⠀
Một cái nhìn về chất thơ trong điện ảnh
Chất thơ trong điện ảnh là mối quan tâm của nhiều nhà làm điện ảnh, vì đây là một trong những yếu tố quan trọng đem lại sự độc đáo, hấp dẫn đối với tác phẩm điện ảnh.
Quá trình ra đời và phát triển của điện ảnh được đánh dấu bởi sự xuất hiện của các trường phái điện ảnh, mỗi trường phái lại có cách thể hiện nghệ thuật riêng và mang đậm phong cách của nền điện ảnh nước đó, chúng ta có thể nhắc đến: Chủ nghĩa biểu hiện Đức ; Chủ nghĩa ấn tượng ; Chủ nghĩa hiện thực Thơ mộng và Chủ nghĩa siêu thực Pháp ; Điện ảnh trí tuệ…
Song song với sự phát triển về số lượng phim, các nhà điện ảnh đã dần hoàn thiện chất lượng nghệ thuật điện ảnh, một trong những phong cách sáng tác trong thời kì đầu của điện ảnh là phong cách thơ. Sự phát triển của điện ảnh thơ thực chất là làm phong phú thêm cách thể hiện của điện ảnh. Chất thơ hiện diện trong các yếu tố của tác phẩm. Sự xuất hiện của chất thơ trong điện ảnh không chỉ có ở các nước như Pháp ; Nga ; Trung Quốc ; Iran ; Hàn Quốc hay Việt Nam. Mà phạm vi của chất thơ là rất lớn. Bản chất của chất thơ trong điện ảnh là giống nhau nhưng tùy vào sự sáng tạo của người nghệ sĩ mà chất thơ được biểu hiện nhiều hay ít trong phim.
Vậy Thơ là gì ? Và như thế nào là một bộ phim Thơ?
Theo Giáo sư Hà Minh Đức: “Thơ là một thể loại văn học nằm trong phương thức trữ tình nhưng bản chất của thơ lại rất đa dạng, với nhiều biến thái và màu sắc phong phú. Thơ tác động đến người đọc bằng nhận thức cuộc sống và bằng khả năng gợi cảm sâu sắc vừa trực tiếp với những cảm xúc suy nghĩ cụ thể, vừa gián tiếp qua liên tưởng và những tưởng tượng phong phú“[ Nhiều tác giả – Lý luận văn học – trang 165 – NXB Giáo dục – Năm 1999] vừa theo những mạch cảm nghĩ, vừa bằng sự rung động của ngôn từ giàu nhạc điệu:
Như vậy Chất thơ trong văn học có thể nói là chất trữ tình của ngôn từ, về nội dung phải có nhiều cảm xúc, hướng tới cái nên có, phải có đối với cuộc sống và con người. Về hình thức phải giàu hình tượng (không chỉ trình bày vấn đề bằng những khái niệm, phán đoán, suy luận, trừu tượng khô khan, mà còn cần có những hình ảnh, những bức tranh sinh động về cuộc sống và con người cụ thể) và nhạc tính (giàu tính nhạc, chất nhạc, với tiết tấu đa dạng)
Thơ luôn hiện diện trong tất cả các loại hình nghệ thuật như văn học, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, sân khấu, điện ảnh…mỗi loại hình nghệ thuật lại có cách biểu hiện khác nhau nhưng cùng chung một nhiện vụ là truyền tải phần hồn của tác phẩm.
