⠀
Kinh kịch Trung Hoa – nghệ thuật sân khấu đặc sắc Á Đông
Kinh kịch là một loại hình sân khấu có lịch sử trên 200 năm, được xem như một trong những di sản văn hóa đặc sắc nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên trước sự lấn át của các loại hình giải trí đa dạng trong thế giới hiện đại, và trước chính sự thờ ơ vô cảm của giới trẻ, Kinh kịch đang có nguy cơ mai một theo thời gian.
Lo ngại loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng văn hóa Á Đông này sẽ bị suy thoái và thậm chí không còn được nhắc tới trong tương lai, chính phủ Trung Quốc đã có những hành động tích cực nhằm khôi phục, duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Lịch sử và sự phát triển
Kinh kịch Trung Quốc còn được người phương tây gọi là “Ca kịch phương Đông”, là loại hình sân khấu đặc sắc của Trung Quốc mang đậm nét văn hóa thuần túy Á đông.
Khởi đầu Kinh kịch là biến thể từ mấy loại tuồng cổ địa phương. Từ năm Càn Long thứ 55 đời Thanh (1790), bốn gánh hát Huy Ban (một loại kịch của tỉnh An Huy) từ phía nam đại lục Trung Quốc bắt đầu lần lượt đến Bắc Kinh. Gánh Huy Ban đầu tiên vào kinh là gánh hát Tam Khánh, do Giang Hạc Đình – một chủ buôn muối ở Dương Châu người An Huy đứng đầu. Họ chủ yếu hát làn điệu Nhị Huỳnh (Nhì Voòng) kèm theo là một số làn điệu khác như: Côn, Tú Bình, Bạt tử… Do làn điệu và kịch bản rất phong phú nên đã nhanh chóng áp đảo làn điệu Tần đang thịnh hành ở Bắc Kinh lúc đó, rất nhiều diễn viên ở các gánh hát hát điệu Tần đã chuyển sang các gánh Huy Ban, tạo nên sự kết hợp giữa hai làn điệu Huy và Tần. Do làn điệu Tây Bì là phát xuất từ điệu Tần nên có thể nói rằng đây là lần hợp lưu thứ nhất giữa hai làn điệu Nhị Huỳnh và Tây Bì.
Sau đó ba gánh hát Huy Ban khác là Xuân Đài, Tứ Hỉ, Hòa Xuân cũng đến Bắc Kinh làm cho sân khấu Bắc Kinh có một sự biến chuyển lớn. Loại hình Côn kịch thịnh hành nhiều năm đến đây suy yếu, các diễn viên Côn kịch phần lớn cũng chuyển sang các gánh Huy Ban. Đến khoảng những năm Đạo Quang nhà Thanh, các diễn viên ở Hồ Bắc là Vương Hồng Quý, Lý Lục, Dư Tam Thắng đến Bắc Kinh mang theo điệu hát Sở (điệu Tây Bì) nên đã tạo nên sự hợp lưu lần thứ hai giữa hai làn điệu Nhị Huỳnh và Tây Bì ở kinh sư, tạo nên loại hình gọi là “Bì Huỳnh hí”.
“Bì huỳnh hí” hình thành ở Bắc Kinh, chịu ảnh hưởng của các làn điệu và ngữ âm Bắc Kinh nên mang các đặc điểm và tiếng nói Bắc Kinh. Do họ thường đến Thượng Hải biểu diễn nên người Thượng Hải mới gọi loại hình “Bì huỳnh hí” mang đặc điểm Bắc Kinh này là Kinh Kịch.
Kinh kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, bằng cả quá trình thể hiện hợp nhất giữa “Ca, nói, biểu hiện, đấu võ, vũ đạo”, để thuật lại các cốt truyện, khắc họa nhân vật. Các nhân vật trong Kinh kịch chủ yếu được chia làm bốn vai lớn là: Sinh (vai nam), Đán (vai nữ), Tịnh (vai tà), Sửu (vai hề), ngoài ra còn có một số vai phụ.
