⠀
Một góc nhìn về bản chất của nghệ thuật
Cùng với sự phát triển của nhân loại – khoái thú thẩm mỹ có cơ sở cốt tử như nhu cầu ăn, mặc, ở, và tình dục, rất tự nhiên. Nghệ thuật nghiễm nhiên có một vị trí không tranh cãi được từ khi con người thành người.
Trích từ cuốn Ghi chú về nghệ thuật – Nguyễn Quân / NXB Trẻ.
Chúng ta sống: ăn, uống thở và yêu đương. Ta có nhà, trong nhà có bàn ghế, giường tủ. Có vườn. Ngoài vườn có cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây lấy hoa, có ghế đá ngồi nghỉ… Một cái áo mặc ngày thường hay ngày lễ, một cuốn sách đọc lúc sáng dậy hay đi ngủ, một cái bát, đôi đũa khi ăn, một cái chén sành gan gà khi uống trà, một cái xe đạp khi ta đi làm, bánh xe có tua thun đẹp, cho vợ hay con gái… tất cả, đâu đâu, lúc nào ta cũng muốn “đẹp”. Người thời Đông Sơn cần một cái rìu để chặt, bổ, chẻ, bửa… cái rìu bằng đồng thay thế cho cái rìu đá mà tổ tiên Phùng Nguyên của họ đã dùng vài nghìn năm. Và hơn thế nữa họ cần cái rìu “đẹp” có hoa văn mỹ lệ. Họ có hơn tổ Phùng Nguyên của họ không? Hoàn toàn không. Tổ tiên họ từng mài cái rìu đá theo dáng đẹp, láng bóng. Ngoài việc dùng để kiếm ăn họ đã từng thích thú sờ lên mặt đá nhẵn. Xa hơn nữa khi con người bắt đầu dùng đá làm công cụ, họ thấy nhiều hòn đá lắm, thế mà họ chọn một hòn đá có cạnh sắc, cầm vừa tay, dễ sử dụng – và họ chọn hòn “đẹp” trong số đó. Tiện dụng – có ích lợi cho đời sống, cho sự sinh tồn là sản phẩm đầu tiên của cái rìu đá. Họ thấy nó đẹp – vậy cái “đẹp” thoạt kỳ thủy gắn với cái có ích. Ích lợi ở đây là ích lợi cụ thể dễ cầm, dễ bửa, chẻ, chặt. Song sự gắn làm một của cái “đẹp” và cái “có ích” chỉ là một tích tắc. Họ ngạc nhiên rằng khi có hai hòn đá ích lợi như nhau, họ chọn hòn đá “dễ coi” hơn là đá đẹp hơn. Cái đẹp thị giác ở đây đã gắn với cái “dễ coi” và đi bước đầu tiên xa lìa cái có ích cụ thể.
Tại sao vậy? Tại sao một hòn đá này lại đẹp hơn hòn đá kia dù ích lợi của nó như nhau? Chắc chắn bên cạnh sự xét đoán lô-gic sơ khai của họ, cảm xúc đã có vai trò nhất định trong sự chọn lựa này. Họ đã “sáng tạo” khi quyết định lấy hòn đá đẹp hơn. Họ đã lồng cảm xúc vào đó. Có thể nó có dáng dài dài bầu bầu như trái vú đàn bà, có làn da đá nhẵn mát như cơ thể người đàn bà họ ham muốn. Hòn đá khác lại có vẻ như cái cây che mát cho họ. Hòn đá khác nữa gần như con voi, con hươu mà họ săn bắn được. Sự liên tưởng: tức sự đồng nhất trong tinh thần một đối tượng cụ thể (hòn đá) với những cái mình đã sống qua, tức những kỷ niệm nhẽ ra đã bị lãng quên – tạo cho họ sự khoái thú. Cái khoái thú này khác hẳn cảm giác khoái thú của bàn tay sờ lên bộ ngực ấm áp, của cái lưỡi nếm vị ngọt bùi, của cái mũi ngửi hương thơm hoa dại, của con mắt nhìn cảnh trăng lên… Nó khác hẳn cảm giác khoan khoái, thỏa mãn cụ thể khi ăn, uống, hít thở và âu yếm nhau. Và họ có nhu cầu hưởng cái khoái thú “tinh thần” đó. Và thoạt đầu nó không phân biệt với các khoái thú ngũ quan cụ thể là bao. Họ chưa phân biệt được điều đó vì họ tin giấc mơ là một phần có thật của đời sống hàng ngày (khoa học hiện đại