⠀
Một câu chuyện về giá trị chân chính của nghệ thuật
Marcus và Francis là hai học trò xuất sắc nhất của một họa sỹ nổi tiếng trong vùng. Khi vị họa sỹ già qua đời, ông đã rất mãn nguyện vì cả Marcus và Francis đều đã có những thành công nhất định trong làng hội họa trong nước.
Marcus muốn đi xa để phát triển sự nghiệp riêng, anh nói với Francis: “Tôi muốn đi xa một thời gian để phát triển sự nghiệp của mình. Tôi có lời hẹn, 10 năm nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đây và mang theo tác phẩm xuất sắc nhất của mình, lúc ấy chúng ta sẽ phân thắng bại một lần nữa nhé”. Francis vui vẻ nhận lời và họ chia tay nhau.
Marcus đi rất xa, anh đi ngao du khắp nơi trên thế giới để chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, quan sát cuộc sống khác nhau, từ đó những bức tranh mỗi ngày một đẹp hơn đã ra đời, danh tiếng của anh bay xa, tranh của anh lúc nào cũng bán hết. Marcus rất hài lòng với những thành tựu mình đã đạt được, những danh hiệu, những giải thưởng, được tôn vinh và tung hô, anh mãn nguyện tận hưởng.
Rồi ngày hẹn cũng đã tới, Marcus tự tin đem bức tranh được đánh giá cao nhất của mình, bức tranh được trả giá gần một gia tài, đến nơi hẹn với Francis. Khi Marcus đến nơi thấy bạn mình đi tay không, chẳng có bức tranh nào mang theo. Vì nóng lòng muốn so tài nên Marcus hỏi ngay về bức tranh, Francis cười đáp: “Tranh của tôi không mang tới đây được”.
Rồi Francis dẫn Marcus đi vào từng con ngõ nhỏ, nơi hai người đã từng có những tháng ngày học tập bên nhau, càng đi Marcus càng kinh ngạc, tranh của Francis hiện diện ở khắp nơi, trên những bức tường, trên các ngôi nhà, các công trình kiến trúc công cộng, mỗi bức tranh mang một màu sắc, sống động và đẹp mắt vô cùng. Các tác phẩm của Francis xuyên suốt khắp các con đường, ngõ phố, tạo cho nơi này một cảm giác ấm áp, yên bình và góc nào cũng giống như một không gian nghệ thuật rực rỡ.
Nơi đây là một vùng quê xa, người dân rất thô mộc nhưng khi trở lại đây, Marcus bỗng nhận ra dường như họ đã thay đổi, mỗi người anh gặp đều lịch sự, nhẹ nhàng, nho nhã, lễ phép, gặp nhau đều chào hỏi với nụ cười tươi tắn trên môi và nhất là ai gặp Francis cũng rất hồ hởi chào anh một cách trìu mến với vẻ biết ơn. Marcus hỏi bạn: “Anh vẽ nhiều như thế này chắc kiếm bộn tiền nhỉ?”.
Francis lắc đầu cười đáp: “Tôi cũng định đi xa để phát triển sự nghiệp giống như anh nhưng nghĩ lại về người thầy với công dạy dỗ và mảnh đất mình đã gắn bó nên tôi quyết định đem những gì đã được dạy tặng lại nơi đây. Khi tôi vẽ những bức tranh đầu tiên, những người dân nơi đây đã rất kinh ngạc, họ đã bị cái đẹp của nghệ thuật lôi cuốn và họ đề nghị tôi vẽ tiếp và trả tiền nhưng tôi không lấy một đồng nào, tôi chỉ cần họ cho tôi ba bữa ăn mỗi ngày”.
“Trời ơi, cơ hội kiếm tiền tốt như vậy mà anh bỏ qua? Anh bị làm sao vậy?”. Francis vẫn mỉm cười, nói tiếp: “Tôi có cả gia tài lớn đó chứ. Những người dân thô mộc, cục cằn vì cuộc sống khó khăn khi được sống trong không gian nghệ thuật, được nhìn thấy cái đẹp mỗi ngày, họ không biết nói những lời khen tặng hoa mỹ nhưng họ thay đổi mỗi ngày, tự tin hơn, thân thiện hơn, thiện lương, biết yêu thương nhau hơn và tốt lên mỗi ngày. Tôi thấy mình giàu có”.
Nghe bạn mình nói xong, Marcus thấy hổ thẹn, từ trước giờ anh chỉ lấy tiền làm thước đo cho sự thành công, giàu có, luôn ngạo mạn hiếu thắng, cho nên anh luôn thấy mình không đủ, giờ anh đã hiểu ra rằng: Giá trị chân chính của nghệ thuật là cống hiến cho con người cái đẹp thật sự được nhận ra từ trong tâm con người ta, vẻ đẹp chân thiện mỹ để giúp cho cuộc sống nở hoa vĩnh cửu.
Theo AN NINH THỦ ĐÔ
Tags: Quan điểm sống, Mỹ học