Một góc nhìn về sự hưng thịnh và suy vong của nước Mỹ

Không ai phủ nhận được hiện Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất và thế giới đương đại đang “rất Mỹ”. Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác, lại có những nhận định trái chiều “nước Mỹ đang tự sát” và dự báo hồi kết của sự “suy tàn đế chế Mỹ” đang đến rất gần. Thịnh, suy của một thể chế là vấn đề có tính quy luật, song sức mạnh và tương lai của nước Mỹ hiện vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Một góc nhìn về sự hưng thịnh và suy vong của nước Mỹ

Tác giả: TS Nguyễn Đình Thiện – Học viện Chính trị CAND & ThS Ma Đức Hân – Học viện Khoa học quân sự.

 1. Bá quyền Mỹ và trật tự thế giới đơn cực

Mỹ hiện được nhận định là “quốc gia không thể thiếu” và là “siêu cường duy nhất của thế giới”. Mặc dù khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, trên nhiều khu vực của địa cầu, Anh và Pháp vẫn còn nguyên đế chế và tầm ảnh hưởng sâu rộng của họ, ông chủ bút Henry Luce và nhiều cây viết thời ấy cho rằng, đây là buổi bình minh của “thế kỷ Mỹ”. Không lâu sau, Liên Xô lộ diện là một địch thủ siêu cường, cạnh tranh ảnh hưởng với Washington trên khắp hành tinh dẫn đến sự hình thành trật tự thế giới 2 cực. Tuy nhiên, khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, Liên Xô tan rã năm 1991, sức mạnh Mỹ trở nên vượt trội. Sự vượt trội của Mỹ “thoạt đầu rất khó nhận dạng và nhiều người đã không hề nhận ra điều ấy” như nhận định của Fareed Zakaria – cây viết lâu năm đăng trên tờ The New Yorker vào năm 2002. Năm 1990, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher khi ấy cho rằng, thế giới đang phân tách thành ba khối chính, chịu chi phối bởi ba đồng tiền là đồng Dollar Mỹ, đồng Yên Nhật Bản và đồng Mark Đức. Nhưng trên thực tế, thế giới bước vào giai đoạn đơn cực bị chi phối bởi đồng “tiền vua” (USD), Mỹ trở thành siêu cường duy nhất chi phối sâu sắc mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và an ninh thế giới.

2. Khoảnh khắc của thế giới đơn cực và những yếu tố có thể làm suy tàn “đế chế Mỹ”

Những năm 1990 được cho là thời điểm bắt đầu cho một trật tự thế giới đơn cực. Trong khi phần đông người Mỹ còn đang hoan hỉ đắc thắng thì trong cuốn Ngoại giao (Diplomacy) được xuất bản năm 1994 của Cựu Bộ trưởng Ngoại giao, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Henry Kissinger đã dự đoán về sự trỗi dậy của một thời đại đa cực mới. Nhà bình luận chính trị bảo thủ người Mỹ Charles Krauthammer, đăng trên tờ Foreign Affairs – nhận định mang tính tiên tri “Khoảnh khắc Đơn cực” (The Unipolar Moment) cho thấy, thời gian dành cho một trật tự thế giới đơn cực sẽ hết sức ngắn ngủi. Đương nhiên với nhận định này ở Mỹ nhận được rất ít sự hân hoan chào đón. Tuy nhiên, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1992 chủ đề chính lại xoay quanh sự yếu ớt, trì trệ của Mỹ với nhận định, “Chiến tranh Lạnh đã kết thúc; Nhật và Đức chiến thắng”. Còn các chuyên gia châu Á thì bắt đầu bàn luận về “kỷ nguyên châu Á-Thái Bình Dương” như những tín hiệu khởi đầu cho đoạn kết của “trật tự thế giới đơn cực”. Vậy những yếu tố nào có thể dẫn đến sự suy tàn của trật tự thế giới đơn cực – “đế chế Mỹ”?

