Kinh Đạo Nam – một bản kinh độc đáo của người Việt

Trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, có một hình thức thực hành rất trang trọng, thiêng liêng. Đó là phong tục lập Thiện đàn, xin Trời, Phật, Thánh, Tiên giáng bút. Việc giáng bút thường là những bài văn, bài thơ, những lời khuyên bảo con Rồng, cháu Tiên chăm lo đến gia đình, dựng xây đất nước.

Kinh Đạo Nam – một bản kinh độc đáo của người Việt

Phong tục này ở nước ta đã có từ hàng trăm năm trước, song nở rộ nhất vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Theo thống kê của Viện Hán Nôm, chúng ta đã sưu tập được khoảng hơn 250 bộ kinh, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ giới thiệu một bộ kinh. Đó là Kinh Đạo Nam.

Sinh thời, nhà sử học Dào Duy Anh đã dành rất nhiều sự quan tâm đến bộ kinh này. Trong hồi ký của mình, cụ Đào giới thiệu: “Việc lập thiện đàn để khuyến thiện là việc có từ lâu trong xã hội phong kiến nước ta, nó thường lẫn lộn với việc thờ cúng và cầu phúc mê tín của Đạo giáo. Tại các cung quán, những nơi thờ cúng của Đạo giáo, như cung Thiên Trường tỉnh Nam Định, quán Linh Tiên tỉnh Hà Tây, quán Trấn Vũ, đền Ngọc Sơn, Hà Nội, thường có những bản kinh của Đạo giáo… để đọc giảng cho thiện nam, tín nữ nghe. Từ khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, lại có những vị nhà nho bất đắc chí, hoặc về quê mở trường dạy học, hoặc lập thiện đàn để mong mượn thiện đàn mà bảo vệ cương thường”.

Hình thức lập một thiện đàn như thế nào?

Không gian thường được chọn là ngôi chùa (Đạo giáo) hoặc nhà của một ông đồ (kinh Đạo Nam). Cách bài trí thế nào? Theo cụ Đào, cơ bản là giống nhau, khác nhau không mấy. Cụ dẫn ví dụ cách bài trí của một thiện đàn ở Thái Nguyên được ghi trong bộ kinh Thiên thu kim giám: “Văn Xương đế quân chỉ thị cách bày đàn: Phía trên hết chính giữa đặt tôn vị Ngọc Hoàng. Ngoài cửa cấm môn đặt hương án các vị thần ở điện Thống Minh và các vị Tam cung phối theo. Bên tả ở trên ban thờ Trần Vương (Hưng Đạo), Đổng Vương (Phù Đổng Thiên vương), ban giữa thờ Tản Viên thần, Lý Tôn thần (Lý Phục Man); ban dưới thờ Nhị thập bát tú. Bên dưới ở ban trên thờ Dao Trì Vương mẫu; ban giữa thờ Quan Âm bồ tát và Văn Hương thánh mẫu (Liễu Hạnh); ban dưới thờ các công chúa (các nữ thần phụ theo thánh mẫu) nước Nam phối theo.

Ngoài sân bày một hương án để thờ các thần trung nghĩa âm dương. Bút để ghi lại những lời giáng là bút nào? Theo bản kinh trên, “kê bút thì dùng một cành đào mọc ở phương Đông, dài 3 thước, chu vi 3 tấc, lấy đầu ba vuông sô vàng bọc lại, trên xuyên một lỗ lấy tơ ngũ sắc xâu qua cho hai đầu hai bên, mỗi bên tả hữu cho một tiểu đồng cầm đầu dây. Ở dưới bút đặt cái long kỷ cao 3 thước, trên kỷ đặt bàn gỗ đào bọc vải đỏ, duy trước mặt chừa một lỗ nhỏ. Quan Thánh đế cầm thanh long đao đứng hầu bên kê để nhận chữ”. Chữ được viết vào đâu? Xin thưa, chữ được viết trên gạo hay trên cát. Gạo hoặc cát đổ trên mặt bàn gỗ đào. Ngoài ra còn có Văn, Lã nhị đế đứng hầu hai bên tả, hữu. Hai vị này có nhiệm vụ tâu lên Ngọc Hoàng phê sắc cho các vị thần, tiên giáng kinh. Thời gian lập thiện đàn khi nào thích hợp nhất? Cụ Đào dẫn lời một ông chủ thiện đàn ở Nam Định, thì các tiên thánh thường giáng bút vào những đêm thanh vắng, khoảng tháng 9 và tháng 10 âm lịch.