Nhà biên kịch Bành Bảo khi viết về phong cách thơ trong Con chim vành khuyên và phong cách tự sự trong Chị Tư Hậu thì cho rằng: “Thơ và tiểu thuyết là hai thể loại văn học, lấy chữ làm công cụ tác động vào trí tưởng tượng của người thưởng thức. Còn phim lại sử dụng tổng hợp công cụ của nhiều loại hình nghệ thuật không gian và thời gian, tác động vào người thưởng thức bằng những chi tiết cụ thể, mắt trông thấy được, tai nghe thấy được. Mượn hai thuật ngữ thơ và tiểu thuyết để phân định hai thể loại phim chỉ là căn cứ vào chỗ tương đồng trong phong cách sáng tác giữa nhà điện ảnh với nhà văn hay nhà thơ mà thôi”[ Nhiều tác giả – Lịch sử Điện ảnh Việt Nam (Sơ thảo) – trang 174 – Cục Điện ảnh – Năm 1983]
Mượn thuật ngữ Thơ để chỉ các tác phẩm điện ảnh có chất thơ, cũng chính là mượn cái nội dung trữ tình đó của thể loại. Vì vậy trong các tác phẩm Điện ảnh thơ chúng ta thấy rất rõ những cảm xúc chủ quan của tác giả được lồng trong cốt truyện, trong tính cách nhân vật, trong khung cảnh thiên nhiên và cả trong những tình huống mang tính kịch. Điện ảnh sử dụng ngôn ngữ riêng của mình, đó là ngôn ngữ đặc biệt tổng hợp được tạo ra bởi hình ảnh, động tác của máy quay, ánh sáng, phục trang và bối cảnh, âm thanh, dựng phim, thời gian, không gian, lời thoại và những phương pháp bổ sung dẫn truyện…Tính đặc biệt của nó không chỉ thể hiện ở việc nó được tạo ra mà còn ở chỗ người ta cảm nhận nó. M.Martin viết về ngôn ngữ đặc biệt này như sau: “Người ta cảm nhận nó không chỉ bằng tai bằng mắt mà còn bằng cảm xúc và bằng trái tim”[ Macrcel Martin (1994), Ngôn ngữ điện ảnh, Cục Điện ảnh xuất bản, Hà Nội].
Tính tổng hợp của điện ảnh còn bao hàm sự tổng hợp những cái hay nhất, cảm xúc tốt nhất của những người trong nhóm làm phim khi cùng nhau sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật của mình.
Ở những nước khác nhau, trong những thời kỳ khác nhau, trong những bộ phim khác nhau của các đạo diễn khác nhau. Người ta dùng những thuật ngữ (danh từ) khác nhau để nói về khái niệm chất thơ. Cũng ý nghĩa này người ta dùng danh từ Chủ nghĩa hiện thực thơ mộng, danh từ điện ảnh thơ, danh từ chất thơ…
Qua đó có thể khái quát là: Điện ảnh thơ là một xu hướng sáng tạo nghệ thuật được hình thành trong quá trình phát triển của điện ảnh. Về nội dung những bộ phim thơ phải có nhiều cảm xúc và trí tưởng tượng nghĩa là phải bay bổng, trữ tình, nên thơ. Về hình thức phải giàu hình tượng, được xây dựng trên nguyên tắc ẩn dụ, liên tưởng, gợi cảm xúc cho người xem.
Đối với điện ảnh thì chất thơ được thể hiện qua ngôn ngữ đặc trưng của điện ảnh và dùng các phương tiện biểu hiện, chất thơ trong điện ảnh hiện diện trong mỗi yếu tố của tác phẩm như: kịch bản, thiên nhiên trong phim, hình tượng nhân vật, âm thanh….và còn nhiều các yếu tố khác cũng đóng góp vào việc tạo nên cảm xúc, vẻ đẹp trữ tình của một tác phẩm. Sự phát triển của điện ảnh thơ thực chất là quá trình làm phong phú và đa dạng cách thể hiện của điện ảnh.
Lần đầu tiên khái niệm điện ảnh thơ xuất hiện trong điện ảnh Pháp đầu những năm 30. Người ta dùng danh từ Chủ nghĩa hiện thực thơ mộng để phân biệt với những bộ phim trước đó của Chủ nghiện hiện thực đời thường. Nếu những bộ phim làm theo Chủ nghĩa hiện thực đời thường như Điểm không về hạnh kiểm (Jean Vigo); Cậu bé có mái tóc màu cà rốt (Duvivier) …chỉ đơn thuần nói về hiện thực cuộc sống với những câu chuyện rất đời thường thể hiện các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, hay những câu chuyện xảy ra ở trường học. Còn những bộ phim được gọi là Chủ nghĩa hiên thực thơ mộng thì không đơn thuần chỉ nói về cuộc sống của những con người trong đời thường. Đặc điểm đầu tiên của những phim Chủ nghĩa hiện thực thơ mộng là nói về tình yêu, có thể là những tình cảm bay bổng, trữ tình, nên thơ, có thể là những khát vọng tình cảm của con người. Như vậy những bộ phim của Chủ nghĩa hiện thực thơ mộng vừa có cốt truyện phản ánh hiện thực cuộc sống, vừa có chất thơ bay bổng, trữ tình tác động trực tiếp đến cảm xúc của người xem.
