⠀
Lê Phụng Hiểu: Một lòng trung nghĩa, dũng mãnh phi thường
Lê Phụng Hiểu là một võ tướng được nhắc tới như một con người có sức mạnh, võ nghệ siêu quần. Ông phụng sự đất nước trải qua ba đời vua nhà Lý: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông. Ông được coi là công thần số một của Lý Thái Tông, khi bảo vệ được vị này lên ngôi vua an toàn trước âm mưu phản loạn định cướp ngôi.
Lê Phụng Hiểu quê ở hương Băng Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng, lộ Thanh Hóa (nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), không rõ năm sinh năm mất, nhưng biết ông thọ 77 tuổi. Ông nổi tiếng có sức khỏe vô địch, tài đấu vật cũng như nghề cung kiếm.
Vụt sáng trong biến cố Điện Càn Nguyên
Năm Mậu Thìn (1028), vua Lý Thái Tổ qua đời. theo lệ thường, thái tử Lý Phật Mã sẽ lên ngôi. Tuy nhiên, khi bầy tôi đến cung Long Đức xin thái tử vâng chiếu lên ngôi. Thái tử Lý Phật Mã đến điện càn Nguyên chuẩn bị nghi lễ đăng quang.
Lúc này biến cố xảy ra, quanh điện Càn Nguyên là gươm giáo với những bóng người: Ba vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức phục sẵn ở cấm thành; Đông Chinh vương phục ở trong Long Thành, còn hai vương Dực Thánh và phục ngoài cửa Quảng Phúc. Theo Sử Ký Đại Việt toàn thư, ba người này đợi thái tử đến để đánh úp.
Lúc này thái tử Lý Phật Mã cho đóng cửa cung, sai bảo vệ sĩ canh giữ và hỏi ý kiến cận thần: “Ta đối với anh em không phụ bạc chút nào. Nay ba vương làm việc bất nghĩa như thế quên đi di mệnh của tiên đế, muốn mưu chiếm ngôi báu, các ngươi nghĩ thế nào?” (Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, trang 168, NXB Văn học 2009).
Câu hỏi của vị vua tương lai được nội thần Lý Nhân Nghĩa đáp đại ý xin Thái tử cho mọi người xông ra quyết một trận hơn thua. Chú ý, ở diễn biến này, mọi lời trao đổi chỉ diễn ra giữa thái tử và qua nội thị Lý Nhân Nghĩa. Võ tướng Lê Phụng Hiểu cũng có mặt trong điện Càn Nguyên với Thái Tử nhưng ông im lặng.
Cuộc trao đổi đang diễn ra, ba vương đánh gấp vào. Thái tử Lý Phật Mã đành: “Thế đã đến như thế thì ta còn mặt mũi nào trông đến ba vương nữa, ta chỉ biết là lễ thành phục đến hầu tiên đế, ngoài ra đều ủy cho các khanh cả” (Sđd, trang 169). Nội thần Lý Nhân Nghĩa và mọi người lạy thái tử, mở cửa xông ra. Quân của thái tử ít, phải “một người địch trăm người”.
Đến đây, rõ ràng là tình thế của thái tử Lý Phật Mã đang ngàn cân treo sợi tóc. Quân phản loạn vừa đông, vừa có sự chuẩn bị trước và do có chuẩn bị trước nên quân lính phải khỏe mạnh, giỏi võ nghệ.
Lúc này, Lê Phụng Hiểu rút gươm chạy đến cửa Quảng Phúc hô: “Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu đem thanh gươm này lên dâng”.
Lê Phụng Hiểu xông đến ngựa của Vũ Đức Vương và bắt giết vị vương này. Quân của ba vương lúc này tan rã, thua chạy, gần như bị tiêu diệt hết, chỉ còn hai vương là Đông Chinh và Dực Thánh thoát.
Nhà sử học Lê Văn Lan trong một bài viết của mình có nhận xét đại ý rằng: Lúc thái tử bàn việc nên đánh hay không đánh quân phản loạn thì Lê Phụng Hiểu ẩn mình. Nhưng khi xung trận, ông đã bộc lộ vai trò nổi bật, then chốt trong việc dẹp phản loạn.
Hành động dũng cảm tỏ rõ sự trung nghĩa của Lê Phụng Hiểu được thái tử Lý Phật Mã, cũng là vua Lý Thái Tông sau đó, ca ngợi: “Ta sở dĩ được gánh vác cơ nghiệp to lớn của tiên đế, toàn vẹn được thân thể của cha mẹ để lại, là nhờ sức của các khanh cả. Ta thường xem sử nhà Đường thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là người đời sau không ai sánh kịp. Nay gặp biến mới biết Phụng Hiểu trung dũng hơn Kính Đức”.
Sách sử không viết nhiều về Lê Phụng Hiểu. Muốn biết thêm về dũng tướng này, thiết nghĩ chúng ta tìm hiểu thêm về Uất Trì Kính Đức, người được Lý Thái Tông so sánh với Lê Phụng Hiểu.