Hình thức trên của thiện đàn mang tính tôn giáo hay mê tín? Cụ Đào đặt nghi vấn: các vị tiên thánh giáng bút thì hoặc là thiên thần, tức là các thần do óc mê tín và trí tưởng tượng của nhân dân Việt Nam tạo nên, hoặc là những danh nhân đời xưa do nhân dân thờ kính tôn làm thần, do đó có thể khẳng định rằng chuyện giáng bút là chuyện hoang đường. Hoặc có phải các nhà nho yêu nước đã lợi dụng một cách có ý thức hoạt động tôn giáo để che đậy ý đồ của mình, tức là ngụy trang hoạt động chính trị thành hoạt động tôn giáo để che mắt kẻ thù?

Song  cụ khẳng định ngay: “Nhưng xét thực tế thì cả hai trường hợp ấy đều có thể loại trừ. Thứ nhất, xét trong thực tế không có người nào, trong điều kiện bình thường lại có thể tức tịch ứng bút thành thơ, mà có những câu hay những bài có thể đặt vào loại văn rất hay được. Nếu quả có người làm được như thế thì người đó cũng là “tiên” là “thánh” rồi” – nhưng tiên thánh thực tế làm gì có! Như thế là trường hợp thứ hai có thể loại trừ. Nếu là thơ ca làm sẵn thì lại có một điều khó hiểu là xét nội dung các bài có nhiều khi thấy rằng thực tế trong số những người tham gia thiện đàn không ai là có thể có những kiến thức và tư tưởng cùng là văn khí như ở trong thơ ca ấy”.

Và người cầm bút có cảm giác gì khi ghi những lời của tiên của thánh? Cụ Đào dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Tỉnh – người chép Kinh Đạo Nam. Ông Tỉnh là người có trình độ Hán học loại trung bình. Ông từng bị giặc Pháp bắt đi tù ở Côn Lôn và Sơn La. Ông Tỉnh kể, khi cầm kê ông vẫn tỉnh táo và vẫn biết những việc xảy ra xung quanh, duy khi đọc văn cầu nhịp điệu du dương và ngửi mùi hương trầm bát ngát thì đầu có hơi choáng như uống một chén rượu và cảm thấy có cái gì cứ đưa tay mình ở trên mâm cát chứ tự mình không biết chữ gì. Song khi nghe đọc chữ gì mà mình biết là không đúng thì cái tay tự nhiên cũng có cái gì không tự chủ được cứ đưa kê gạch ngang gạch dọc mà sổ đi, đến khi nào đọc đúng chữ thì mới khuyên để nhận là đúng.

Cuối bài, cụ Đào Duy Anh kết luận: “Tôi nghĩ đây không phải là một hiện tượng thần bí gì, chỉ là một hiện tượng tự nhiên mà khoa học chân chính tức khoa học trên cơ sở duy vật chưa giải thích hay xem là đối tượng nghiên cứu… Tôi không thể cắt nghĩa được, cứ xin ghi lại một cách khách quan để chờ khoa học khám phá sau này”.

Bộ Kinh Đạo Nam đầu tiên được khắc ván in ngay tại thiện đàn Nam Định vào năm 1923. Bản kinh này gồm một trăm tờ chia làm hai tập Càn và Khôn. Tập Càn nhằm khuyên sĩ nông công thương, tập Khôn nhằm khuyên phụ nữ về tam tòng tứ đức, bài nào cũng thấm thía một tinh thần ái quốc dạt dào. Sinh thời, cụ Đào Duy Anh rất muốn dịch ra chữ quốc ngữ nhưng không đủ thời gian. Năm 1982, trong một lần công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ đã trao cuốn kinh này cho một học trò của cụ là bà Nguyễn Thị Thanh Xuân. Bà là người có thiên hướng về thơ văn Hán Nôm. Cụ Đào dặn bà: “Từ lâu tôi đã có ý định phiên dịch và cho in quyển này. Đây là hiện tượng lịch sử và văn hóa rất đáng được nghiên cứu nhưng vì nhiều lẽ tôi chưa làm được, nên tôi đã giành một chương trong cuốn hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm” để khảo sơ cuốn sách. Nếu có điều kiện, cô nên phiên âm và cho in để giữ lại một vốn quý về văn hóa cho mai sau”.

