⠀
‘Lười đẻ nhất nước’, ‘chậm cưới nhất nước’
Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP HCM là 30,4 – mức kỷ lục tại Việt Nam. Đọc được tin này, bạn tôi bình luận: TP HCM không chỉ “lười đẻ nhất nước” mà còn “chậm cưới nhất nước”.
Tác giả: Ngô Tú Ngân, luật sư.
Những năm qua, độ tuổi kết hôn của TP HCM luôn cao nhất cả nước, vượt xa nhiều tỉnh thành khác, năm nay lần đầu vượt mốc 30. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nước cũng tăng dần thời gian qua, hiện ở mức 27,2.
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước như Nhật Bản (34), Italy (34), Pháp (32,9), Nauy (33,1), Đức (32,8), Australia (30,6). Xu hướng kết hôn muộn hoặc sống độc thân đang gia tăng không chỉ ở Việt Nam.
Kết hôn muộn dẫn đến sinh con muộn, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gây thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút, khiến gánh nặng an sinh xã hội ngày càng lớn. Tổng cục Thống kê dự báo, dân số Việt Nam từ 65 tuổi sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039, bước vào giai đoạn dân số già. Từ sau năm 2055, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm từ 20% đến dưới 29,9%.
Ở quy mô toàn thế giới, năm 1950, có khoảng 200 triệu người trên 60 tuổi, năm 2020, có 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên và theo dự báo, con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 (khoảng 1,5 tỷ người).
Thấy được mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của vấn đề, một số chính phủ đã bắt tay vào giải quyết bằng nhiều chính sách.
Nhật Bản hỗ trợ các cặp đôi mới kết hôn một khoản 600.000 yen (hơn 130 triệu đồng) nhằm trang trải tiền thuê nhà và các chi phí khác để ổn định cuộc sống. Nước này cũng lập ra Cơ quan Trẻ nhỏ và Gia đình vào tháng 4/2023, thu thập quan điểm của các chuyên gia và lắng nghe ý kiến của người trẻ về lý do họ không muốn lập gia đình, nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Ngoài gói hỗ trợ về tài chính, Nhật Bản còn ưu tiên các chính sách phúc lợi dành cho phụ nữ mang thai, sinh đẻ và chăm sóc con cái gồm: cung cấp lời khuyên và kiến thức về mang thai, điều trị vô sinh; đồng hành, tư vấn sau sinh; bổ sung dịch vụ hỗ trợ làm việc nhà, chăm sóc trẻ; thúc đẩy đàn ông tham gia nuôi dạy con và làm việc nhà…
Hàn Quốc tăng ngân sách để trang trải cho các hoạt động khuyến sinh, từ khoảng 2,1 nghìn tỷ won (1,57 tỷ USD) năm 2006 lên 11,1 nghìn tỷ won 2012 và đến 21,4 nghìn tỷ won vào 2016 (Yonhap dẫn số liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc). Nước này công bố nhiều biện pháp để đảo ngược tỷ lệ sinh thấp kỷ lục như: đảm bảo quyền nghỉ phép của cha mẹ; cung cấp nhà thuê cho các cặp vợ chồng nhiều con và tăng trợ cấp tiền nhà; đề xuất thành lập Bộ Cải thiện Tỷ lệ sinh thấp để giám sát sự thay đổi về nhân khẩu học…
Phương Tây cũng tìm cách giải quyết vấn đề dân số già bằng các hình thức “tiền tươi thóc thật”. Phần Lan thưởng từ vài trăm cho đến 10.000 euro cho phụ nữ sinh con, trợ cấp khoảng 100 euro với mỗi đứa trẻ và kéo dài thời gian nghỉ phép nuôi con chung cho cả cha và mẹ tới 9 tháng được hưởng 70% lương. Hungary miễn thuế thu nhập suốt đời cho phụ nữ sinh hoặc nuôi bốn con trở lên. Các lợi ích khác gồm: gia đình có ba con trở lên được trợ cấp 2,5 triệu forint (hơn 206 triệu đồng) cho việc mua ôtô 7 chỗ; phụ nữ dưới 40 tuổi kết hôn lần đầu được vay lãi suất thấp đến 10 triệu forint, và khoản vay này sẽ được xóa nếu họ sinh ba con.
Bất chấp những nỗ lực đó, tình trạng lười sinh con ở các quốc gia trên vẫn cải thiện rất chậm. Điều an ủi là nếu không áp dụng các chính sách khuyến khích, tỷ lệ kết hôn và sinh con còn có thể giảm thê thảm hơn nhiều. Thực tế này cho thấy thách thức khổng lồ của nhiệm vụ tăng tỷ lệ sinh đối với các quốc gia hiện nay.
Từ nay đến năm 2039 là khoảng thời gian không dài để Việt Nam chuẩn bị nhằm đối diện với tình trạng già hóa dân số.
Nhà nước đã đề ra nhiều chương trình hành động nhằm thúc đẩy kết hôn và sinh con trước 30 tuổi, thể hiện ở Quyết định 588. Nhưng các chính sách, chương trình hành động này còn chung chung, hoặc đang ở dạng thí điểm, chưa được triển khai quyết liệt, như: phát triển câu lạc bộ kết bạn trăm năm; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; vợ chồng sinh đủ hai con được hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em…
Trong khi các chính sách “có thực mới vực được đạo” chưa triển khai rốt ráo, tôi thấy hoạt động truyền thông được đẩy mạnh hơn, trong đó chú trọng vào “thúc giục đẻ”. Những tác hại khi sinh con muộn cũng thường được nhấn mạnh với các thông điệp như: phụ nữ mang thai sau tuổi 35 sẽ đối diện nguy cơ tiền sản giật, sảy thai, sinh non, thai ngoài tử cung; trẻ bị down, đột biến gen…
Tôi trộm nghĩ, những người đang ngần ngại hoặc sợ đẻ sẽ dễ bị lay động bởi cách nhìn lạc quan, hay viễn cảnh tươi vui, ấm áp mang lại từ việc sinh con hơn chứ?
Các quốc gia khác đã tìm hiểu kỹ nguyên nhân kết hôn muộn để đưa ra nhiều giải pháp gốc rễ, mà kết quả vẫn không đáng kể, thì tôi e rằng những lời kêu gọi suông, ở khía cạnh nào đó còn có ý… hù dọa, sẽ khó có tác dụng như mong đợi. Thậm chí, việc chỉ dừng lại ở việc công bố số liệu và kêu gọi chung chung có thể dẫn đến tâm thế “bình chân như vại” với giới trẻ, rằng ngoài kia hóa ra cũng nhiều người còn kết hôn và sinh con muộn như (hoặc hơn) mình.
Tuyên truyền, kêu gọi cũng quan trọng nhưng việc cần làm hơn là tận dụng bài học, kinh nghiệm của các quốc gia khác để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp phù hợp cho vấn đề lười sinh – kết hôn muộn ở Việt Nam; trong đó ưu tiên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tế và phổ biến nhất của các cặp đôi trẻ hiện nay.
Theo VNEXPRESS
Tags: TP HCM, Dân số, Hôn nhân, Gia đình