đã chứng minh họ có lý còn người văn minh chúng ta đã nhầm lẫn thô bạo). Họ đã thay thế những khoái thú ngũ quan cụ thể bằng những khoái thú ngũ quan được chuyển dịch sang dạng tinh thần – tức không gắn với một đối tượng vật chất cụ thể. Sự liên tưởng mang lại cho họ khoái cảm đó. Sau này chúng ta tách bạch ra, ta biết rằng hai người hôn nhau trên một trang giấy in, trên một tấm vải vẽ, trên một khối đá cẩm thạch của A.Rodin không phải là cái hôn thật. Song người nguyên thủy tin thấy rằng đó là cái hôn thật, tin rằng dù trên đá, dù trên vải, dù chỉ có chữ in họ cũng đã hôn nhau. Họ nói chuyện với đá gỗ và vỏ cây, nói chuyện và đồng cảm với chim muông, cầm thú mà không thấy đó là lạ. Ai làm chúng quên tiếng người đi như hiện nay – chính là nền văn minh. Đứa con gái ba tuổi của tôi khi nhìn một tờ báo ảnh in bánh ngọt nó nói thèm ăn. Bảo nó ăn đi thì nó trả lời: muốn ăn nhưng sợ giấy dính vào mồm. Như vậy nó vừa thấy cái bánh trên giấy là bánh thật vừa thấy tờ báo là giấy thật mà không ý thức được cái bánh trên giấy như người lớn.
Nhưng sự đồng nhất cảm giác tinh thần với những khoái cảm ngũ quan cụ thể không những không sai, khoái cảm ngũ quan cụ thể không ấu trĩ mà nó còn sâu sắc và vĩnh cửu. Chính ở tâm lý trần trụi, “thô thiển” đó nghệ thuật đã ra đời. Khi bắt đầu biết liên tưởng như vậy thì sự khoái thú của người nguyên thủy được nâng lên gấp đôi. Sự liên tưởng một mặt làm cho họ “sống lại” những cảm giác khoái thú cụ thể. Họ đã ăn một miếng ngon, nằm bên một người đẹp – nay nhờ một hòn đá mà họ được ăn, ngủ một lần nữa. Sự liên tưởng làm cho cảm giác ngũ quan thô sơ trở nên bất tử và cao siêu. Sự liên tưởng lúc đó như một vật thay thế cho cảm giác thực. Nó thay thế được vì nó cũng thực không kém việc ăn và ngủ thực. Hơn thế nữa khoái cảm đó không mất đi, không nguội lạnh khi nhu cầu ăn và ngủ cụ thể được thỏa mãn cụ thể. Chính đây là sự hấp dẫn của liên tưởng. Một khoái cảm sẽ không còn là khoái cảm nữa khi nó được thỏa mãn. Liên tưởng gây cho ta một khoái cảm không được thỏa mãn cụ thể và trực tiếp do vậy vẫn mãi mãi là một khoái cảm. Khi nói từ mãi mãi ta đã kéo trục thời gian theo một hướng tới tương lai. Ta khoái thú mãi, tức là sau bây giờ ta còn khoái thú.
Như vậy sự liên tưởng nêu trên, gây ra bởi một hòn đá ngẫu nhiên nào đó không chỉ có chức năng gợi nhớ lại cái đã qua mà nó còn nuôi cái đã qua đó, cấy trồng nó vào tương lai. Chỉ có như vậy một hòn đá đẹp mới gợi nhớ một miếng thịt ngon, một tấm lưng đẹp – đồng thời làm cho tấm lưng và miếng thịt kia không tiêu tán đi trong hiện tại như miếng thịt thú rừng và tấm lưng trai tráng cụ thể. Nuôi dưỡng khoái cảm, dành cho nó tương lai là một chức năng quan trọng bậc nhất của liên tưởng Quả núi giống con voi, đám mây giống bông hoa hay thân người thiếu nữ. Điều đó có nghĩa là con voi, đóa hoa, thân người đàn bà không mất đi trong ta. Nuôi dưỡng khoái cảm vốn là cụ thể đã qua của ngũ quan là một chức năng cao cả của nghệ thuật. Con người cần điều đó vì họ vốn hay lo cho ngày mai như đã nêu ở phần trên.
