Năm cách mà cuộc xung đột Nga – Ukraina đã thay đổi thế giới

Nga đưa quân vào Ukraina 100 ngày trước trong cuộc chiến quy mô lớn đầu tiên nhằm vào một quốc gia có chủ quyền ở châu Âu trong 80 năm qua. Cuộc chiến kể từ đó đã để lại những tác động được cảm nhận rõ ràng trên toàn thế giới.

Năm cách mà cuộc xung đột Nga – Ukraina đã thay đổi thế giới

Dưới đây là năm cách mà cuộc chiến Nga – Ukraina đã thay đổi thế giới theo báo Đức Deutsch Welle:

Dòng người tị nạn

Kể từ khi Nga tấn công Ukraina, khoảng 6,8 triệu người Ukraina đã rời khỏi đất nước của họ, chưa kể ít nhất 7,7 triệu người khác phải sơ tán trong nước.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), sau khi chạy nạn sang các nước láng giềng, ít nhất 3 triệu người Ukraina đã tiếp tục cuộc hành trình đến những quốc gia khác. Ngoài Ba Lan, Đức và Cộng hòa Séc hiện là nơi có số lượng người tị nạn Ukraina lớn nhất, với khoảng 727.000 và 348.000 tương ứng.

UNHCR cho biết đến nay, gần 2 triệu người Ukraina đã trở về đất nước, mặc dù một số trong đó có thể vẫn di chuyển qua lại.

Dòng người tị nạn Ukraina vào Liên minh châu Âu vừa nhận được sự hỗ trợ lớn, nhưng cũng khiến hệ thống tiếp nhận rơi vào căng thẳng. Những người tị nạn đến định cư ở một quốc gia mới thường phụ thuộc vào mạng lưới an sinh xã hội của quốc gia đó, ít nhất là trong một thời gian.

Khủng hoảng lương thực

Ukraina là một nền kinh tế quan trọng, sản xuất khoảng một nửa lượng dầu hướng dương trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ukraina chiếm 15% thương mại toàn cầu về ngô và 10% thương mại lúa mì toàn cầu. Xung đột đã cắt đứt các hoạt động xuất khẩu quan trọng đó khi Nga phong tỏa hoàn toàn các cảng ở Biển Đen của Ukraina.

Nút chặn xuất khẩu của Nga ở Biển Đen được cảm nhận rõ ở các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc và dầu ăn của Ukraina, như Ai Cập và Ấn Độ. Tuy nhiên, các hiệu ứng gợn sóng còn lan rộng hơn rất nhiều.

Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng xung đột Ukraina, cộng với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu và cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, đang châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Hồi tháng 5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cảnh báo rằng mức độ đói trên toàn thế giới đã đạt một “mức cao mới”, và hàng chục triệu người có thể phải đối mặt với nạn đói lâu dài do cuộc chiến Ukraina.

Tính đến tháng 5, khoảng 23 quốc gia trên thế giới đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm – một dấu hiệu cho thấy an ninh lương thực đang suy giảm.

An ninh năng lượng

Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất trên toàn thế giới, nước cung cấp dầu thô lớn thứ hai và nước xuất khẩu than đá lớn thứ ba. Cho đến trước chiến tranh, 3/4 lượng khí đốt và gần một nửa lượng dầu thô của Nga được chuyển đến châu Âu. Năm 2020, dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga chiếm 1/4 tiêu thụ năng lượng của EU.

Nhưng sau khi Moskva đưa quân vào Ukraina, EU đã tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng tôi chỉ đơn giản là không thể tin tưởng vào một nhà cung cấp đang đe dọa chúng tôi một cách rõ ràng”.

Tối đa hóa lượng khí đốt dự trữ là một biện pháp trong kế hoạch đó. Nhập khẩu khí hóa lỏng, như từ Mỹ, là một lựa chọn khác. Trong khi đó, một số chuyên gia đang dự đoán tình trạng thiếu khí đốt và có khả năng phải phân phối khẩu phần.

