao thế hệ, đến hôm nay những đang sinh sống trên đất nước Việt Nam hay những kiều bào ở xa Tổ quốc, luôn coi nghệ thuật chèo là một “viên ngọc long lanh sắc màu” trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Theo XUÂN VINH / TẠP CHÍ VĂN HIẾN VIỆT NAM (2018)

Tags: ,