Kiến trúc đô thị Hà Nội: Bao giờ cho hết nhếch nhác, xộc xệch?

Lộn xộn, tùy tiện xây dựng nhà ở đô thị theo kiểu “mạnh ai nấy làm”; những căn nhà có hình thù kỳ dị, mỏng, méo xuất hiện sau những tuyến đường, cây cầu mới mở; chung cư cao tầng mọc lên như nấm, băm nát quy hoạch các tuyến phố; tình trạng ôm đất vàng xây chung cư rồi bỏ hoang và các khu đô thị mới nhanh chóng xuống cấp… là những hình ảnh đang khiến kiến trúc đô thị Hà Nội xộc xệch tại các quận nội đô.

Kiến trúc đô thị Hà Nội, bao giờ cho hết nhếch nhác, xộc xệch?

Thực tế này là hậu quả của sự quy hoạch thiếu đồng bộ lâu nay và đã đến lúc TP Hà Nội, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cần họp bàn thống nhất phương án chỉnh trang đô thị xứng tầm.

Sự manh mún, lộn xộn trong xây dựng nhà ở trên các tuyến đường dân cư tại hầu hết các quận nội đô Hà Nội, là một trong những nguyên nhân chính làm xấu bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị Thủ đô. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở khu vực các nhà ở riêng lẻ thấp tầng; khu vực làng xóm trước đây, giờ đô thị hóa; nhà chung cư cũ bị cơi nới… Đặc biệt là tại các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2 được xây mới, mở rộng qua khu dân cư đã ở ổn định cho thấy kiến trúc thiếu thẩm mỹ khi những ngôi nhà mỏng, méo, hình thù kỳ dị đua nhau mọc lên…

Qua tìm hiểu được biết, việc lập các đồ án thiết kế đô thị, chỉnh trang tuyến phố của Hà Nội đang thiếu và chậm, chưa đáp ứng kịp, dẫn đến công tác cấp phép xây dựng thiếu cơ sở để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các yêu cầu cụ thể về lập quy hoạch, thiết kế đô thị ngay cả trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn vẫn còn thiếu quy trình đánh giá mặt đứng các tuyến phố hiện trạng, làm cơ sở phát triển lành mạnh cho những kiến trúc mới cải tạo hoặc xây mới, dẫn đến các công trình xây dựng đơn lẻ thiếu tính tổng thể, manh mún. Thêm vào đó, hiện trạng các căn nhà phố lộn xộn không hẳn do việc xây dựng, cơi nới trái phép, công tác quản lý trật tự xây dựng lỏng lẻo tạo ra, mà còn do công tác cấp phép xây dựng thiếu định hướng hoặc không có quy định mang tính tổng thể.

Theo TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, để giải quyết tận gốc vấn đề lộn xộn kiến trúc đô thị trên, cần phải có sự kết hợp giữa các ngành quy hoạch, để tạo ra một kế hoạch hành động cụ thể cho từng ngành… Khi một tuyến đường có đồ án thiết kế đô thị chi tiết và quy định quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan sẽ tác động đến việc cấp phép xây dựng. Đặc biệt, khi giải phóng mặt bằng, ngoài giải phóng trong ranh giới tuyến đường, nên giải phóng cả không gian hai bên tuyến đường để đảm bảo xây dựng.

Hà Nội đang đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025”. Một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chương trình đang được 12 quận tập trung triển khai là cải tạo, chỉnh trang hè, đường phố, với 180 tuyến đường. Do vậy, để có cơ sở thực hiện, các tuyến phố sau khi chỉnh trang thực sự khang trang, có điểm nhấn về kiến trúc, những vướng mắc về công tác thiết kế đô thị hoặc thiết kế chỉnh trang các tuyến phố cần được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm tháo gỡ.

Nhiều kiến trúc sư, nhà quy hoạch đưa ra đề xuất, trước tiên cần tổ chức lập kế hoạch rà soát hiện trạng công trình tại các khu vực giới hạn, đoạn tuyến, tuyến phố theo địa bàn từng quận, lập và phê duyệt thiết kế chỉnh trang các khu vực, mặt đứng các tuyến phố cần ưu tiên; đồng thời, sớm ban hành “Quy chế kiến trúc đô thị” đến từng tuyến phố, kể cả phố mới, để bảo đảm không thay đổi hiện trạng đã xây dựng theo quy hoạch chi tiết, các dự án cải tạo, tái thiết, các khu ở xen cấy trong ranh giới đô thị đã hoàn thành và kiên quyết dẹp bỏ các không gian cơi nới của các hộ cố tình vi phạm quy định hiện hành về quản lý đô thị.

Theo BÁO CÔNG LÝ

Tags: , ,