Nhận cuốn sách từ thầy, suốt hai mươi năm, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân tâm niệm quyết hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng mà người thày đã trao. Bà một mình  lặng thầm làm công việc vất vả, khó khăn. Gặp những chữ khó, câu khó, bà nhờ những đồng nghiệp góp ý. Kết quả là, đến năm 2005, khi bà sang tuổi bảy mươi, cuốn Kinh Đạo Nam đã được bà phiên âm và chú giải đầy đủ. Hai năm sau, NXB Lao động cho ấn hành với lời giới thiệu trang trọng: “Tập Kinh này còn mang một giá trị nhân văn khác nữa, đó là giá trị của sự tiếp nối nguồn mạch học thuật, điều mà người xưa gọi là học phong, là sự truyền thừa”.

Nội dung Kinh Đạo Nam vô cùng phong phú. Ngay ở chương thứ nhất có tên “Mở rộng học vấn”‘ do Thượng Ngàn  công chúa giáng thơ có  “Bài ca khuyên con đọc sách”: “Học hành con phải gia công / Thi thư nối dõi nên dòng nho gia / Nước non theo kịp người ta / Sao không hổ tiếng mẹ cha sinh thành… / Đừng theo những giống vô loài / Ăn chơi lêu lổng dông dài ngao du / Học không gắng bỏ công phu / Gặp chăng hay chớ biết lo sợ gì !/ Trí khôn ngày một kém đi / Chịu thân nô lệ ngu si một đời“. Đây là “Bài ca thày dạy, trò học”: “Các anh tuổi trẻ đầu xanh / Ơn cha nhờ mẹ học hành phải chuyên / Không thày hồ dễ làm nên / Học thày thôi chớ vội quên ơn thày…/ Đừng theo những thói ở đời / Học thông chữ khế, tờ bồi làm vinh / Chớ theo chi thói đua tranh / Văn bằng thi đậu, tìm vành kiếm đo / Học là sự nghiệp rất to /Mở mang tâm trí, rèn cho tinh thần / Trước là học để minh luân / Sau là trí chúa trạch dân còn nhiều”- nghĩa là hết sức phục vụ chúa, đem ơn trạch cho dân.

Ở chương thứ tư có tên “Tiết kiệm tiền của” ghi lời Đào  Hoa Thị nữ phụng giáng thơ: “Nhà có của cũng đừng cạy của / Mà ăn chơi nên bộ phong lưu…/ Mình dẫu sướng chắc nào đã sướng / Mà ngựa xe ra dạng hào hoa / Có hai lại muốn tiêu ba / Mang công mắc nợ rồi ra thế nào?”. Trong chương này còn có những bài  khuyên người đời cấm đánh bạc, cấm tranh tụng, cấm hút thuốc phiện, cấm uống rượu, cấm ham sắc v.v… Chương thứ năm có tên “Sửa đổi hủ tục”, trong đó có thơ giáng của Hồng Nương Thị Nữ và Quan Âm Phật Tổ. Đặc biệt, hình thức những bài thơ này thường là những điệu hát ru. Những chương tiếp theo mang những tên như “Mở rộng giao thiệp”, “Họp đoàn thể”, “Trọng giống nòi”, “Ái quốc”…

Chúng ta thử hình dung, những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị đàn áp, phong trào Duy Tân thất bại, những tiếng nói yêu nước bị cấm đoán, các nhà thơ yêu nước như Tản Đà phải mượn câu chuyện ẩn dụ để viết “Thề non nước”; ông Á Nam Trần Tuấn Khải viết “Hai chữ nước nhà”, thác lời Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt, dặn Nguyễn Trãi những lời gan ruột ở biên giới, thì những lời thánh thi đáng giá biết bao. Đó là những lời khích lệ lòng yêu nước và sống cho trọn đạo làm người.

Theo ĐÀO TUẤN / AN NINH THẾ GIỚI 

Tags: ,