Uất Trì Cung (585 – 658), tự Kính Đức là một trong những chiến tướng nổi tiếng nhất thời kỳ Tùy Đường. Tháng 7 năm 620 sau Công nguyên, Lý Thế Dân đem quân tấn công Vương Thế Sung. Lý Thế Dân bị Đại tướng Đan Hùng Tín của quân Vương Thế Sung cũng là danh tướng, vây chặt. Đúng vào lúc này, Uất Trì Kính Đức xông thẳng vào vòng vây cứu Lý Thế Dân ra khỏi một rừng gươm giáo.
Sau khi nhà Đường thống nhất Trung Quốc, anh trai của Lý Thế Dân tức thái tử Lý Kiến Thành sợ Lý Thế Dân có công lớn lại có nhiều chiến tướng dũng mãnh như vậy sẽ tranh mất ngôi vị thái tử nên đã hợp sức với em trai là Lý Nguyên Cát để ám sát Lý Thế Dân. Lý Kiến Thành thừa hiểu rằng muốn sát hại được Lý Thế Dân thì trước hết phải trừ bỏ được Uất Trì Cung.
Một hôm ông ta sai người đến tặng cho Uất Trì Cung rất nhiều báu vật, Uất Trì Cung kiên quyết từ chối. Lý Kiến Thành đành mượn tiếng là đi dẹp Đột Quyết ở phía bắc để điều Uất Trì Kính Đức đi làm tiên phong, do Lý Nguyên Cát dẫn đầu rời khỏi Trường An, đồng thời trước khi đại quân chuẩn bị xuất phát, nhân lúc Lý Thế Dân không có Uất Trì Cung ở bên cạnh để bất ngờ hành thích.
Uất Trì Kính Đức liền cùng với các mưu thần khác thúc Lý Thế Dân ra tay trước, phát động cuộc chính biến Huyền Võ Môn. Uất Trì Kính Đức giúp Lý Thế Dân giết chết Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát, tự tay chặt thủ cấp của chúng. Uất Trì Kính Đức đã giúp Lý Thế Dân lên ngôi thái tử và sau đó là ngôi vua. Trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn cũng nhắc đến danh tướng này: “Kính Đức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung”.
Uất Trì Kính Đức là một võ tướng và công thần khai quốc của nhà Đường, người có công lớn giúp Lý Thế Dân trở thành Đường Thái Tông, được lưu truyền trong các câu truyện dân gian mang đậm màu sắc tín ngưỡng tôn giáo của Trung Quốc. Lê Phụng Hiểu được so sánh vị tướng này với câu: “Nay gặp biến mới biết Phụng Hiểu trung dũng hơn Kính Đức”.
Con người nhiều huyền thoại
Lê Phụng Hiểu là người trung dũng, dẹp phản loạn, bảo vệ vua – cũng gần như bảo vệ nước. Ông còn được biết đến như là một Đô thống tướng quân, tước Hầu, tướng tiên phong trong cuộc bình nước Phiên. Bên cạnh chính sử, vị tướng này còn được dân gian huyền thoại hóa.
Chuyện kể rằng, sau khi ra trận thành công, vua định công ban thưởng cho Lê Phụng Hiểu. Vị tướng này tâu với vua: “Tôi không thích thưởng tước, chỉ xin đứng ở trên núi Băng Sơn quăng con dao lớn đi xa, xem con dao nào rơi xuống đất thì ban cho thế nghiệp”. Vua bằng lòng, Lê Phụng Hiểu lên núi và quăng con dao xa đến hơn mười dặm, dao rơi xuống hương Đa Mi, vua lấy ruộng ấy ban cho.
Chuyện xin vua quăng dao có lẽ có thật, nhưng xa hơn 10 dặm là huyền thoại hóa. Có người bình, 10 dặm quăng dao đấy là sức người, với sự giúp đỡ của vua, của thần linh và có sự mến mộ của dân gian nữa.
Chuyện cũng kể rằng, Lê Phụng Hiểu thời trai trẻ sức khỏe vô địch, ăn cũng vô địch. Ông đã một mình dùng cây hai bên đường làm vũ khí đến đánh nhau với cả một làng và thần phục họ giúp hóa giải chuyện mâu thuẫn giữa hai làng.
Huyền thoại về Lê Phụng Hiểu chứng tỏ ông là dũng tướng được cả vua lẫn đông đảo Nhân dân ghi nhận. Ở quê ông Hoằng Hóa, Thanh Hóa, những sự tích về ông chỗ gánh củi, chỗ luyện võ… còn lưu giữ. Tên tuổi của ông mãi mãi lưu truyền: Trung dũng vẹn toàn.
Uất Trì Kính Đức là một võ tướng và công thần khai quốc của nhà Đường, người có công lớn giúp Lý Thế Dân trở thành Đường Thái Tông, được lưu truyền trong các câu truyện dân gian mang đậm màu sắc tín ngưỡng tôn giáo của Trung Quốc. Lê Phụng Hiểu được so sánh vị tướng này với câu: “Nay gặp biến mới biết Phụng Hiểu trung dũng hơn Kính Đức”. |
Theo NGUYỄN HƯNG / KINH TẾ ĐÔ THỊ
Tags: Nhà Lý, Giai thoại lịch sử, Danh nhân Việt Nam, Lê Phụng Hiểu