Đến đây những hoa văn trên rìu đồng Đông Sơn đã xa lìa lợi ích cụ thể của cái rìu dùng để chặt bửa, chẻ v.v… Chúng trở nên thừa trên thân rìu, chúng trở nên không cần thiết cho cái rìu. Điều đó làm cho cái rìu không còn đơn thuần là cái rìu một công cụ để chặt, bửa, chẻ nữa. Chúng – các hoa văn – trở nên vô ích! Ích lợi cụ thể của cái rìu xa lìa các hoa văn vậy mà các hoa văn đó vẫn bám chặt trên lưng cái rìu như đứa con địu sau lưng mẹ. Đứa con đó cần cho tương lai, gợi nhớ lại quá khứ của ta. Ích lợi cụ thể được tách ra khỏi một thứ ích lợi “trừu tượng” vốn sinh ra từ những ích lợi cụ thể và xa lạ với cái rìu nhưng lại thân thiết gắn bó với người dùng cái rìu. Các hoa văn gây những liên tưởng. Thoạt đầu nghệ thuật bám trên lưng các công cụ sản xuất, các vật dụng hàng ngày như con bám trên lưng mẹ. Mỹ thuật nguyên thủy đã chứng minh điều đó.
Thế rồi ngoài các công cụ lao động cụ thể, ngoài lao động sản xuất con người vẫn làm những việc khác – Thí dụ như tế lễ trời đất – Phục vụ việc này cũng có các “hoa văn”. Và xa hơn nữa ngay cả lúc không tế lễ, không lao động sản xuất họ cũng cần những khoái thú kia. Con người bắt đầu tạo ra những vật – Không phải công cụ lao động sản xuất hay công cụ lao động tinh thần. Họ làm ra những vật chỉ có một chức năng duy nhất là tạo ra cái khoái thú ngũ quan qua con đường liên tưởng. Họ cần một hình vẽ hoa để gợi nhớ và vĩnh cửu hóa cảm giác về hoa, về một cuộc tình tự trên đồng hoa, về những con bướm bay trên đồng hoa, về đám mây trời khi mùa hoa nở v.v… và v.v… Và thế là họ vẽ một bông hoa. Và họ có một tác phẩm nghệ thuật. Phải nói lâu lắm con người mới đi tới bước này. Song thực tế không khi nào nghệ thuật chỉ có một chức năng phục vụ một cái gì đó (dù đó là lao động cụ thể hay hoạt động tinh thần). Ngay từ đầu khi con người thành người họ đã biết liên tưởng một cách có ý thức. Tác phẩm nghệ thuật thuần túy là tranh, tượng để thờ cúng, đồ trang sức làm đẹp cho thân thể. Nó không chỉ có giá trị nhờ sự thờ cúng. Vì ngoài buổi tế lễ ra người ta vẫn thấy chúng đẹp và gây khoái cảm. Tôn giáo là một cách lo cho ngày mai. Nghệ thuật là một cách làm sống lại quá khứ và nuôi dưỡng ngày mai. Là sản phẩm tối cao của cảm xúc ngũ quan. Khoái thú thẩm mỹ – tức khát vọng về cái đẹp trở thành khoái thú của một giác quan thứ 6, tổng hòa các khoái thú cụ thể của ngũ quan.
Và khi đã là một nhu cầu “khách quan”, tác phẩm không cần một cái cớ tồn tại nào khác. Cùng với sự phát triển của nhân loại – khoái thú thẩm mỹ có cơ sở cốt tử như nhu cầu ăn, mặc, ở, và tình dục, rất tự nhiên. Nghệ thuật nghiễm nhiên có một vị trí không tranh cãi được từ khi con người thành người.