Những bộ phim của Chủ nghĩa hiện thực thơ mộng đầu những năm 30 như Dưới những mái nhà Paris (Rene Clair) ; Con chó (Jean Renoir) ; Atalanta (Jean Vigo)…chúng ta có thể thấy chất thơ được thể hiện thông qua nội dung, đó là những câu chuyện tình yêu bay bổng, trữ tình, nên thơ và những mơ ước của con người được quay một cách dung dị. Nhưng về sau cách biểu hiện của điện ảnh thơ trở nên phong phú và đa dạng. Năm 1938 khi đạo diễn Marcel Carne cho ra đời bộ phim Bến cảng sương mù thì chúng ta có thể thấy sự thay đổi của nội dung khái niệm Chủ nghĩa hiện thực thơ mộng, từ việc thể hiện chất thơ trong nội dung, chất thơ được hoàn thiện và phát triển cả về hình thức thể hiện đặc biệt trong tạo hình của bộ phim.
Chất thơ trong điện ảnh Nga cũng như vậy. Trong phim Đất chất thơ được tạo nên bởi sự liên tưởng, gợi nhiều cảm xúc cho người xem. Về sau trong điện ảnh Nga không còn những bộ phim thuần túy như Đất mà chất thơ được phát triển phong phú hơn, đa dạng hơn. Chất thơ trong các tác phẩm về sau của Điện ảnh Nga như Bài ca người lính của đạo diễn Grigori Chukhrai; Khi đàn sếu bay qua của đạo diễn Mikhail Kalatozov; Tuổi thơ Ivan và Chiếc gương của Tarkovsk, không chỉ được tạo nên bởi cốt truyện độc đáo thể hiện tình yêu của con người trong chiến tranh, đó là tình yêu lứa đôi, tình yêu đối với gia đình và Đất nước. Những bộ phim này được làm theo một nguyên tắc mới. Nếu như chất thơ trong Đất của đạo diễn Dovzhenko là triết lý khách quan về cuộc sống và cõi vĩnh hằng thể hiện cảm hứng của tác giả về thiên nhiên, tình yêu, sự sống và cái chết, người xem được truyền cảm xúc, cảm nhận chất thơ bằng hình ảnh và chất thơ trong Đất được tạo nên bởi sự liên tưởng và gợi cảm thì đến những bộ phim như Khi đàn sếu bay qua ; Bài ca người lính ; Tuổi thơ Ivan các tác giả thổi vào đó một luồng không khí mới, ngoài sự liên tưởng và gợi cảm thì chất thơ còn được tạo bởi nguyên tắc đối lập. Bộ phim Chiếc gương thể hiện những mô tả, những suy nghĩ, cảm xúc, những kỷ niệm thời thơ ấu và kết hợp những giấc mơ. Tarkovsky đã sử dụng gợi nhiều liên tưởng về quá khứ, hiện tại, hay những cảm xúc về tình yêu, cảm giác tội lỗi và cả những sự mất mát, hy sinh – có thể nói bộ phim như một chiếc gương phản ánh tất cả những chuyện đang xảy ra trong gia đình, đất nước và cả Thế giới. Bộ phim Chiếc gương của Tarkovsky thực sự là một bài thơ điện ảnh.
Điện ảnh thơ xuất hiện như một trường phái nghệ thuật và được định hình trên cả mặt lý luận và thực tiễn ở một số nước như Pháp, Nga. Qua quá trình phát triển ngôn ngữ thể hiện rất phong phú và đa dạng điện ảnh thơ đã xâm nhập và ảnh hưởng lớn đến phong cách làm phim của một số đạo diễn của các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran…Các nhà điện ảnh thấy rằng chất thơ có cách biểu hiện đa dạng, tác động trực tiếp đến khả năng cảm thụ của khán giả, làm phong phú thêm ngôn ngữ điện ảnh trong tác phẩm. Một số bộ phim quen thuộc với người xem và có những biểu hiện của chất thơ như: Đường về nhà (Trương Nghệ Mưu) của điện ảnh Trung Quốc ; Xuân, Hạ, Thu, Đông…rồi lại Xuân ; Cánh cung (Kim Ki Duk) của điện ảnh Hàn Quốc và Những đứa trẻ Thiên đường (Majid Majidi) của điện ảnh Iran.