Mặt nạ là nghệ thuật đặc sắc nhất trong Kinh kịch. Qua mặt nạ người xem có thể nhận biết các nhân vật trung thành hoặc gian trá, tốt đẹp hay xấu xa, lương thiện hay gian ác, cao thượng hay thấp hèn. Ví dụ như, nặt nạ tô đỏ thể hiện nhân vật trung thành nhất mực, nếu là màu trắng thì nhân vật đó có tính cách gian trá, độc ác, màu xanh lam thể hiện nhân vật đó kiên cường dũng cảm, màu vàng nói nên nhân vật đó tàn bạo, màu vàng hoặc màu bạc tượng trưng cho thần phật, quỷ quái… khiến khán giả có một cảm giác thiêng liêng, huyền ảo.
Ở thời đó, sân khấu dân gian rất phồn thịnh, ngay trong Hoàng cung cũng thường xuyên tổ chức biểu diễn. Chính vì các Hoàng gia quý tộc cũng rất thích xem Kinh kịch, và với điều kiện vật chất ưu việt trong cung đình đã cung cấp, giúp đỡ về các mặt biểu diễn, quy chế trang phục, hóa trang mặt nạ, phông cảnh sân khấu v.v… đó là yếu tố đã khiến Kinh kịch có được sự hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Tác động xã hội và nguy cơ mai một
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, là thời kỳ Kinh kịch phát triển mạnh mẽ và trở thành loại tuồng sân khấu lớn nhất Trung Quốc. Về số lượng phong phú của các tác phẩm Kinh kịch, số lượng nghệ nhân biểu diễn, số lượng các đoàn Kinh kịch, số lượng khán giả xem Kinh kịch, cũng như sự ảnh hưởng sâu rộng của Kinh Kịch đều đứng đầu Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ khoảng thời gian những năm 40 của thế kỷ 20 do bị tác động bởi các yếu tố chính trị và xã hội thì Kinh kịch đã không còn có vị thế trên nền nghệ thuật sân khấu Trung Quốc nữa. Giới hâm mộ sân khấu đã thờ ơ với Kinh kịch và trong một khoảng thời gian khá dài Kinh kịch chỉ được xem như là những tuồng diễn dân gian tầm thường. Trong thời điểm diễn ra cuộc cách mạng văn hóa tiếng tăm ở Trung Quốc những năm 1966 – 1976, Kinh kịch đã bị xếp vào là loại hình nghệ thuật mang tính chất tư sản, tuy không bị loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội nhưng vẫn bị quản chế một cách chặt chẽ.
Trên lãnh thổ Trung Quốc khi đó chỉ tồn tại một số ít các đoàn nghệ thuật Kinh kịch và cũng chỉ có 8 vở diễn được cấp phép biểu diễn. Các nghệ nhân Kinh kịch khi đó thậm chí còn bị kỳ thị và bắt đi lao động cực nhọc tại các vùng nông thôn. Chính điều này đã làm gián đoạn sự phát triển của Kinh kịch, làm mai một đi những nét đặc sắc, tinh túy của một loại hình sân khấu độc đáo mang đậm màu sắc Á đông và cũng làm suy kiệt cả một lớp thế hệ diễn viên Kinh kịch tài hoa. Các yếu tố này đã dẫn đến những hậu quả nặng nề, nó không chỉ làm cho nghệ thuật Kinh kịch bị suy thoái mà còn có nguy cơ biến mất trong tương lai.
Kể từ khi Trung Quốc tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, Kinh kịch mới lại có sự phục hồi trở lại. Tuy nhiên, tình yêu của công chúng đối với Kinh kịch ngày càng mai một. Các rạp dành riêng cho kinh kịch bị phá bỏ, nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng và những loại hình giải trí mới, hiện đại như nhạc pop, karaoke… Dưới những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại thì giới trẻ Trung Quốc không còn ưa thích loại nghệ thuật sân khấu truyền thống này nữa.
