Lịch sử phát triển của nền giáo dục Nhật Bản

Mặc dù, văn hóa Nhật Bản in đậm dấu ấn ảnh hưởng của nền văn hóa, văn minh Trung Hoa, nhưng hệ thống và các tư tưởng giáo dục của Nhật Bản lại được thực hiện theo mô hình của các nước phương Tây. Người Nhật đã xây dựng và hiện đại hóa hệ thống giáo dục của mình như thế nào?

1. Lịch sử hình thành và phát triển giáo dục trước Minh Trị duy tân (Thế kỷ V đến 1868)

Lịch sử hình thành nền giáo dục ở Nhật Bản song song với quá trình tiếp nhận các hệ tư tưởng du nhập từ bên ngoài, đặc biệt là sự du nhập của đạo Khổng. Thời kỳ đầu, Đạo khổng chỉ được phổ biến trong tầng lớp quý tộc. Đạo Khổng đã có ảnh hưởng to lớn trong việc thiết lập quyền cai trị hợp pháp của các nhà nước đầu tiên ở Nhật Bản. Nền giáo dục lúc này tập trung vào tầng lớp thống trị. Mặc dù tư tưởng quan trọng của Đạo Khổng là coi trọng năng lực con người, khuyến khích người ta đạt được địa vị cao trong xã hội qua học tập và thi cử… được giáo dục tại các trường học, nhưng trong triều đình tư tưởng cha truyền con nối vẫn còn rất mạnh mẽ, nên hệ thống giáo dục lúc bấy giờ cũng chỉ giữ vai trò cung cấp nhân lực cho hệ thống quan lại bậc thấp mà thôi.

Thế kỷ XVII đánh dấu sự khởi sắc của nền giáo dục Nhật Bản cùng với việc đạo Khổng được phổ biến mạnh mẽ trong dân chúng. Thời kỳ Tokugawa (1600-1868) đã tồn tại 5 loại hình trường học: trường do Mạc phủ quản lý (điển hình là shoheiko), trường Han (hangakko), trường Hương (kyogakko), trường Tư thục (shijuku) và Terakoya. Bốn loại hình trên là dành cho tầng lớp võ sĩ và quý tộc, còn terakoya dành cho tầng lớp bình dân.

Sự phân bố số lượng Terakoya không đồng đều trên toàn nước Nhật. Hàng ngàn trường tập trung ở khu vực Edo, trong khi đó tại các vùng nông thôn hẻo lánh, mỗi tỉnh chỉ có chừng vài chục trường. Đội ngũ giáo viên cũng có sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị. Ở các vùng nông thôn xa xôi, giáo viên chủ yếu là thầy thuốc và các nhà sư, trong khi ở thành phố hay thị trấn lớn, giáo viên thường xuất phát từ tầng lớp thương nhân, một số từ tầng lớp nông dân. Những người bình dân có một chút trình độ văn hóa này sử dụng thời gian rỗi để giảng dạy tại các trường chùa, họ không đặt nặng việc dạy học làm sinh kế, thế nên học phí chủ yếu là do cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp.

Về nội dung giảng dạy, Terakoya chủ yếu dạy các môn tập đọc và tập viết, với những bài văn mẫu thấm nhuần tư tưởng của đạo Khổng như: phải kính trọng người già, cần cù làm việc, các cách đối nhân xử thế theo quan niệm đạo đức Khổng giáo… Ngoài ra, môn toán cũng được đưa vào giảng dạy tại trường học thuộc các khu đô thị lớn, với tính thực dụng cao. Sau này, các môn học mang nặng ảnh hưởng của học vấn phương Tây như kỹ thuật quân sự, khoa học tự nhiên và tiếng Anh cũng được giảng dạy ở một số trường.

Phương pháp giảng dạy tại các Terakoya mang nặng tính cá nhân, giáo viên tiến hành chỉ bảo cho từng học sinh và việc học tập, ôn luyện được thực hiện do nỗ lực của từng người. Ngoài việc học tập, học sinh còn tham gia công việc thường ngày của một nông gia hay thương gia, tùy theo đặc điểm và nhu cầu của từng địa phương. Học sinh phần lớn đều sinh sống luôn tại trường học trừ những dịp lễ hay thời vụ. Terakoya giống như một ngôi nhà chung ấm áp tình người, ở đó trẻ em cùng nhau trải qua thời niên thiếu của chúng một cách thân thiết nhưng có kỷ luật. Có thể nói, Terakoya đã góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục toàn dân ở Nhật Bản, đặt nền móng cho việc hiện đại hóa giáo dục trong giai đoạn sau.