Chính Mỹ làm “suy tàn đế chế Mỹ”!

Bất chấp luật pháp quốc tế và sự đồng thuận của Liên Hợp quốc, Mỹ tiến hành các cuộc chiến tranh can thiệp với những nguyên cớ khác nhau

Sau khủng bố ngày 11/9/2001 diễn ra trên đất Mỹ, Washington đã đưa ra các quyết định lớn và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng tiếp tục ám ảnh nước Mỹ. Điều mà giới phân tích quan tâm là những quyết định đó được đưa ra trong sự “sợ hãi vội vàng”. Sau sự kiện 11/9, mỗi khi đối mặt với thách thức, các nhà bình luận cho rằng, chiến thuật của Mỹ thường là tấn công từ xa, kết hợp các biện pháp trừng phạt, cấm vận kinh tế với không kích chính xác. Cả hai chiến thuật này được nhà khoa học chính trị hàng đầu về các vấn đề quốc tế Eliot Asher Cohen viết, có những đặc điểm của kiểu hẹn hò nam nữ thời hiện đại: “thỏa mãn dục vọng mà không cam kết lâu dài”.

Chiến tranh Iraq mà Chính phủ Hoa Kỳ gọi là “Chiến dịch Đất nước Iraq Tự do” diễn ra từ ngày 20/3/2003 đến ngày18/12/2011. Tiến hành chiến tranh Iraq là một trong những bước ngoặt lớn. Bởi Mỹ bước vào một cuộc chiến khi bất chấp những hoài nghi từ phần còn lại của thế giới. Họ tìm kiếm sự chấp thuận từ Liên Hợp Quốc và khi nỗ lực này không thành, Mỹ làm ngơ luôn tổ chức này. Các nhà bình luận cho rằng, chính quyền Mỹ đương nhiệm lúc bấy cũng phớt lờ Học thuyết của Colin Powell – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ thời Chiến tranh vùng Vịnh. Powell khẳng định, một cuộc chiến chỉ đáng tham gia khi lợi ích quốc gia sống còn bị đe dọa và một chiến thắng áp đảo được đảm bảo. Bỏ qua quan điểm của Powell, Chính quyền W.Bush đã tiến hành chiến tranh khi lợi ích quốc gia của Mỹ không hề bị đe dọa.

Đảo lộn các quy tắc của trật tự thế giới – những quy tắc vốn làm cho nước Mỹ hưng thịnh và trở thành “lãnh đạo” thế giới

Với UNESCO và Tổ chức nhân quyền thế giới: Ngày 31/12/2018, Mỹ đã chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), theo đó Mỹ chỉ bảo lưu tư cách quan sát viên, nhưng sẽ không đóng góp tài chính hay được bầu vào cơ quan trọng yếu là Ủy ban Di sản thế giới. Trước đó, ngày 19/6/2018, Mỹ cũng đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc với cáo buộc tổ chức này “thiên vị kinh niên chống Israel” – một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông.

Với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO): Ngày 30/8/2018, Mỹ đe dọa sẽ rút khỏi WTO “nếu cơ quan này không có sự tiến bộ”. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Blooberg tại Phòng Bầu dục, Tổng thống D.Trump tuyên bố: “Nếu họ (WTO) không có sự tiến bộ, tôi sẽ rút ra khỏi tổ chức này”. Theo Tổng thống Mỹ, Hiệp định thành lập WTO là “thỏa thuận thương mại đơn lẻ, tồi tệ nhất từng có” và cáo buộc WTO đối xử rất tệ với Mỹ trong nhiều năm và cơ quan này cần “thay đổi cách thức hoạt động”.