Với một số quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga như Đức, việc khóa bớt van khí đốt đang gây nhiều khó khăn.

Nhiều người coi cuộc xung đột là cơ hội để EU không chỉ giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga mà còn thực hiện cam kết của khối về bảo vệ khí hậu bằng cách thúc đẩy năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả năng lượng. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế để có thể thực hiện chiến lược này một cách nhanh chóng.

Tăng giá và lạm phát

Tình trạng thiếu lương thực và năng lượng gây ra những thay đổi lớn trong cuộc sống của nhiều người kể từ khi chiến tranh Ukraina bắt đầu, khi giá cả đồng loạt tăng cao.

Một chuyên gia về an ninh lương thực của Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo vào tháng 5 rằng thế giới chỉ còn đủ nguồn cung lúa mì trong 10 tuần.

Khi có ít thứ gì đó, giá trị của nó sẽ tăng lên, và khi thực phẩm và nhiên liệu đắt hơn, thì mọi thứ khác cũng vậy. Giá thực phẩm nói chung đang tăng vọt. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), đo lường sự thay đổi hàng tháng về giá của một rổ hàng hóa lương thực, đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3 năm nay.

Lạm phát là tình trạng ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của nền kinh tế. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, lạm phát đã tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới kể từ tháng 3/2021. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, tỉ lệ lạm phát đã lên tới 8,1% vào tháng trước – mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, lạm phát được dự đoán sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến các nước thu nhập thấp hơn. Mặc dù gần đây IMF dự báo lạm phát ở các nước công nghiệp phát triển là 5,7%, con số này ở các nước đang phát triển được dự báo là 8,7%. Các chuyên gia dự đoán giá cả có thể vẫn cao trong nhiều năm tới.

NATO “phục hưng”

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraina cũng để lại dấu ấn về địa chính trị. Một số chuyên gia dự báo về sự phân chia mới thành các khối địa chính trị và kinh tế Đông và Tây, trong đó một bên là Nga và Trung Quốc, còn EU và Mỹ dẫn đầu bên kia.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, còn được gọi là NATO, được thành lập sau Thế chiến thứ hai vào năm 1949, đã tập hợp Mỹ, Canada và 10 quốc gia châu Âu. Là “đứa con” của Chiến tranh Lạnh, tổ chức này giống như một cái ô cho các nền dân chủ và thị trường tự do ở châu Âu, với cuộc đại mở rộng sang phía đông vào năm 2004.

Mấu chốt của NATO là Điều 5, trong đó nêu ra một nguyên tắc phòng thủ tập thể: Nếu bất kỳ thành viên nào bị tấn công, đây sẽ được coi là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả, với sự trả đũa quân sự phải được thực hiện bởi tất cả thành viên.

Vai trò của NATO đã từng giảm sút đến mức Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào năm 2019 gọi tình trạng đó là “chết não”. Nhưng cuộc chiến ở Ukraina đang đưa liên minh quân sự mạnh nhất thế giới này trở lại vị trí trung tâm.

Do lo ngại tham vọng của Nga, Phần Lan và Thụy Điển gần đây đã tuyên bố ý định tham gia NATO, phá vỡ truyền thống gần 70 năm trung lập.

Tổng thống Vladimir Putin coi NATO là mối đe dọa đối với Nga và đã nhiều lần cảnh báo về hậu quả, nếu liên minh này cho phép Ukraina gia nhập. Những người chỉ trích cũng cho rằng việc NATO mở rộng về phía đông là một hành động khiêu khích “gấu Nga”.

NATO đã cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraina, mặc dù từ chối yêu cầu của Tổng thống Zelenskyy về việc áp đặt vùng cấm bay.

Hiện tại, NATO tiếp tục chiến lược “tinh tế” của mình là “kiên định” nhưng “bước nhẹ” để không kích hoạt cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba.

Theo BÁO TIN TỨC / DW

Tags: ,