Ta hãy trở lại các ý kiến trên để định nghĩa cái đẹp là gì?
Cái đẹp là cái gây khoái thú – liên tưởng về những cái đã qua có ích thiết thực – và kéo dài các khoái thú về sự thiết thực ban đầu được tích lũy từ từ, cẩn trọng và kín đáo qua một thời gian dài của một con người, một thế hệ hay một giống nòi. Cái đẹp do vậy không gắn liền với cái sung sướng, cái khoái cảm theo nghĩa bình thường. Một người thân chết, ta không khoái thú mà ta đau khổ. Vì ta đau khổ mà ta là người. Một tác phẩm nghệ thuật gợi nhớ nuôi dưỡng cái cảm giác đau – khổ – để – trở – thành – người. Đó là một cái đẹp. Vậy sự liên tưởng – gợi nhớ cái đã qua – nuôi dưỡng cái đó cho ngày mai – ở đây là sự nuôi dưỡng cảm giác đau khổ khi một người thân yêu qua đời. Chính hành vi tâm lý – hành vi đau khổ để thành người này là hậu quả của tác phẩm mỹ thuật. Nó là cốt lõi của tác phẩm. Không lạ khi bức tranh về người mẹ chết bi thảm có thể gây ra một khoái cảm thẩm mỹ lớn hơn bức tranh vẽ một đóa hoa hồng. Tại sao vậy? Vì chất bi kịch ở đây gợi nhớ và nuôi dưỡng một cảm giác thực sự con người – chỉ có con người mới có và cần có. Không ngẫu nhiên nhiều nhà mỹ học coi cái bi kịch là mẹ đẻ của nghệ thuật. Buồn là gốc của cảm xúc thẩm mỹ. Một lý do là: vì biết buồn mà con người cao hơn hẳn các sinh vật khác. Biết buồn – tức biết thành người, biết nuôi dưỡng cảm giác cao quý. Tại sao tôi cần phải xúc động trước một cái chết của người khác. Vì tôi ý thức được cái chết của chính mình – Vì tôi lo cho ngày mai – Sợ cái đích cuối cùng sẽ tới tức cái chết. Song tôi không vì vậy mà không hoan hỉ và sung sướng bởi khoái cảm ngũ quan. Tôi vượt thắng cái chết nhờ những khoái cảm đó cụ thể còn hàng ngày. Nghệ thuật giúp tôi gợi nhớ và nuôi dưỡng cái khoái cảm này. Nghệ thuật giúp tôi vượt thắng cái chết. Do vậy nghệ thuật thuộc vào tài sản di truyền của con người. Ngôi nhà có thể đổ, tòa thành có thể lở, cái rìu đồng có thể hoen rỉ. . . Chỉ có cái sự gợi nhớ và nuôi dưỡng khoái cảm, là vẫn còn độ. Nghệ thuật tự nó sinh ra nó cùng với con người, sinh ra con người.
Ở đây ta chú ý hai điểm. Như vậy khoái thú nghệ thuật nuôi dưỡng ý muốn làm người cùng với nỗi lo âu và niềm vui của con người. Chỉ có con người mới có khoái thú thẩm mỹ này. Do vậy nhân đạo là bản chất của nghệ thuật. Cái gì phản con người phủ nhận con người không thể là nghệ thuật. Cái gì xa lạ với niềm vui sống và nỗi lo sợ trước cái chết của con người đều phi nghệ thuật.
Mặt khác các liên tưởng – gợi nhớ và nuôi dưỡng xúc cảm ngũ quan không những bất tử và không bị triệt tiêu cụ thể mà mãi mãi là một hoài vọng có tác dụng làm mới mọi cảm xúc. Chúng được nâng cánh bay xa khỏi tầng phản xạ có điều kiện thuần túy sinh vật. Con người muốn ăn ngon không phải chỉ vì đói – không phải chỉ vì muốn ghi nhớ hay kéo dài cảm giác mà còn vì nó biết vượt khỏi cảm giác khoái thú sinh học. Do vậy nghệ thuật khác với khoái cảm ngũ quan ở chỗ nó là một thứ khoái cảm gắn liền với khoái cảm ngũ quan nhưng lại hoạt động theo một hệ thống tinh thần phức tạp thăng hoa từ đời sống ngũ quan. Nghệ thuật là vật chất và tinh thần giống như con người là tự nhiên và xã hội vậy.