Với những vấn đề ở Trung Đông như Jerusalem, Cao nguyên Goland, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… Ngày 06/12/2017, bất chấp những cảnh báo của cộng đồng quốc tế, D.Trump đã công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Telaviv đến Jerusalem. Ngày 25/3/2019, Tổng thống Mỹ D.Trump đã ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Goland tại Nhà Trắng trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trước đó, ông đã đăng trên Twitter rằng, “Cao nguyên Goland có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược và an ninh đối với Nhà nước Israel và ổn định khu vực”… Những quyết định đó đã đảo ngược chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông vốn tồn tại hàng chục năm và vấp phải sự phản đối, chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế.

Đối với Iran, ngày 8/5/2018, Tổng thống D.Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA) và tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Iran. Quyết định trên của Mỹ đã đẩy khu vực Trung Đông đến bờ vực của một cuộc chiến tranh mới. Những biện pháp trừng phạt gần đây cùng những động thái về quân sự đã khiến eo biển Hormuz dậy sóng, chảo dầu Trung Đông có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.

Gây hấn, xa rời đồng minh truyền thống, Mỹ có xu hướng đang tự cô lập chính mình

Với NATO và các đồng minh Châu Âu của Mỹ: Ngày 12/7/2018, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO – Brussels (Bỉ), Tổng thống Mỹ đã yêu cầu các đối tác NATO phải nhanh chóng hoàn thành cam kết nâng mức chi tiêu quốc phòng mỗi năm lên bằng 2% GDP và mục tiêu cuối cùng là các thành viên đều phải chi 4% GDP cho ngân sách quốc phòng (tương đương với mức chi của Mỹ). Phát biểu của Tổng thống Mỹ đã tạo thành “cơn náo loạn” làm đảo lộn chương trình của toàn Hội nghị. Trước đó, trên đường đến tham dự Hội nghị, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố trên Twitter: “Nhiều quốc gia NATO, những nước mà chúng tôi bảo vệ, không chỉ không thực hiện cam kết của họ ở mức 2% (GDP cho quốc phòng), mà còn không thực hiện đúng hạn các khoản chi trả trong nhiều năm. Liệu họ có bồi hoàn cho Mỹ?”. Không những vậy, D.Trump còn công kích gay gắt các đối tác của Mỹ trong NATO, cáo buộc họ “ăn bám” Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng và lợi dụng Mỹ trong quan hệ thương mại. Trước những cáo buộc và đe dọa của Mỹ, nhiều nước Châu Âu từng cố gắng phản pháo lại các yêu cầu của Tổng thống D.Trump. Tuy nhiên, một số nước như Anh, Estonia, Latvia, Lithuania, Hy Lạp và Ba Lan đã đáp ứng yêu cầu cam kết chi 2% GDP cho quân sự. Trung bình chi tiêu cho quốc phòng của các quốc gia Châu Âu mới đạt 1,51% GDP (năm 2018), cách khá xa so với yêu cầu của Tổng thống D.Trump.

Với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và các đồng minh Châu Á: Mặc dù quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và các đồng minh châu Á được đánh giá là chặt chẽ và hiệu quả. Tuy nhiên, không vì thế mà D.Trump bỏ qua cho những hành vi thương mại được xem là trục lợi từ Mỹ. Tổng thống Mỹ đã từng đe dọa sẽ đánh thuế vào các mặt hàng nhôm, thép, ô tô nhập khẩu từ các nước này và yêu cầu Nhật Bản, Hàn Quốc phải mở cửa hơn nữa cho hàng hóa nông sản Mỹ (lĩnh vực dễ tổn thương trong thương chiến Mỹ-Trung).

Với các đồng minh Bắc Mỹ: Cho rằng, Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA được ký giữa Mỹ, Canada và Mexico năm 1993) đã lỗi thời, Tổng thống D.Trump đã yêu cầu đàm phán lại để đảm bảo “tính công bằng” hơn với Mỹ. Sau nhiều nỗ lực có lúc tưởng như đổ bể, sáng ngày 01/10/2018 (giờ Việt Nam) phiên bản 2.0 của NAFTA – Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) được ký kết hy vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, tạo nhiều việc làm tốt với mức lương cao cho gần 500 triệu dân sinh sống dưới mái nhà Bắc Mỹ với tổng kim ngạch thương mại lên đến 1.000 tỷ USD/năm.

