Liệu người Việt Nam có còn cơ hội công nghiệp hóa bền vững?

Muốn vượt qua thác ghềnh, trước hết phải xuống thuyền đi đã. Một thập kỷ trước mắt để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa liệu có trôi qua không kết quả?

Liệu người Việt Nam có còn cơ hội công nghiệp hóa bền vững?

Khi nêu vấn đề về việc ký quá nhiều FTAs, mở cửa toàn diện và khu vực FDI ngày càng lấn tới trong nền kinh tế trong mấy bài viết gần đây, tôi chỉ muốn đặt câu hỏi: Liệu người Việt Nam còn cơ hội phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo – nền tảng cho mọi ngành công nghiệp hay không?

Không có cơ hội phát triển tương xứng

Tôi hoàn toàn không kỳ thị mở cửa và thu hút FDI, những yếu tố đã góp phần cải cách sâu rộng, nâng tầm chính sách và hành xử theo chuẩn quốc tế và giúp cải thiện cuộc sống của người Việt Nam chúng ta.

Nhưng phải nêu lên vấn đề mở cửa và FDI lấn át để thấy tương quan: Người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đã không phát triển hay đúng hơn không có cơ hội phát triển tương xứng với quá trình đó.

Tất nhiên không phải không có trường hợp ngoại lệ, như ngành công nghiệp xe máy. Hai chục năm trước đây, người Nhật Bản đến lập nên những liên doanh xe máy, mà về bản chất, họ nhập khẩu linh kiện, máy về lắp ráp. Sau đó, nhờ bảo hộ, nhờ thị trường rộng lớn, họ xây dựng được các chuỗi cung ứng nội địa để đến nay, đa số phụ tùng của chiếc xe máy đã được sản xuất ở Việt Nam.

Nhưng ngoài lĩnh vực xe máy, những ngành công nghiệp nào đã phát triển được công nghiệp phụ trợ nội địa? Tỷ lệ nội địa hóa với xe 9 chỗ trong ngành ô tô – ngành nhận được sự quan tâm nhất, có chính sách bảo hộ tốt nhất – còn lâu mới đáp ứng được trong khi mục tiêu 30-40% đến năm 2020.

Ngành cơ khí đến năm 2019 mới đáp ứng 32,5% nhu cầu trong nước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 45-50% đề ra. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô hoặc sơ chế là chủ yếu; công nghiệp đóng tàu gặp nhiều khó khăn; ngành thép có sức cạnh tranh thấp, hoạt động kém hiệu quả…

Trong khi đó, vốn FDI ngày càng mở rộng. Năm 2019, trong tổng số 19 ngành lĩnh vực có đầu tư FDI, nguồn vốn này tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong vốn FDI đăng ký cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần. Trong lĩnh vực này, đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày càng teo lại, nhường chỗ cho FDI.

Khu vực FDI đang chiếm tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% giá trị xuất khẩu và 20% GDP. Khu vực này tăng trưởng tới 9,4%, cao hơn nhiều so với 6,6% của khu vực tư nhân trong nước và 4,4% của doanh nghiệp nhà nước trong thập kỷ qua.

Nền kinh tế dựa vào các hộ gia đình là chính

Để so sánh tương quan, xin minh họa, khu vực tư nhân trong nước chỉ chiếm vỏn vẹn 9-19% GDP, kinh tế hộ gia đình chiếm tới 33% GDP, doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 32% GDP. Các số liệu trên cho thấy, nền kinh tế chúng ta vẫn còn dựa vào các hộ gia đình là chính, còn rất li ti, yếu kém.

Các doanh nghiệp Việt Nam ít quan tâm đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Các doanh nghiệp FDI đóng góp ngày càng tăng vào giá trị sản xuất công nghiệp, trong khi đóng góp của doanh nghiệp nhà nước ngày càng giảm.

Hiệu quả hoạt động của đa số doanh nghiệp công nghiệp nhà nước thấp, nhiều chương trình đầu tư quốc gia, dự án công nghiệp quy mô lớn bị thua lỗ. Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ với năng lực còn nhiều hạn chế.

Doanh nghiệp dân tộc không lớn mạnh, không làm chủ, chúng ta chỉ mãi phụ thuộc, từ kinh tế đến quốc phòng, mà thôi.

Nhìn quanh xem, đâu là những đồ dùng công nghiệp của người Việt Nam? Đâu là những mặt hàng công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam được xuất khẩu, cạnh tranh trên thị trường thế giới, được bày bán trên các siêu thị nước ngoài?

Hãy xem xung quanh mấy năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đang bị thôn tính qua các vụ M&A nhiều như thế nào, quy mô ngày càng lớn ra sao!

Đã đành là theo quy luật thị trường khi đã hội nhập và mở cửa, việc nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu với giá rẻ hơn là đương nhiên; việc chủ doanh nghiệp bán doanh nghiệp cho người nước ngoài khi có lãi là đương nhiên.

Nhưng tôi muốn đặt ra câu hỏi, vì sao người Việt Nam chúng ta không thể vươn lên phía trên của chuỗi giá trị? Vì sao doanh nghiệp Việt Nam không thể thực hiện M&A ở thị trường nước ngoài? Chả lẽ mấy chục năm nay chúng ta chỉ “hài lòng” ngụp lặn làm thuê ở vùng đáy của chuỗi giá trị với đồng lương kém cỏi mà thiếu đi giấc mơ vươn lên?

Phải nâng niu từng doanh nghiệp để họ phát triển

Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị nêu: “Nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp;phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác; còn quá chú trọng vào lao động giá rẻ, chưa tận dụng tốt được lợi thế trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng…”.

Nhắc lại Nghị quyết để thấy, phải nâng niu từng doanh nghiệp để họ phát triển chứ đừng hành hạ họ trên thực tế, đừng phân biệt đối xử họ trong chính sách, đừng cài cắm các điều khoản để có lợi cho cơ quan quản lý, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải được ổn định làm ăn để tích lũy tư bản, để lớn mạnh lên, đủ sức cạnh tranh ở sân nhà và ra thế giới.

Tất nhiên, để phát triển nền công nghiệp, để làm chủ nền kinh tế thì điều này còn lâu mới đủ, còn đòi hỏi thêm nhiều điều khác mà tôi không đủ trình độ để nêu hết.

Xin trích câu nói rất đáng suy tư của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội gần đây: “Thách thức lớn nhất hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế; mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động”.

Muốn vượt qua thác ghềnh thì trước hết phải xuống thuyền đi đã. Một thập kỷ trước mắt để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa liệu có trôi qua không kết quả?

Theo TƯ GIANG / VIETNAMNET

Tags: , ,