Nghệ thuật gợi nhớ những khoái cảm ngũ quan và nuôi dưỡng nó. Nhưng nếu chỉ như vậy nghệ thuật sẽ trở thành một thứ “thủ dâm” thỏa mãn một nhu cầu thực bằng một sự thỏa mãn ngụy tạo. Cao hơn nữa nghệ thuật đã sinh ra một nhu cầu nghệ thuật thực sống như cái hoa văn trên chiếc rìu đồng Đông Sơn bám trên lưng cái rìu. Rồi sau đó nó tách hẳn ra. Bước một là: Cái rìu đồng vẫn là rìu – Cộng với hoa văn nó trở nên một nghi trượng, một đồ tế lễ, một cái rìu đặc biệt, không còn dùng để chặt, bửa, chẻ nữa. Song vẫn là cái rìu. Bước thứ hai là: hoa văn trưởng thành không cần bám vào lưng cái rìu – dù là rìu ước lệ, rìu nghi trượng mà trở thành một đối tượng độc lập. Tự có vị trí trong đời sống. Tự đời sống cần những hoa văn “vô tích sự” kia.
Khoái cảm thẩm mỹ sinh ra từ khoái cảm ngũ quan. Bước một của liên tưởng là gợi nhớ cái khoái cảm ngũ quan kia. Bước hai là quên lãng khoái cảm ngũ quan đó đi. Tự trở thành một nhu cầu độc lập. Cái đẹp tách ra khỏi cái có ích và nó tồn tại trong đời sống ở chỗ đời sống cần sự dư thừa, cần tính trò chơi, cần tính trường cửu và mọi cái cụ thể đều không trường cửu, đều không có mục đích, có lợi ích trực tiếp. Văn minh lìa xa cái ích lợi cốt lõi nhưng văn minh đẻ ra cái ích lợi cao cả, siêu việt khác – tưởng như không liên quan gì đến cái ích lợi cốt lõi ban đầu sinh ra nó. Càng văn minh càng nhiều cái vô ích, cái không có mục tiêu – bởi vì càng văn minh con người ta càng sợ chết càng yêu đời sống, càng yêu đời sống càng làm cho đời sống phức tạp, hay ho, thú vị và đáng sống. Đời sống cần sự dư thừa. Sự dư thừa về tinh thần, về khoái cảm là sự dư thừa cao quý nhất, mang lại hạnh phúc cao cả nhất vì nó nhắc nhở con người là người và con người bất diệt. Đó là đất sống và bản chất của nghệ thuật.
“Đáng tiếc” là nghệ thuật lại là sản phẩm muốn hay không cũng có tính chất xã hội và đã có tính xã hội, của mọi người thì nó cũng hay bị gán cho một tính mục đích. Gán như vậy không chủ quan mà là sự “gán ghép” khách quan. Nó bị cột vào với kinh tế, chính trị, đạo đức và tôn giáo. Nhưng không khi nào nó là đồ trang sức cho ba con ngựa kia. Mà nghệ thuật tự nó là con ngựa nữa trong cỗ xe tứ mã của văn minh. Nghệ thuật thường được gán vào mục tiêu chính tả, đạo đức, tôn giáo. Song đó là một thực thể nhị nguyên: một mặt nó không thể tách khỏi các thứ kia, mặt khác nó không gộp nhập làm một với chúng. Tuy nhiên cái mục tiêu của nghệ thuật là gì thực khó mường tượng. Nó như không khí rất cần mà không cầm nắm được. Nó len lỏi, không lời mà không ai không thấy nó cụ thể. Chỉ khi thiếu nó thì người ta mới ngỡ ngàng như rơi vào chân không.