Mặc dù trước sức mạnh Mỹ, những yêu cầu của Tổng thống D.Trump đã phần nào được đáp ứng, nhưng những rạn nứt trong quan hệ với các đồng minh là khó tránh khỏi. Khi đạt được thành công dựa trên sức mạnh sẽ khiến kẻ chiến thắng sẽ có tâm lý “dương dương tự đắc” và tiếp tục đòi hỏi từ các đối tác nhiều hơn. Vết rạn nứt theo đó không những không thể hàn gắn mà có xu hướng ngày càng lớn hơn và nguy cơ đổ bể trong quan hệ đồng minh là điều dễ hiểu. Và vì thế, Mỹ đang “cô lập chính mình” là nhận định hoàn toàn có căn cứ.

Càng tập trung hóa, quyền lực của Mỹ càng suy yếu”: Thực tế cho thấy, hiện Mỹ đang tập trung quyền lực cao độ. Tuy nhiên, việc tập trung quyền lực sẽ làm cho Mỹ mạnh lên hay yếu đi? Henry Kissinger cho rằng, “cuộc tìm kiếm một trật tự thế giới mới hiện nay cần có một chiến lược chặt chẽ nhằm xây dựng một khái niệm trật tự trong các khu vực khác nhau và gắn kết các trật tự khu vực với nhau”. Do đó, Hoa Kỳ cần phi tập trung hóa quyền lực, ưu tiên và khu vực hóa đại chiến lược của mình. Việc này sẽ khuyến khích các cường quốc tầm trung, các cường quốc và tổ chức khu vực tiến ra vũ đài quốc tế, khi mà nhiều đối tác trong số đó chia sẻ các mục đích chiến lược của Hoa Kỳ hoặc chia sẻ cách thức đạt được các mục đích đó, thì quyền lực Mỹ sẽ càng mạnh hơn.

Tuy nhiên trong hiện thực, quyền lực không chỉ tập trung về nước Mỹ, mà quyền lực thế giới còn được tập trung vào một người – Tổng thống. Sự thay đổi nội các nhanh đến chóng mặt với chỉ duy nhất một cụm từ được đăng trên Twitter của D.Trump “bạn bị sa thải” đã trở thành quen thuộc. Chính Eliot Asher Cohen – đảng viên Đảng Cộng hòa chỉ sau một tuần D.Trump nắm quyền đã cảnh báo “Việc Trump nghe theo lời khuyên của các cố vấn riêng trong Tòa Bạch ốc mà coi thường Bộ trưởng Quốc phòng J.Mattis hoặc Ngoại trưởng Tillerson qua hàng loạt các chính sách thê thảm tuần qua đã cho quý vị thấy rõ ai mới thực sự là người có quyền lực tối hậu”.

Coi nước Mỹ trên hết”, nhưng hành động hiện đi ngược lại mục đích: Bản chất của Trump được các nhà bình luận nhận xét là một người “hoàn toàn không hề hứng thú với thế giới ”, trừ việc quy kết các nước đang lợi dụng Mỹ. Giới phân tích nhận định, ông là một nhà dân tộc chủ nghĩa theo chủ nghĩa bảo hộ, và là một nhà dân túy, kiên quyết coi “nước Mỹ trên hết”. Tuy nhiên, hành động của Trump lại đi ngược lại với mục đích của ông. Bởi lợi ích của Mỹ không chỉ đơn thuần nằm trong nước Mỹ mà gắn liền với lợi ích của các nước, các khu vực trên thế giới. Dưới thời Trump, Mỹ xa lánh Canada; quát nạt, đe dọa rút khỏi NATO, làm mình làm mẩy với châu Âu; thực hiện “chúc phúc từ xa” khi giao phó chính sách Trung Đông cho Israel và Saudi Arabia… nên nét nổi bật duy nhất của chính sách ngoại giao thời Trump được bình luận là sự “vắng mặt” của chính nó.