2. Hiện đại hóa giáo dục thời Minh Trị (1868-1912)

Vào năm 1868, chính quyền được chuyển từ tay Shogun sang Thiên Hoàng, mở đầu cho thời kỳ Minh Trị. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản thời kỳ này cảm thấy nguy cơ bị thuộc địa hóa, nếu không nhanh chóng hiện đại hóa đất nước để theo kịp các cường quốc Phương Tây. Cải cách giáo dục đã trở thành một trong ba nội dung quan trọng của công cuộc hiện đại hóa, chính vì giáo dục được nhận định là “một bộ phận then chốt trong việc hình thành hình thái ý thức, sẽ cho phép Nhật Bản trở thành một quốc gia độc lập giàu có và hùng mạnh và giáo dục tạo điều kiện thuận lợi tiếp thu tri thức kỹ thuật hiện đại. Tư tưởng mới được đưa ra trong cải cách giáo dục lần này là:

1) Từ bỏ hệ thống phong kiến và hệ thống giáo dục phân tầng của nó. Cơ hội học tập phải được mở ra cho mọi công dân.

2) Mục đích của giáo dục nhà trường là học khoa học thực tiễn bổ ích cho con người.

3) Chi phí giáo dục do người dân đóng góp”

Tư tưởng mang tính cách mạng này được những người mong muốn phổ cập kiến thức phương Tây mà đứng đầu là ông Fukuzawa Yukichi đưa ra. Nó đã loại bỏ tư tưởng giáo dục phong kiến truyền thống vốn nhấn mạnh sự khác biệt về vị trí xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Giáo dục được thành lập (1871), đề ra mô hình của hệ thống giáo dục mới, học theo mô hình hệ thống giáo dục công nước Pháp. “Đất nước được chia thành 8 học khu. Mỗi một học khu được chia thành 32 khu trường trung học và mỗi một khu trường trung học lại được chia thành 210 khu trường tiểu học. Như vậy, trong 8 học khu có 256 trường trung học và 53.760 trường tiểu học trên khắp đất nước.

Tuy nhiên, mô hình và nội dung giáo dục theo kiểu phương Tây do chính phủ đương thời đưa ra dường như chưa cuốn hút được người dân Nhật Bản vốn đã quen với nền giáo dục Khổng giáo. Có thể thấy điều này qua tỉ lệ học sinh đến trường thấp (30%) trong thời gian đầu. Về sau, chính phủ thực hiện hệ thống giáo dục kép với một bên là trường Đại học Tokyo (thành lập năm 1877) nơi dành cho những người ưu tú học tập để sau này sẽ nắm giữ những vị trí lãnh đạo trong chính phủ, và một bên là hệ thống trường tiểu học và trung học cho toàn dân, tập trung vào dạy các kiến thức thực hành và rèn luyện đạo đức.

Đầu thế kỷ XX, hệ thống giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học đã được xây dựng hoàn chỉnh ở Nhật Bản. Giáo dục bắt buộc được mở rộng từ 4 năm lên 6 năm vào năm 1907. Cùng với tốc độ phát triển của công nghiệp hóa, lỉ lệ trẻ em đến trường tiểu học cũng tăng mạnh, từ 65% ở các em nam và 31% ở các em nữ vào năm 1890 đã tăng tương ứng lên 94% và trên 97% vào năm 1910[6]. Rõ ràng là người dân đã nhận thức được sự cần thiết của tri thức trong thời đại mới và trường học trở thành một bộ phận quan trọng của cuộc sống hàng ngày. Song song với việc phổ cập giáo dục tiểu học cho toàn dân là việc đào tạo những người có tri thức cao, phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa. Hệ thống giáo dục bậc đại học và đào tạo nghề (giáo dục trung học) được mở rộng với mục tiêu chính là cung cấp nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, thay vì chỉ đào tạo tầng lớp quan chức như trước đó. Chi phí cho giáo dục ở các cơ sở đào tạo bậc cao như vậy rất được chính phủ chú trọng, đã chiếm tới 32% tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục.

Nói tới hiện đại hóa giáo dục thời Minh Trị, không thể bỏ qua ba nội dung được chú trọng trong giảng dạy thời kỳ này là dạy tiếng mẹ đẻ, khoa học kỹ thuật và rèn luyện đạo đức. Ba nội dung này đã được đặt ra trong thời Minh Trị và tiếp tục được thực hiện ở những giai đoạn lịch sử sau đó.

Tóm lại, với sự cách tân trong hệ thống trường học, phương pháp và nội dung giảng dạy, chính phủ Minh Trị đã xây dựng một hệ thống trường học hiện đại đầu tiên ở Nhật Bản, đặt cơ sở cho sự phát triển của nền giáo dục đứng hàng đầu Thế giới hiện nay.