Trong điện ảnh Việt Nam cũng có rất nhiều bộ phim làm theo phong cách thơ. Tuy nhiên chất thơ trong điện ảnh Việt Nam không phát triển thành một thể loại phim thơ như trong điện ảnh Liên Xô, cũng không phát triển thành một trường phái điện ảnh như Chủ nghĩa hiện thực thơ mộng Pháp, mà chất thơ trong điện ảnh Việt Nam đã trở thành một phương tiện, một yếu tố trong ngôn ngữ điện ảnh. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của điện ảnh Thế giới, bởi về sau trong điện ảnh không còn tồn tại một thể loại thuần khiết như Điện ảnh thơ.
Từ bộ phim Con chim vành khuyên hàng loạt bộ phim khác làm theo phong cách thơ hay có những biểu hiện mang tính chất thơ được ra đời. Chúng ta có thể nhắc đến: Mẹ vắng nhà (Nguyễn Khánh Dư) ; Thị xã trong tầm tay và Bao giờ cho đến tháng mười (Đặng Nhật Minh) ; Nữ thần Laskmi (Nguyễn Văn Thông) ; Ba Mùa (Tony Bùi)… Các nhà làm phim vẫn áp dụng những nguyên tắc của điện ảnh thơ như: ẩn dụ, liên tưởng, so sánh vào trong các bộ phim của mình như một thủ pháp điện ảnh làm phong phú thêm ngôn ngữ thể hiện của điện ảnh.
Một trong những đặc điểm lớn của những bộ phim thơ đó là kết cấu thường theo vấn đề rất ít khi theo hệ thống sự kiện hoặc trình tự thời gian, phim thường ít thoại, không tả thực mà hướng tới cảm xúc về cái thực. Cái tôi sáng tạo của các tác giả bộc lộ ra trong tác phẩm là cảm xúc bộc trực. Cảm xúc chủ quan của tác giả trong điện ảnh thơ đóng vai trò chi phối toàn bộ tác phẩm, tạo ra phong cách riêng biệt không lẫn với các tác phẩm điện ảnh làm theo xu hướng khác.
Các tác giả luôn tìm tòi và sáng tạo ra các chi tiết để thể hiện những suy nghĩ của mình. Để biến những suy nghĩ đấy thành hình ảnh thì đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một cách cảm nhạy bén, đó thuộc về tài năng của mỗi người. Một tác phẩm điện ảnh làm theo phong cách thơ phải mang trong mình những tiêu chí nhất định, đó là những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng như: ẩn dụ, so sánh, tượng trưng, gợi nhiều liên tưởng, kết cấu tác phẩm thường dựa theo vấn đề hoặc theo cảm xúc, ý tưởng của tác giả. Trong các tác phẩm Điện ảnh thơ chúng ta thấy rất rõ những cảm xúc chủ quan của tác giả được lồng trong cốt truyện, trong tính cách nhân vật, trong khung cảnh thiên nhiên và cả trong những tình huống mang tính kịch. Nói đến chất thơ trong điện ảnh tức là đề cập tới tính chất của cảm xúc – trí tuệ mà tác phẩm đem lại cho người thưởng thức.
Có thể nói những yếu tố tạo nên chất thơ là những chi tiết nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn, góp phần tạo nên sự logic cho câu chuyện phim, một bộ phim làm theo phong cách thơ đòi hỏi người xem phải có sự liên tưởng về mặt cảm xúc, về tư tưởng để nhận ra ý đồ của tác giả. Vấn đề chất thơ không bó gọn trong một phương diện nào, khả năng thể hiện của điện ảnh thơ khá phong phú và đa dạng, Tuy nhiên cần phải khẳng định thêm rằng ở nền điện ảnh của từng nước đều có những cách thể hiện khác nhau về phương diện nghệ thuật và tên gọi dành cho chất thơ cũng khác nhau nhưng những biểu hiện của chất thơ trong tác phẩm điện ảnh thì hoàn toàn giống nhau. Chúng ta có thể xác định được những biểu hiện của chất thơ chủ yếu dựa vào ngôn ngữ đặc trưng của điện ảnh và dùng các phương tiện biểu hiện, chất thơ trong điện ảnh hiện diện trong mỗi yếu tố của tác phẩm như: kịch bản, thiên nhiên trong phim, hình tượng nhân vật, âm thanh, chi tiết hiển thị….và còn nhiều các yếu tố khác cũng đóng góp vào việc tạo nên cảm xúc, vẻ đẹp trữ tình của một tác phẩm.
Theo LÊ ĐÌNH TIẾN / VĂN CHƯƠNG VIỆT
Tags: Điện ảnh, Lý luận nghệ thuật