Sự xuất hiện của 2 cường quốc nằm ngoài “trật tự Mỹ”

Sự lớn mạnh của Trung Quốc hiện nay được các nhà phân tích quốc tế phương Tây nhận định: là sự kết hợp “thành công” lạ kỳ giữa “chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Lenin”. Và do vậy, sự tồn tại của “đế chế Trung Quốc” theo họ dường như là rất “mong manh”. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những biến đổi to lớn của đời sống chính trị quốc tế, hứa hẹn làm xói mòn quyền lực của bất cứ quốc gia bá quyền nào, cho dù chính sách đối ngoại của bá quyền ấy có sắc xảo đến đâu. Tờ New York Times nhận định rằng, “với việc hai nước Anh và Mỹ theo đuổi con đường chủ nghĩa dân tộc và các tổ chức đa phương đang bị đe dọa, thế giới dường như đang thiếu đi sự giám sát có trách nhiệm, và Trung Quốc đang chuẩn bị để đảm nhiệm vai trò này”; và: “Nhiều nước đang nhìn về Trung Quốc, một quốc gia khéo léo lợi dụng khoảng trống lãnh đạo quan hệ quốc tế bằng việc tự đề cử bản thân mình – bất chấp sự mỉa mai – vào vị trí người ủng hộ cho sự can dự quốc tế”.

Với Nga, sau một thập niên “lầm đường, lạc lối”, dựa dẫm vào Mỹ và phương Tây, từ chỗ yếu ớt và trì trệ những năm đầu thập niên 1990, khi Putin lên nắm quyền Nga đã trở thành một cường quốc theo chủ nghĩa “phục thù”, một kẻ mà giới bình luận đánh giá là “phá đám có đủ tiềm lực và thủ đoạn”. Vậy điều gì đã tạo nên sự trỗi dậy của nước Nga và chính sách đối ngoại của Putin? Rõ ràng, câu trả lời phần lớn đến từ nội lực nước Nga, nhưng chính sách bóp chặt nước Nga đến nghẹt thở của Mỹ là căn nguyên tạo ra sự kích động chủ nghĩa “phục thù” của Nga.

Làm cho đối thủ trở nên tự tin hơn và đẩy Nga, Trung Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên, Venezuela… tiến lại gần nhau, hình thành nên liên minh chống Mỹ

Như đã phân tích, càng tập trung hóa, quyền lực của Mỹ dường như càng suy yếu. Bằng chính sách thắt chặt vòng vây, Mỹ đã làm cho Nga, Trung Quốc cũng như nhiều nước khác – đối thủ của Mỹ trở nên tự tin hơn. Đặc biệt, sau gần một thập niên can dự vào Syria mà không đạt được kết quả là lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, Mỹ đã phải tuyên bố rút quân khỏi chiến trường này. Cũng như vậy, sau nhiều động thái căng thẳng cả về ngôn từ và hành động để giải quyết vấn đề hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ đã phải chấp nhận gặp và đàm phán song phương với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim jong-un… Không những thế, các quốc gia mà Mỹ “thù ghét”, đang có xu hướng xích lại gần nhau và hình thành nên liên minh chống Mỹ.

3. Vai trò của Mỹ hiện nay và đế chế Mỹ” liệu có suy tàn!

Các nhà nghiên cứu cho rằng, một quốc gia có thể giữ vai trò lãnh đạo thế giới khi nắm giữ 3 sức mạnh lớn: Quân sự, kinh tế và sức mạnh mềm. Có lẽ không cần bàn cãi khi khẳng định, Mỹ vẫn đang “lãnh đạo thế giới” và sẽ tiếp tục “tại vị” ít nhất trong một vài thập niên tới. Tuy nhiên, đường trường liệu Mỹ còn duy trì được vị trí trên hay không?