Nếu nghệ thuật là vũ khí đơn thuần – điều này đúng khi xu thế xã hội cần cách mạng thì nó chỉ là công cụ và khi mục tiêu chính trị, tôn giáo đạt được rồi thì pho tượng đáng đập đi, tranh đáng đốt đi. Lý tưởng tư sản đã được thực hiện, thậm chí đi vào suy đồi thì tranh Raphael, Leonardo, tượng Donatello, Michelangelo đáng bị tiêu hủy nếu chúng chỉ là phương tiện. Như vậy nghệ thuật có hiệu quả của một phương tiện nhưng không đơn thuần là phương tiện mà có sự tồn tại tự thân.
Nếu nghệ thuật rao giảng đạo đức – “văn dĩ tải đạo” – thì khi đạo đến bến rồi, mục đích đạo đức đã thực thi trong đời sống trong cách ứng xử của mọi người, thì tranh, tượng. . . đáng bị tiêu hủy. Các tác phẩm thời kỳ nào cũng tồn tại thực và có thể có giá trị thời sự và không khi nào có cái cũ, cái lạc hậu, cái đáng xóa bỏ nếu nó là nghệ thuật chân chính.
Vậy nghệ thuật tự nó có đời sống. Đời sống tinh thần và tình cảm của con người phải chăng là “sự phản ánh” đời sống vật chất và cảm giác ngũ quan? Hay nó là sản phẩm phái sinh của đời sống đó? Nó xuất phát từ đời sống đó bởi nếu không nó xuất phát từ đâu? Song nó không phải tấm gương đơn thuần phản ánh mà cũng không phải sản phẩm phái sinh. Nó tạo ra một đời sống riêng biệt. Một đời sống cần thiết, nuôi dưỡng, huyền ảo và bí hiểm, hấp dẫn không kém đời sống vật chất và khoái cảm ngũ quan cụ thể. Nghệ thuật không phải là kết tinh của trực giác mặc dù nó xuất phát từ trực giác. Nó cũng không là kết tinh của lý trị mặc dù nó cần lý trí. Một bức tranh không phải chỉ để người xem có khoái cảm thị giác thay thế những kỷ niệm thị giác, hoặc những liên tưởng go kỷ niệm thị giác đó gây ra. Vạt cỏ xanh trong tranh không chỉ làm nhiệm vụ gợi nhở một bãi cỏ, một cảm giác về bãi cỏ hay gợi nhớ một tình tự trên bãi cỏ xưa kia. Tự nó mang lại cho người xem một bãi cỏ mới. Với nó người ta không sống một đời sống khác bổ sung cho đời sống thực, không rộng cẳng mà đi dạo mọi thế giới tìm một thực tế đời sống muốn với mà không tới được, đã mất đi mà muốn có lại. Nó cho ta một thế giới mới. Nó trở thành một bộ phận của đời sống thực. Do vậy cái đẹp, cái có ích, cái nhân đạo gắn bó với nhau nhưng không đồng nhất với nhau. Chúng có những khu vực giao nhau, luôn vẫn cần tới nhau và giữa chúng có những dây tơ đằm thắm ban đầu.
Nghệ thuật sinh ra từ đời sống cụ thể, từ cảm thức ngũ quan, từ khoái cảm trực giác, từ nhu cầu tinh thần (tức bộ phận sản phẩm của vật chất được tổ chức cao độ, như đứa con sinh ra từ cha mẹ. Nhưng đứa con đó có số phận và đời sống riêng vừa phụ thuộc vừa độc lập với cha mẹ nó. Nó không chỉ giống cha mẹ và kế thừa trực tiếp mà còn có khả năng giống tổ tiên xa xưa của nó và qua nó có cái dây chuỗi dọc thời gian được hình thành).
