Nạn bắt nạt học đường: Một cái nhìn từ xã hội phương Tây

Bắt nạt đôi khi bị đánh đồng với trò đùa nghịch tuổi học trò. Trong nhiều trường hợp, thủ phạm không ý thức được hành động của họ nghiêm trọng và đáng xấu hổ ra sao.

Nạn bắt nạn học đường: Một cái nhìn từ xã hội phương Tây

10 tuổi, RubySam Youngz bị bạn cùng lớp ở trường tiểu học bắt nạt. Khi gia đình chuyển từ Anh đến xứ Wales, Youngz nghĩ quá khứ đáng buồn đó sẽ chấm dứt.

Nhưng không, ở ngôi trường mới, cô vẫn trở thành nạn nhân. Những kẻ bắt nạt liên tục chế giễu ngoại hình của nữ sinh.

“Tôi ở một nơi mới với những người hoàn toàn xa lạ. Không ai biết tôi nhưng họ vẫn ghét tôi. Tôi thực sự không hiểu tại sao”, Youngz nói.

Cô bị bắt nạt trong suốt những năm cấp 2. Và điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của Youngz sau này. Cô chán nản chính mình, cố gắng giải quyết cảm giác bất lực bằng rượu và thuốc lá.

“Tôi luôn nghĩ không ai thích mình vì vậy tôi cũng dần ghét bản thân”, Youngz nói.

Bây giờ, ở tuổi 46, cô vẫn chưa thể thoát khỏi quá khứ bị bắt nạt đầy ám ảnh.

Câu chuyện của Youngz cho thấy một sự thật đau đớn về những gì nạn nhân của bắt nạt học đường phải đối mặt. Không chỉ nỗi đau xác thịt hay cảm xúc tiêu cực nhất thời, đó là những mặc cảm tâm lý, tổn thương tinh thần có thể mất nhiều năm, thậm chí cả đời để tìm cách vượt qua.

Trong khi đó, nhiều học sinh, thậm chí nhà trường, các bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự hiểu hết về khái niệm bắt nạt học đường. Bắt nạt đôi khi bị đánh đồng với việc trêu chọc, đùa nghịch ở lứa tuổi học sinh.

Vì vậy, trong nhiều trường hợp, ngay chính kẻ đi bắt nạt người khác cũng không ý thức được hành động của họ nghiêm trọng và đáng xấu hổ ra sao.

“Kẻ bắt nạt nói chúng đang giúp con trai tôi”

Nelson có con trai 8 tuổi là nạn nhân của bắt nạt học đường. Tại trường học ở Portland (Mỹ), con trai cô bị bạn học tẩy chay và thường xuyên đánh đập.

“Con từng nói với tôi việc bị các bạn đuổi đánh trên sân chơi ra sao. Nhưng điều kinh khủng hơn là những kẻ bắt nạt nói rằng chúng chỉ đang cố giúp con tôi hòa nhập tốt hơn với mọi người”.

Nelson đã báo cáo vấn đề này lên nhà trường nhưng mọi chuyện gần như không được giải quyết, con cô vẫn bị bắt nạt. Vấn đề ngày một tồi tệ. Thay vì chống trả như ban đầu, con trai Nelson dần chấp nhận và tin rằng mọi chuyện xảy ra là do mình “chưa đủ tốt”.

Cậu bé 8 tuổi bắt đầu có những suy nghĩ dại dột. Một ngày giữa tháng 4/2019, nam sinh đã cố gắng tự tử ở trường. Cậu bé được tìm thấy trước khi quá muộn.

“Nó mới 8 tuổi. Mọi chuyện thực sự không ổn chút nào, thực sự không thể chấp nhận được”, người mẹ nói.

Bắt nạt học đường là hiện tượng không mới song những câu chuyện đau lòng xung quanh nó vẫn luôn là nỗi ám ảnh với nhiều học sinh, phụ huynh.

Báo cáo bổ sung về tội phạm học đường năm 2018 của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia và Bộ Tư pháp Mỹ chỉ ra rằng khoảng 20% ​​học sinh 12-18 tuổi của nước này từng bị bắt nạt.

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, các vụ bắt nạt trong trường công và tư ở nước này trong năm học 2018 lên tới 414.378, tăng hơn 91.000 vụ so với năm học trước.

Trong đó, 474 vụ bị coi là nghiêm trọng và 55 trường hợp bị coi là đe dọa tính mạng. Ít nhất có 10 học sinh đã tự tử vì bị bắt nạt, bạo hành.

Dữ liệu năm 2019 từ một khảo sát quy mô lớn ở Thái Lan do Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện cho thấy 33,2% học sinh bị bắt nạt trong vòng 12 tháng trước cuộc khảo sát.

Còn theo khảo sát hàng năm của Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul công bố tháng 11/2018, số học sinh ở Seoul cho biết bị bắt nạt ở trường đã tăng 25,4%.

Bắt nạt không phải trò đùa

Theo Stop Bullying, website của chính phủ Mỹ do Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh quản lý, bắt nạt học đường là hành vi hung hăng, không mong muốn của trẻ em trong độ tuổi đi học liên quan đến sự mất cân bằng quyền lực thực sự hoặc nhận thức.

Khác với những trò đùa nghịch, bắt nạt thường lặp đi lặp lại, trong đó thủ phạm là những người khỏe, nổi tiếng hoặc có địa vị xã hội hơn nạn nhân.

Có nhiều hình thức khác nhau như bắt nạt bằng lời nói (trêu chọc, chế nhạo, đe dọa, nhận xét tình dục không phù hợp), bắt nạt xã hội (bỏ rơi, cô lập nạn nhân, phát tán tin đồn ác ý, làm xấu hổ nơi công cộng), bắt nạt thể chất (lấy đồ, đánh đập, trấn lột).

Thế nhưng, theo một cuộc khảo sát với hơn 800 học sinh Australia trong độ tuổi 11-16 công bố năm 2019, hơn 30% số người được hỏi không thể phân biệt được đâu là bắt nạt, đâu là đùa giỡn.

Nhiều học sinh từng bị bạn học trêu chọc, gọi bằng biệt danh xúc phạm, cười nhạo, cô lập, thậm chí bị đánh đập, vẫn cho rằng đó chỉ là “đùa giỡn”.

Một số học sinh cho biết khi báo cáo việc bị bắt nạt với thầy cô hoặc bố mẹ, họ được khuyên rằng “đừng nghiêm trọng hóa vấn đề” mà nên “phớt lờ những trò đùa”. “Chỉ cần bỏ đi và cuối cùng, họ sẽ cảm thấy buồn chán và bỏ mặc bạn”, một học sinh kể.

Amy Sloan, tình nguyện viên của đường dây nóng hỗ trợ trẻ em bị bắt nạt Youthline, nói: “Nhiều người không thực sự hiểu bắt nạt là gì. Bắt nạt không chỉ là đánh đập, bạo lực và để lại hậu quả có thể nhìn thấy ngay lập tức. Đó đôi lúc là những lời trêu đùa tưởng như vô hại nhưng có thể giết chết một con người”.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , ,