⠀
Lịch sử và kỹ thuật của dòng tranh dân gian Đông Hồ
Theo sử sách, người Việt đã biết làm một thứ giấy gọi là mật hương chỉ vào thế kỷ thứ 3. Nghề khắc ván ở đây cũng có từ thế kỷ 11, 12. Sách Thiền uyển tập anh nói là tổ tiên nhà sư Tín Học, cuối thế kỷ 12 đã làm nghề khắc ván. Năm 1299 nhà Trần đã cho in hai bộ kinh khắc ván để ban bố.
I. LƯỢC THUẬT VỀ LƯỢC SỬ TRANH ĐÔNG HỒ.
Tuy nhiên, tranh khắc gỗ dân gian như ta hiểu ngày nay là một khái niệm đến sau. Bia ký và chính sử chưa giúp gì cho chúng ta về niên đại.
Trong các dòng tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam thì tranh Đông Hồ (xuất sinh từ làng Đông Hồ Bắc Ninh) là được nhắc đến nhiều hơn cả. Đó là một vùng quê trù mật của văn hóa truyền thống. Thời thịnh vượng nhất của tranh Đông Hồ là vào thế kỷ 17, 18.
Người ta còn gọi nó bằng cái tên nôm na, thân mật hơn, đó là tranh Tết, bởi nó được sản xuất và bán vào dịp Tết Âm lịch cho khắp nơi ở chợ quê. Vào những ngày đó, trên từng vách nứa nhà tranh đơn bạc, màu sắc của tranh tưng bừng như tiếng pháo, niềm vui và mơ ước đầu năm.
Về đề tài vẽ, tranh Đông Hồ có loại chúc tụng như Đàn gà, ước cho ai nấy đều xum xuê con cháu. Đứa bé ôm con gà Vinh hoa, ôm con vịt Phú quý. Bên cạnh đó là tranh sinh hoạt: Đánh vật, đánh đu, tiến sĩ vinh quy… Rồi tranh lịch sử như Bà Trưng, Phù Đổng thiên vương, Ngô Quyền… Tranh truyện như Kiều, Thạch Sanh. Lại còn có loại tranh thờ.
Tranh Đông Hồ là đề tài nghiên cứu hứng thú của nhiều nhà nghệ thuật học Việt Nam và thế giới. Nó có mặt ở nhiều nhà bảo tàng ở Việt Nam và thế giới đã đến hàng mấy mươi năm.
Thẩm mỹ của tranh Đông Hồ – trong thẩm mỹ của nghệ thuật dân gian nói chung, là nó giản dị, chân thật, có lúc ngây ngô đến vụng về. Nhưng nó bao hàm một vẻ đẹp không thể cưỡng lại của một tâm hồn xa, như thật còn phảng phất đâu đây của dân tộc, như sự nối tiếp âm thầm của một nền văn hóa lâu đời.
Đứng trước một tờ tranh Đông Hồ, chính là cái lý do tồn tại đó, cái ý vị hồn nhiên mà nó chứa đựng trong mình, hoặc cái ý tưởng trong lành mà nó muốn biểu đạt, đã là ta xúc động.
II. KỸ THUẬT LÀM TRANH.
Tranh Đông Hồ được khắc trên ván gỗ, trước hết là một bản nét, rồi tranh có bao nhiêu sắc thì thêm bấy nhiêu bản màu. Nền tranh là giấy gió (làm bằng vỏ cây gió) phết lên một lớp điệp một màu óng bạc (bột tán một loại vỏ sò).
Loại giấy này được sản xuất theo lối thủ công đưa từ làng Đông Cảo – Bắc Ninh hay làng Bưởi – Hà Nội về, cắt thành nhiều cỡ, nhỏ nhất là 11cm x 12cm, lớn nhất là 22cm x 31cm.
Trên thớ điệp, khi hớn hở, khi thanh thản, những màu nguyên rung lên theo ánh sáng. Màu vàng hòe tượng trưng cho sự no đủ, màu vàng rộm lên như cánh đồng lúa chín, màu xanh như luỹ tre, màu đỏ gấc như yếm thắm, màu nhiễu tím như thắt lưng, màu đen như váy lĩnh giữa mùa quan họ. Tất cả đều là vật liệu có sẵn trong thiên nhiên thực vật mà cuộc đời chúng ăn sâu vào tâm thức người Việt từ thưở xa nào. Tiếng nói sâu kín của bản năng và tiềm thức không biết bao lần làm ta giật mình, bồi hồi trong kỷ niệm. Nét tranh khắc rất sâu, màu in phẳng đẹp.
Để hoàn thiện một bức tranh Đông Hồ cần rất nhiều thời gian. Phải có một số thợ thủ công chuyên nghiệp làm mực vẽ và giấy từ nguyên liệu thiên nhiên quanh vùng cũng như việc làm khuôn và in tranh. Các màu thường lấy từ chất liệu thiên nhiên : màu đen người ta phải đốt lá tre rồi lấy than của nó ; màu xanh lấy từ vỏ và lá tràm , màu vàng lấy từ hoa hòe , màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ cây vang, màu sơn lấy từ sỏi núi, màu trắng là điệp…Những chất màu thô này được trộn với nhau và hoà với một lượng bột nếp trước khi in để tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô.
Giấy được là một cách thủ công từ vỏ cây dó và được phết một lớp điệp làm từ vỏ sò biển. Thậm chí những chiếc chổi lông dùng để phết giấy và khuôn in cũng được làm bằng lá cây vân sam dát phẳng. Tranh được vẽ bằng cách bôi màu vào bản khắc gỗ, mỗi màu một bản sau đó ấn khuôn lên giấy. Tranh được phơi khô sau mỗi lần in ba hay năm màu.
Sau khi in thành tranh, kể cả cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt. Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự ăn ý hài hoà một cách tự nhiên. Những năm gần đây có một số người khi in tranh đã từng dùng một số màu và hoá chất hiện đại, như thế sản phẩm có tăng nhưng chất liệu màu của tranh không tươi màu sắc nét như tranh làm truyền thống. Ðã thế, chỉ trong một thời gian ngắn màu sắc bị phai nhạt.
III. NGHỆ THUẬT TRONG TRANH
Sáng tạo nghệ thuật trong tranh Đông Hồ không phải là cảm hứng trong sáng tác. Mỗi bản in thể hiện một truyền thuyết hoặc một câu chuyện ngụ ngôn mang tính triết lý, một bức thong điệp đầy màu sắc về đạo đức, luân lý và tín ngưỡng sâu sắc. Tranh in cũng thể hiện tính dí dỏm, khung cảnh ấm cúng của Tết Nguyên Đán đó là: hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng. Các con vật gần gũi với làng quê như gà trống, trâu, rồng và cá là biểu trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng, sự chăm chỉ cần cù, thông minh. Chúng ta có thể thấy những bình luận về xã hội phong kiến qua các hình tượng tranh Đông Hồ. Bức tranh nổi tiếng “đám cưới chuột” là sự thể hiện tài tình các thói hư tật xấu của xã hội phong kiến thông qua hình tượng các con vật một cách dí dỏm và sâu sắc.
Tranh làng Ðông Hồ không phải vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người dùng ta dùng ván để in. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo phải có người vẽ mẫu. Những người vẽ mẫu và bản khắc ván đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đặc biệt phải có trình độ kỹ thuật cao. Công đoạn in tranh có lẽ không khó lắm bởi lẽ ai cũng có thể phết màu lên ván rồi in.
Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.
Theo TRANH ĐÔNG HỒ
Tags: Văn hóa Việt, Thủ công - mỹ nghệ