Nếu hỏi rằng nghệ thuật là gì? Thì chỉ có thể nói nghệ thuật là sự dưỡng sinh nòi giống, dưỡng sinh dân tộc, dưỡng sinh đời sống thực tại đã sản sinh ra nó. Nó có tác dụng vũ khí, có tác dụng phương thuốc (Lỗ Tấn có lý, song chỉ có lý một phần) nhưng nó không thể chỉ là vũ khí, là thuốc quăng đi khi trận chiến đấu đã xong căn bệnh đã hết và cũng không chỉ là thứ thức ăn khoái khẩu không có ích lợi gì. Văn minh vật chất trên nền tảng sản xuất và tiêu thụ, với kỹ thuật và sự tham gia của khoa học tự nhiên chịu một quy luật tiến bộ phủ định trực tiếp – theo cách kế thừa. Những kiến thức thời nguyên thủy, thời Newton trở nên lạc hậu và sau này Einstein cũng sẽ lạc hậu. Cái khung cửi và máy hơi nước tiến bộ hơn lưỡi rìu đá và đã lạc hậu so với máy tính điện tử và máy bay phản lực. Đời sống vật chất – ở khía cạnh tiêu dùng cũng vậy: tiện nghi của chúng ta hơn hẳn vua chúa thời cổ. Sản phẩm văn hóa không tuân thủ quy luật đó. Ở đây chỉ có sự “tiến bộ” nếu ta gắn nó vào với lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội. Bản thân nghệ thuật gắn bó với từng giai cấp, tùy thuộc vào các giai đoạn tiền bộ hay suy đồi của giai cấp đó. Xét ở khía cạnh giai cấp, tức từ góc độ chính trị hay kinh tế thì nghệ thuật của giai cấp công nhân phải tiến bộ hơn nghệ thuật của giai cấp tư sản. Song chắc chắn không có tác phẩm nào của nghệ thuật Xô-viết sánh nổi với các tác phẩm xuất Sắc thời Phục Hưng. Thời Phục Hưng phủ nhận nghệ thuật trung cổ nhưng với chúng ta nghệ thuật trung cổ có cái siêu việt hiếm có. Nghệ thuật của các dân tộc Tây Âu hay Bắc Mỹ không “tiến bộ” hay “đẹp” hơn nghệ thuật cổ Mỹ da đỏ hay nghệ thuật của thổ dân da đen. Ngay những hình vẽ trên hang động của người cổ đại ở Pháp và Tây Ban Nha vẫn mang lại cho ta khoái cảm thắm mỹ thực sự. Và chúng không kém Picasso, Dali Salvador hay Orozco Jóse tý nào. Như vậy nghệ thuật có số phận riêng – nó như con người. Khó nói được về mặt nhân bản thời cổ đại con người “tốt” hơn hay giờ đây chúng ta “tốt” hơn, bởi đó là điều không thể so sánh. Đời sống có sự phủ nhận nhưng giá trị của đời sống thì không bị phủ nhận. Nghệ thuật thuộc vào cái phần thăng hoa đó. Tác phẩm nghệ thuật là cái nhằm đi tới bản chất người. Và môi thời có con đường do thời đó sinh ra và quy định để đi tới hạt nhân đó. Nghệ thuật cũng như đời sống của ta luôn tồn tại, tìm mới bản tính người của giống nòi và nhân loại – mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Tác phẩm lớn luôn chứa cái hạt nhân đó vì vậy luôn đồng đẳng với nhau dù chúng được sinh ra ở thời đại nào. Bằng chứng của sự đồng đẳng đó là sự xúc cảm của ta với tác phẩm của mọi thời đại. Nghệ thuật bộc lộ nỗi đau và nguồn vui của con người – sự lo sợ cho ngày mai một cách cay đắng, hoan hỉ hay cuồng nhiệt tùy từng thòi kỳ – Mà nỗi đau, nguồn vui . . . đó là trường cửu không bao giờ xưa cũ, xa lạ với mỗi người chúng ta.
Mỗi người là một nhân loại. Đó là cái gốc làm cho nghệ thuật có cớ tồn tại mãi. Nghệ thuật đó chính là hơi thở của đời sống. Ở tác phẩm nghệ thuật loài người có một đời sống khác, họ hiện diện ở một dạng đặc biệt và trở nên trường cửu. Nghệ thuật do vậy cũng giống như bản năng sinh sản, nam yêu nữ, nó là một hạt nhân di truyền văn minh của con người. Chính ở chỗ giống như bản năng sinh sản, nghệ thuật bộc lộ nghĩa vụ cao cả của con người tức nghĩa vụ đối với giống nòi.
S.T