Những cố gắng bảo tồn giá trị nghệ thuật
Được nhìn nhận là tinh hoa nghệ thuật truyền thống dân tộc, Kinh kịch đã được chính phủ Trung Quốc ra sức nâng đỡ. Ngoài việc xây dựng một nhà hát lớn mang tên Trường An quanh năm biểu diễn Kinh kịch, còn có các cuộc thi biểu diễn Kinh kịch trong nước và Quốc tế thu hút nhiều người hâm mộ, không những thế Kinh kịch còn được chọn là chương trình bảo lưu trong giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc với nước ngoài. Hiện tại Kinh kịch được biểu diễn rộng rãi thường xuyên tại các rạp và trên truyền hình.
Tháng 7 năm 2010, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã sửa lại tiêu chuẩn môn học âm nhạc trong 9 năm giáo dục bắt buộc học nội dung Kinh kịch, và chọn 20 trường trung tiểu học của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc và Khu tự trị dân tộc bao gồm 10 địa phương như Bắc Kinh, Thiên Tân… làm thí điểm, học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 sẽ học hát trích đoạn của 15 vở Kinh kịch nổi tiếng. Chính sách “Đưa môn học Kinh kịch vào trường học” tiến triển thuận lợi, đã giúp thanh thiếu niên tăng thêm hiểu biết và niềm yêu thích đối với Kinh kịch.
Trong những năm gần đây, Kinh kịch đã gây tiếng vang trên thế giới nhờ vào hai bộ phim là “Bá Vương Biệt Cơ” và “Forever Enthralled” (Đời nô bộc) cùng của đạo diễn Trần Khải Ca và do Chương Tử Di đóng vai chính. Hai bộ phim này ngoài khía cạnh là những bộ phim tâm lý tình cảm sâu sắc còn mô tả rất chân xác về nghệ thuật Kinh kịch và về cuộc đời của những nghệ nhân Kinh kịch nổi danh một thời của Trung Quốc như Mai Lan Phương, Trình Nghiên Thu, Thượng Tiểu Vân…
Gần đây, việc cải biên một số tác phẩm văn học nổi tiếng sang kịch bản Kinh kịch thực sự đã làm nên sự hấp dẫn, mới mẻ cho Kinh kịch. Đặc biệt, tác phẩm “Ông lão đánh cá và con cá vàng” của thi hào Puskin được chuyển thể thành Kinh kịch mới đây đã rất cuốn hút các khán giả trẻ, làm cho họ có hứng thú đối với nghệ thuật dân tộc. Vở kịch “Ông lão đánh cá và con cá vàng” tuy được thể hiện bằng hình thức Kinh kịch truyền thống, nhưng đã thêm nhiều yếu tố hiện đại bám sát tâm lý thanh thiếu niên.
Các vở Kinh kịch hiện đại thường xuyên được công diễn đã không chỉ làm thế hệ trẻ tăng thêm hiểu biết đối với Kinh kịch, và tôn vinh nghệ thuật Kinh kịch Trung Quốc, một di sản lớn của văn hóa thế giới, mà thực sự đã có được sự yêu thích, mến mộ của đông đảo các tầng lớp khán giả.
Những cố gắng của các cơ quan hữu trách Trung Quốc nhằm kế thừa duy trì và phát triển nghệ thuật Kinh kịch hòng bảo tồn một giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thực sự đang được phát huy rất hiệu quả. Điều này càng thêm ý nghĩa khi vào tháng 11 năm 2010, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO đã chính thức công nhận Kinh kịch là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là một quyết định đúng đắn và kịp thời, nó mang một ý nghĩa lớn lao hòng cứu vãn cho nền nghệ thuật sân khấu thế giới những mất mát đáng tiếc.
https://www.youtube.com/watch?v=QCcZ6D_RJvc
Theo TRẦN MINH TÂM / TẠP CHÍ HỒ SƠ & SỰ KIỆN
Tags: Trung Quốc, Sân khấu, Văn hóa Trung Hoa