3. Tình hình giáo dục giai đoạn từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay

Hệ thống giáo dục-đào tạo ở Nhật Bản đã có rất nhiều thay đổi kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1947, Luật cơ bản về giáo dục được ban hành, đặt ra mục đích: “Giáo dục phải nhằm mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách, phấn đấu nuôi dưỡng một dân tộc lành mạnh về tinh thần và thể chất, một dân tộc yêu công lý và sự thật, đánh giá cao các giá trị cá nhân, tôn trọng lao động và có ý thức sâu sắc về trách nhiệm và thấm nhuần tinh thần độc lập, để xây dựng một nhà nước và xã hội hoà bình”. Để đạt được mục tiêu này, nguyên tắc giáo dục bình đẳng được đặt lên hàng đầu. Điều này có nghĩa là, lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân Nhật Bản có quyền như nhau trong việc tiếp thu giáo dục phù hợp với khả năng của bản thân, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội, điều kiện kinh tế hay nguồn gốc gia đình. Hệ thống giáo dục nhà trường đã được thay đổi theo mô hình của Mỹ 6-3-3-4: 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông và 4 năm đại học. Giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học và trung học cơ sở đã tạo điều kiện cho mọi trẻ em từ 6 đến 15 tuổi được học tập miễn phí, nâng tỷ lệ phổ cập giáo dục ở Nhật Bản lên đến 99,98%, một tỷ lệ cao so với các nước Âu Mỹ. Ngay cả đối với trẻ em bị khuyết tật và chậm phát triển, việc học tập cũng luôn luôn được khuyến khích và các điều kiện học được nhà nước đảm bảo như với những trẻ em bình thường khác. Quá trình dân chủ hoá giáo dục đã tạo điều kiện cho giáo dục Nhật Bản phát triển về mọi mặt.

Về quy mô, giáo dục-đào tạo được mở rộng ở tất cả các bậc học, ngành học. So với hệ thống giáo dục hồi trước chiến tranh, hệ thống này đã có sự thay đổi lớn, đạt được tính thống nhất cao hơn.

Ở bậc mẫu giáo: Nhật Bản chú trọng tới việc giáo dục trẻ em ngay từ bậc mẫu giáo. Một nền tảng nhận thức về thế giới xung quanh đã được chuẩn bị ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ tuổi.

Ở bậc tiểu học và trung học cơ sở (giáo dục bắt buộc): Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã thực hiện mô hình giáo dục của Mỹ 6-3-3-4, với 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông và 4 năm đại học. Chương trình giáo dục bắt buộc cũng tăng từ 6 năm đến 9 năm, đưa tỷ lệ học sinh thi vào trung học phổ thông lên đến 94,2%, ngang với tỷ lệ của Mỹ. Năm 1998, tổng số học sinh tiểu học trên toàn quốc là 7.663.500 em và số học sinh trung học cơ sở là 4.380.600 em.

Ở bậc trung học phổ thông: Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc, hầu hết học sinh học lên cấp ba. Các trường phổ thông trung học được chia làm ba loại: trường giáo dục phổ thông, trường dạy nghề và các trường đào tạo kết hợp. Tổng số học sinh ở cả ba loại trường này là 4.891.917 người, trong đó học sinh trường phổ thông chiếm khoảng 73,6%, học sinh trường nghề và trường đào tạo kết hợp khoảng 26,4%. Về cơ sở dạy học, tổng cộng có 5.427 trường, trong đó trường quốc lập là 17 trường, trường công lập địa phương nhiều nhất-chiếm tới 4.128 trường và số trường dân lập là 1.282 trường.

Khu vực giáo dục kỹ thuật-nghề nghiệp: đây thực chất là một chi nhánh của giáo dục phổ thông, nhằm thoả mãn nhu cầu về lực lượng lao động có học vấn khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển mạnh. Có 5 loại cơ sở đào tạo được nhà nước chấp nhận là: trường kỹ thuật, trường nông nghiệp, trường thương mại, trường hàng hải và trường bổ túc (đào tạo không tách rời nơi sản xuất).

Ở khu vực đào tạo bậc cao: Số lượng trường đại học, cao đẳng, dạy nghề sau bậc trung học đã tăng nhanh từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cùng với sự gia tăng đều đặn số sinh viên..

Về chất lượng giáo dục-đào tạo, Nhật Bản đã đạt được một kết quả đáng để các nước phải nể trọng. Hiện nay, Nhật Bản có thể tự hào là một đất nước của học vấn với 99,98% dân số ở độ tuổi 6 đến 15 được phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở, 94,2% dân số độ tuổi 15 đến 18 tốt nghiệp phổ thông trung học và xấp xỉ 50% dân số độ tuổi 18 đạt được trình độ đại học. Chương trình giáo dục được chuẩn hoá cao độ từ sách học cho đến nội dung các khoá học đã đưa tới kết quả là năng lực ở trình độ quốc gia của Nhật Bản đạt chất lượng hàng đầu trên thế giới, thể hiện ở các giải thưởng cao mà học sinh Nhật Bản gặt hái được trong các kỳ thi quốc tế. Bên cạnh đó, để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của một xã hội có định hướng thông tin, giáo dục ở nhà trường Nhật Bản cũng không ngừng được cải tiến. Máy tính được đưa vào nhà trường cùng với sự phát triển những phần mềm giáo dục đã làm tăng hiệu quả dạy học, đồng thời giúp nuôi dưỡng những phẩm chất cần thiết (như khả năng sử dụng các hệ thống thông tin…) cho trẻ em bước vào một xã hội tương lai với những mạng thông tin tinh vi.

Theo JAPAN.NET.VN

Tags: ,