Về quân sự, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới. Nhưng năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (AC/AD) ngày càng tăng của Trung Quốc đã làm giảm lợi thế của Hoa Kỳ ít nhất là ở khu vực Đông Á. Đặc biệt, với chính sách hiện nay, dường như Mỹ đang đẩy Trung Quốc, Nga và Iran tiến sát lại gần nhau. Vô hình làm cho sức mạnh quân sự của Mỹ yếu đi trong tương quan so sánh lực lượng.

Về kinh tế, theo đánh giá của Bloomberg cho thấy năm 2001, GDP của Hoa Kỳ (10,6 ngàn tỷ USD) cao gấp 8 lần của Trung Quốc. Nhưng đến năm 2015, GDP của Hoa Kỳ chỉ cao gấp 1,6 lần của Trung Quốc – 18 ngàn tỷ so với 11,4 ngàn tỉ. Đến năm 2018, GDP của Trung Quốc chạm mốc 12.000 tỷ USD, trong khi Mỹ đạt 19.000 tỷ cao gấp 1,58 lần của Trung Quốc.

Về sức mạnh mềm: Đây là yếu tố rất khó đo lường, tuy nhiên sức mạnh mềm phụ thuộc nhiều vào sự hấp dẫn của chính sách Hoa Kỳ đối với các nước. Trong khi nước Mỹ ngày càng sa vào chủ nghĩa dân tộc hướng nội và chủ nghĩa bảo hộ cực đoan nên sự suy yếu của sức mạnh mềm là điều không cần bàn cãi.

Amitav Acharya là chủ nhiệm Bộ môn Quan hệ quốc tế tại Chương trình học giả Schawarzman, Đại học Thanh Hoa nhận xét: Vai trò của Hoa Kỳ trong thế giới hiện nay không nằm ở việc phải chăng bản thân Hoa Kỳ đang xuống dốc mà là liệu trật tự thế giới do nước này dựng nên và thống trị có thể tiếp tục tồn tại lâu dài hay không. Fareed Zakaria là một nhà khoa học chính trị, nhà báo, và nhà bình luận chính trị người Mỹ gốc Ấn Độ viết trên tờ The New York Times vào năm 1998 rằng, chính sách đối ngoại của Mỹ được định hình bởi “luận điệu nhấn mạnh sự biến đổi nhưng thực tế lại là sự điều đình”. Kết quả nhận được là “một nền bá quyền trống rỗng”. Sự trống rỗng ấy đến nay vẫn còn tiếp diễn. Joschka Fischer, cựu Ngoại trưởng Đức đã nhận định: “Nhìn lại 26 năm trước, chúng ta nên thừa nhận rằng sự tan rã của Liên Xô – và cùng với nó là sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh – không phải là sự kết thúc của lịch sử, mà là khởi đầu cho đoạn kết của trật tự tự do kiểu phương Tây”. Và thế giới đang bước tới giai đoạn “hậu Hoa Kỳ”!

Lời kết: Sự tồn tại của những “đối trọng nặng ký” trong lịch sử là nguyên nhân làm cho “động lực Mỹ” trỗi dậy. Vì vậy, Mỹ chỉ mạnh khi thế giới xuất hiện những đối thủ ngang tầm và Mỹ nhận diện được những đối thủ ấy. Tuy nhiên, trong một trật tự thế giới đa cực đang định hình, việc tồn tại những “đế chế” lấy tiềm lực kinh tế cùng bộ máy chiến tranh khổng lồ làm sức mạnh đe dọa, lấn át những nước yếu hơn là điều cộng đồng quốc tế khó chấp nhận. Tiếp tục tồn tại hay không tồn tại một “đế chế Mỹ” như thời gian qua hiện vẫn do chính người Mỹ quyết định, nhưng những nhân tố có thể làm lung lay “sức mạnh Mỹ” không thể không khiến các nhà lãnh đạo Mỹ bận tâm, nếu không “đế chế Mỹ” sẽ suy tàn.

Theo HVCTCAND.EDU.VN

Tags: ,